11.10.20

Mầm mống của những bất bình đẳng

 MẦM MỐNG CỦA NHỮNG BẤT BÌNH ĐẲNG

Về cuốn sách Tuổi thơ ấu ở các giai cấp. Về những bất bình đẳng giữa các đứa trẻ của Bernard Lahire, NXB Seuil

Georges Felouzis[1] & Barbara Fouquet-Chauprade[2]

Sự nghèo khổ và những bất bình đẳng xã hội quan trọng nhất trong tương lai được xây dựng ngay từ bây giờ trong những lề thói của các đứa trẻ nhất. Nói, ăn, tự hoà đồng trong xã hội, tự chăm sóc, tắm, mặc áo quần, vâng lời, học hỏi: tương lai xã hội của chúng được sắp xếp từ những thói quen nhỏ nhặt nhất.

Bernard Lahire (1963-)

Trong tác phẩm quan trọng này do sự sâu rộng của những câu hỏi cũng như bề dày của cuốn sách (1230 trang), Bernard Lahire và những đồng nghiệp của ông đặt ra một câu hỏi trung tâm cho xã hội học và mang tính sáng lập cho các xã hội dân chủ đương đại của chúng ta: câu hỏi về những nguồn gốc xã hội và gia đình của những sự bất bình đẳng. Tính độc đáo, thích đáng và tính thời sự của nó nằm trong nội dung của câu hỏi được đặt và trong quy mô của bộ phương pháp thực nghiệm của nó. Chống lại một xã hội học dựa trên những điều mang tính đại cương, thường thỏa mãn với sự lặp đi lặp lại của cùng một điều, và chống lại những sự lệch lạc của các cách tiếp cận theo thuyết chủ quan tóm gọn vấn đề bất bình đẳng trong sự cảm nhận của các tác nhân về sự bất bình đẳng, công trình nghiên cứu do Bernard Lahire làm chủ biên thuộc về xu hướng của xã hội học phê phán, thực nghiệm mà mục tiêu là vạch trần những tiến trình thông qua đó những điều kiện sống và sự xã hội hóa của gia đình là nguyên lý của các bất bình đẳng ngay từ những tiền đề của tiến trình học tập. Để thực hiện việc này, nó được thực hiện trong cái khung của một khoa học luận mà ta có thể gọi là “cổ điển”, khi nêu bật ngay từ đề từ của những chương đầu Émile Durkheim, Charles Darwin, Pierre Bourdieu và Jean-Claude Passeron, Auguste Comte, trong viễn tưởng sản xuất ra một khoa học về các sự kiện xã hội (trang 46). Vì “các nhà xã hội học không phải là những nhà tư tưởng mà là những người sản xuất ra những sự thật về thế giới xã hội, trong đó có những sự thật về những bất bình đẳng và những sự thống trị” (trang 49).

Cung cấp tư liệu về những bất bình đẳng giữa các trẻ em

Để thực hiên việc này, cuốn sách đã triển khai một công trình nghiên cứu quy mô lớn do Bernard Lahire làm chủ biên và được 17 nhà xã hội học thực hiện trong vòng bốn năm trong khuôn khổ của dự án của cơ quan ANR (Agence Nationale de la Recherche) “Tuổi thơ ấu ở các giai cấp và các giới: quá trình xã hội hóa đầu tiên dưới nhiều ràng buộc của những trẻ em 5-6 tuổi/ Enfances de classe et de genre: primes socialisations sous contraintes multiples d’enfants âgés de 5-6 ans”. Về mặt thực nghiệm, 35 trẻ em từ 5 đến 6 tuổi đã được khảo sát trong cuộc điều tra, điều đã dẫn đến sự tập hợp của:

175 cuộc phỏng vấn sâu được thực hiện đối với các bậc cha mẹ (3 cuộc phỏng vấn cho mỗi gia đình), một người quan trọng trong những người thân cận - vú nuôi, bà nội (hay ngoại), v.v. - có một vai trò quan trọng trong sự xã hội hóa của trẻ em (một cuộc phỏng vấn) và giáo viên trường mẫu giáo (một cuộc phỏng vấn), cũng như (…) những quan sát dân tộc học được thực hiện đặc biệt tại trường (ở lớp học và ở sân chơi) và cả ở nhà của đứa trẻ, và cuối cùng, nhưng không phải là ít quan trọng nhất, những bài tập về ngôn ngữ đã được đề nghị cho các trẻ em nhằm khách quan hóa tính phong phú của từ vựng của các em, sự làm chủ ngữ pháp của chúng và khả năng của chúng để diễn tả rõ ràng những sự kiện nối tiếp nhau (trang 15).

Được trang bị với bộ phương pháp nghiên cứu thực nghiệm này được mô tả chi tiết trong chương 3, các tác giả dẫn người đọc vào thế giới gia đình và xã hội của 35 đứa trẻ này để hiểu được cả sức mạnh của tiến trình xã hội hóa gia đình, các hệ quả của nó trên những tập tính và các mối tương quan với s phận của chúng trên con đường học vấn. Tóm lại để hiểu được sự thống trị xã hội được ghi nhận trong các cơ thể, các số phận, các tham vọng, các sự ham muốn.

Để làm được việc này, dàn bài của cuốn sách cung cấp nhiều phối cảnh đa dạng. Lý thuyết và mang tính chương trình trong phần I, công trình cung cấp một toàn cảnh rộng lớn về đời sống của các trẻ em vào những năm 2020 trong phần II. Những mô tả dân tộc học rất chặt chẽ do tính hệ thống của những quan sát và rất lý thú từ các sự tương phản được trình bày cho các độc giả. Trong khi Libertad, một bé gái gốc Rom mà cha mẹ mơ ước sẽ trở thành ca sĩ, có một cuộc sống bị đánh dấu bởi những lần di chuyển và những lần bị trục xuất, Annabelle lớn lên trong một gia đình trung lưu với bà mẹ và bà ngoại kiểm soát một cách tỉ mỉ những trò chơi được bé tải về trên máy tính bảng của mình. Mathis thì sống trong một căn nhà lớn rộng 200 thước vuông ”ở một vùng ngọai ô gồm những nhà rất sang trọng ở phía Tây Paris” (trang 792).

Xưởng đào tạo xã hội các trẻ em

Toàn cảnh xã hội Pháp nhìn từ các trẻ em cung cấp một hình ảnh sng động, hiện thân, mới mẻ về sự phân tầng xã hội ở Pháp. Nó vượt hẳn các mô tả đơn giản của những sự ghi nhận về những bất bình đẳng vốn cu trúc hóa - và làm rạn nứt - xã hội Pháp để dẫn đến một hiện thân sống động về những bất bình đẳng này trong sự bạo lực của chúng, về những hậu quả, sự bất công của chúng, nhưng không bao giờ rơi vào khuynh hướng tả khổ. Phần III cung cấp một cách đọc theo chiều ngang về 35 trường hợp được nghiên cứu với mục tiêu là cho thấy cái “xưởng đào tạo xã hội các trẻ em”. Công trình đề cập đến điều kiện cư trú, việc làm, cách sử dụng tiền bạc, trường học, mối quan hệ với quyền lực, ngôn ngữ, các thú giải trí, v.v. với ý đồ là cho thấy các tính cá biệt được xây dựng trong những thế giới xã hội khác biệt và được tổ chức theo thứ bậc. Như vậy nó mở đường cho một sự hiểu biết tinh tế về những cơ chế xây dựng khác biệt nhau các tính cá nhân trong không gian xã hội. Các chương này, cũng như toàn bộ công trình, được tư duy và soạn thảo với tài năng. Nó giúp đc giả hiểu được sự phân tầng xã hội xây dựng các cơ thể và các tâm trí thông qua những tiến trình phức tạp về sự xã hội hóa các trẻ em như thế nào, sự phân tầng này được sáp nhập như thế nào, vị trí của mỗi người được ghi nhận trong không gian và thời gian, và cả trong cơ thể, thông qua những tiến trình vi mô hàng ngày như thế nào. Chẳng hạn Valentine, lớn lên trong thành phần tư sản ở Paris, có học về nghệ thuật nhảy múa, “nhưng để giữ một cái tư thế đúng đắn chứ không phải để giải trí” như các tác giả nói rõ …. “Có một thế đi đứng ngay thẳng là một cách để tương ứng với ý tưởng mà thành phần trưởng giả có về cơ thể, tức là phải quan tâm đến cái tư thế” (trang 890).

Trong khuôn khổ của bài điểm sách này, chúng tôi không thể kể chi tiết nội dung của tất cả các chương. Để lấy một thí dụ, chương đầu của phần III, “Cư trú một nơi nào đó: cái nền không gian của những bất bình đẳng” do F. Giraud, J. Bertrand, M. Court S. Nicaise (trang 933 đến 952) soạn thảo, cho thấy không gian của chỗ ở định hình cá nhân, sự tự trọng, “giá trị” của bản thân dưới con mắt của những người khác và của chính mình. Sự kiến tạo cá nhân về mặt xã hội do không gian quy định xuất hiện trong sự bạo lực của nó qua sự so sánh các số phận xã hội giữa một Isham buộc phải ngủ trong xe của bà mẹ và một Mathis thường đi ngh hè ở căn nhà villa của ông nội ở đảo Maurice. Người ta có thể bắt bẻ rằng những bắt bình đẳng này được mọi người biết từ lâu. Đúng vậy. Nhưng sự phân tích vượt xa sự ghi nhận này để cho thấy những hệ quả trên các cá nhân, lối sống, tâm trí, tâm hn, số mệnh của họ. Ở đây, việc làm của nhà xã hội học không chỉ là tố cáo (sự bất bình đẳng), mà chủ yếu là cố gắng hiểu những hệ quả của những bất bình đẳng trên sự kiến tạo các cá nhân, tâm lý, cái bề ngoài, hình tượng mà họ có về chính bản thân. Các chương khác đều có một chất lượng tương đương: chúng soi sáng toàn bộ xã hội Pháp qua việc nghiên cứu xã hội học về tuổi trẻ cho thấy những cơ chế của sự truyền tải xã hội không chỉ của các tập tính và các bất bình đẳng mà còn của sự thống trị.

Basil Bernstein (1924-2000)

Các chương 6 và 7 của phần này khảo sát, trong dòng tư tưởng của các công trình nghiên cứu của nhà xã hội học Anh Basil Bernstein (1975), việc xây dựng các khả năng về ngôn ngữ ngay trong gia đình. Ta biết rằng những khả năng này có những mối liên hệ rất mật thiết với hành trình học vấn của các trẻ (Lahire, 1933). Hai chương này được M. Woollven, O. Vanhée, G. Henri-Panabière, F. Renard B. Lahire cùng soạn thảo. Họ cho thấy các phương thức truyền tải các khả năng này qua những sự tương tác vi mô trong gia đình: buổi đọc sách vào buổi tối cho các đứa trẻ, hệ thống thứ bậc về các loại văn học được cha mẹ biểu hiện một cách công khai hay ngầm, sự đánh giá ít nhiều được nhấn mạnh về phát biểu của đứa con trong không gian gia đình, sự gần gũi khác nhau với các ngôn ngữ nước ngoài và sự đánh giá ngoại ngữ. Đó là bấy nhiêu thực tiễn “không làm cho sự hình thành một quan hệ phản tư đối với ngôn ngữ và với cấu trúc của khả năng thuật chuyện được thuận lợi ở cùng một mức độ” (trang 1037 và 1038). Cách tiếp cận còn rõ ràng hơn nữa khi tìm hiểu mối quan hệ phản tư với ngôn ngữ được triển khai như thế nào trong các tương tác giữa cha mẹ và con cái và theo một cách tương phản tùy vào vốn văn hóa của gia đình: việc dành ưu tiên - hay không - cho lời nói để điều tiết các xung đột, việc sử dụng một cách khác biệt tính hài hước và các trò chơi chữ là sự rèn luyện tính phản tư này.

“Những thực tiễn của gia đình về tính hài hước và các trò chơi chữ là một nguồn lực được phân phối một cách không đồng đều. Điều này giúp phần nào các trẻ em làm quen sớm với những đặc tính và những khả năng của ngôn ngữ và ưa thích chúng, trong một bối cảnh tình cảm chứ không phải là một bối cảnh của sự lặp đi lặp lại mang tính sư phạm và sự đánh giá trong lớp học” (trang 1049).

Annette Lareau

Hugues Draelants

Những kết quả này khiến ta nghĩ đến những kết quả mà Annette Lareau (2011) đạt được cho thấy rằng, trong bối cảnh của Mỹ, ngôn ngữ hoàn toàn đóng góp vào tiến trình xã hội hóa các trẻ em như thế nào. Các gia đình được ưu đãi sử dụng ngôn ngữ như là một mục tiêu tự nó và cho nó trong khi các giới bình dân thì dùng nó một cách thực dụng hơn. Những thực tiễn này tạo ra rất sớm nơi các trẻ nhỏ sự nội tâm hóa vị trí xã hội của chúng và tính chính đáng của nó.

Nói cho cùng, như mọi công trình có tầm cỡ giải thể trật tự của sự vật, Tuổi thơ ở các giai cấp khuyến khích sự suy nghĩ về các thể chế xã hội - gia đình, trường học, ngôn ngữ, v.v. - và xã hội Pháp nói chung. Nó cho thấy rằng ta không sinh ra đã là kẻ thống trị hay người bị trị. Ta trở thành người này hay kẻ kia. Công trình cho thấy, chứng minh và phân tích một cách tỉ mỉ những cơ chế của tiến trình này. Nhưng sự đóng góp của nó vượt xa điều này. Khi đọc về các bối cảnh gia đình được mô tả một cách tỉ mỉ trong 35 trường hợp được nghiên cứu, khi đọc các phân tích xuyên ngang xuất phát từ đó, khi đọc các kết luận được rút ra từ đó, độc giả bị lôi cuốn vào xu hướng phản tư về chính mình, về thời thơ ấu của mình và về cuộc sống của mình như là cha mẹ, về chỗ đứng của mình trong xã hội và tóm lại về trách nhiệm của mình.

Đây là một phẩm chất hiếm có đối với một công trình nghiên cứu xã hội hc.

Nhà nước, tự do, xã hội học

Georges Felouzis

Barbara Fouquet-Chauprade

Kết luận của công trình đề cập đến một suy nghĩ tổng quát hơn về các xã hội con người và về sự tích lũy văn hóa và vật chất vốn xác định loại người. Một khi mà sự thừa kế tồn tại, một khi mà các bậc cha mẹ không bình đẳng dạy dỗ các đứa con của mình, sự tái sản xuất các bất bình đẳng chỉ có thể xảy ra mà thôi. Trong những điều kiện như vậy, làm sao đấu tranh chống lại một hiện tượng bám rễ một cách sâu sắc vào những gì làm nên chúng ta với tư cách là con người? Được đặt ra theo cách này, vấn đề có vẻ như là không thể giải quyết được. Tuy nhiên tác giả vạch ra hai hướng. Trước hết ông chủ trương một sự can thiệp rộng lớn hơn của Nhà nước vì “mỗi lần mà Nhà nước lùi bước trong những lãnh vực liên quan đến gia đình (…) thì các bất bình đẳng sẽ bị đào sâu giữa các giai cấp và những chân trời bị khép lại” (trang 1179). Hướng thứ hai liên quan đến chính xã hội học. Nếu bộ môn này “được phổ biến một cách rất rộng rãi, nó sẽ giúp cho tất cả các thành viên của một xã hội thấy được các khung tổng quát trong đó họ được lồng vào” (trang 1175). Những hướng này rất đáng chú ý, chủ yếu là thông qua những cuộc tranh cãi tiềm tàng mà chúng nêu lên. Trước hết là không chắc rằng Nhà nước luôn luôn là cái bảo đảm cho một sự bình đẳng hoàn hảo và toàn diện. Hoạt động của nó cũng có thể mang tính chuẩn hóa và phân biệt, như các công trình về việc không trông chờ vào các chính sách xã hội cho thấy chẳng hạn (Warin, 2016). Sau nữa về sự phổ biến của xã hội học và khả năng của nó để soi sáng các công dân, thì chí ít là cũng phải có sự tồn tại của (một) XÃ HỘI HỌC, điều mà chúng ta có thể bàn cãi khi thấy sự phân tán tri thức của nó. Sau cùng, như là tiếng vọng của sự ghi chú của Hugues Draelants trên trang mạng này vào năm 2019, chúng ta có thể tưởng tượng rằng một suy nghĩ sâu sắc hơn về các chính sách giáo dục, việc thiết kế và triển khai các chính sách này, có thể cung cấp các chìa khóa để giảm bớt các bất bình đẳng trong trường học tất nhiên, và cả trong toàn bộ xã hội.

Chúng ta chỉ có thể ủng hộ các tác giả trong nguyện vọng được đưa ra vào đoạn cuối của kết luận: “Hy vọng cuốn sách này có thể đóng góp vào việc trật tự của sự vật được nhận diện, bị tranh cãi và bị cản trở” (trang 1179).

Để tìm hiểu thêm:


• Basil Bernstein, Langage et classes sociales. Codes socio-linguistiques et contrôle social, Paris, Éditions de Minuit, 1975.

• Hugues Draelants, Les nouvelles frontières de la sociologie de l’éducation, La Vie des Idées, Octobre 2019.

• Bernard Lahire, Culture écrite et inégalités scolaires. Sociologie de l’ échec scolaire” à l’école primaire, Lyon, PUL, 1993 (2000).

• Annette Lareau, Unequal Childhoods. Class, Race and Family Life, With an Update a Decade Later, University of California press.

• Philippe Warin, Le non-recours aux politiques sociales, Grenoble, PUG, 2016.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:L’inégalité en germes”, La vie des idées, 24.4.2020



[1] Georges Felouzis là nhà sáng lập và là cựu chủ tịch của Mạng Nghiên Cứu Đại Học (2001-2007). Ông hiện là giáo sư xã hội học tại trường đại học Genève.

[2] Barbara Fouquet-Chauprade là nhà xã hội học chuyên về giáo dục. Bà là giáo sư và nhà nghiên cứu chính ở khoa Tâm lý và các khoa học về giáo dục ở trường đại học Genève.

Print Friendly and PDF