Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo

Việt Hưng - 11:53, 08/01/2020

TheLEADERHiện nay 4 trong 5 mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là của doanh nghiệp nước ngoài, dù người Việt Nam đã tạo ra hàng trăm mạng xã hội khác nhau, nhưng khả năng cạnh tranh với người khổng lồ Facebook, Google là điều gần như không thể.

Minh Nguyệt (33 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, ngoài thời gian làm việc ở công ty, cô thường xuyên kinh doanh mặt hàng thời trang trên mạng xã hội Facebook, cũng như các sàn TMĐT Tiki, Shopee. Nhưng chủ yếu chi phí quảng cáo, bán hàng và doanh thu tới từ Facebook.

Với Nguyệt, mạng xã hội không đơn thuần là kết nối cùng bạn bè, người thân, mà còn đóng góp một phần quan trọng cho công việc kinh doanh của mình. Tất nhiên, trường hợp của Nguyệt không phải hiếm gặp. Ngay tới các nhãn hàng lớn cũng cần đến Facebook và các mạng xã hội liên quan để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, quảng bá.

Theo nghiên cứu của Vinasearch, Facebook hiện là mạng xã hội có mức độ nhận diện tốt và phổ biến nhất Việt Nam. Theo sau lần lượt là những cái tên quen thuộc như: Zalo, Youtube, Instagram và Twitter. Bốn trên năm mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là của nước ngoài.

Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo
5 mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam, theo Vinasearch

Trong khi xu hướng mua sắm, bán hàng online thông qua các mạng xã hội hiện nay đang tăng mạnh, sẽ dễ hiểu khi chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến cho các ông lớn như Facebook chiếm phần nhiều thị trường này.

Cụ thể, theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, mạng quảng cáo trực tuyến trong nước chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng các mạng xã hội như Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018.

Cũng theo dự đoán của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng nhưng rất ít và ngày càng lép vế so với hai ông lớn này.

Chẳng hạn năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước đạt khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.

Điều này hoàn toàn trái ngược so với thời điểm năm 2010, khi Facebook chỉ vừa xuất hiện tại Việt Nam thì quảng cáo trực tuyến chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước với 81% thị phần trong thị trường 26 triệu USD. Google lúc đó chiếm 19% và Facebook gần như không đáng kể.

Sau khoảng 10 năm, tăng trưởng doanh thu của các mạng xã hội như Facebook tăng lên chóng mặt. Mặc dù người Việt Nam đã tạo ra hàng trăm mạng xã hội khác nhau, nhưng khả năng cạnh tranh với người khổng lồ Facebook là gần như không thể.

Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo 1
Việt Nam hiện đã cấp phép hoạt động cho hơn 400 ứng dụng mạng xã hội

Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động là 455 ứng dụng. Chỉ tính riêng mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép, hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt, đi vào hoạt động.

Cuộc đua giành thị phần mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng trở lên khốc liệt vì nhà đầu tư nào cũng muốn mình nổi bật nhất, ấn tượng nhất với người tiêu dùng. Nhiều mạng xã hội được giới chuyên môn đánh giá cao, được đầu tư với mức giá khá "khủng".

Ngày 23/07/2019, mạng xã hội Gapo ra mắt, nhận cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ quỹ đầu tư mạo hiểm G-Capital lập tức vươn lên vị trí số dẫn đầu về lượt tải trên App Store và Google Play. Thời gian đầu, mạng xã hội này không tránh khỏi tình trạng truy cập khó khăn, lỗi hiển thị, tải ảnh chậm. Tuy nhiên, đứng lên từ những vấp váp ban đầu, Gapo ngày càng cho thấy sự ổn định, các lỗi được khắc phục, tính năng được nâng cấp.

Tháng 9/2019, Gapo có 2 triệu người dùng. Đến tháng 12/2019, Gapo đạt 3 triệu người dùng. Con số này chưa phải là lớn so với tiềm năng vài chục triệu người đang dùng mạng xã hội ở Việt Nam, nhưng phần nào cho thấy thành quả bước đầu của một startup công nghệ, chứng thực về tính khả thi, độ hấp dẫn của Gapo với người dùng trong nước.

Trong số 3 triệu người đang kết nối trên Gapo, CEO Hà Trung Kiên cho biết, hơn một nửa là người dùng trẻ, đây cũng là đối tượng mục tiêu của Gapo ở giai đoạn hiện tại.

"Người trẻ thích cái mới, cũng là nhóm dễ thay đổi và có tính chọn lọc cao, vì vậy chỉ cần chinh phục được người trẻ, giữ chân được người trẻ dùng mạng xã hội Gapo, chúng tôi có tự tin tiếp tục kế hoạch chinh phục những nhóm đối tượng tiếp theo", ông Kiên chia sẻ.

Không lâu sau đó, mạng xã hội Lotus được VCCorp ra mắt chính vào ngày 16/9 và bắt đầu chạy bản thử nghiệm. Nhà phát triển tuyên bố đầu tư 1.200 tỷ đồng để theo đuổi dự án này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các chỉ số về Lotus vẫn chưa một lần được công bố khiến nhiều người đặt dấu hỏi về mạng xã hội này.

Mặt trận thật trên mạng xã hội ảo 2
Tổng quan về mạng xã hội Việt Nam, theo We Are Social

Trong bối cảnh người Việt ngày càng chuộng mạng xã hội - số liệu từ We Are Social chỉ ra, hơn 60 triệu người Việt Nam đã có tài khoản mạng xã hội, thì dư địa dành cho các sản phẩm "nội" như Gapo hay Lotus vẫn rất sáng cửa.

Có chăng, bản thân các mạng xã hội này cần tìm ra các hướng đi chuyên biệt, nói cách khác là thị trường ngách để sống chung với Facebook, Google. Bởi để làm ra một sản phẩm nhằm thay thế hay cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn này ở hiện tại là điều không thể, xét cả về nguồn lực tài chính, cũng như công nghệ.

Thực tế Facebook tạo ra được cộng đồng lớn, nhưng để có những cộng đồng chuyên sâu ở một lĩnh vực lại không phải là một thế mạnh của mạng xã hội này. Chính vì thế các doanh nghiệp Việt có thể đi theo hướng phát triển những mạng xã hội theo lĩnh vực riêng như du lịch, ăn uống, sức khoẻ hay giải trí… Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để liên kết các cộng đồng này lại với nhau, tạo ra một nền tảng mạng xã hội lớn sau này.