Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Mấy kỷ niệm bâng quơ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Cuối thập niên 1980, đồng bạc Việt Nam mất giá mỗi ngày. 1988 xảy ra trận đói lớn. Giữa năm 1987, tờ báo Văn Nghệ thoi thóp, số trang rút đi, khổ báo bé lại. Người dân đang đói, chẳng còn bụng dạ nào đọc những thứ giời ơi được viết trên tờ báo đó.

Giữa lúc như thế, tháng 7/1987, Nguyên Ngọc được điều về làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Tờ báo sống lại.

Một trưa hè oi bức 1987, tôi nằm lăn ra sàn nhà lau sạch, dưới quạt trần, mong tránh cái ngột ngạt. Tờ báo Văn Nghệ mới mua tôi đã đọc gần hết, chỉ còn lại một truyện ngắn tướng tá gì đó của một tác giả lạ hoắc. Phải nói ngay rằng dạo đó tôi chán ngấy những truyện viết về chiến tranh. Cuộc chiến đã lùi xa hơn 10 năm, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Tờ báo đọc gần hết rồi, mà giấc ngủ chưa đến. Thôi đành đọc cái truyện tướng tá gì đó in ở giữa tờ báo vậy. Tôi đã đọc Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp trong một trưa hè như thế. Đọc xong rồi, không đừng được, phải đọc lại, vài lần. Không ngủ được nữa. Bị ấn tượng bởi lối viết cô đọng, rút ruột ra mà viết, không một chữ thừa, ngay trưa hôm đó tôi đã tỉ mẩn đếm xem tác giả đã dùng cả thảy mấy tính từ trong một truyện như thế. Câu trả lời thật bất ngờ: Rất ít, chừng hơn 20 tính từ trong toàn truyện.

Nguyễn Huy Thiệp nhanh chóng trở thành nhà văn đáng chú ý nhất Văn học Việt Nam lúc bấy giờ.

Những ngày tháng ấy, báo Văn Nghệ bỗng trở thành chuyện hàng ngày của trí thức Việt Nam. Người ta tìm mua báo Văn Nghệ từ chiều Thứ Năm, xuýt xoa bình luận về những bài mới in. Thì ra, khi Văn chương gắn bó với cuộc đời lam lũ, chứ không chỉ bàn những chuyện “phải đạo”, nó trở thành một phần cuộc sống của nhân dân.

Năm học 1989-1990, tôi làm việc một năm tại Viện Toán MSRI, Berkeley (California). Tại tiểu bang này, tôi quen biết chị QD., người vốn rời Việt Nam trước 1975. Một lần chị hỏi tôi nên đọc gì trong Văn học Việt Nam đương đại. Nghĩ một hồi, tôi đưa cho chị cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mà tôi đem theo, giấy đen đến mức không thể đen hơn. Nhớ rằng lúc ấy chưa hề có mạng internet như về sau này. Mấy tuần sau, chị QD. trả tôi cuốn truyện, và bảo: “Lúc đầu tôi đọc sách này thấy rất lạ. Câu cú cộc cằn, cụt lủn. Đọc đi đọc lại mấy lần, tôi mới nhận ra là anh có lý”. Tôi hiểu ra, chị vốn quen với văn học Miền Nam trước 1975, khá chậm và giàu uyển ngữ. Nay phải đọc lối văn gọn, nhanh, phũ phàng của Nguyễn Huy Thiệp. Trách gì chị chả khó quen.

*

* *

Mùa thu 1995, về nước sau 2 năm làm việc tại Barcelona, tôi cần mua một xe máy để đi lại. Trước đó vài năm, người Việt chỉ có thể đi xe máy “bãi rác” của Nhật. Lúc ấy, chiếc Honda mới được ưa chuộng của người Việt là xe Dream màu nho tím. Hãng Honda chưa có đại lý tại Hà Nội, cho nên tất cả mọi xe máy mới đều được xách tay từ Bangkok. Và cũng vì xe xách tay như thế, mua không hề có bảo hành, cho nên nghe nói có xe rởm. Để tránh mua phải xe nhái, tôi nhờ Kiên, con trai GS Nguyễn Duy Tiến, người hiểu biết về xe máy, chọn xe giúp. Mua xe xong, hai chú cháu tìm một hàng bia để “rửa xe”.

Dạo ấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới mở hàng bia Hoa Ban ngay đầu cầu Chương Dương phía Gia Lâm. Ông mua một nhà sàn gỗ lim của người Mường Hoà Bình, đem về dựng nhà hàng, rất ấn tượng. Tôi và Kiên vào Hoa Ban. Tìm một chỗ ngồi đẹp, tôi bảo bồi bàn: “Cậu nói với ông Nguyễn Huy Thiệp là có một khách hâm mộ muốn mời ông Thiệp một cốc bia”. Bồi bàn vào sau nhà. Lát sau anh ta quay lại lễ phép nói: “Dạ thưa, hôm nay ông Thiệp chưa tới. Lát nữa ông ấy tới cháu sẽ chuyển lời”. Tôi bảo với Kiên: “Chắc chỗ này chỉ mang tên Nguyễn Huy Thiệp thôi. Ông ta không tới đây. Lát nữa nếu mình có hỏi thì bồi bàn sẽ bản rằng ông Thiệp tới, và lại đi rồi”. Thế nhưng, lát sau bồi bàn nói: “Ông Thiệp tới rồi”. Vậy là tôi đã đoán nhầm. Nguyễn Huy Thiệp tới, ngồi uống bia với tôi. Tôi kể với anh Thiệp rằng, bị ấn tượng bởi lối viết kiệm lời của Tướng về hưu, tôi đã đếm xem truyện đó có mấy tính từ. Nguyễn Huy Thiệp bảo rằng anh cũng không ngờ có độc giả kỹ tính đến mức đó. Lịch sự và kín kẽ, dường như Thiệp không biểu lộ một nét cảm xúc nào. Ngồi một lúc, anh cáo từ, không quên dặn gã bồi bàn là anh trả tiền cốc bia của anh, mặc dù tôi nhiều lần nhắc lại rằng tôi muốn mời anh.

Nguyễn Huy Thiệp đi rồi. Tôi nói với Kiên rằng câu chuyện nhạt nhẽo quá. Kiên bảo: “Ông ấy không biết chú là ai. Nghe chú nói thế, ông ấy có thể nghi chú là An ninh văn hoá”. Ừ, quả có thế thật. Tôi đã không ít lần bị ngờ là An ninh văn hoá.

*

* *

Đầu năm 1999, phim Của rơi vừa phát hành, trong đó nghe nói D. Th., một cậu bạn học sau tôi 2 năm ở Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, là hình mẫu của nhân vật chính. Chả biết D. Th. hứng lên thế nào, mà theo sự dàn xếp của cậu ấy, đạo diễn Vương Đức phim Của rơi đưa giáo sư Nguyễn Duy Tiến và tôi tới thăm Nguyễn Huy Thiệp tại gia. Vương Đức và Nguyễn Việt Hà (tác giả tiểu thuyết Cơ hội của Chúa) hẹn chúng tôi ở cổng Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nôi (trước đây là Đại học Tổng hợp Hà Nội) rồi cùng vào nhà Nguyễn Huy Thiệp, ở Khương Hạ, cách đó không xa. Nhà anh Thiệp, do các cụ để lại, sâu trong làng, không thể mở hàng buôn bán, nên tuy rộng mà chắc giá đất không cao. Góc vườn, anh Thiệp cho dựng một tượng Phật khá lớn. Dẫn chúng tôi từ cổng vào nhà, anh Thiệp vui vẻ nói: “May quá, tôi sẽ giới thiệu các anh với một vị khách quý, rất nên làm quen”. Vào đến nhà, thầy trò người khách đang ngồi quay lưng ra cửa. Thấy chúng tôi, vị khách quay lại. Hai bên cùng ồ lên, té ra đã quen nhau từ trước. Vị khách đó là Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Đi cùng ông là một cô nghiên cứu sinh của ông, với vai trò tài xế. Nguyễn Huy Thiệp cho biết, đáng lẽ hôm đó Tô Hoài cũng tới chơi, nhưng phút chót ông bị mệt. Chuyện của chúng tôi nở như ngô rang.

Đã có lần tôi khoe, năm 1998 khi mới nghe danh mà chưa biết Nguyễn Đăng Mạnh, tôi đã nhận được ra ông, không hề nhầm lẫn, trong một Hội đồng chấm thi ở Huế, giữa nhiều người cùng độ tuổi ông, bằng tiêu chuẩn “Khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ”. Đó là một câu văn của Nguyễn Huy Thiệp, vốn tả Nguyễn Du.

*

* *

Tháng 11/1999, tôi được giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh mời dự cưới con gái ông ở khách sạn Bảo Sơn, đường Nguyễn Chí Thanh. Đang loay hoay chưa biết xử trí thế nào, vì sáng hôm ấy tôi có giờ dạy ở Khoa Toán ĐHKHTN Hà Nội cho đến gần trưa, thì anh Phan Ngọc Thu, từ Huế ra dự cưới, điện thoại hỏi tôi khi nào tới dự. Tôi kể với anh Thu sự khó xử của mình: nếu tôi tới sau giờ dạy, có thể muộn, và làm phiền gia đình. Chắc là anh Thu thuật lại với thầy Mạnh. Thầy liền điện cho tôi bảo rằng cứ tới nhé, giờ ấy có gì mà muộn. Nhiều người sẽ đợi cậu.

Quả là khi tôi đến thì tiệc cưới còn mâm cuối cùng, rất thịnh soạn, dành cho mấy thực khách đặc biệt, ngồi với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Một lần nữa tôi cùng mâm với Nguyễn Huy Thiệp.

*

* *

Nếu là đạo diễn điện ảnh, tôi sẽ dựng truyện ngắn Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp thành phim. Tôi thích nhất đoạn sau đây:

"Ông Bình Chi hỏi mục đích học hành của Chiểu. Ông Gia chẳng biết trả lời ra sao, chỉ nói: “Tôi thấy văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải. Muốn cho cháu học thầy vì thế”. Ông Bình Chi bảo: “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thức văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn”. Ông Gia bảo: “Tôi hiểu rồi. Tôi là nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi, Nhưng cũng là thịt cả thôi”. Ông Bình Chi bảo: “Ðúng đấy. Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?”. Ông Gia bảo: “Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự như thế không, chỉ vừa phải, nhiều người theo thì cho cháu học”. Ông Bình Chi bảo: “Tôi hiểu rồi. Ðấy là thứ văn chương học để làm quan”. Ông Gia vỗ tay reo: “Phải”."

Một trưa hè 1993 ở Heidelberg, đọc đoạn này đến lần thứ mười vì không còn thứ gì để đọc nữa, tôi mới hiểu tác giả muốn nói gì: Văn chương học để làm quan là thứ văn chương ba dọi. Tự ngẫm ra, làm Toán hay bất cứ khoa học, nghệ thuật nào cũng thế. Hễ cứ nhăm nhăm làm quan thì đều là ba dọi tuốt.

*

* *

Tôi đã mấy lần nói chuyện, uống bia, hay ăn tiệc với Nguyễn Huy Thiệp. Tiếng thế, có lẽ ông vẫn không biết tôi là ai, không nhớ tôi là ai.

Hôm qua, nghe tin ông đã thành người thiên cổ. Thương tiếc một người tài, lận đận, phát tiết muộn, nhưng chói ngời. Tôi vốn không mê nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng lúc này thấy Phôi pha rất hợp để tiễn ông:

"Thôi về đi,

đường trần đâu có gì.

Tóc xanh mấy mùa.

Có nhiều khi

Từ vườn khuya bước về,

Bàn chân ai rất nhẹ,

Tựa hồn những năm xưa."

Hà Nội 21/3/2021