Mấy suy nghĩ về những vụ án lớn

Mạc Văn Trang

Chiều qua mấy ông bạn già ngồi tán chuyện. Một ông bảo, công nhận công cuộc đốt lò của cụ Trọng gớm thật, ngày càng tóm được lắm củi gộc. Cụ khác bảo, phải cất được những mẻ vó lớn như vậy mới đích đáng. Mấy vụ đại án phải nói là kinh thiên động địa, chưa từng thấy. Đánh án như vậy mới đã!

Tôi thì cứ ngẫm nghĩ…

1. Vụ đại án Chuyến bay Giải cứu và vụ Việt Á (chưa xử) liên quan đến rất nhiều quan chức trong hệ thống Nhà nước: từ Chủ tịch nước, 2 Phó Thủ tướng đến mấy Bộ trưởng, Thứ trưởng, đến các tỉnh, thành, huyện, quận … là lỗi của toàn hệ thống chính trị. Ở đó cho thấy các quan chức trong hệ thống không đáng tin cậy; họ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm bậy. Tệ nhất là móc ngoặc với nhau để ăn trên nỗi thống khổ của đồng bào. Họ nói xoen xoét vì nước vì dân… nhưng coi tiền trên hết, trên cả lương tâm, danh dự, trách nhiệm xã hội… Nhân cách quan chức tha hóa đáng sợ. Hệ thống pháp luật, kỷ luật đảng không thắng nổi lòng tham của đám quan chức tha hoá.

Nhưng cho dù có bỏ tù hàng trăm UVTƯ, hàng trăm Đại biểu QH một lúc, cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm đến xã hội, đến đời sống nhân dân!

2. Nhưng khi bắt các chủ tập đoàn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát … thì nó rung động đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, liên quan đến công ăn, việc làm, đời sống của hàng triệu người dân…

Tất nhiên những con bạch tuộc này kinh khủng quá, nó thò vòi vào khắp hệ thống Nhà nước, mua chuộc quan chức, thao túng ngân hàng, cổ phiếu, chiếm đoạt tài sản hàng ngàn tỷ, vạn tỷ, triệu tỷ. Không thể hình dung được! (1)

Vấn đề tôi suy nghĩ là tại sao lại để nó lũng đoạn hàng bao nhiêu năm, thành “vương quốc”, có hệ thống chân rết khắp các ngành, các cấp, tạo ra hàng trăm, hàng ngàn công ty con, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm rồi mới bắt? Như vậy rất nguy hại cho nền kinh tế và hậu quả xã hội.

Ngay ở quê tôi, mới rồi tôi về làng, bà con kêu, Chủ công ty Tân Hoàng Minh bị bắt, bây giờ đất nó chiếm bỏ hoang đó, chưa trả tiền dân thì ai trả?

Khi tôi đi máy bay Bamboo cũng nghĩ, nếu Trịnh Văn Quyết bị bắt mà hãng này phá sản thì tiếc quá, ảnh hưởng xấu đến ngành hàng không VN.

Báo Tuổi Trẻ vừa đưa tin: “61.628 công ty ‘biến mất’ trong 10 tháng, số doanh nghiệp TP.HCM giảm 13%”… (2) Liệu chủ mấy tập đoàn bị bắt có ảnh hưởng đến số công ty “biến mất” không? Tức là ảnh hưởng lớn kinh tế, đến thất nghiệp, đến xã hội.

3. Tại sao ngành An ninh không ngăn chặn những sai phạm của các tập đoàn, công ty này ngay từ sớm, mà để nó tác oai tác quái hàng 10 – 20 năm mới chặn lại? Phải chăng là ngành An ninh muốn “nuôi án” cho thật to mới “đánh đại án” cho lập “đại chiến công”?

Nhân đây lại nhớ đến vụ án Đồng Tâm. Tại sao khi “nhóm Lê Đình Kình” có dấu hiệu phạm tội, lại không đọc lệnh bắt, truy tố, xét xử ngay, mà phải chờ một thời gian rồi tổ chức một trận tấn công vào ban đêm, gây kinh hoàng và biết bao tổn thất!?

Tất nhiên những vụ án kinh tế như Vạn Thịnh Phát thì vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều thế lực, có các quan chức chóp bu. Nhưng có thể thấy rằng: “Đánh” một tập đoàn kinh tế, tài chính sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân. Vì vậy nên có hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý sao cho không để xảy ra những vụ án như vậy nữa mới là quan trọng.

Tóm lại, diệt quan tham nhũng thoải mái, dân không ảnh hưởng gì đâu. Nhưng “diệt” các tập đoàn kinh tế, các công ty, xí nghiệp, hay dù một cái chợ, một cửa hàng… cũng ảnh hưởng đến xã hội, đến đời sống người dân. Nên, rất cần thận trọng và ngăn ngừa sớm được mới tốt.

Chú thích:

1. https://nld.com.vn/…/toan-canh-vu-an-van-thinh-phat…

2. https://tuoitre.vn/61-628-cong-ty-bien-mat-trong-10-thang…

22/11/2023

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quản lý kinh tế, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.