Miến Điện hy vọng vào một tương lai xán lạn

Harald Bach tường thuật từ Yangon

Phan Ba dịch từ Spiegel Online

Khách sạn hầu như không thể đáp ứng hết yêu cầu được nữa, giá cả tăng vọt: du lịch bùng nổ – và làm đảo lộn cả thành phố lớn Yangon của Miến Điện, nhiều người dân của nó phát hiện cơ hội để được thịnh vượng nhiều hơn nữa. Lần bầu cử Quốc Hội vào cuối tuần sẽ tiếp tục cổ vũ cho bầu không khí khởi đầu này.

Chùa Shwedagon ở Yangon

Chùa Shwedagon ở Yangon. Ảnh: Hanz Sayami

Yangon – Lần đến Yangon này có một vài điểm khiến cho người ta ngạc nhiên, nhưng đầu tiên là một thất vọng. Trước đây vài tháng, khách du lịch đến Miến Điện còn được đối xử một cách dã man như những kẻ thù quốc gia tiềm năng: nhân viên an ninh lục tung va li, máy tính xách tay phải được khai báo, điện thoại di động (trên nguyên tắc là) bị cấm. Không còn lại gì từ những việc đấy trong tháng 3 này. Gian phòng của cảng hàng không sáng sủa và mới. Kiểm tra hộ chiếu nhanh gọn, nhân viên thân thiện, hành lý không bị chạm đến.  Thế giới cải cách tốt đẹp của Tổng thống Thein Sein đã trở thành hiện thực ở cảng hàng không.

Ấn tượng đầu tiên của Yangon cho những ai đến vào buổi chiều sẽ không phải là ấn tượng tốt đẹp nhất. Tối, đường phố chỉ được chiếu sáng một cách tằn tiện, ánh sáng vàng vọt của những cây đèn đường không tạo được một cảm giác “Wow!”. Nhưng rồi cảm giác đấy vẫn đến, khi chiếc taxi vào gần đến trung tâm thành phố và bất thình lình chiếc tháp to lớn, được chiếu sáng rực của chùa Shwedagon lơ lững trên thành phố Yangon đen tối như một chiếc UFO bằng vàng.

Chùa Shwedagon

Chùa Shwedagon. Ảnh: Hanz Sayami

Trong lúc ăn điểm tâm vào sáng ngày hôm sau, có một người nào đó chợt nhớ đến “Phù thủy của xứ Oz”. Đoạn đầu của cuốn phim cổ điển từ những năm 40 này là trắng-đen, buồn, chán. Nhưng rồi, khi cô bé Dorothy đến thế giới kỳ diệu của xứ Oz, sự buồn rầu ảm đạm bất thình lình biến thành một biển cả của những màu sắc rực rỡ. Thành phố cũng tự phô diễn mình sặc sỡ như thế từ gian phòng ăn sáng nhìn toàn cảnh trong tầng thứ bảy của khách sạn Clover trong Yangon. Chùa vàng Shwedagon, có thể nhìn thấy từ khắp mọi nơi trong Yangon, nổi bật trên bầu trời xanh. Giữa những cây xanh có các ngôi biệt thự thuộc địa cổ xưa màu trắng, những ngôi nhà cho thuê không lâu đời đến như thế trong màu vàng phấn và vô số mái chùa Phật giáo màu vàng xanh.

Nét đẹp và sự suy tàn

Yangon sặc sỡ, sống động, một thành phố giống như được xây dựng trong một công viên nhiệt đới. Đô thị của Miến Điện này hiện đại, hiện đại hơn là người ta tưởng, nhưng đồng thời vẫn giữ được nét đẹp của một thành phố lớn xưa cũ của Viễn Đông, được tiểu thuyết và phim lãng mạn hóa và ca ngợi, với một sự pha trộn gây sững sờ từ nền văn hóa thuộc địa và bản địa, chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc.

Yangon có những công trình xây dựng lộng lẫy

Yangon có những công trình xây dựng lộng lẫy. Ảnh: Hanz Sayami

Sự thống trị và quản lý kinh tế kém cỏi kéo dài hàng nhiều thập niên của chính phủ quân sự đã có tác động giống như một chương trình bảo tồn không tự nguyện, ngay cả khi rêu, nấm và sự suy tàn qua nhiều thập niên đã làm hư hỏng nhiều các công trình xây dựng thuộc địa đấy. Nhưng cũng như ở thành phố Leipzig trong lúc đổi thời [ở Đông Đức], vẫn còn có thể nhìn thấy được nét đẹp của kiến trúc dưới các dấu hiệu của sự suy tàn.

Có nhiều thứ để khám phá trong Yangon, một thành phố với nhiều công viên, hồ và một con sông, với chùa, nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo và một ngôi nhà thờ Do Thái giáo nhỏ, với chợ và hàng quán trên lề đường, một sự pha trộn của các dân tộc, điều loan báo rằng Miến Điện không chỉ là quê hương của 130 nhóm dân tộc mà cũng còn là cây cầu nối giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhưng Yangon cũng có những ngôi nhà tồi tàn

Nhưng Yangon cũng có những ngôi nhà tồi tàn. Ảnh: Hanz Sayami

Ồn ào quanh “The Lady”

Nhưng trong Yangon của năm 2012 người ta cũng có thể cảm nhận được một bầu không khí hân hoan khởi đầu. Những dấu hiệu đã có thể thấy rõ được của mùa Xuân Miến Điện là những cái chảo vệ tinh cạnh nhiều căn nhà, báo chí nước ngoài trong quán cà phê và khách sạn và – trước hết là – hình ảnh của nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ở khắp mọi nơi, những cái mà cho tới vài tháng trước đây vẫn còn bị cấm và bị phạt. Bầu cử vào ngày thứ bảy, có rất nhiều khả năng là rồi bà ấy sẽ vào Quốc Hội.

Ảnh của người phụ nữ nhận giải Nobel Hòa bình nổi bật trên trang nhất của nhiều tờ nhật báo Miến Điện và trang điểm cho hàng ngàn xâu chìa khóa, được những người bán hàng khôn ngoan chào bán như vật kỷ niệm. Người ta cũng tranh nhau mua DVD sao chép lậu của phim “The Lady” về Aung San Suu Kyi của Luc Besson. Cách đây không lâu, khi Suu Kyi còn bị quản thúc tại gia, ảnh của bà ấy không được phép phô trương ra nơi công cộng, chỉ thì thào tên bà ấy thôi là đã có thể gặp khó khăn lớn rồi.

Quầy hàng của NLD

Quầy hàng của NLD. Ảnh: Getty Images

Win Hlaing đã dán một tấm ảnh của người nữ anh hùng dân tộc lên tấm bảng đồng hồ của chiếc taxi ông ấy. “Tôi kính trọng Aung San Suu Kyi. Nhưng tôi chưa tin tưởng chính phủ. Họ hứa hẹn cải cách dân chủ. Nhưng cái mà chúng tôi cần nhiều hơn là đường xá tốt hơn và điều kiện sống tốt hơn.” Nhưng người tài xế taxi 48 tuổi này cũng thân thiện thừa nhận rằng ông ấy thuộc trong số những người hưởng lợi từ lần mở cửa của Miến Điện. “Từ một vài tháng nay công việc của tôi thật sự là tốt. Chưa từng bao giờ mà có nhiều khách đến thăm như hiện nay.”

Thanil là sinh viên, anh ấy nhìn các cải cách lạc quan hơn là người tài xế taxi. Chàng trai 23 tuổi này kiếm sống bằng công việc làm bồi bàn trong “Romantic”, một nhà hàng Trung Hoa ở hồ Thin Nandar (láng giềng nhỏ của hồ Kandawygi gần chùa Shwedagon), nơi người ta có thể ăn tối trên sân hiên cạnh hồ với nhiệt độ nhiệt đới hay trong một của năm gian phòng riêng được làm lạnh cho tới nhiệt độ của Bắc Cực.

Người đàn ông trẻ từ Bagan, thành phố của những ngôi chùa, học đại học về tiếng Anh. Trong tương lai là thầy giáo ở Bagan quê mình, giảng dạy tiếng Anh cho người đồng hương trẻ tuổi, Thanil nhìn phần đóng góp của mình để xây dựng Miến Điện như thế. “Doanh nhân và khách du lịch bây giờ đến với Miến Điện. Điều đấy mang lại việc làm. Nhưng nếu ai muốn thăng tiến trong kinh tế hay trong ngành du lịch thì đều phải biết tiếng Anh.”

Người bán hàng ở chợ trong Yangon

Người bán hàng ở chợ trong Yangon. Ảnh: Hanz Sayami

Thật là tốt khi có nhiều người ngoại quốc đến đây

Trong những ngày này, một trong những thắng cảnh ở Yangon là trụ sở chính của đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở gần chùa Shwedagon. “Thật là tốt khi bây giờ có nhiều người nước ngoài đến chỗ chúng tôi như thế này”, Phwa Gyi nói, một nữ cộng tác viên tình nguyện của NLD, trong khi một nhóm du khách người Nhật đang thảo luận ở cạnh quầy bán hàng kỷ niệm của Đảng về việc họ nên mua áo thun nào: chiếc màu đỏ tươi với một con công đang chiến đấu màu vàng sáng rực, biểu tượng của NLD? Hay tốt hơn là một ảnh chân dung của Aung San Suu Kyi? Đối mặt với bao nhiêu khách như thế, những người quan sát của an ninh quốc gia trong quán cà phê có lẽ đã từ bỏ việc chụp ảnh để ghi nhận lại cảnh người đến kẻ đi.

Có trong hàng chào bán cũng là tách với hình của “The Lady” và cha của bà Aung San, người đã giải phóng Miến Điện ra khỏi cảnh là thuộc địa của Anh quốc. Một loại cốc kiểu khác có hàng chữ “The Grearest” được in đậm giữa ảnh của Aung San Suu Kyi và Hillary Clinton. “Người ngoại quốc mua loại này nhiều nhất”, Gyi nói. Lần Hillary Clinton đến thăm Miến Điện trong tháng 12 năm 2011 là khoảng khắc lịch sử, cái đã kéo Miến Điện ra khỏi sự cô lập. “Nếu Hillary đến đấy thì chúng ta cũng được phép”, các nhà đầu tư, ngoại giao, chính trị từ khắp nơi trên thế giới đã nói như thế từ lúc đó – và trước hết là khách du lịch. Ngành du lịch bùng nổ trong đất nước này. Nhưng hạ tầng cơ sở du lịch vẫn còn chưa đáp ứng được cơn bão đấy. Khách sạn mọi hạng trong Yangon vui mừng vì đạt tỷ lệ thuê phòng gần 100%, giá phòng đã tăng lên thêm từ 25 đến 50% trong ba tháng đầu tiên của năm 2012.

Bên trong chùa Shwedagon

Bên trong chùa Shwedagon. Ảnh: Getty Images

Lần bùng nổ này đã mang lại lợi tức cho Htein Lin. Ông khánh thành khách sạn Clover được xây mới cách đây nửa năm. “Từ gần ba tháng nay, chúng tôi hầu như hết phòng liên tục”, ông ấy vui mừng. Clover đã là khách sạn thứ nhì mà Htein Lin cùng điều hành với một người cháu trai. Ông ấy tin rằng các cải cách sẽ được tiếp tục, và tin vào một tương lai xán lạn cho ngành du lịch của Yangon. “Chúng tôi đã có kế hoạch xây thêm một khách sạn nữa.”

Harald Bach

Phan Ba dịch

(http://www.spiegel.de/reise/fernweh/0,1518,824783,00.html)

1 thoughts on “Miến Điện hy vọng vào một tương lai xán lạn

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 04-04-2012 « BA SÀM

Bình luận về bài viết này