Một kiểu đốt tiền

07:01 | 04/04/2015

2,854 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy năm gần đây, các sự kiện kỷ niệm, trao giải thưởng, mở hội thi, phát động thi đua, gala, đêm nhạc từ thiện… được tổ chức triền miên quanh năm suốt tháng ở khắp cả nước. Sự kiện nhiều đến mức, mở các kênh truyền hình Trung ương hoặc địa phương hầu như ngày nào cũng gặp các chương trình truyền hình trực tiếp. Cảm giác phải xem truyền hình trực tiếp đến mức bão hòa, không còn thấy sự long trọng và ý nghĩa hữu hiệu gì mà nó mang lại.

Năng lượng Mới số 410

Tại sao người ta lại tổ chức lắm sự kiện và cái gì cũng “trực tiếp” như vậy? Đơn giản là lợi ích cho một tổ chức, một nhóm người chứ không mang lại lợi ích đại chúng.

Ai là người hưởng lợi từ những sự kiện ấy? Có 3 đối tượng. Một là ban tổ chức; hai là người của các công ty truyền thông và tổ chức sự kiện; ba là nhà tài trợ.

Ban tổ chức là lãnh đạo ngành hoặc địa phương. Tổ chức một sự kiện nào đó thì các vị lãnh đạo mát mặt với thiên hạ vì được xuất hiện trước công chúng, được giới thiệu đầy đủ chức danh. Điều đó cũng có nghĩa là quảng bá cho ngành, cho địa phương thì ít mà quảng bá cho cá nhân thì nhiều. Rồi từ sự kiện ồn ào ấy, họ có cơ may khi bầu cử khóa tới sẽ lấy được nhiều phiếu tín nhiệm hơn, lên chức vị cao hơn.

Kiếm ăn được nhiều nhất là công ty truyền thông và tổ chức sự kiện. Đây là “canh bạc” mà họ không phải bỏ vốn nhưng kiếm bộn lời. Bởi kinh phí để tổ chức sự kiện là của ngành hoặc địa phương bỏ ra một ít, còn phần lớn là do các nhà tài trợ đóng góp. Sự kiện nhỏ thì chi phí chừng dăm bảy trăm triệu, sự kiện lớn thì phải vài ba tỉ đồng. Các nhà tổ chức thường đưa ra phương thức “xã hội hóa” để kêu gọi tài trợ từ những người hảo tâm, các doanh nghiệp lớn.

Ban tổ chức cấp giấy giới thiệu và thư mời tài trợ rồi giao cho công ty tổ chức sự kiện đi vận động xin tiền. Không ít trường hợp, ban tổ chức ký khoảng vài chục giấy giới thiệu và thư mời tài trợ thì người tổ chức sự kiện tự ý “nhân bản” thành dăm bảy chục thư mời đi rải ở khắp nơi. Vì đã có tư cách pháp nhân của ban tổ chức đầy uy quyền nên dù nhiều hay ít thì các doanh nghiệp cũng đành phải dốc hầu bao.

Nhân viên tổ chức sự kiện cũng lắm mánh khóe để moi tiền; chẳng hạn xếp loại nhà tài trợ kim cương, tài trợ vàng, tài trợ bạc; cho in logo và chạy chữ giới thiệu trên màn hình; cho lên sân khấu trao quà tặng. Nếu xin được ít tiền thì họ yêu cầu nhà tổ chức phải chi thêm; còn ngược lại, xin được nhiều tiền thì họ không công khai hết với nhà tổ chức. Công việc xong rồi, họ chia phần cho nhà tổ chức bao nhiêu biết bấy nhiêu rồi cao chạy xa bay.

Đã có chuyện một tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập tỉnh bằng hình thức sân khấu hóa. Lúc đầu dự chi 1,5 tỉ đồng, nhưng công ty tổ chức sự kiện từ Hà Nội về tính toán thế nào đội lên 3 tỉ. Tỉnh vẫn đành chấp nhận. Song chẳng may trước ngày tổ chức sự kiện thì gặp bão lớn tràn về, lễ kỷ niệm phải hoãn lại. Mọi thứ đã chuẩn bị rồi và ngày kỷ niệm đã qua đi. Các đoàn nghệ thuật được thuê biểu diễn cũng đã tập tành hàng tháng, phải trả tiền cho họ.

Công ty tổ chức sự kiện gây sức ép với địa phương phải tổ chức để còn thu lại khoản tiền béo bở. Tỉnh này nghĩ mãi mới ra một một phương án bất đắc dĩ là đem cái chương trình “sân khấu hóa” ấy ra trình diễn nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Dân cả tỉnh thấy lạ là sao kỷ niệm thành lập quân đội năm lẻ mà tỉnh lại làm to đến thế? Không ai giải thích được.

Thôi thì cứ coi như là tỉnh rất trân trọng QĐND và thể hiện sự tôn vinh của đảng bộ, chính quyền, đoàn thể của tỉnh đối với QĐND anh hùng! Nhưng xen ra cán bộ địa phương, ai biết được thì đều thấy “ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Còn với các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm. Phải nói rằng, có những doanh nghiệp ăn nên làm ra và rất có trách nhiệm đóng góp vào các quỹ tài trợ, làm từ thiện. Song cũng không ít doanh nghiệp thua lỗ triền miên, đời sống công nhân khốn khó nhưng giám đốc vẫn muốn đánh bóng thương hiệu cho bản thân mình. Thế là nhân có sự kiện gì, các vị giám đốc ấy cũng vẫn hăng hái đóng góp một khoản tiền tài trợ. Khi nhìn ông hay bà giám đốc của mình được xướng danh, được lên sân khấu nhận bó hoa cám ơn của ban tổ chức sự kiện thì bao công nhân cảm thấy đắng lòng. “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”!

Nhiều nơi còn chọn ngày sinh năm chẵn của cố lãnh tụ, danh nhân để tổ chức sự kiện. Nếu đơn thuần như vậy thì các sự kiện này có ý nghĩa giáo dục lớn với các tầng lớp nhân dân. Nhưng có những sự kiện đã lợi dụng danh nghĩa ấy để làm ăn. Cũng “xã hội hóa” bằng cách đi xin tài trợ. Rồi lại truyền hình trực tiếp. Kinh phí được chi trả cho diễn viên, bồi dưỡng cho mấy nhân vật giao lưu, kể chuyện; tiền thuê sóng truyền hình; còn lại thì ban tổ chức và người thầu tổ chức sự kiện ăn chia hết. Đó là sự lợi dụng làm ăn rất đáng phê phán!

Những nhà tổ chức, những công ty truyền thông nghĩ gì khi núp bóng làm công tác truyên truyền giáo dục để kinh doanh như thế? Những lễ hội, liên hoan nghệ thuật là trò vui chơi giải trí đã đành; ngày sinh Bác Hồ, ngày thương binh liệt sĩ, ngày nạn nhân chất độc da cam, ngày vì người nghèo, người tàn tật… mà cũng cố tình biến hóa thành cơ hội kiếm ăn thì không thể nào chấp nhận được.

Một đối tượng nữa cũng cần phải nhắc đến là các kênh phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương. Lâu nay dư luận rất bức xúc là tại sao các nhà đài tùy tiện cho phát trực tiếp nhiều chương trình có nội dung tẻ nhạt và thậm chí phản cảm. Nguyên nhân sâu xa cũng lại vì... tiền! Những kênh, những giờ phát sóng được cho là “giờ vàng” mà dành để tường thuật trực tiếp những nội dung vô bổ, quá nhàm bởi nhà đài đã chấp nhận “bán sóng” cho nhà tài trợ thì người bỏ tiền ra muốn làm gì thì làm.

Những kênh, những sóng và thời lượng phát ấy thông thường để đưa những vấn đề thời sự và chuyên đề bổ ích cho đông đảo khán giả đã bị “đấu thầu” để phát các chương trình trực tiếp. Có một vấn đề đặt ra: Nếu không có chương trình truyền hình trực tiếp thì nhà đài vẫn phải phát sóng các chương trình khác trong khoảng thời gian ấy. Mà kinh phí phát sóng trong thời lượng ấy chắc chắn do nhà đài chịu.

Vậy thì tại sao truyền hình trực tiếp cho các đơn vị thì nhà đài lại thu khoản tiền mấy trăm triệu? Hơn nữa, nhà đài còn “trông giỏ bỏ thóc”. Sự kiện nào hoành tráng, có nhiều tiền tài trợ thì phát kênh 1; còn sự kiện bình thường và ít tiền thì phát kênh 2.

Các ca sĩ “ngôi sao” cũng thừa cơ hét giá ngất ngưởng, hát đớp một bài cũng kiếm mấy chục triệu đồng thông qua ngã giá với công ty tổ chức sự kiện. Một vị lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Viettel cách đây mấy năm đã nói: “Từ nay chúng tôi không thừa tiền tài trợ cho các sự kiện để chi cho mấy đứa lên uốn éo hát hò nhảy múa một tí đã thu nhập bằng mấy tháng lương công nhân như thế nữa”.

Đất nước còn nghèo, khó khăn chồng chất mà cứ đua nhau tổ chức sự kiện như thế khác gì một cách đốt tiền để “mua một trận cười như không”! Mỗi năm hoạt động này cũng “nướng” mất mấy trăm tỉ đồng. Đó cũng là một tai họa!

Đức Toàn