Một kiểu đưa tin nguy hiểm

Nhà báo  Kim Hạnh

Đó là tin đang rộ trên các báo mấy hôm nay. Tin về tình hình xuất khẩu sầu riêng. Tin sầu làm mình rầu. Mà hầu hết các báo lớn đều đăng. Đó là tin “Việt Nam vượt mặt Thái Lan, lên hạng nhất về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, với nhiều kiểu nói khác nhau…


Bạn đang quạu, bà Hạnh này lắm chuyện, tin theo số liệu Hải Quan Trung Quốc đàng hoàng, sao lại rầu?

Xin hỏi, một cuộc đua, mình chạy ào ào, đối thủ đứng nguyên rồi nhúc nhắc đi bộ. Mình hạng nhất. Vui không?

Đâu thể vui. Nhất là chuyện hô hoán mình hạng nhất trong cuộc cạnh tranh còn rất lâu dài sẽ mang lại những tác dụng nguy hiểm. 

Ai đó hừng hào chặt cây cà phê trồng sầu. Hoặc có những hộ nông dân thấy có lý để bẻ kèo. Vui nhất là mấy cha thương lái được thể đẩy và hét giá lên trời. Giá náo loạn, ai thiệt hại?

Suốt hai ngày nay, mình liên tiếp gặp các chuyên gia thị trường của BSA. Một tin mà các bạn đi thực tế về cho biết trong dè dặt (vì các bạn còn tiếp tục kiểm tra) là trải dài trên ba chục cây số từ Daklak dọc đường vận chuyển sầu riêng, người Trung Quốc đã thuê hay xây chi chít kho lớn nhỏ, trang bị khác nhau để trữ và chuyển hàng.

Chiều tối qua, mình lại gặp anh bạn chuyên điểm tin thị trường, nhà báo Ricky Hồ. Bạn ấy cũng hơi bức xúc vì các bản tin có màu quán tính “đề bạt quá sức” mà số liệu (có phần) một chiều. Tối về Ricky viết trên trang FB:

“Hai tháng đầu năm nay, chỉ 2 tháng, Việt Nam đã xuất được hơn 41.000 tấn sầu, xấp xỉ sản lượng xuất khẩu của Việt Nam suốt năm qua. Với sản lượng này, Việt Nam đã chính thức qua mặt Thái Lan, trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu sầu riêng vào đại lục TQ với tỷ lệ 57%.

Thế là báo chí tưng bừng:

- Sầu riêng Việt Nam bất ngờ soán ngôi Thái Lan tại Trung Quốc

- Sầu riêng Thái Lan đẩy Thái Lan xuống cửa dưới

- Việt Nam đứng đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc…”

Hai yếu tố quan trọng bị thiếu trong các bản tin này (không rõ vô tình hay cố ý): đây là số liệu chỉ 2 tháng đầu năm. Và hai tháng qua là lúc sầu riêng Thái đang hết mùa. Vậy mà người Thái giữ được thị phần 43% ở Trung Quốc nhờ hệ thống kho lạnh bảo quản trái và cả hệ thống vận chuyển rất cạnh tranh (gần đây họ đã dùng đường sắt cao tốc qua Lào, để thu ngắn thời gian đi đường biển hay đường bộ, từ 7 ngày còn có 2 ngày).

Về mùa vụ, theo GS.TS. Trần Văn Hậu, nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ, các tỉnh miền Đông Thái Lan vào vụ sầu riêng từ tháng 3, bắt đầu đỉnh vụ từ giữa tháng 4 và kéo dài đển giữa tháng 6. Riêng các tỉnh miền Tây Thái thì mùa vụ kéo dài từ giữa tháng 6 đến hết tháng 10, đỉnh vụ vào giữa tháng 7. 

Như vậy, khi vỗ tay ăn mừng “thắng lợi chưa từng có” thì Việt Nam sắp tới sẽ phải đối đầu “trái cây vua” của Thái Lan ít nhất là 8 tháng, trong đó có ba tháng là đỉnh vụ từ giữa tháng 4 đến tháng 7. Đó là thời gian cho cuộc cạnh tranh sống còn về chất lượng, giá cả, mạng phân phối… trước một đối thủ đã có chiến lược và chính sách rõ ràng, đầy kinh nghiệm cấp quốc gia, sản phẩm tốt, công nghệ trồng trọt tốt, hệ thống bảo quản và phân phối hiện đại. Chúng ta biết là Alibaba, JD và Tencent đều đã tham gia đầu tư vào các vùng trồng và xây dựng nền tảng điện tử phân phối sầu riêng ở Trung Quốc. 

Sầu riêng Thái Lan sau 2 tháng hết vụ, nay đã bắt đầu vào vụ. Đang bốc, đang hả hê, có ai đọc thấy một tin (còn lẻ loi) này trên Báo Daknong chưa: “Đang neo ở nấc cao kỷ lục, đột nhiên giá sầu riêng bữa nay lại tụt dốc”, xuất hiện ngày 4-4. Tin không kịp cảnh báo cho nhà vườn Việt Nam một thực tế nhãn tiền: sầu riêng Việt Nam trong tháng 4 đang giảm giá so tháng 3 và giảm mạnh so với đầu tháng 2, còn kém hơn giá cùng kỳ năm ngoái. 

Năm ngoái, giá sầu riêng từ đỉnh điểm 200.000 đồng đã tụt xuống còn 50.000 đồng trong tháng 5, bởi thương lái Việt Nam, cả thương lái Trung Quốc và Thái đã đột ngột dừng “ăn” hàng Việt Nam. 

Trong trí nhớ của tôi, cảnh sầu riêng Việt khép nép xuống giá còn đáng nhớ và tháng 5-2024 liệu cơn ác mộng sầu riêng sập sàn có tái diễn?

Đang vui mà tôi đưa tin …rầu, các bạn đừng giận tôi. Vì chúng ta cần phải nhớ, các chuyên gia Thái từng công bố một thành tích căn cơ, bền vững của họ trong cạnh tranh: nâng mức độ khô của cơm sầu riêng lên tới 35% so với mức 32%, sau nhiều cuộc nghiên cứu thị trường, cho kết quả là khách hàng TQ muốn “cơm” sầu riêng Thái phải khô hơn.

Họ vẫn sở hữu một mạng lưới kho dày đặc ở Trung Quốc để bảo quản trái giữ tươi được vận hành tốt. Vào lúc này, giá của sầu riêng Thái vẫn đang là hơn 6.000 USD/tấn trong khi giá sầu riêng Việt là hơn 4.900 USD/tấn.

Và đừng quên Việt Nam có 30 lô sầu riêng có kim loại nặng cadimi vừa bị Hải quan Trung Quốc xử lý.

Sao tất cả những nỗ lực căn cơ của Thái không được các nhà báo Việt Nam phân tích đến cùng? Sao những bối rối trong cạnh tranh của chúng ta chưa được cảnh báo đúng mức? 

Ta nói hai ưu thế tự nhiên của Việt Nam đối với Thái là: mùa vụ rãi quanh năm, khắp các địa phương. Và thời gian vận chuyển của ta sang thị trường nhập khẩu chính rất ngắn chỉ bằng 1/3 của Thái.

Và hãy xem người Thái lặng lẽ tháo gỡ các khó khăn khách quan của mình bằng hệ thống chuyên gia, các đại học, các viện nghiên cứu cùng lợi thế nền tảng là chính sách trợ giúp rất có lực và khôn ngoan của chính phủ.

Và họ vẫn đồng thời tiếp tục phát huy các lợi thể và kinh nghiệm sẵn có.

Dễ thấy rằng những “ăn mừng chiến công” trên phần ngọn là hời hợt, dễ dãi và nghĩ đến đường dài, thì kiểu đưa tin rất thiếu đó còn… độc hại nữa?

K.H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh

This entry was posted in kinh tế, Nông nghiệp Việt Nam, Truyền thông ở Việt Nam. Bookmark the permalink.