Trương Hồng Quang, Một người (bạn) Đức

trang_tay_ARRQ

Jürgen Fritz – ảnh từ bài báo dẫn đường link ở dưới

Sáng nay tôi được một người bạn vong niên, cũng là đồng nghiệp phiên dịch, gửi cho bài báo dưới đây, viết về một đồng nghiệp phiên dịch khác. Jürgen Fritz, nhân vật chính trong bài, là người mà trong giới dịch thuật Việt-Đức không ai không biết, ít nhất là ở tầm thế hệ tôi trở lên. Mặc dù đã tiếp xúc với nhiều bậc cao thủ khác trong số người Đức biết tiếng Việt, với tôi không có một người Đức nào có khả năng phát âm và diễn đạt tiếng Việt đặc biệt như ông. Ai từng gặp Jürgen Fritz đều dễ dàng chia sẻ nhận xét rằng nếu chỉ nghe ông nói mà không nhìn thấy người sẽ không thể nào đoán được đấy là một người nước ngoài đang nói tiếng Việt. Nhưng riêng điều này có lẽ vẫn chưa đủ để khắc họa về Fritz, vì rõ ràng là có khá nhiều “ông Tây” nói tiếng Việt như gió. Còn “bà Tây” mà nói tiếng Việt như phụ nữ Việt thì tôi chưa gặp bao giờ. Nhưng có lẽ đó là một chủ đề thuộc phạm vi gender cultural studies khá nhạy cảm, không dám lạm bàn ở đây 🙂

Trước khi học tiếng Việt, hình như Jürgen Fritz đã có gốc Hán học. Ngữ vựng của ông bao hàm nhiều lớp từ Hán-Việt, nhưng sử dụng khá uyển chuyển. Ông lại phát âm từ tốn, nhỏ nhẹ (“không phải sấm trên cao“!) – ít nhất đây cũng là ấn tượng cá nhân của tôi trong lần gặp gỡ riêng đầu tiên và đến nay cũng là duy nhất với ông, vào khoảng 1991/1992. Vào thời điểm này CHDC Đức đã sụp đổ từ 2-3 năm trước đó. Từ chỗ là phiên dịch tiếng Việt số một, tham gia tất cả các cuộc gặp gỡ song phương cấp cao và cao nhất, vào giai đoạn cuối thậm chí còn giữ vị trí Phó ban Quốc tế Trung ương Đảng (thông tin này tôi nghe lại từ các đồng nghiệp khác và chưa có dịp kiểm chứng), Jürgen Fritz bị thất nghiệp và gặp rất nhiều khó khăn.

Hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử đã khiến ông, một VIP lừng danh, tìm đến tôi, một kẻ hoàn toàn vô danh, trước đó cũng mới mất việc làm tại một xí nghiệp sử dụng công nhân Hiệp định Việt Nam ở Leipzig, nhưng may mắn vừa có chỗ làm mới tại một Viện nghiên cứu về quá trình chuyển đổi có trụ sở ở Berlin. Nhóm nghiên cứu về các vấn đề nhập cư của chúng tôi đã đủ 4 biên chế, trong đó có ba người Đức đều đến từ „Viện nghiên cứu chính trị và kinh tế quốc tế“ (IPW) của CHDC Đức trước đây, chỉ có mình tôi là người ngoại quốc vì đề tài nghiên cứu đòi hỏi có một biên chế như vậy. Trong buổi nói chuyện với Jürgen Fritz, tôi đã giới thiệu ông đến một người bạn Việt khác (nay là hàng xóm của tôi). Người bạn này lúc đó, cũng may mắn như tôi, đang có chân trong một Viện nghiên cứu khác về các vấn đề châu Á đang có nhu cầu tuyển một chuyên gia Đức về Việt Nam.

Một thời gian không lâu sau đó, người bạn này cho tôi biết đã nỗ lực giúp Jürgen Fritz xin vào chỗ biên chế còn trống trong Viện của anh vì vốn chuyên môn của Fritz rõ ràng là đắc địa. Nhưng Viện trưởng, một bác đến từ CHLB Đức cũ (đương nhiên!), khi đọc hồ sơ thấy Fritz là quan chức cao cấp của TƯ Đảng SED cũ nên đã từ chối thẳng thừng (đương nhiên phải như vậy!).

Như đã nói, đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi gặp riêng Jürgen Fritz và có dịp nói chuyện khá dài với ông. Trong câu chuyện ông có kể lại một số kỷ niệm gặp gỡ với các chính khách Việt Nam, luôn luôn với một thái độ rất trân trọng. Và đặc biệt là (chi tiết này tôi còn nhớ như in) khi nhắc đến cụ nọ cụ kia ông cũng dùng đúng những đại từ nhân xưng và cách nói như người Việt Nam, nói đúng hơn là cán bộ tuyên huấn Việt Nam thế hệ trước. Vui nhất là khi kể một giai thoại nào đó hơi „nhạy cảm“ ông cũng hạ giọng xuống thì thào, mặc dù trong căn hộ cho thuê một phòng của tôi dạo đó ngoài tôi và ông chỉ có nhà tôi, dạo đó (mới chỉ) là bạn gái. Và nàng, cũng như bây giờ, chỉ quan tâm đến các đề tài chính trị một cách rất vừa phải và hợp lý.

ong_F_EVHM

Jürgen Fritz đang đứng dịch (người thứ ba từ bên trái). Ảnh tư liệu từ bài báo dẫn đường link ở dưới

Bẵng đi hơn mười năm sau tôi mới có dịp gặp lại ông, nói đúng hơn là nhìn thấy ông từ xa, trong tiệc chiêu đãi một phái đoàn cao cấp Việt Nam tại Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) ở Berlin. Hôm đó Jürgen Fritz là người phiên dịch chính thức cho phía Đức. Tất nhiên giờ đây tôi không còn nhớ những lời dịch cụ thể của ông nữa. Tôi chỉ nhớ là ông đã già đi nhiều, mái tóc hình như lúc ấy đã bạc trắng, và nói năng cũng chậm chạp hơn so với lần gặp cách đó một thập kỷ. Hình ảnh một người đàn ông Đức đứng tuổi (lúc đó ông cũng đã 64-65) với một gương mặt trí thức tư lự và nói một thứ tiếng Việt thuần khiết, nhã nhặn của một thời đã mãi mãi trôi qua hôm ấy chắc chắn đã gây nên những xao động không nhỏ cho cử toạ Việt Nam, trong đó có không ít người đã từng biết ông. Còn cử toạ Đức, phần lớn đến từ CHLB Đức cũ, tất nhiên không thể nhận biết được những sắc thái tế nhị này, không chỉ vì hàng rào ngôn ngữ.

Hôm nay khi đọc bài báo này về Jürgen Fritz thì lại hơn mười năm nữa đã trôi qua. Tôi không hề biết là giữa chừng ông đã chuyển trung tâm cuộc sống của mình về Việt Nam, „quyết định gắn bó suốt phần đời còn lại của mình“ ở đó, như tác giả bài báo viết. Và hiện tại ông đang gặp chuyện không may.

Tôi, một đồng nghiệp hậu sinh của ông, theo một nghĩa nào đó cũng đi theo một quyết định số phận như ông, „gắn bó suốt phần đời còn lại của mình“ ở một xứ sở xa lạ. Sống ở đâu thì cũng chẳng ra ngoài vòng sinh-lão-bệnh-tử. Nhưng là một người Việt sống ở Đức, một người từ thế giới thứ ba nhập cư đến thế giới thứ nhất, thì cho dù gặp phải tai ương, hành động thù địch nào ở vùng đất mới, người ta vẫn có đủ thứ lý do duy lợi và tinh thần cynicism để tự an ủi – đại loại kiểu như „sống ở biển không nhất thiết phải yêu cá mập“. Một người Đức chọn Việt Nam làm nơi đến, thậm chí làm nơi về, là „last station“/ sân ga cuối – quyết định ấy theo cảm nhận của tôi có những lý do phức tạp hơn nhiều.

Tôi biết quá ít về Jürgen Fritz để có thể đưa ra những phỏng đoán về quyết định của ông và tôi cũng không có quyền làm điều này. Tôi chỉ cầu mong bình an sẽ đến với ông, một người Đức tuy tôi chỉ gặp hai lần trong đời nhưng không hề xa lạ. Một „người (bạn) Đức“ – tôi xin được gọi vậy, như tên một truyện ngắn mà tôi đã và vẫn rất yêu quý của một nhà văn Việt, cả anh giờ đây cũng sống một nơi rất xa.

http://vov.vn/phap-luat/vi-sao-mot-nguoi-duc-lam-vao-canh-ban-han-o-viet-nam-354119.vov

8 thoughts on “Trương Hồng Quang, Một người (bạn) Đức

  1. Mặc dù tôi chưa từng quen biết ông Fritz, hay nghe đến thanh danh của ông, vì tôi là thế hệ hậu sinh, nhưng tôi xin mạn phép đánh giá một vài điều về con người ông, và vụ Skandal liên quan tới bà Châu.
    Chỉ những người ngoại quốc có tình yêu con người, ngôn ngữ và văn hóa việt nam thực sự, thì mới nói tiếng việt giỏi như vậy, và ở việt nam lâu như thế.
    Tôi tin rằng ông Fritz đã có rất nhiều công lao đóng góp cho nước việt nam. Nước việt nam có một ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời ông.
    Ông Fritz là người sống theo lý tưởng, không phải người sống theo vật chất.

    Vì tin rằng con người vẫn còn cái tốt trong mình, vẫn còn sống theo luân thường đạo lý, nên ông đã giao cho chị 90.000 € để đầu tư vào bất động sản. Số tiền mà ông cả cuộc đời giành dụm, tiết kiệm.
    Đây không phải là tiền buôn gian bán lậu, lừa đảo mà ra, mà làm từ mồ hôi nước mắt, kiếm một cách lương thiện.
    Nay ông sắp mãn chiều xế bóng, nỡ lòng nào mà lại để ông ta khổ cực, lương tâm và đạo đức để đâu?
    Tại sao mình không nhớ lại những ngày tháng đẹp đẽ, tự hào vì làm quen được một người đàn ông tài ba, danh giá, đẹp trai, galant. Sao mình quên hết lời hứa năm xưa ?
    Nơi đất lạ quê người, ông Fritz biết nhờ cậy vào đâu? Bản thân mình là người việt, có gia đình họ hàng đùm bọc, không lo. Nhưng ông Fritz đâu có chỗ dựa như mình. Tôi tin là ông cũng chẳng có lương hưu do nhà nước Đức cho.
    Nếu ông Fritz mà xấu bụng, nham hiểm, tính toán, là người thương gia, thì chắc ông ý chẳng bao giờ lao vào cuộc đầu tư đó. Vì ông ta tin chị quá nên mới làm ăn chung với chị.

    Chỉ cần hình dung một người đàn ông luống tuổi, gầy gò, đứng đắn, một tri thức như thế mà nay trắng tay, sống trong sự buồn chán, thất vọng, mất hết niềm tin vào cái tốt của con người việt nam, tôi cảm thấy xấu hổ quá.
    Đồng tiền không có ý nghĩa gì lớn với ông Fritz. Cái mà làm ông Fritz đau, đó là sự thất vọng.
    Ai cũng biết đồng tiền không làm ta hạnh phúc, mà tại sao ta vẫn để nó phá vỡ đi những kỷ niệm đẹp đẽ, những giá trị cao quý, đạo làm người của ta?

    Mọi người đừng quên rằng, chúng ta còn trong luôn hồi. Chừng nào còn trong luôn hồi, thì còn sinh, già, bệnh, rồi chết, rồi thác sinh lên các cõi trời, bán thiên, người, súc sinh, ma đói, địa ngục, sáu cõi luôn hồi.
    Nguyên nhân của luôn hồi là do chúng ta tham ái, bấu víu vào thân thể ta, thân thể người khác (tình dục), tham luyến tiền của, vật chất, chấp vào bản ngã, sân hận, vô minh.
    Tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp mà sinh vào các cõi cao thấp khác nhau, cho nên có ma, có súc sinh, có người. Chư thiên và ma thì ta không nhìn thấy. Nhưng không thấy, không có nghĩ là không có.

    Kiếp này tạo nghiệp gì, thì trong kiếp tương lai sẽ gánh chịu. Làm việc tốt thì sẽ được hưởng phúc, làm ác, tức, hại người khác, thì cũng sẽ phải chịu hậu quả tương ứng. Đây là quy luật của vũ trụ, hay còn gọi là luật nhân quả.
    Gieo nhân xấu thì hậu quả sẽ là xấu, làm phúc thì được hưởng phúc.
    Thế gian có kẻ giàu người nghèo, người khỏe, người hay bệnh tật, kẻ ngu, người trí v.v. Sự khác biệt này không phải do thể chế chính trị, hay gien, vì trải qua biết bao thế hệ, triều đại thống trị, bất chấp trong một quốc gia dân chủ như Đức, Anh, Pháp, Mỹ…hay trong các nước thế giới thứ ba, hay đang phát triển, vẫn có sự chênh lệch giầu, nghèo vvv.

    Nhiều khi cha mẹ, ông bà không xinh đẹp, nhưng con lại đẹp, bố mẹ của các siêu mẫu thế giới, đâu phải là hoa hậu. Cha mẹ của Einstein, Beethoven đâu phải là người tài ba lỗi lạc gì.
    Nguyên nhân của sự khác biệt về hình dáng, và trí tuệ của chúng sinh là nghiệp quả mà chúng sinh đã tạo từ trong quá khứ. Ngoài ra cũng phụ thuộc vào sự nỗ lực của chúng ta trong kiếp này.
    Nếu chúng ta muốn chuyển hóa, thay đổi cái mà ta gọi là vận mệnh, thì đó mới gọi là tu hành.
    Tu hành chính là sống theo luân thường đạo lý, sống trong đạo đức, biết ân nghĩa, có trước có sau, biết tôn trọng mạng sống của các chúng sinh khác, biết giữ gìn cho người khác khỏi bị hại,
    không làm ai bất hạnh, biết giữ mồm giữ miệng.

    Nhân quả là không tránh khỏi. Đã làm một việc gì, thì chắc chẵn sẽ đi đến một hậu quả.
    Tôi tin rằng chị Châu cũng như tất cả mọi người đều muốn mình trong kiếp này, và kiếp tương lai được có một thân hình xinh đẹp, gương mặt mỹ miều, giọng nói em dịu, một trí tuệ vượt bậc, một thân người không bệnh tật, giàu có vvv.
    Nhưng để có được những cái đó thì ta phải tạo ra những nguyên nhân cho nó, vì không gieo nhân thì không có quả.
    Nếu kiếp này ta trộm cắp, lừa đảo, thì trong tương lai chắc chắn 100 % ta sẽ bị nghèo đói, làm ăn mày ăn xin.
    Tôi không dọa ai ở đây, mà đây là từ kinh sách Phật giáo.

  2. Trong tuần qua diễn ra một kết thúc có hậu cho ông Fritz và những người trọng công lý sau khi có ý kiến của Thành ủy Hà Nội. Anh biết rồi chứ ạ?

      • Ít hôm không vào internet, nên không biết Bác hỏi, xin thứ lỗi. Có lẽ Bác đã có câu trả lời, nhưng em vẫn post lại để mọi người cùng biết:
        Được biết, trong hai năm 2004 – 2005, ông Fritz đã chuyển 90.000 euro (tương đương hơn 2,4 tỷ đồng) cho bà C. để hợp tác đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau một thời gian dài không thấy người này triển khai kinh doanh nên ông Fritz đã yêu cầu trả lại. Tuy nhiên, bà C. không trả lại số tiền mà cùng ông Fritz ký một văn bản ghi nhớ để xác nhận coi như ông đã đầu tư số tiền trên vào một căn hộ tại quận Cầu Giấy. Ông Fritz tiếp tục đề nghị bà C. bán căn hộ này để trả tiền ông nhưng không được đáp ứng. Ông Fritz đã kiện bà C. ra tòa. Ngày 28-5-2013, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử. Phiên tòa sau đó được Tòa án nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ xử phúc thẩm và tuyên bản án sơ thẩm có hiệu lực từ ngày 13-11-2013. Mặc dù bản án đã có hiệu lực nhưng bà C. vẫn không chịu trả tiền ông Fritz (Báo Hànộimới ngày 25-9-2014 đã có bài phản ánh vụ việc này). Đến ngày 30-9-2014, bà C. tự nguyện đến Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội nộp 100 triệu đồng để thi hành một phần bản án. Việc thi hành bản án dường như rơi vào bế tắc. Trong khi ông Fritz, đã 76 tuổi, rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, vẫn phải di chuyển thường xuyên giữa Đức và Việt Nam để mong lấy lại một phần tiền dưỡng già của mình.

        Trong trạng thái vô vọng vì theo đuổi vụ việc đòi quyền lợi chính đáng của mình, ông Juergen Fritz đã viết đơn cầu cứu gửi tới Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ngay sau khi nhận được đơn của ông Fritz, Bí thư Thành ủy đã giao cho Ban Nội chính Thành ủy làm rõ và giải quyết đơn của ông Fritz. Sau khi gặp gỡ ông Juergen Fritz và làm rõ, Ban Nội chính Thành ủy đã hướng dẫn ông làm đơn gửi Cục Thi hành án dân sự thành phố, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án để giải quyết vụ việc. Trên cơ sở đó, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã tổ chức đối thoại trực tiếp “ba mặt một lời” với ông Fritz và bà C. Trước yêu cầu chính đáng của ông Fritz và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thành phố, bà C. đã đồng ý và đến nay đã thực hiện cam kết trả lại tiền theo yêu cầu của ông Fritz.

        Trong niềm vui và xúc động, ngày 17-10-2014, ông Juergen Fritz đã viết thư cảm ơn Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Ban Nội chính Thành ủy và Cục Thi hành án dân sự thành phố. Toàn văn bức thư như sau:

        “Tên tôi là: Juergen Fritz, 76 tuổi
        Quốc tịch: Cộng hòa Liên bang Đức

        Tôi vô cùng xúc động và biết ơn ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các ông bà trong Ban Nội chính thành phố và Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã giúp đỡ tôi lấy lại tài sản từ tay một người quen biết. Trước khi gặp các ông bà, tôi vô vọng và mệt mỏi, suốt 10 năm qua không lấy lại được vì người quen có hành vi chiếm đoạt của tôi số tiền mà tôi đã dành dụm cả đời để sinh sống khi về già.

        Chỉ sau 13 ngày kể từ khi được các ông mời đến làm việc ở Ban Nội chính thành phố tôi đã nhận lại được tài sản của mình. Một lần nữa tôi vô cùng sung sướng và cảm ơn ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các ông bà trong Ban Nội chính thành phố và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã hết sức giúp đỡ một người nước ngoài như tôi”.
        nguồn http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/719967/mot-nguoi-duc-viet-thu-cam-on-bi-thu-thanh-uy-ha-noi

  3. Lâu không vào mạng, hôm nay đọc tin tức mạng nên gửi Dr. vài dòng nhắn tin như sau: ngày 12.11.2014 tôi đã ra sân bay đón anh J.F về Berlin .
    Hiện tại anh J.F đang ở BL, và có ý định sau Tết VN sẽ trở lại Hanoi.Thân ái. MH Sommer

Bình luận về bài viết này