Gửi gì vào trăm năm...

14/01/2019 - 07:25

PNO - Cái 'thiên chức' kỳ lạ ấy, đã không được gọi trúng tên vào đúng ngày-thế-kỷ, nếu không muốn nói là một sự pha tạp mà vẫn nghèo nàn, ồn ào mà cứ đơn điệu - thử hỏi, còn lại gì mà đòi gửi vào trăm năm?

Nếu tính từ cái thông tư “bãi bỏ chữ Nho và dùng những mẫu tự Latinh trong thư từ chính thức” do nhà cầm quyền Pháp ban bố cách nay tròn 140 năm - 1879 thì năm 1918 - trong cuộc tiếp biến văn hóa từ đờn ca tài tử, ca ra bộ để dần hình thành nên chỉnh thể nghệ thuật của sân khấu cải lương, loại hình nghệ thuật này đã góp công lớn trong cuộc hoàn chỉnh quốc ngữ, định hình quốc văn cho dân tộc giai đoạn đầu thế kỷ XX. 

Nếu Nguyễn Văn Vĩnh dịch Kim Vân Kiều từ Việt sang Pháp, dịch Con ve và Cái kiến của La Fontaine sang thể... lục bát thì Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang... đã chọn kịch cổ điển Pháp để đưa vào cấu trúc sân khấu cải lương. Ý đồ đồng hóa thuộc địa bằng ngôn ngữ dựa trên mẫu tự thực dân lại bị chính người bản địa tận dụng cái dị biệt, vượt lên sự đồng hóa để chọn lọc, truyền bá cho đồng bào mình những cái hay, cái đẹp, thức tỉnh lòng yêu nước, thương nòi mà hai vở cải lương đầu tiên được ra mắt lại là Lục Vân TiênKim Vân Kiều

Gui gi vao tram nam...
Nhiều thế hệ vàng của cải lương cùng có mặt trong tiết mục Vọng trăng xưa- chương trình giao lưu, biểu diễn, tôn vinh 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương.

Cải lương - với tư cách một loại hình sân khấu ra đời trên hành trình mở cõi phương Nam, tiếp tục thể hiện tinh thần mở mang - tiếp nhận và thích nghi đầy phóng khoáng, hiện đại những mô thức sân khấu, âm nhạc... mới, lạ trên nền của những bài bản, điệu thức chuẩn mực từ nhạc lễ, đờn ca tài tử và kho tàng dân ca trù phú. Cải lương, với tư chất người-đi-tới, với linh hồn âm nhạc trữ tình, bi tráng cùng “thói cách” thời thượng, văn minh là một đặc sản của đời sống đô thị, của tầng lớp thị dân, chuộng cái mới, thích phiêu lưu, ưa bay bổng. 100 năm trong dòng chảy 320 năm, cải lương - Sài Gòn là một thực thể văn hóa sống động, tất yếu; và vì thế nó sẽ bền chặt, lưu truyền. 

Thế thôi...

Còn vẽ vời gì hơn, bày biện cho lắm, chẳng thể gầy thêm cuộc trăm năm cho một loại hình mà sau cái cột mốc “tổng kết” này, nói chính xác hơn, từ đêm 13/1/2019 này, khó mà tin vào những hứa hẹn “cải cách hát ca theo tiến bộ” như 100 năm trước cha ông đã âm thầm gọt giũa, thao thức. 

Nhà hát chưa có thì sẽ xây, rạp hát chưa đúng chuẩn thì sẽ chỉnh sửa. Thiết chế văn hóa không phải là khó, nhất là với một chính quyền ít nhiều tha thiết, tâm huyết với cải lương. 

Nhưng gầy dựng, nuôi dưỡng, tận dụng một thế hệ tác giả có tư tưởng, có tri thức, có trách nhiệm xã hội, khát vọng thời đại thì cải lương đang... trống, thậm chí “tuyệt tự”. Âm nhạc là linh hồn của cải lương, nhưng khi âm nhạc không chuyển tải một thông điệp có giá trị, khi những bài bản chỉ làm tròn vai “bài ca” mà không biểu đạt cho một tâm trạng xã hội, một chiều sâu nhân văn thì có khi danh cầm lại ngủ quên trong tay... thợ đánh đàn mà thôi! 

Gui gi vao tram nam...
Vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga của các nghệ sĩ NSND Ngọc Giàu, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Thoại Mỹ.

Và nghệ sĩ biểu diễn có khác gì một người hát, ngoài giọng ca trời cho, họ gửi gắm điều gì cho nhân sinh? Hơn 15 năm trước, trong một lần ngồi cạnh bà, tôi nghe tiếng thở dài của người đi trước, bây giờ nghệ sĩ làm biếng ca lắm cô, yếu nhịp nên sợ ca, họ nói cho hết bài rồi tới cuối dây đờn, họ thả một chữ cho xong. Bà là NSND Phùng Há - người thầy của các thế hệ nghệ sĩ. 

Là đêm nay, sau đêm nay, nếu còn sống, bà có giấu được tiếng thở dài? Trên nền nhạc lễ, dòng chảy âm nhạc được khơi nguồn và tiếp nối bằng Lưu - Bình - Kim, Tứ đại oán và Dạ cổ hoài lang, đẹp và xúc động. Rồi nhạt nhòa, rồi vắng bặt. Những phong cách nghệ thuật cải lương của 100 năm, không dưng bị “đồng hóa” một màu. Nói đúng hơn, người ta nhầm lẫn một cách tai hại khi “tôn vinh” hình thức hoạt động - xã hội hóa sân khấu cải lương - với ngôn ngữ nghệ thuật mà đúng ra mỗi đơn vị này mang lại là gì, tạo nên sắc diện như thế nào? Thay vì là cuộc trình diễn tài năng của các thế hệ đã tạo nên hai giải thưởng danh giá là giải Thanh Tâm và giải Trần Hữu Trang thì lại đọc minh họa, liệt kê. Sân khấu hóa một loại hình sân khấu chứ không phải như bất cứ một chương trình tuyên dương, tụng ca tiểu sử...

Gui gi vao tram nam...
Phần biểu diễn của sân khấu cải lương xã hội hóa Chí Linh - Vân Hà

Và rốt cuộc, đi qua 100 năm, cải lương đã tồn tại và phát triển với tư cách một loại hình nghệ thuật vừa đạt tính nghệ thuật hàn lâm vừa hội đủ tính đại chúng sâu rộng. Cái “thiên chức” kỳ lạ ấy, đã không được gọi trúng tên vào đúng ngày - thế - kỷ, nếu không muốn nói là một sự pha tạp mà vẫn nghèo nàn, ồn ào mà cứ đơn điệu - thử hỏi, còn lại gì mà đòi gửi vào trăm năm? 

Ái Mỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI