Một Trung Quốc bị ốm vẫn hung hăng

08/04/2020 - 07:31

PNO - Trong hoạn nạn, không giúp nhau được thì chớ, sao ngay giữa tai ương kiếp nạn chung, lại còn hung hăng uy hiếp, truy sát người?

Ngày 10/3, trong chuyến thị sát đầu tiên tới “tâm dịch” Vũ Hán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát tại tỉnh Hồ Bắc. Ngày 12/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc tuyên bố thời điểm đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã đi qua.

Vậy mà...

Một tàu cá Quảng Ngãi bị tông chìm vào năm 2015 - Ảnh tư liệu
Một tàu cá Quảng Ngãi bị tông chìm vào năm 2015 - Ảnh tư liệu

Ngày 14/3, trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vụ việc tàu cá QNg 90819 TS/05 đã bị một tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 6/3. “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế” - người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định. 

Nhưng chỉ hai ngày sau, ngày 16/3, mượn cớ tri ân người Ý đã giúp đỡ Trung Quốc tại trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 và đáp lễ bức họa cảm ơn Trung Quốc của tác giả được cho là người Ý Aurora cũng bằng một bức họa, phía Trung Quốc đã lén bôi thêm “đường lưỡi bò” phi pháp, đăng lên mạng xã hội của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý. 

Ngày 20/3, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ “Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông". 

Và những ngày tháng ba tiếp theo, Trung Quốc ngang nhiên triển khai hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 26/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam “yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”; tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản và đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam ngay tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc, không để tái diễn những hành động tương tự, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. 

Xem ra “việc khiến Trung Quốc trở nên năng nổ có vẻ sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc ngăn chặn sự cản trở của Trung Quốc hoặc sự hung hăng của quân đội nước này” là hoàn toàn có cơ sở. Một Trung Quốc… bị ốm lại càng cho thấy nguy hiểm và bất chấp như thế nào. 

Mặc cho hàng ngàn cái chết từ nguồn cơn Vũ Hán còn chưa kịp nguôi ngoai, biến chủng virus corona mới vẫn chui rúc trong người dân đại lục, hành vi xâm phạm phi pháp vẫn cứ ngang nhiên diễn ra trên biển, ngoài hải phận Trung Quốc. Mặc cho thế giới quay cuồng trong cơn thập tử COVID-19, Trung Quốc đã “lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông” - trích từ Twitter của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. 

Ngay cả một lời cảm ơn, một hành động được cho là... lẽ phải cũng cố mà bôi vẽ vào đấy sự ngụy tạo, ngược ngạo với “đường chín đoạn”! 

Trong khi, một ví dụ rất nhỏ, ngày 12/2, hai cha con bệnh nhân Li Ding và Li Zichao đã được xuất viện, ngày 20/2, từ Trung Quốc, thay mặt cha và gia đình, Li Zichao đã gửi một bức thư đến Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM, nơi đã tận tình cứu chữa hai cha con Li khỏi COVID-19. Thư có đoạn: “Chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: cảm ơn Việt Nam".

Vâng, sự tử tế, phép quang minh, chính trực không là phẩm chất của riêng dân tộc nào, nó là một “nhiễm sắc thể” của loài người, càng thụ hưởng nền văn minh tiến bộ càng hồi đáp một ứng xử văn hóa đẹp đẽ. 

Cũng như từ 190 năm trước, tức năm 1830, năm Minh Mạng thứ 11: “Thuyền buôn của Đô-ô-chi-ly người Pháp bị bão chìm ở phận biển Đà Nẵng, nhà vua sai Quảng Trị cấp cho 100 quan tiền, 50 phương gạo, tìm chỗ cho ở. Nhân tiện cho đi về nước” (sách Thực Lục).

Trong hoạn nạn, không giúp nhau được thì chớ, sao ngay giữa tai ương kiếp nạn chung, lại còn hung hăng uy hiếp, truy sát người? "Khi trước nghe người ta nói, ta tin rằng việc làm của họ phù hợp với lời nói của họ. Ngày nay, nghe người ta nói, ta phải quan sát coi việc làm của họ có phù hợp với lời nói của họ chăng" là giáo huấn của Khổng Tử, triết gia vĩ đại của Trung Hoa, hơn 2.500 năm sau, chẳng lẽ lại vận ngay vào lớp hậu sinh “bất khả úy” của ông? 

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(20)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI