Mùa 100 Phụ nữ BBC 2021: Những gương mặt tiêu biểu của năm

100 women banner

BBC công bố danh sách 100 phụ nữ gây nhiều ảnh hưởng và tạo cảm hứng mạnh mẽ trên thế giới năm 2021.

Năm nay, Mùa 100 Phụ nữ giới thiệu những gương mặt đang 'sắp xếp lại' thế giới - những người phụ nữ tạo thay đổi trong xã hội, văn hóa và thế giới chúng ta.

Trong danh sách có Malala Yousafzai, nhân vật trẻ nhất từng được giải Nobel Hòa bình, Fiamē Naomi Mata'afa nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa, Giáo sư Heidi J Larson, người đứng đầu Dự án Tin tưởng Vaccine, và Ngozi Adichie một cây viết nổi tiếng.

Phụ nữ từ Afghanistan năm nay chiếm một nửa danh sách của chúng tôi, trong đó có một số người xuất hiện dưới tên giả và không kèm hình ảnh để bảo vệ an toàn cho bản thân họ.

Sự trở lại của Taliban trong tháng 8/2021 đã làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người Afghanistan, với việc các bé gái nay bị cấm theo học từ cấp hai trở lên, bộ phụ nữ bị giải thể và rất nhiều người bị thông báo không được phép quay lại làm việc.

Danh sách 100 Phụ nữ năm nay ghi nhận sự can đảm của họ, những thành tích họ đã đạt được trong lúc họ phải sắp xếp lại cuộc đời.

BBC trân trọng công bố danh sách 100 phụ nữ gây nhiều ảnh hưởng và truyền cảm hứng mạnh mẽ trên toàn thế giới năm 2021.

100 phụ nữ nổi bật năm 2021 do BBC lựa chọn

  • Lima Aafshid

    Afghanistan Nhà thơ

    Nhà thơ và nhà văn từng đoạt giải, người viết thơ và các bài báo thách thức thói gia trưởng trong văn hóa Afghanistan.

    Lima Asfshid là một nhà báo độc lập và nhà phản biện xã hội trong hơn 5 năm.

    Cô cũng là thành viên của Sher-e-daneshgah, Hiệp hội Thơ ca Kabul, chuyên tổ chức các buổi giao lưu thơ ca trên mạng trong thời gian đại dịch để giúp hơn 200 thành viên duy trì tính cộng đồng bất chấp khủng hoảng y tế.

    *Sự sụp đổ của Afghanistan giống như chìm vào lại chính vũng bùn mà chúng tôi đã phải vật lộn trong đó suốt 20 năm. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể vươn lên như một cành cây, vươn tới ánh sáng trong bóng tối của rừng rậm.

  • Halima Aden

    Kenya Hoạt động nhân đạo, cựu người mẫu

    Là siêu mẫu choàng khăn hijab đầu tiên, Halima Aden là người gốc Somali nhưng chào đời tại trại tị nạn ở Kenya. Năm 2107, cô ký với một trong những công ty người mẫu lớn nhất thế giới, IMG Models, với điều khoản bổ sung vào hợp đồng là cô sẽ không bị yêu cầu bỏ khăn choàng truyền thống của người Hồi giáo hijab khi trình diễn.

    Cô là người mẫu đầu tiên choàng khăn hijab xuất hiện trên bìa tạp chí British Vogue, Allure and Sports, ấn bản chuyên về áo bơi. Aden mở chiến dịch vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ Hồi giáo. Cô là đại sứ của Unicef về quyền trẻ em.

    Năm 2020, cô rời bỏ công việc người mẫu vì thấy nghề này không thích hợp với đức tin Hồi giáo của mình, nhưng vẫn tiếp tục tạo ảnh hưởng trong ngành này và cả ra bên ngoài.

    *Chúng ta đã chứng kiến các nhân viên tuyến đầu phải trải qua các biện pháp cực đoan để chúng ta được an toàn trong đại dịch, và tôi cầu nguyện rằng chúng ta biết ơn sự hy sinh của họ. Chúng ta có thể sắp xếp lại thế giới bằng cách đi tiếp với lòng biết ơn.

  • Oluyemi Adetiba-Orija

    Nigeria Nhà sáng lập - Headfort Foundation

    Luật sư hình sự, sáng lập viên hãng luật toàn nữ Headfort Foundation, chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

    Đóng tại Lagos, nhóm hoạt động pháp lý gồm bốn thành viên tới thăm các nhà tù nhằm giúp đỡ những người nghèo và bị tù oan, không có khả năng xin tại ngoại hầu tra, cũng như những người bị giam giữ dài ngày trước khi đưa ra xét xử ( tại Nigeria, những người đang chờ ra tòa chiếm tới 70% tổng số những người bị giam trong tù). Oluyemi Adetiba-Orija và nhóm của bà tập trung vào các đối tượng phạm tội vị thành niên, đem lại cho họ một cơ hội nữa, được sống bên ngoài nhà tù.

    Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2018, quỹ đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hơn 125 người bị cáo buộc các tội danh không nghiêm trọng.

    *Để thế giới được sắp xếp lại, tất cả chúng ta đều có vai trò trong đó! Hãy lên tiếng, hãy ủng hộ và hỗ trợ những điều tốt đẹp, đem lại tự do và an toàn cho thế giới.

  • Muqadasa Ahmadzai

    Afghanistan Nhà hoạt động chính trị, xã hội

    Cô đã tổ chức một mạng lưới gồm hơn 400 nhà hoạt động là phụ nữ trẻ từ tỉnh Nangarhar ở miền đông Afghanistan, đi tới những vùng lân cận giúp các nạn nhân bạo lực gia đình.

    Là một nhà hoạt động chính trị và xã hội, Muqadasa Ahmadzai đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ phụ nữ và cộng đồng trước thông tin sai lệch tràn lan trong thời gian đại dịch. Cô là thành viên của Nghị viện Thanh niên Afghanistan, nơi bà đã làm việc vì quyền phụ nữ và trẻ em.

    Năm 2018, cô nhận giải thưởng N-Peace do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc trao tặng cho những phụ nữ xuất sắc trong xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột.

    *Tôi chưa từng trải qua sự thay đổi đột ngột nào như vậy - như thể chưa có chính phủ nào tồn tại trước đây. Giờ đây, hy vọng duy nhất của chúng tôi là giới trẻ sẽ lấp đầy khoảng trống và cải tổ hệ thống, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

  • Rada Akbar

    Afghanistan Nghệ sĩ

    Phản ánh tình trạng kỳ thị và đàn áp phụ nữ nằm trong tâm điểm các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ hình ảnh người Afghanistan này. Rada Akbar luôn sử dụng nghệ thuật làm công cụ để lên tiếng và trao cho phụ nữ cái nhìn mà họ xứng đáng được có trong xã hội.

    Kể từ năm 2019, cô đã tổ chức triển lãm thường niên 'Nữ siêu nhân' (Abarzanan) để đánh dấu ngày Quốc tế Phụ nữ mùng và để kỷ niệm vai trò trung tâm mà người phụ nữ đã thể hiện trong lịch sử đất nước mình. Cho đến gần đây, cô làm việc nhằm mở một bảo tàng lịch sử phụ nữ tại Kabul hoặc tại một nơi nào đó khác.

    Cô tin rằng các tác phẩm nghệ thuật của cô giúp lên án luật lệ xã hội khắt khe với phụ nữ trong việc đánh giá những giá trị chính trị, kinh tế và tôn giáo.

    *Afghanistan và người dân đã bị lạm dụng, phải chịu cảnh bạo lực bởi những kẻ cực đoan và các nhà lãnh đạo thế giới trong hàng thập niên. Nhưng chúng tôi không bao giờ ngừng lại vì một đất nước tiến bộ, và chúng tôi sẽ lại được sống trong một đất nước Afghansitan tự do và thịnh vượng.

  • Abia Akram

    Pakistan Lãnh đạo người khuyết tật

    Là nhà hoạt động trong phong trào vì người khuyết tật kể từ 1997, khi còn là sinh viên và bản thân là người khuyết tật, cô đã bắt đầu Chương trình Trao đổi Tài năng Đặc biệt (Step).

    Cô là người phụ nữ Pakistan đầu tiên được đề cử làm điều phối viên cho Diễn đàn Người Khuyết tật Trẻ của Khối Thịnh vượng Chung. Akram là sáng lập viên của Diễn đàn Quốc gia Phụ nữ Khuyết tật, và đã vận động cho việc thực hiện Công ước LHQ về Quyền của Người Khuyết tật.

    Cô cũng đang làm việc tích cực để đưa vấn đề người khuyết tật vào Nghị trình 2030 và vào các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

    *Để sắp xếp lại thế giới sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần cùng nhau hành động để cải thiện mọi khía cạnh đời sống xã hội, nơi mà sự 'bình thường mới' sẽ được xây dựng, và chúng ta cần phải nhìn nhận rằng có nhiều đối tượng cần được đưa vào cùng các nhóm khác trong tiến trình phát triển.

  • Leena Alam

    Afghanistan Nghệ sĩ

    Diễn viên truyền hình, phim truyện và sân khấu từng đoạt giải, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền, Leena Alam nổi tiếng qua các show truyền hình nói về nữ quyền tại Afghanistan, như Shereen và Killing of Farkhunda (Giết chết Farkhunda), kể về một phụ nữ Afghanistan bị cáo buộc sai trái là đã đốt kinh Koran và bị công khai hành hình bởi đám đông những người đàn ông cuồng nộ.

    Alam trốn khỏi Afghanistan những năm 1980 và hiện đang sống ở Mỹ nhưng cô vẫn tiếp tục kể những câu chuyện về quê hương mình.

    Năm 2009, cô được phong làm đại sứ hòa bình cho Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan.

    *Chúng tôi mất hàng thập kỷ với biết bao xương máu và hy sinh để tái thiết được đất nước. Nhìn tất cả sụp đổ trong chớp mắt mà đau đớn, nhưng cuộc chiến vẫn phải tiếp tục, lần này với những nền móng vững vàng hơn.

  • Dr Alema

    Afghanistan Nhà triết học và nhà vận động nhân quyền

    Học giả nổi tiếng trong lĩnh vực triết học và khoa học xã hội, Tiến sỹ Alema là thứ trưởng phụ trách nhân quyền và xã hội dân sự của Bộ Hòa bình Quốc gia. Bà cũng là sáng lập viên của Ủy ban Phụ nữ Tham Chính độc lập, và là một người nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động vì quyền của phụ nữ.

    Tốt nghiệp tiến sỹ triết học ở Đức, Tiến sỹ Alema có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích xung đột.

    Bà viết sách về quan hệ quốc tế Đức-Afghanistan và trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan. Bà cũng là nhà đào tạo và người điều hành chuyên nghiệp về luật nhân đạo, trong đó chú trọng vào người tị nạn, di dân và người bị ly tán.

    *Ước mơ của tôi là có một Afghanistan tự do, dân chủ, nơi quyền công dân được bảo vệ dựa trên hiến pháp hiện đại, và nơi phụ nữ có quyền tham gia vào tất cả lĩnh vực của đời sống như những công dân bình đẳng được pháp luật bảo vệ.

  • Sevda Altunoluk

    Thổ Nhĩ Kỳ Vận động viên bóng lăn chuyên nghiệp

    Bị khiếm thị bẩm sinh, Sevda Altunoluk là vận động viên chuyên nghiệp môn bóng lăn (môn thể thao với mỗi đội gồm ba cầu thủ khiếm thị hoặc được bịt kín mắt ném bóng có gắn chuông vào lưới đối phương).

    Thường được đánh giá vận động viên môn bóng lăn xuất sắc nhất thế giới, cô là người ghi bàn nhiều nhất tại hai kỳ Thế Vận hội Paralympic, giành hai giải vô địch thế giới và bốn giải vô địch châu Âu. Altunoluk đã giúp tuyển nữ Thổ Nhĩ Kỳ thắng giải vàng Paralympics tại Rio 2016 và Tokyo 2020.

    Được sinh ra tại Tokat, Anatolia có bằng cử nhân ngành thể dục tại Ankara.

    *Không nên coi khuyết tật là cản trở mà hãy nên coi đó là cơ hội để tự thể hiện bản thân.

  • Wahida Amiri

    Afghanistan Thủ thư, người phản kháng

    Là thủ thư và người yêu sách, Wahida Amiri tốt nghiệp cử nhân luật và là một người biểu tình. Khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan, cô không còn được tới làm việc tại thư viện của mình nữa. Cô đã xuống đường tại Kabul để phản đối - và đã được rất nhiều phụ nữ khác cùng đi trong cuộc tuần hành chung nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cho quyền được đi làm, đi học của phụ nữ Afghanistan.

    Kể từ khi Taliban cấm biểu tình, Amiri đã hội họp cùng các phụ nữ khác khích lệ việc đọc sách và thảo luận

    Thư viện của cô đã hoạt động kể từ 2017. Amiri nói nếu không có sách, cô sẽ đánh mất bản sắc của mình.

    *Thế giới không coi chúng tôi như con người. Nhưng trong lúc Afghanistan bị phá huỷ thì chúng tôi vẫn làm sống lại hy vọng, thông qua các cuộc biểu tình đòi công lý và khuyến khích mọi người đọc sách.

  • Mónica Araya

    Costa Rica Cổ suý phát triển giao thông không phát khí thải

    Là chuyên gia về khí hậu tích cực thúc đẩy tiến trình chuyển sang sử dụng các hình thức giao thông không phát khí thải, Mónica Araya đã dẫn dắt các chiến dịch phát triển bền vững tại châu Mỹ và châu Âu, trong đó có sáng kiến công dân 'Costa Rica Limpia', giúp đất nước bà củng cố vị thế là quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

    Araya là Cố vấn Đặc biệt của Nhà vô địch Hành động vì Khí hậu Cấp cao LHQ trong các vấn đề giao thông. Bà cũng là cố vấn của RouteZero, một chiến dịch vận động cho việc di chuyển không phát thải, và là một gương mặt nổi trội của Quỹ Hoạt động vì Khí hậu.

    Các buổi thuyết trình TEDTalks của bà thu hút tổng số bốn triệu lượt người xem, và đã được dịch sang 31 thứ tiếng. Trong năm 2016, Araya tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực đông người nhất thế giới, với toàn bộ các thành viên đều là phụ nữ.

    *Đây là lúc sắp xếp lại thứ mà chúng ta coi là 'bình thường'. Điều cốt yếu là cần giảm nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu diesel, và việc giảm bớt sẽ giúp chúng ta tạo dựng sự hỗ trợ chính trị cho các chuyển đổi xã hội khác cấp bách hơn.

  • Natasha Asghar

    Anh quốc Nghị viên Quốc hội xứ Wales

    Cô làm nên lịch sử vào năm nay khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào Senedd, tức Quốc hội xứ Wales kể từ khi cơ quan này ra đời, 1999.

    Là thành viên của đảng Bảo thủ và thành viên quốc hội đại diện cho khu vực South Wales East, Natasha Asghar là quan chức của đảng đối lập theo dõi vấn đề giao thông và công nghệ. Cô hy vọng sẽ phát hành thẻ đi tàu, xe nhằm khuyến khích người địa phương và du khách tại xứ Wales dùng giao thông công cộng nhiều hơn, giúp làm tăng trưởng kinh tế.

    Trước khi hoạt động chính trị, cô làm việc trong ngành ngân hàng, làm người dẫn chương trình truyền hình, làm DJ cho đài phát thanh, và đã viết hai cuốn sách.

    *Đoàn kết lại, chúng ta cần phải đi qua con đường khó khăn này để tới sự bình thường mới và nắm bắt những cơ hội giúp tối ưu hoá cách sống, làm việc của chúng ta từ nay trở đi.

  • Zuhal Atmar

    Afghanistan Doanh nhân, Nhà máy tái chế Gul-e-Mursal

    Nhà máy tái chế giấy thải đầu tiên của Afghanistan, Gul-e-Mursal, được thành lập bởi nữ doanh nhân Zuhal Atmar. Có nền tảng trong mảng kinh tế, kinh doanh, bà đã thành lập một nhà máy do phụ nữ lãnh đạo tại Kabul vào năm 2016. Nhà máy tạo 100 công ăn việc làm, trong đó 30% do phụ nữ đảm nhận, từ làm việc trực tiếp tại nhà máy cho tới hoạt động tiếp thị.

    Nhà máy thu gom rác thải và giấy tờ không cơ mật từ các tổ chức phi chính phủ và xử lý gần 35 tấn giấy mỗi tuần, tái chế thành giấy vệ sinh rồi bán trên khắp cả nước.

    Atmar lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận được hỗ trợ tài chính cần thiết để thành lập và hoạt động kinh doanh ở Afghanistan.

    *Tương lai sẽ như thế nào? Ước mơ, hoài bão và hy vọng của giới trẻ và phụ nữ đã bị phá hủy.

  • Marcelina Bautista

    Mexico Lãnh đạo nghiệp đoàn

    Bản thân từng là người giúp việc nhà, Marcelina Bautista là giám đốc trung tâm hỗ trợ và đào tạo lao động giúp việc nhà (CACEH) do bà thành lập 21 năm về trước. Bà vận động đòi bảo đảm các quyền cho người giúp việc nhà tương đương với các loại hình lao động khác, như mức lương thỏa đáng, quyền nghỉ ốm, và cải thiện vị trí xã hội của họ.

    Sáng kiến của bà kết hợp việc giáo dục cho nhân công, chủ lao động và mọi người. Bautista rất tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán vốn đã thúc đẩy chính phủ Mexico chính thức tham gia ký một hiệp định lao động quốc tế nhằm bảo vệ người giúp việc nhà khỏi tình trạng bị bị bóc lột, bạo lực và điều kiện làm việc không an toàn

    Bà đã được trao tặng giải thưởng nhân quyền quốc tế của Quỹ Friedrich-Ebert-Stiftung, Đức, hồi năm 2010.

    *Thay đổi thế giới có nghĩa là thay đổi điều kiện cho hàng triệu người giúp việc nhà, hầu hết là phụ nữ, những người làm việc tại nhà trong khi những người khác phát triển sự nghiệp chuyên môn. Sự bất bình đẳng xã hội này sẽ chỉ chấm dứt khi công việc này được nhìn nhận đúng mức.

  • Crystal Bayat

    Afghanistan Nhà hoạt động

    Nhà hoạt động xã hội và vận động vì nhân quyền Crystal Bayat nổi tiếng vì các hoạt động phản đối việc Taliban lên nắm quyền trong năm 2021.

    Bayat theo đuổi việc lấy bằng tiến sỹ ngành quản lý chính trị, nhưng việc học của cô bị đình trệ kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.

    Cô hiện đang sống ở Mỹ, từ đây cô tiếp tục cuộc chiến bảo vệ thành tựu đã đạt được về nhân quyền của người dân Afghanistan. Cô cũng hy vọng sẽ lấy được bằng tiến sỹ và viết một cuốn sách.

    *Rốt cuộc thì tôi muốn là một phần của sự thay đổi dân chủ nào ở Afghanistan. Ước mơ của tôi là được phát biểu tại Liên Hợp Quốc, bởi vì tôi tin thế giới cần lắng nghe những gì người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, cần phải nói.

  • Razia Barakzai

    Afghanistan Người biểu tình

    Từng làm cho chính phủ tại dinh tổng thống và trong một số vị trí khác nhau trong nhiều năm, Razia Barakzai mất việc sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.

    Kể từ đó, cô đã tích cực tham gia vào các cuộc tuần hành ở Kabul cùng rất nhiều phụ nữ khác, đòi quyền đi làm, quyền đi học cho phụ nữ. Cô cũng là một trong những phụ nữ đứng đằng sau khẩu hiệu #AfghanWomenExist (phụ nữ Afghanistan có tồn tại), nhấn mạnh tới vấn đề nỗi sợ hãi đã khiến phụ nữ Afghanistan tránh né mạng xã hội.

    Barakzai có bằng cử nhân luật và khoa học chính trị, và bằng MBA. Trong thư gửi BBC, cô viết: "Chết vì tự do đáng giá hơn là sống trong cảnh nô lệ."

    *Những người có học và thanh niên của đất nước, đặc biệt là những nữ chiến binh dũng cảm, rồi đến một ngày sẽ là những người giương cao lá cờ tự do. Tôi nhìn thấy điều này mỗi ngày qua những cuộc biểu tình trên đường phố.

  • Nilofar Bayat

    Afghanistan Vận động viên ngồi xe lăn môn bóng rổ

    Đội trưởng đội tuyển quốc gia môn bóng rổ trên xe lăn, và là gương mặt nổi trội trong hoạt động ủng hộ phụ nữ khuyết tật, Nilofar Bayat chạy khỏi Afghanistan để thoát khỏi tay Taleban. Cô và chồng là Ramish, cũng là một vận động viên ngồi xe lăn, cùng là nhân viên của Hội Hồng Thập tự Quốc tế.

    Khi cô mới 2 tuổi, một trái hỏa tiễn đã phóng trúng vào nhà cô, giết chết anh trai và khiến cô bị tổn thương cột sống. Bayat chơi trận bóng rổ đầu tiên trong đời tại một sân đấu ngoài trời nằm giữa Kabul, bước ngoặt cho các nữ vận động viên tại Afghanistan. Cô đã trở thành tiếng nói của những người tị nạn phải rời bỏ đất nước, và đã thành lập một hiệp hội dành cho phụ nữ Afghanistan.

    Bayat hy vọng sẽ được chơi bóng rổ trở lại.

    *Tôi hy vọng mọi sự sẽ qua đi ở Afghanistan và chúng tôi không phải trả giá chiến tranh thêm một giây nào nữa. Tôi hy vọng được nhìn thấy nụ cười thực sự trên gương mặt người dân nước tôi.

  • Jos Boys

    Anh quốc Kiến trúc sư

    Đồng giám đốc của Dự án Kiến trúc DisOrdinary, dự án kết hợp các nghệ sĩ khuyết tật với nhau để ra các ý tưởng sáng tạo về cách tạo lối di chuyển phù hợp cho người khuyết tật trong các công trình.

    Vừa là kiến trúc sư vừa là nhà hoạt động, Jos Boys đồng sáng lập hiệp hội Matrix Feminist Design hồi thập niên 1980 và là một trong các tác giả của cuốn Making Space: Women and Man Made Environment (Tạo không gian: Môi trường do phụ nữ và đàn ông tạo ra). Bà từng làm công tác học thuật trong nhiều tổ chức quốc tế, mảng khám phá không gian sáng tạo của nữ giới trong kiến trúc.

    Trong sự nghiệp 40 năm của mình, bà đã nâng cao nhận thức về việc thói quen hoạt động xã hội, tiêu dùng hàng ngày của chúng ta có thể giúp ích cho người khuyết tật theo ra sao.

    *Chúng ta cần tập trung vào các trải nghiệm đa dạng của người khuyết tật và những nhóm người bị gạt ra bên lề xã hội trong năm ngoái: thừa nhận điều này như một cách sáng tạo để sắp xếp lại các công trình xây dựng quanh ta, biến chúng thành những không gian thích hợp để mọi người có thể chăm sóc, phụ thuộc lẫn nhau.

  • Catherine Corless

    Ireland Sử gia địa phương

    Nhà sử học không chuyên đã điều tra cái chết của 796 em nhỏ tại trại Bon Secours Mother and Baby Home tại Galway, thực hiện cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều năm để dẫn tới việc phát hiện ra một nấm mồ tập thể tại nơi từng là điểm trú chân cho các bà mẹ không chồng, nơi hàng trăm trẻ sơ sinh biến mất mà không có dấu vết nào cho thấy các bé đã được chôn cất, trong các thập niên 1920-1950.

    Năm nay, một bản phúc trình được chờ đợi từ lâu về các cơ sở này, chủ yếu do các nữ tu Công giáo vận hành, phát hiện thấy có một "mức tử vong đáng sợ ở trẻ sơ sinh" do nhiều loại bệnh dịch, khiến cho chính phủ Ireland phải xin lỗi.

    Corless được trao Giải Nhân Quyền của Đoàn Luật sư Iceland, giải thưởng ghi nhận những đóng góp của bà trong hoạt động nhân đạo.

    *Nếu như tôi có thể sắp xếp lại thế giới, tôi sẽ xóa bỏ từ 'xấu hổ'. Từ điển định nghĩa nó là "một cảm giác đau đớn vì bị sỉ nhục, một cảm giác khiến chúng ta thấy mình sai lầm". Đó là một từ có năm ký tự mang tính công phá cực kỳ ghê gớm

  • Faiza Darkhani

    Afghanistan Nhà môi trường học

    Một trong số ít những người làm việc trong lĩnh vực thay đổi khí hậu ở Afghanistan, Faiza Darkhani là phó giáo sư và là cựu giám đốc của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia tại tỉnh Badakhshan. Bà cũng là một người mạnh mẽ bảo vệ quyền phụ nữ.

    Darkhani tốt nghiệp thạc sỹ kiến trúc cảnh quan tại Đại học Putra Malaysia. Bà viết các bài nghiên cứu về quản lý cảnh quan đô thị bền vững và kỹ thuật sáng tạo, chẳng hạn như canh tác nhiều tầng cây để sản xuất lương thực ở các thành phố đông đúc dân cư.

    Bà tin rằng cần nâng cao nhận thức của công chúng về bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình bền vững chú trọng vào nữ giới.

    *Bước ra khỏi đám đông là một quyết định dũng cảm. Bạn phải theo đuổi ước mơ của mình và biến chúng trở thành hiện thực. Và ước mơ của tôi là một môi trường trong sạch và an toàn, không có chiến tranh và các loại ô nhiễm.

  • Azmina Dhrodia

    Canada Phụ trách Chính sách An toàn của mạng xã hội Bumble

    Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giới, công nghệ và nhân quyền, Azmina Dhrodia hiện đảm nhận vai trò phụ trách mản Chính sách An toàn của ứng dụng hẹn hò trực tuyến Bumble. Bà kêu gọi ký thư ngỏ hồi tháng 7/2021, thu hút chữ ký của hơn 200 gương mặt nữ nổi tiếng, kêu gọi tập trung vào việc có hành động mạnh mẽ nhằm xử lý tình trạng lạm dụng, bạo lực trên mạng xã hội.

    Bà cũng là tác giả của Toxic Twitter: Violence and Abuse Against Women Online (Twitter độc hại: Tình trạng bạo lực và lạm dụng phụ nữ trên mạng), một bản phúc trình về nạn bạo lực do giới tính và mối liên hệ giữa vấn đề này với nạn bạo lực do phân biệt đẳng cấp xã hội và chủng tộc.

    Dhrodia từng làm việc về vấn đề giới và quyền đối với dữ liệu tại World Wide Web Foundation, và hợp tác với nhiều hãng công nghệ nhằm xây dựng những trải nghiệm lên mạng an toàn cho phụ nữ và các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội.

    *Tôi muốn một thế giới nơi các không gian mạng khi đưa ra thiết kế thì có suy xét đến trải nghiệm của phụ nữ. Một thế giới nơi phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ tiếp nhận những giao thoa văn hóa, có thể sử dụng các không gian mạng một cách bình đẳng, tự do và không sợ hãi.

  • Pashtana Durrani

    Afghanistan Giáo viên, LEARN Afghanistan

    Người sáng lập và giám đốc điều hành của LEARN Afghanistan, Pashtana Durrani là giáo viên nhiệt huyết hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo trong giáo dục, chú trọng tới quyền của các bé gái. LEARN đã thành lập các trường học tại Kandahar, đào tạo giáo viên, tư vấn cho các học sinh.

    Thông qua ứng dụng Rumie, cho phép người học có những trải nghiệm đầu tiên trên ứng dụng di động trong sáu phút, LEARN đã giúp trẻ em gái truy cập tài nguyên học thuật, video và game học tập. LEARN cũng đang đào tạo phụ nữ ở nông thôn trở thành nhân viên hộ sinh.

    Durrani là Đại diện Thanh niên Afghanistan tại Liên Hợp Quốc và là người nhận giải thưởng Education Champion Award của Malala Fund cho những nỗ lực của cô trong việc tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái Afghanistan.

    *Thật kinh ngạc khi thế giới muốn hạ thấp chúng tôi chỉ vì chúng tôi là chúng tôi. Nhưng dù có đau đớn, tổn thương và để lại vết sẹo như thế nào chúng tôi vẫn và sẽ kiên trì - cho dù con đường còn dài bao xa.

  • Najla Elmangoush

    Anh Quốc Ngoại trưởng Libya

    Nữ ngoại trưởng đầu tiên của Libya, được bổ nhiệm trong năm nay, bà cũng là một nhà ngoại giao và là luật sư. Trong cuộc Cách mạng Libya hồi 2011, Najla Elmangoush có chân trong Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, làm việc nhằm xây dựng các mối liên kết với các tổ chức xã hội dân sự.

    Bà là đại diện của Libya tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ và đã làm việc trong các chương trình xây dựng hòa bình và pháp lý tại Trung tâm Tôn giáo Thế giới, Ngoại giao và Giải pháp Xung đột. Đấu tranh chính trị nội bộ ở trong nước đã khiến bà phải từ chức, và gần đây bà bị cấm đi lại.

    Bà có bằng cử nhân luật từ Đại học Benghazi và bằng tiến sĩ về phân tích xung đột và giải pháp từ Đại học George Mason.

    *Thế giới đã thay đổi vô cùng nhiều trong năm 2021. Tôi muốn thế giới bắt đầu lại từ đầu, để đưa ý nghĩa và mục đích vào cuộc sống của chúng ta, và để phụng sự nhân loại tốt hơn.

  • Shila Ensandost

    Afghanistan Giáo viên

    Nâng cao nhận thức về quyền đi học của phụ nữ và các bé gái là ưu tiên hàng đầu đối với Shila Ensandost, giáo viên người Afghanistan. Cô có bằng nghiên cứu tôn giáo và dạy học tại các trường phổ thông.

    Ensandost, có bằng cử nhân về nghiên cứu tôn giáo, đã tích cực vận động cho việc nâng cao vai trò người phụ nữ trong các hoạt động chính trị, xã hội, và đã xuất hiện trên truyền thông Afghanistan, lên tiếng về quyền đi học, đi làm của phụ, nữ. Ensandost gần đây đã tham gia một cuộc biểu tình lớn tại Kabul, nơi cô mang theo tấm vải trắng ghi khẩu hiệu phản đối đàn áp phụ nữ ở nước này.

    Bên cạnh việc dạy học, cô còn là một thành viên tích cực của các hiệp hội khác nhau dành cho phụ nữ tại Afghanistan.

    *Tôi muốn chứng kiến phụ nữ được tham gia vào các quan hệ chính trị, xã hội, kinh tế, muốn quyền đi học của phụ nữ phải được bảo đảm, và nạn bạo lực, đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ và các cộng đồng thiểu số phải bị tiễu trừ.

  • Saeeda Etebari

    Afghanistan Nhà thiết kế đồ trang sức

    Doanh nhân và là nhà thiết kế và chế tạo đồ trang sức nổi tiếng thế giới

    Các tác phẩm của bà đã được triển lãm tại bảo tàng Smithsonian ở Washington DC, lấy cảm hứng từ các kiểu dáng truyền thống của quê hương bà, Afghanistan, sử dụng các loại đá quý và các motif trang trí địa phương.

    Bà bị điếc khi mới một tuổi, sau khi mắc bệnh viêm màng não trong trại tị nạn. Bà tốt nghiệp trường dành cho người khiếm thính, ngôi trường cha bà là người giúp thành lập. Sau đó, Etebari gia nhập Viện Kiến trúc và Nghệ thuật Afghanistan của Turquoise Mountain, chuyên về thiết kế trang sức.

    *Phụ nữ hiện đang thất nghiệp và chỉ có nam giới mới được đi làm. Bây giờ chế độ đã thay đổi, hy vọng của tôi về một tương lai tốt đẹp hơn cho Afghanistan đã trở nên vô vọng.

  • Sahar Fetrat

    Afghanistan Nhà hoạt động vì nữ quyền

    Là sức mạnh đứng đằng sau một số các cuộc biểu tình phản đối phân biệt giới, nhà hoạt động nữ quyền Sahar Fetrat là một người tị nạn trẻ sống tại Iran và Pakistan trong thời gian Taliban lần đầu lên nắm quyền trước đây. Cô trở về Kabul vào năm 2016 và đã nổi lên trong các phong trào hoạt động nữ quyền khi khi còn ở tuổi thiếu niên.

    Cô kết hợp chủ nghĩa nữ quyền trong kể chuyện, thông qua viết văn và làm phim, chẳng hạn như phim tài liệu về nạn quấy rối trên đường phố 'Do Not Trust My Silence' (Đừng tin vào sự im lặng của tôi) (2013). Fetrat làm việc với đơn vị giáo dục của Unesco ở Afghanistan và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

    Cô lấy bằng thạc sỹ nghiên cứu giới tại Đại học Trung Âu, và hiện đang theo học Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học King’s College London.

    *Tôi hy vọng có một ngày sẽ được nhìn thấy trẻ em gái được quyền đi học như đó là một quyền cơ bản chứ không phải thứ phải đấu tranh mới giành được. Tôi hy vọng được nhìn thấy những bé gái Afghanistan đấu tranh cho những ước mơ còn cao hơn cả những ngọn núi của đất nước.

  • Melinda French Gates

    Hoa Kỳ Nhà hoạt động từ thiện, doanh nhân

    Nhà hoạt động từ thiện, doanh nhân và là người mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ và các bé gái trên toàn cầu. Melinda French Gates hoạch định ra phương hướng và những ưu tiên hàng đầu cần thực hiện của một trong những tổ chức thiện nguyện lớn nhất thế giới trong vai trò đồng chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates.

    Bà cũng là nhà sáng lập Pivotal Ventures, một công ty đầu tư hoạt động nhằm thúc đấy tiến bộ xã hội cho phụ nữ và gia đình. Bà cũng là tác gải của cuốn sách ăn khách The Moment of Lift.

    French Gates có bằng cử nhân khoa học điện toán và MBA từ Đại học Duke. Bà đã có 10 năm phát triển các sản phẩm multimedia tại Microsoft trước khi rời công ty để tập trung chăm sóc gia đình và làm công tác từ thiện.

    *Đại dịch Covid-19 làm lộ ra bất bình đẳng sâu sắc trên thế giới và khiến tình trạng đó nặng nề hơn. Đặt phụ nữ và trẻ em gái vào tâm điểm các nỗ lực phục hồi của chúng ta sẽ vừa làm giảm bớt sự khổ đau hiện tại, vừa giúp xây dựng một nền tảng vững vàng hơn cho tương lai.

  • Fatima Gailani

    Afghanistan Nhà đàm phán hòa bình

    Một trong bốn phụ nữ tham gia đàm phán hoà bình với Taliban hồi năm 2020, nỗ lực tìm kiếm một 'thoả thuận chính trị công bằng'. Fatima Gailani là một lãnh đạo chính trị đầy triển vọng và là một nhà hoạt động đã tham gia công tác nhân đạo trong suốt 43 năm qua.

    Bà là một trong những gương mặt nữ của lực lượng Afghanistan chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô thời thập niên 1980 và là phát ngôn viên của tổ chức Mujahideen Afghanistan trong thời gian sống lưu vong ở London. Bà trở lại Afghanistan sau khi Hoa Kỳ đưa quân vào chiếm đóng Afghanistan vào năm 2001, và tham gia soạn hiến pháp mới cho đất nước.

    Từ 2005 đến 2016, bà là chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Afghanistan (Afghan Red Crescent Society). Hiện bà vẫn là thành viên hội đồng quản trị.

    *Tôi hy vọng về một cuộc đối thoại cấp quốc gia có ý nghĩa, nhằm đạt kết quả trong việc xây dựng quốc gia thực sự.

  • Carolina García

    Argentina Đạo diễn - Netflix

    Đạo diễn các series phim gốc của hãng phát hành video streaming Netflix. Caroline García chào đời tại Argentina và lớn lên tại California. Vốn liếng đào tạo bài bản để trở thành vũ công và ca sĩ đã giúp bà vươn lên trong ngành công nghiệp giải trí sau khi bắt đầu với vị trí thực tập sinh tại hãng phim Twentieth Century Fox.

    Là giám đốc phụ trách sáng tạo, bà chịu trách nhiệm đối với một số loạt phim ăn khách của Netflix, trong đó có Stranger Things (được giới thiệu ở Việt Nam với tựa đề 'Cậu bé mất tích'), The Chilling Adventures of Sabrina, 13 Reasons Why ('13 lý do tại sao'), Atypical, và Raising Dion.

    Là một trong những gương mặt Mỹ-Latin hiếm hoi nắm giữ vị trí lãnh đạo tại Hollywood, García nỗ lực làm tăng sự hiện diện của người Mỹ Latinh trên màn ảnh, và nhấn mạnh tới những câu chuyện của họ, do sắc dân này nay chiếm gần một phần năm dân số Hoa Kỳ.

    *Vài năm qua là thời kỳ làm rung chuyển tất cả chúng ta, nhưng cuộc sống thì ngắn ngủi - tại sao lại phải lãng phí thời gian quý báu của mình vào nỗi sợ? Như bà tôi nói thì, "cần phải sống cuộc đời" và đây là lúc chúng ta nên lắng nghe lời bà tôi.

  • Saghi Ghahraman

    Iran Nhà thơ

    Tác giả người Canada gốc Iran, và là đồng sáng lập, chủ tịch Tổ chức Queer Iran (IRQO).

    Đặt tại Toronto, tổ chức này bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và người chuyển giới sống tại Iran hoặc buộc phải lưu vong, và theo dõi tình trạng vi phạm quyền của người đồng tính tại Iran.

    Ghahraman thành lập Gilgamishaan Books từ năm 2010, tập trung vào "văn hóa queer" của người Iran. Là một biên tập viên có tiếng trên toàn quốc tế và là tác giả của bốn tập thơ cùng nhiều bài báo, các tác phẩm của Ghahraman được biết đến do thách thức khuynh hướng coi tình dục khác giới mới là chuẩn mực.

    *Khi thế giới được sắp xếp lại, nó cần phải tính đến tất cả mọi người chúng ta. Thế giới chỉ có thể không còn Covid nếu như "chúng ta" sắp xếp lại để những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ cũng được hưởng toàn bộ những đặc quyền mà những người không thuộc giới đó đương nhiên được hưởng.

  • Ghawgha

    Afghanistan Nhạc sĩ

    Là ca sĩ, người viết ca khúc, soạn nhạc tài năng, Ghawgha đã hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hơn năm năm. Các bài hát của cô - thường là nói về thiếu nữ và phụ nữ tại Afghanistan - thu hút một lượng fan trung thành. Ca từ của cô có nội dung phản đối tình thế hiện thời tại đất nước mình.

    Năm 2019, cô phổ nhạc bài thơ I Kiss You Amid the Taliban, do Ramin Mazhar sáng tác. Nó ngay lập tức lan truyền trên mạng. Đĩa đơn mới nhất của cô, Tabassum, dành tặng "những trẻ em bị chiến tranh cướp đi ước mơ".

    Ghawgha nói rằng cô viết nhạc bởi vì "chiến tranh không hồi kết ở đất nước tôi không bao giờ cho tôi tìm thấy hòa bình". Ca từ của cô thể hiện sự đau đớn này.

    *Bầu trời đất mẹ được tô điểm bởi những cánh diều muôn màu muôn vẻ. Tôi nghĩ về người dân của tôi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, từng phút từng giờ. Sự lo lắng cho an toàn của họ luôn canh cánh trong tôi.

  • Angela Ghayour

    Afghanistan Giáo viên và nhà sáng lập một trường học online

    Trường học trực tuyến Herat Online School do nhà giáo dục Angela Ghayour thành lập có gần 1.000 học sinh với hơn 400 giáo viên là những người hoạt động tình nguyện. Bà quyết định hành động khi Taliban ra lệnh cho các em gái và phụ nữ trẻ ở Afghanistan phải ở nhà. Trường học online của bà nay có hơn 170 lớp học khác nhau, được tổ chức trên Telegram hoặc Skype, dạy các môn từ toán cho tới âm nhạc, tới nấu ăn và hội họa.

    Bản thân Ghayour đã từ Herat trốn sang Iran vào năm 1992 khi nội chiến nổ ra, và bà đã phải nghỉ học 5 năm do gia đình bà chỉ được cấp visa tạm thời.

    Sau đó, bà đủ tiêu chuẩn để trở thành giáo viên trung học. Bà đã nhiều lần di cư và hiện đang định cư tại Vương quốc Anh.

    *Tôi không chấp nhận cái gọi là sự cần thiết của cái ác. Sẽ chỉ đạt được hạnh phúc dài lâu khi thế giới ngừng cái vòng luẩn quẩn của sự tầm thường của cái ác, không công nhận chính quyền Taliban hay bất kỳ thế lực tàn ác nào khác.

  • Jamila Gordon

    Somalia Giám đốc điều hành - Lumachain

    Là một nhà lãnh đạo trong thế giới trí tuệ nhân tạo (AI), Jamila Gordon là sáng lập viên của Lumachain, nền tảng đầu tiên trên thế giới sử dụng AI để kết nối các đoạn đứt gãy trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

    Bà ra đời tại một ngôi làng Somalia và phải chạy sang Kenya khi ở tuổi thiếu niên để trốn khỏi cuộc nội chiến trong nước. Sau đó, bà chuyển tới Australia và bắt đầu đam mê công nghệ. Trước khi cho ra mắt Lumachain, Gordon từng giữ vị trí giám đốc điều hành toàn cầu của IBM và là quan chức cao cấp phụ trách mảng thông tin của hãng Qantas.

    Bà được Microsoft trao giải Thách thức Dành cho Nữ doanh nhân Quốc tế năm 2018, và được vinh danh là nhà sáng chế của Australia và New Zealand trong năm 2021, với các giải thưởng Phụ nữ trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo.

    *Tôi nhiệt thành tin rằng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo có thể giúp những người xuất thân với nhiều điểm bất lợi đạt được chỗ đứng thích hợp trong xã hội, và cũng giúp làm biến chuyển các hoạt động kinh doanh.

  • Najlla Habibyar

    Afghanistan Doanh nhân

    Để giúp phụ nữ Afghanistan gây dựng công việc dệt vải và bán sản phẩm ra nước ngoài mà không cần qua những khâu trung gian tốn kém, Najlla Habibyar đã thành lập Blue Treasure Inc và Ark Group. Cô đã lãnh đạo các dự án cho USAID và Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực nâng cao sức mạnh nữ giới và biến đổi khí hậu liên quan tới hoạt động kinh doanh.

    Từ năm 2012 đến 2015, Habibyar là giám đốc điều hành của Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu của chính phủ, giúp tăng xuất khẩu của Afghanistan ra thế giới.

    Cô cũng làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận trong hơn 13 năm, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em gái và thành lập Tổ chức Chăm sóc Tin cậy cho Gia đình có Hoàn cảnh Éo le.

    *Bất chấp những đau khổ mà tôi đã nếm trải với tư cách là một phụ nữ Afghanistan, tôi hy vọng có thể góp phần chấm dứt di sản chiến tranh cho thế hệ sau của chúng ta.

  • Laila Haidari

    Pakistan Nhà sáng lập Mother Camp

    Với trung tâm cai nghiện ma túy Mother Camp ở Kabul, Laila Haidari đã giúp gần 6.400 người Afghanistan kể từ 2010, bất chấp những định kiến về người sử dụng ma túy. Bà dùng tiền tiết kiệm riêng để thành lập trung tâm, và duy trì hoạt động bằng việc mở một quán ăn do những người đã cai nghiện thành công vận hành, nhưng quán đã phải đóng cửa sau khi Kabul sụp đổ.

    Gia đình Haidari xuất thân từ Bamyan nhưng bà được sinh ra trong trại tị nạn ở Pakistan. Từng là một cô dâu trẻ con, kết hôn khi mới 12 tuổi, bà là tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ nữ quyền.

    Bà tham gia đóng trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Laila at the Bridge (2018), kể về cuộc đấu tranh của bà nhằm duy trì hoạt động của trung tâm, bất chấp những đe dọa và phản đối.

    *Tôi hy vọng nhận thức đó sẽ lan tỏa, để chúng ta có thể có một thế giới đạo đức và nhân văn hơn. Chúng ta sống trong một thế giới kết nối, nơi mà lá phiếu của một người dân Hoa Kỳ có thể thay đổi cơ bản vận mệnh của một người Afghanistan.

  • Zarlasht Halaimzai

    Afghanistan Giám đốc điều hành của Sáng kiến Refugee Trauma Initiative

    Bản thân từng là người tị nạn Afghanistan, Zarlasht Halaimzai là đồng sáng lập và là CEO của sáng kiến Refugee Trauma Initiative (RTI), một tổ chức hỗ trợ tâm lý cho người tị nạn, giúp họ đối phó với những đổ vỡ tình cảm do tình trạng bạo lực và ly tán gây ra.

    Trước khi sáng lập RTI, cô làm việc ở khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, giúp trẻ em dễ bị tổn thương tiếp cận giáo dục, và tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ về sức khỏe và giáo dục cho người tị nạn.

    Halaimzai là một trong những người đầu tiên tham gia Quỹ Obama Foundation năm 2018 - một nhóm 20 nhà lãnh đạo đổi mới tiêu biểu toàn cầu, được tài trợ bởi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

    *Hy vọng của tôi về tương lai là chấm dứt vòng tròn bạo lực đang tiếp tục tàn phá cuộc sống của người dân Afghanistan.

  • Shamsia Hassani

    Iran Nghệ sĩ đường phố

    Đem đến sắc màu cho một thành phố bị tàn phá tan hoang do có xung đột, Shamsia Hassani là nghệ sĩ đường phố vẽ graffiti đầu tiên tại Afghanistan. Cô dùng những tòa nhà bị bỏ hoang hoặc bị hư hại của Kabul để vẽ những bức tranh tường, khắc họa hình ảnh những người phụ nữ tự tin, có sức mạnh và tham vọng.

    Sinh ra ở Iran, có cha mẹ là người Afghanistan, Hassani theo học nghệ thuật trực quan (visual arts) tại Kabul, sau đó giảng dạy tại Đại học Kabul. Cô đã tạo ra những bích họa ở ít nhất 15 quốc gia. Cô được tạp chí Foreign Policy bình chọn là một trong 100 nhà tư tưởng toàn cầu và được miêu tả trong cuốn sách bán chạy nhất 'Goodnight Stories for Rebel Girls 2'. Đây là cuốn sách tập hợp tiểu sử của những người phụ nữ tiên phong.

    Bất chấp sự trở lại của Taliban, Hassani vẫn tiếp tục đăng tác phẩm của mình trên mạng xã hội.

    *Trong suốt 15 năm qua, bất kỳ lúc nào tôi hy vọng cho đất nước tôi, mọi thứ luôn trở nên tồi tệ hơn. Tôi không còn hy vọng gì về một đất nước Afghanistan tươi đẹp hơn - thà là không hy vọng còn hơn là để rồi phải thất vọng.

  • Nasrin Husseini

    Afghanistan Bác sĩ thú y

    Trong khóa học thú y tại Đại học Kabul, Nasrin Husseini là một trong hai nữ sinh duy nhất trong tổng số 75 sinh viên. Là người tị nạn lớn lên tại Iran, cô đã trở về Afghanistan để học tập và sau đó chuyển sang Canada theo học ngành thú y tại Đại học Guelp với suất học bổng giành được.

    Husseini hiện làm việc trong phòng thí nghiệm miễn dịch học và là tình nguyện viên cho tổ chức hoạt động nhân đạo của người Hazara tại Canada, Canadian Hazara Humanitarian Services khi có thời gian rảnh rỗi. Cô giúp đỡ những người Hazara và những người yếu thế khác trong xã hội Afghanistan, những người đang tìm cách tái định cư ở Canada.

    Cô cũng cộng tác với chương trình dành cho thanh thiếu niên của Bookies, khuyến khích trẻ em Afghanistan đọc và kể chuyện.

    *Phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan vô cùng sợ hãi và tình hình hiện tại dường như vô vọng, nhưng luôn luôn có cách. Như Bob Marley từng nói, "Bạn không bao giờ biết mình mạnh mẽ tới mức nào cho đến khi bạn buộc phải mạnh mẽ."

  • Momena Ibrahimi

    Afghanistan Cảnh sát

    Ba năm sau khi tham gia lực lượng cảnh sát, Momena Ibrahimi, được biết đến với tên gọi Momena Karbalayee, bị cấp trên của mình tấn công tình dục. Khi đó, cô đã quyết định lên tiếng về những gì mình phải trải qua cũng như về các cáo buộc lạm dụng trong lực lượng cảnh sát Afghanistan.

    Kể từ đó, cô đấu tranh đòi công lý cho bản thân và các nạn nhân bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục, bất chấp những lời đe dọa. "Tôi tin rằng cần phải có ai đó lên tiếng, và tôi nghĩ người đó có thể là tôi, thậm chí điều đó có thể khiến tôi mất mạng," cô nói với BBC.

    Ibramini là một trong hàng ngàn người được di tản tới Anh Quốc sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền hồi tháng Tám.

    *Tôi ước mong toàn bộ phụ nữ, những người đã đấu tranh trong nhiều năm, đã học tập và tạo dựng sự nghiệp cho mình, có thể quay trở lại làm việc và được tự do, thoát khỏi những kẻ đang dùng sức mạnh chống lại nhân dân.

  • Mugdha Kalra

    Ấn Độ Đồng sáng lập - Not That Different

    Nhà hoạt động vì quyền của người tự kỉ và là mẹ của một đứa trẻ 12 tuổi mắc chứng phổ tự kỉ, Mugdha Kalra đồng sáng lập ra Not That Different, một phong trào do trẻ em dẫn dắt, tập trung vào việc để mọi người hoà đồng và hiểu về 'sự đa dạng thần kinh'. Cô hỗ trợ một chuyên mục truyện tranh chuyên giúp trẻ em hiểu hơn về chứng tự kỉ và khuyến khích các em chơi với các bạn có tình trạng đa dạng thần kinh.

    Kalra có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, dẫn chương trình truyền hình, viết kịch bản phim tài liệu, và là huấn luyện viên về đa dạng hóa và hòa nhập.

    Cô cũng là trưởng chiến lược gia phụ trách nội dung tại Bakstage, một ứng dụng phát podcast trực tiếp, có thể tương tác với khán giả.

    *Đại dịch đã khiến cuộc sống của 7 tỷ người diễn ra trong một thực tế giống nhau, đó là cô đơn trong thế giới của mình, và đều phải trải qua những khổ sử tương tự như nhau. Tôi muốn trải nghiệm chung này sẽ khiến con người chúng ta yêu thương nhau hơn.

  • Freshta Karim

    Afghanistan Sáng lập viên của thư viện lưu động Charmaghz

    Biến những chiếc xe buýt thành các thư viện lưu động, tổ chức NGO ở Kabul, Charmaghz đã đi tới các nẻo trong thành phố, đưa sách và các hoạt động nghệ thuật đến với hàng trăm trẻ em.

    Freshta Karim là nhà hoạt động vì quyền trẻ em, cô lập ra tổ chức Charmaghz năm 2018, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ chính sách công tại Đại học Oxford.

    Ở tuổi 12, cô bắt đầu dẫn chương trình truyền hình cho trẻ em và sản xuất các phóng sự về tình trạng quyền trẻ em ở Afghanistan, và cô tiếp tục theo đuổi công việc này kể từ đó.

    *Tôi làm việc với trẻ em vì tôi coi chúng là "người phá vỡ rào cản" của tương lai Afghanistan, làm đứt vòng luẩn quẩn của áp bức và bạo lực và tạo không gian cho sự hàn gắn, cho những câu chuyện mới và nền chính trị mới.

  • Amena Karimyan

    Afghanistan Nhà thiên văn học

    Kỹ sư dân dụng và giáo viên tại Viện Công nghệ Herat, Amena Karimyan là một trong những phụ nữ đầu tiên tại Afghanistan tập trung vào việc phát triển ngành thiên văn học của nước này.

    Cô là giám đốc điều hành và nhà sáng lập Kayhana Astronomical Group, được thành lập năm 2018, nhằm khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về thiên văn học.

    Tháng 7/2021, Karimyan và nhóm thiên văn học của cô, gồm toàn nữ, đã giành giải thưởng của Liên đoàn Thiên văn Quốc tế tại cuộc thi Thiên văn và Vật lý thiên văn Quốc tế.

    *Vì Taliban không cho trẻ em gái quyền đi học, chúng tôi phải duy trì kết nối hơn bao giờ hết - bằng cách Kayhana Astronomical Group họp trực tuyến hàng đêm. Hy vọng duy nhất của tôi là mở đường cho giới trẻ trên quê hương tôi.

  • Aliya Kazimy

    Afghanistan Nhà giáo dục

    Hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền và giáo dục, đó là cách Aliya Kazimy sử dụng thời gian trước khi Taliban chiếm Kabul. Cô làm tình nguyện viên cho Hội Hồng Thập tự trong ba năm, ra một doanh nghiệp làm bánh kẹo dành cho phụ nữ, và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh trong năm 2020. Cô dạy học tại trường đại học và muốn trở thành giảng viên.

    Sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, cô chuyển tới Hoa Kỳ và nay đang có kế hoạch lấy bằng tiến sĩ.

    Cô đã viết thư cho BBC, trong đó cô viết đầy nhiệt huyết về quyền tự do lựa chọn của phụ nữ, đặc biệt là trong vấn đề ăn mặc.

    *Hy vọng duy nhất của tôi cho Afghanstan là hòa bình: hòa bình là điều chúng tôi cần nhất.

  • Baroness Helena Kennedy QC

    Anh Quốc Giám đốc - Viện Nhân quyền thuộc Đoàn Luật sư Quốc tế

    Trạng sư người Scotland nổi tiếng vì bảo vệ cho quyền của phụ nữ và các nhóm người thiểu số, Nữ Nam tước Helena Kennedy QC (luật sư cao cấp) hành nghề trong lĩnh vực luật hình sự đã hơn 40 năm. Bà là giám đốc Viện Nhân quyền thuộc Đoàn Luật sư Quốc tế, tổ chức hiện đang hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị rủi ro ở Afghanistan.

    Bà từng là hiệu trưởng trường Mansfield College thuộc Đại học Oxford trong vài năm và là người chịu trách nhiệm tạo dựng Học viện Nhân quyền mang tính đột phá tại đó.

    Nữ Nam tước Kennedy đã xuất bản một số cuốn sách về tác động của hệ thống tư pháp đối với phụ nữ. Năm 1997 bà được phong tước vị quý tộc để trở thành một thành viên đại diện đảng Lao động trong Viện Nguyên lão, tức Thượng viện Anh.

    *Quyền con người của chúng ta sẽ là vô nghĩa nếu như không có những luật sư đứng ra bảo vệ cho các vụ việc và không có các thẩm phán độc lập - cả thẩm phán nam lẫn nữ - xét xử các vụ đó.

  • Hoda Khamosh

    Iran Nhà vận động nâng cao nhận thức về kinh nguyệt

    "Kinh nguyệt không phải là điều cấm kị" là chương trình nâng cao nhận thức mà nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Hoda Khamosh triển khai tại các trường học ở Afghanistan, nhằm khuyến khích việc thảo luận cởi mở về vấn đề kinh nguyệt ở phụ nữ.

    Được sinh ra tại Iran trong một gia đình có cha mẹ là người Afghanistan phải đi chạy nạn, cô trở lại Afghanistan khi còn nhỏ và đã phải giúp đỡ mẹ học hành, chống lại lối suy nghĩ cổ hủ của những người họ hàng. Là nhà thơ và cũng là phóng viên, Khamosh trở thành người dẫn chương trình trên đài phát thanh vào năm 2015, nhấn mạnh tới sự bất công đối với phụ nữ, và bắt đầu mở chương trình văn học dành cho phụ nữ trong ngôi làng của mình.

    Kể từ khi Taliban quay lại nắm quyền, cô mở các buổi dạy học cho bé gái từ lớp 7 trở lên, những em không còn được tới trường nữa.

    *Bất chấp toàn bộ những cảnh tăm tối, năm 2021 là năm phụ nữ đứng lên chống lại hòn tên mũi đạn và trực tiếp đòi quyền của mình từ những người đã lấy mất của họ những quyền đó. Tôi gọi năm nay là năm của hy vọng.

  • Mia Krisna Pratiwi

    Indonesia Nhà môi trường học

    Nhà hoạt động vì môi trường làm việc nhằm xử lý cuộc khủng hoảng chất thải nhựa trên đảo Bali, thông qua tổ chức phi lợi nhuận Griya Luhu. Cùng với cộng đồng địa phương, tổ chức của cô lập ra "ngân hàng chất thải kỹ thuật số", một hệ thống dựa vào app để thu thập và xử lý chất thải hiệu quả hơn, và thu thập dữ liệu để hỗ trợ cho những thay đổi trong lĩnh vực xử lý chất thải.

    Có bằng cử nhân về môi trường từ Viện Institut Teknologi Bandung, Mia Krisna Pratiwi làm việc trong vị trí điều hành, giám sát các hoạt động hàng ngày của ngân hàng rác thải địa phương.

    Cô cũng là nhà phân tích môi trường tại Cơ quan Quản lý Môi trường của thành phố Denpasar, Indonesia.

    *Trong tinh thần triết học Tri Hita Karana của người Bali, hãy đem trở lại sự cân bằng và hoà hợp cho Mẹ Trái Đất của chúng ta. Chúng ta có thể là nguyên do gây ra tình trạng ô nhiễm, nhưng chúng ta cũng có thể là giải pháp.

  • Heidi J. Larson

    Hoa Kỳ Giám đốc - Dự án Tin tưởng Vaccine (The Vaccine Confidence Project)

    Nhà nhân chủng học, giám đốc Dự án Tin tưởng Vaccine thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, giáo sư Heidi J. Larson dẫn đầu việc nghiên cứu các yếu tố chính trị, xã hội có gây ảnh hưởng tới việc điều trị y tế. Bà hiện đang quan tâm tới vấn đề quản lý tin đồn và xây dựng niềm tin của dân chúng vào các loại vaccine.

    Bà là tác giả của cuốn sách STUCK: How Vaccine Rumors Start - and Why They Don't Go Away (MẮC KẸT: Những đồn thổi về vaccine bắt đầu thế nào, và tại sao chúng không biến mất). Bà là nhà điều tra chủ chốt của cuộc nghiên cứu toàn cầu về việc chấp nhận chủng ngừa khi mang thai.

    Tiến sĩ Larson được tặng huân chương Edinburgh Medal 2021, giải thưởng nhằm ghi nhận hoạt động khoa học của bà trong lĩnh vực nghiên cứu tình trạng lan truyền tin sai lệch.

    *Đại dịch xảy ra trong một thế giới đã phân cực rồi. Không có loại vaccine nào cứu được chúng ta khỏi những vấn đề đã làm chúng ta chia rẽ sâu sắc; chỉ có hành động của chúng ta, trong tư cách cá nhân và từ góc độ cộng đồng mới có thể giúp sắp xếp lại thế giới.

  • Iman Le Caire

    Ai Cập Sáng lập viên - Trans Asylias

    Là vũ công môn múa đương đại tại Nhà Hát Cairo và là nhà biên đạo múa, Iman Le Caire đã phải bỏ chạy khỏi Ai Cập do bị cảnh sát đàn áp vì là người thuộc giới LGBTQ+. Cô chuyển tới Mỹ vào năm 2008, được cấp quy chế tị nạn và nay sống tại New York, làm vũ công, diễn viên và nhà hoạt động vì người LGBTQ+.

    Le Caire là người phụ trách cách quan hệ với thế giới Ả Rập và là thành viên hội đồng quản trị TransEmigrate, một tổ chức châu Âu giúp người chuyển giới được tái định cư tới các quốc gia an toàn hơn.

    Trong tháng 3/2021, bà đã ra ra mắt một quỹ của riêng mình, Trans Asylias, với sứ mệnh "cấy người chuyển giới đang xin tị nạn tới các lãnh thổ an toàn cho người chuyển giới", và hỗ trợ họ về mặt tình cảm.

    *Đại dịch đã khiến những người chuyển giới, vốn dễ bị tổn thương nhất trên Trái Đất, vào tình trạng còn nguy hiểm hơn nữa, bởi có những lúc họ bị buộc phải sống chung với những gia đình không thiện chí với người chuyển giới. Khi thế giới đóng sập lại, những tiếng gào thét xin giúp đỡ của họ khiến chúng ta thấy đau đớn. Nay là lúc thế giới cần phải cứu họ, giúp họ chữa lành những tổn thương.

  • Sevidzem Ernestine Leikeki

    Cameroon Nhà hoạt động vì khí hậu

    Dùng việc nuôi ong làm chiến lược kiểm soát nạn cháy rừng, tổ chức mà Sevidzem Ernestine Leikeki thành lập đã hướng dẫn cho hơn 2.000 người nuôi ong cách lấy mật, kiểm soát chất lượng, thu hoạch sáp ong, và đã trồng hơn 86 ngàn cây xanh, những loại được ong ưa thích, để chống nạn phá rừng.

    Leikeki là thành viên sáng lập của tổ chức Theo dõi Giới và Môi trường Cameroon, một tổ chức tập trung vào các vấn đề môi trường ở nước này, và đặc biệt là về vai trò của phụ nữ.

    Bà tin rằng rừng có thể được bảo tồn thông qua những nỗ lực cộng đồng, chẳng hạn như dự án Rừng Kilum-Ijim rộng 20.000 hectare ở tây bắc đất nước.

    *Tôi muốn một thế giới nơi các quyền sinh thái học và quyền kinh tế xã hội của phụ nữ trong việc bảo tồn rừng và trong các sáng kiến về kế sinh nhai được xem xét toàn diện.

  • Elisa Loncón Antileo

    Chile Chủ tịch - Constitutional Convention

    Được bầu chọn trong năm 2021 là một trong 17 đại diện của người bản địa tham gia soạn tân hiến pháp Chile, Elisa Loncón là nhà ngôn ngữ học, giáo viên và là học giả. Bà chỉ đạo Hội đồng Lập hiến, cơ quan lần đầu tiên cho người bản địa Chile tham dự vào cơ quan công quyền, đại diện cho dân tộc mình.

    Loncón là người thuộc cộng đồng người bản địa lớn nhất nước, người Mapuche, và cổ súy cho một "quốc gia đa dân tộc", chấp nhận quyền tự trị và các quyền của cộng đồng người bản địa, thừa nhận văn hóa, ngôn ngữ của người bản địa.

    Tuy lớn lên trong đói nghèo và phải đối diện với tình trạng phân biệt sắc tộc, bà đã lấy bằng tiến sĩ và nay là giáo sư tại Đại học Santiago.

    *Sau khi chứng kiến cái chết lơ lửng cận kề hàng ngày trong thời đại dịch, việc đảm bảo quyền bình đẳng giữa con người và phi con người là điều cấp bách. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của Mẹ Trái Đất, từ nước, rừng tới ong, kiến.

  • Chloé Lopes Gomes

    Pháp Vũ công ba-lê

    Là vũ công ba-lê da đen đầu tiên được công ty tuyển dụng, Chloé Lopes Gomes gia nhập đoàn ba-lê danh giá Staatsballett Berlin hồi năm 2018. Nhưng gương mặt từng theo học tại Học viện Bolshoi của Moscow đã phải đối diện với tình trạng phân biệt đối xử trong thế giới ba-lê, nơi mà cô miêu tả là 'khép kín và thuộc giới tinh hoa'.

    Sau khi cô tố cáo công khai, nhiều vũ công da đen và lai da màu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cô.

    Lopes Gomes đã khởi kiện sau khi không được Staatsballett gia hạn hợp đồng vào năm 2020. Kết quả là công ty đã tiến hành điều tra nội bộ về tình trạng phân biệt chủng tộc giữa các nhân viên, đã xin lỗi và bồi thường cô theo một thoả thuận ngoài toà.

    *Thật không may là chúng ta trong thế giới này khi chào đời không phải là đều bình đẳng như nhau, và cơ hội thành công phụ thuộc vào sắc tộc, vị thế xã hội của chúng ta. Tôi muốn sống trong một thế giới nơi mọi người đều có cơ hội phát triển hết tiềm năng của mình.

  • Mahera

    Afghanistan Bác sĩ

    Bác sĩ Mahera vẫn bận rộn tiếp bệnh nhân trong bệnh viện phụ sản, nơi bà làm việc.

    Bà nay phải di chuyển tới các quận khác nhau, nơi dịch vụ y tế đã ngưng hoạt động kể từ khi Taliban quay trở lại nắm quyền, để chăm sóc sức khoẻ thiết yếu và thăm khám cho bệnh nhân.

    Bà từng giúp các nạn nhân bạo lực giới tính, nhưng đã phải ngưng công tác này khi Taliban trở lại nắm quyền.

    *Tuy nay có ít hy vọng hơn, nhưng phụ nữ Afghanistan không còn như 20 năm về trước nữa, và ở một mức độ nào đó, họ đã có thể bảo vệ quyền của mình. Mối quan ngại chính của tôi là việc trường học đóng sập cánh cửa vĩnh viễn đối với các em gái.

  • Maral

    Afghanistan Nhà vận động

    Gia đình Maral không muốn cô tham gia vào các hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ hoặc các nhóm xã hội dân sự. Họ cảm thấy là phụ nữ, cô không nên ra ngoài làm việc, nhưng cô vẫn đi theo lựa chọn của mình.

    Kể từ năm 2004, Maral đã nỗ lực kết nối, gần gũi với phụ nữ tại nơi trong khu vực, khuyến khích họ tìm hiểu về quyền của mình, ra ngoài đi làm và đạt được tự chủ tài chính.

    Cô cũng làm việc với phụ nữ ở những vùng nông thôn, nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình, giúp họ có nơi nương náu và giúp họ đi tìm công lý.

    *Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi đã mất hết mọi thứ và cảm thấy tuyệt vọng, nhưng khi nhớ lại những gì chúng tôi đã làm được, tôi lại cảm thấy mình có có đủ can đảm bước tiếp. Tôi sẽ không bỏ cuộc - tương lai thuộc về những người muốn có có hòa bình và nhân ái.

  • Masouma

    Afghanistan Công tố viên

    Là nữ công tố viên tại Afghanistan, Masouma làm việc trong mảng thu thập bằng chứng và lập hồ sơ các vụ án. Có bằng cử nhân luật, bà là một trong số nhiều phụ nữ được đào tạo trong thời gian 20 năm qua, và bà hãnh diện được phục vụ nhân dân, với thời gian trên năm năm làm việc tại văn phòng tổng chưởng lý.

    Khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước hồi tháng Tám, họ đã thả tù trong đó có hàng ngàn người là những kẻ phạm tội nghiêm trọng và các tay súng Hồi giáo cực đoan. Các nhóm nhân quyền quốc tế đã báo cáo về các vụ giết người không qua xét xử và các vụ bức hại, bất chấp việc Taliban tuyên bố ân xá cho tất cả nhân viên từng làm việc cho chính phủ.

    Masouma nay đang phải trốn tránh mà không biết tương lai sẽ ra sao.

    *Phụ nữ và các bé gái đại diện cho một nửa dân số thế giới. Nếu như được trao cơ hội, phụ nữ có thể phục vụ nhân dân và đất nước giống như nam giới.

  • Fiamē Naomi Mata’afa

    Samoa Thủ tướng

    Nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa, nhà lãnh đạo của Đảng Faʻatuatua i le Atua Samoa ua Tasi (FAST),Fiamē Naomi Mataʻafa bước chân vào chính trường ở tuổi 27 và từng giữ các chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Phát triển Cộng đồng & Xã hội, rồi sau đó là Bộ trưởng Tư pháp.

    Bà cũng là nữ tù trưởng và là nguồn cảm hứng cho phụ nữ Samoa trong việc tham gia hoạt động chính trị.

    Nghị trình làm việc của bà tập trung mạnh vào vấn đề môi trường: cuộc chiến chống lại tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở một trong những vùng trên thế giới chịu nhiều tổn thương nhất do tình trạng ấm nóng toàn cầu gây nên.

    *Ở đâu có sự đoàn kết, ở đó sẽ có niềm hy vọng cho các thế hệ tương lai.

  • Salima Mazari

    Iran Chính trị gia, cựu quận trưởng

    Một trong ba nữ thị trưởng cấp quận duy nhất ở Afghaistan, Salima Mazari xuất hiện trên các dòng tít lớn năm nay với tư cách là nhà lãnh đạo không chùn bước của một phong trào dân quân ủng hộ chính phủ, chóng lại Taliban trên tuyến đầu.

    Là người tị nạn, Mazari lấy bằng cử nhân tại Iran trước khi quay trở về Afghansitan. Năm 2018, cô trở thành thị trưởng quận Charkint thuộc tỉnh Balkh, nơi cô đã đàm phán về vụ đầu hàng của hơn 100 thành viên thuộc lực lượng nổi dậy Taliban. Quận của cô đã chống trả quyết liệt Taliban trong năm 2021 và cho tới khi Kabul sụp đổ, quận của cô là một trong số ít ỏi những quận vẫn không bị Taliban chiếm đóng.

    Cô lẽ ra đã bị bắt, nhưng may mắn thoát được sang Hoa Kỳ, nơi cô đang đang chờ để được tái định cư.

    *Tôi hy vọng sẽ đến ngày mà việc là một phụ nữ, một người Hazara, một người Shia và một người nói tiếng Ba Tư - những điều tạo nên bản sắc của tôi - sẽ không bị coi là tội lỗi ở đất nước quê hương tôi.

  • Depelsha Thomas McGruder

    Hoa Kỳ Nhà sáng lập - Moms of Black Boys Utd.

    Liên minh của bà đưa 'những bà mẹ lo lắng cho con trai da đen' trên toàn nước Mỹ lại bên nhau. Depelsha Thomas McGruder là người sáng lập và là chủ tịch của liên minh quốc gia Moms of Black Boys (MOBB) United (Hiệp hội Mẹ của con trai da đen) và MOBB United for Social Change (Hiệp hội các bà mẹ của những cậu trai da đen đấu tranh để thay đổi xã hội), là các tổ chức tập trung vào việc thay đổi chính sách và quan niệm vốn làm ảnh hưởng tới cách đối xử với các nam thanh thiếu niên da đen.

    Bà hiện là giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của quỹ Ford Foundation, chuyên giám sát các hoạt động toàn cầu và lĩnh vực tài chính.

    McGruder đã có 20 năm làm việc trong ngành truyền thông, giải trí, qua các vị trí phóng viên và lãnh đạo cao cấp tại MTV và Black Entertainment Television.

    *Tôi hy vọng rằng khi thoát ra khỏi đại dịch, thế giới sẽ trở nên biết cảm thông hơn, mọi người sẽ nhận ra rằng chúng ta phụ thuộc lẫn nhau nhiều tới mức nào, và sẽ ứng xử tế nhị hơn trước những hoàn cảnh khó khăn và những thách thức khác biệt.

  • Mulu Mesfin

    Ethiopia Y tá

    Làm y tá đã được hơn 10 năm, Mulu Mesfin hiện công tác tại Trung tâm One Stop ở Mekelle, thủ phủ vùng Tigray đang có giao tranh của Ethiopia. Trung tâm này cung cấp dịch vụ y tế, chữa trị tâm lý và tư vấn pháp lý cho các nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục và bạo lực.

    Ba năm trước, Mesfin bắt đầu vận động đòi chấm dứt tình trạng bạo lực đối với các trẻ em gái và phụ nữ tại Tigray, vấn đề đang ngày càng nghiêm trọng kể từ khi cuộc nội chiến hiện thời nổ ra, từ cuối năm 2020.

    Tuy bản thân phải chịu những chấn thương nhưng y tá Mesfin muốn tiếp tục công việc của mình với hy vọng một ngày hòa bình sẽ được lập lại.

    *Tôi muốn sắp xếp lại thế giới để chấm dứt toàn bộ các cuộc xung đột, để các quốc gia hợp tác trong hòa bình thay vì đi thương thuyết bán vũ khí, và để thực thi luật trừng phạt những kẻ hiếp dâm, những kẻ lạm dụng các bé gái, phụ nữ.

  • Mohadese Mirzaee

    Afghanistan Phi công

    Là nữ phi công lái máy bay dân dụng đầu tiên của Afghanistan, Mohadese Mirzaee điều khiển chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Kam Air trong chuyến bay đầu tiên mang tính lịch sử của đất nước - một chuyến bay với toàn bộ phi hành đoàn là nữ - hồi đầu năm nay. Sau khi trở thành phi công dân dụng vào tháng 9/2020, cô đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Saudi và Ấn Độ.

    Khi Taliban tiến vào Kabul, Mirzaee đã có mặt tại sân bay, chuẩn bị cho một chuyến bay không bao giờ cất cánh. Thay vào đó, cô đã bay ở vị trí hành khách, để lại đất nước ở sau lưng. Mirzaee nói rằng cô "đấu tranh cho sự bình đẳng trong một xã hội nơi phụ nữ và nam giới có thể làm việc cùng nhau, sát cánh bên nhau".

    Cô hy vọng sẽ sớm được bay trở lại.

    *Đừng chờ đợi! Không ai tới trao cho bạn đôi cánh nếu như bạn không mạnh mẽ đứng vững. Tôi đã đấu tranh cho tôi, bạn sẽ đấu tranh cho bạn, và CÙNG NHAU, chúng ta tạo sức mạnh không ai cản nổi.

  • Fahima Mirzaie

    Afghanistan Vũ công múa vũ điệu Sufi của Hồi giáo

    Người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở nước này múa điệu xoay vòng truyền thống của Afghanistan - điệu múa là một phần trong nghi lễ Sama của nghi thức Hồi giáo dòng Sufi. Fahima Mirzaie thành lập một nhóm múa Sufi và biểu diễn nghệ thuật gồm các thành viên cả nam và nữ, nhóm Shohood Cultural and Mystical Organization.

    Cô coi điệu múa là cách tạo không gian cho bản thân trong một xã hội nặng truyền thống và tôn giáo, nơi mà các hoạt động nhóm chung giữa nam và nữ vẫn bị xem là cấm kỵ. Thông qua việc tổ chức các sự kiện trên khắp đất nước, cô hy vọng sẽ thúc đẩy lòng khoan dung ở Afghanistan.

    Năm 2021, cô buộc phải bỏ trốn khi Taliban coi điệu múa xoay vòng truyền thống của Hồi giáo dòng Sufi là dị giáo và chống lại luật Hồi giáo.

    *Trên hết, tôi tin vào tâm linh của mình: chúng ta phải cố gắng tìm kiếm bình yên trong chính chúng ta và rồi hòa bình trong tâm khảm này sẽ lan tỏa ra khắp thế giới.

  • Tlaleng Mofokeng

    Nam Phi Báo cáo viên của LHQ về Quyền được chăm sóc y tế

    Được gọi là Bác sĩ T, bà là bác sĩ và nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ trong lĩnh vực tình dục và sức khỏe sinh sản, và là người cổ súy cho quyền tiếp cận chăm sóc y tế, điều trị HIV và kế hoạch hóa gia đình.

    Tiến sĩ Tlaleng Mofokeng hiện là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền đối với sức khỏe thể chất và sức khoẻ tinh thần - là người phụ nữ đầu tiên, người châu Phi đầu tiên và là người trẻ nhất giữ vị trí này. Cô cũng là tác giả cuốn sách ăn khách, Dr T: A Guide to Sexual Health and Pleasure (Tiến sĩ T: Hướng dẫn về sức khỏe tình dục và khoái cảm).

    Mofokeng là một trong số những người được trao giải '120 người dưới 40 tuổi là các nhà vô địch trẻ trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình', giải thưởng do Viện Bill & Melinda Gates vì Dân số và Sức khỏe Sinh sản trao tặng năm 2016.

    *Tôi muốn thế giới được sắp xếp lại thế nào? (Bằng cách) thực hành tự chăm sóc mình.

  • Tanya Muzinda

    Zimbabwe Vận động viên motocross (đua xe máy địa hình)

    Dấn thân vào môn thể thao đàn ông thống trị, motocross, tức đua xe máy địa hình, Tanya Muzinda đã trở thành nhà vô địch đường đua địa hình ở nước mình. Cô là người phụ nữ Zimbabwe đầu tiên thắng giải vô địch đua motocross kể từ khi giải này bắt đầu, hồi 1957.

    Được truyền cảm hứng từ bố, một cựu vận động viên đua xe máy, cô bắt đầu luyện tập khi mới 5 tuổi. Nay, ở tuổi 17, Muzinda hy vọng sẽ trở thành người phụ nữ châu Phi da đen đầu tiên giành giải vô địch thế giới môn đua xe máy địa hình dành cho nữ. Trong năm 2018, cô được Liên đoàn châu Phi trao tặng danh hiệu 'nữ vận động viên thể thao thiếu niên của năm'.

    Với thu nhập kiếm được từ việc đua xe máy địa hình, cô tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, trả học phí cho khoảng 100 học sinh tại Harare.

    *Tôi không muốn sắp xếp lại thế giới - nó không bao giờ hoàn hảo cả. Sẽ luôn có có những điều tốt và điều xấu. Hãy sửa chữa hiện tại để các thế hệ tương lai không phải đấu tranh vì những thứ mà chúng ta đang đấu tranh lúc này.

  • Chimamanda Ngozi Adichie

    Nigeria Nhà văn

    Tác giả nổi tiếng người Nigeria, một biểu tượng của nữ quyền với các tác phẩm đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Chimamanda Ngozi Adichie sang Mỹ năm 19 tuổi để theo học ngành Truyền thông và Khoa học Chính trị.

    Tiểu thuyết đầu tay của cô, Purple Hibiscus (2003) thắng giải viết văn của Khối Thịnh vượng chung, Commonwealth Writers Prize, và vào năm 2013, tiểu thuyết Americanah của cô được giới thiệu trong danh sách 10 tác phẩm hàng đầu trên The New York Times.

    Cuộc diễn thuyết TED Talk mang tính cột mốc của Adichie hồi năm 2012, 'Tất cả chúng ta nên là các nhà nữ quyền', đã khởi đầu cho một cuộc thảo luận toàn cầu về vấn đề nữ quyền và đã được xuất bản thành sách vào năm 2014.

    *Hãy dùng khoảnh khắc này để bắt đầu nghĩ về việc chăm sóc y tế như một quyền con người ở mọi nơi trên thế giới - một người đáng được hưởng chăm sóc y tế đơn giản chỉ là vì họ đang sống, chứ không phải là khi nào bạn có thể đủ tiền để trang trải cho việc chữa bệnh.

  • Lynn Ngugi

    Kenya Phóng viên

    Phóng viên từng được giải thưởng và là người sáng tạo nội dung, Lynn Ngugi nổi tiếng với hoạt động của cô trên nền tảng tin tức kỹ thuật số RUKO, nơi cô đưa tin về những chủ đề đa dạng, phong phú, truyền cảm hứng cho mọi người.

    Cô đầu tiên làm tình nguyện viên chăm sóc cho các bệnh nhân ung thư, và vào năm 2011 bắt đầu sự nghiệp truyền thông của mình với các phim Kiwo, và sau đó làm với Quỹ Qatar. Ngugi cũng được coi là một người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội và là một gương mặt truyền thông được yêu mến ở đất nước mình.

    Cô được trao giải phóng viên chuyên về hoạt động nhân đạo của năm, giải Cafe Ngoma, hồi năm 2020 và giải đại sứ cộng đồng iChange Nations năm nay.

    *Tôi muốn thế giới được sắp xếp lại để trở thành một nơi mà ai cũng cảm thấy an toàn.

  • Amanda Nguyễn

    Hoa Kỳ Nhà hoạt động nhân quyền

    Cô là giám đốc điều hành Rise, một tổ chức chuyên bảo vệ quyền của những nạn nhân bị tấn công tình dục và bị cưỡng hiếp.

    Là một nhà hoạt động nhân quyền và một doanh nhân xã hội, Amanda N. Nguyễn thành lập Rise sau khi cô bị cưỡng hiếp hồi 2013, khi đang theo học tại Đại học Harvard và được cho biết cô chỉ có sáu tháng để kiện, nếu không bằng chứng vụ việc sẽ bị huỷ. Cô đã góp phần tham gia soạn thảo Đạo luật 'Quyền của nạn nhân sống sót sau tấn công tình dục' nhằm bảo hộ quyền lưu giữ chứng cứ của các nạn nhân.

    2021, video của cô về tội phạm thù hận nhắm vào người châu Á tại Hoa Kỳ đã lan truyền rộng rãi, là thời điểm tạo nên sự xoay trục cho phong trào Chấm dứt Hằn thù người gốc Á.

    *Không ai bất lực khi chúng ta sát cánh bên nhau. Không ai là vô hình khi chúng ta đòi phải được nhìn nhận.

  • Basira Paigham

    Afghanistan Nhà hoạt động vì bình đẳng giới cho các cộng đồng thiểu số

    Hoạt động về quyền của người LGBTQ+ tại Afghanistan gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bất chấp những thách thức, Basira Paigham đấu tranh cho quyền bình đẳng giới và bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số trong vấn đề giới suốt tám năm qua.

    Cô tổ chức các cuộc hội thảo về giới, nâng cao nhận thức về giới tính, và cùng các đồng nghiệp cung cấp lời khuyên và hỗ trợ tài chính cho việc chữa trị y tế cho người thuộc cộng đồng LGBTQ+ là nạn nhân của tình trạng lạm dụng. Họ cũng giúp đưa những người LGBTQ+ dễ bị tổn thương, muốn tự tử, đi điều trị tâm lý.

    Nay sống tại Iceland, cô tiếp tục cổ súy cho việc thừa nhận cộng đồng LGBTQ+ Afghanistan, và đòi quyền con người, quyền tự do cho cộng đồng này.

    *Afghanistan đang ngột ngạt, hãy để đất nước được thở; đất nước sẽ thở khi tất cả mọi người từ mọi giới tính, tôn giáo, bộ tộc đều có thể sống tự do, hạnh phúc tại đó.

  • Natalia Pasternak Taschner

    Brazil Nhà vi trùng học, nhà phát ngôn khoa học

    Bà là người đã đưa những thông tin khoa học quan trọng, cứu giúp sinh mạng hàng triệu người tại Brazil trong đại dịch Covid-19, thông qua các bài báo khoa học và những lần bà xuất hiện trên đài phát thanh, truyền hình.

    Natalia Pasternak là tác giả viết về khoa học và là nhà vi trùng học với bằng tiến sĩ về gene vi khuẩn từ Đại học Sao Paulo. Những nghiên cứu đạt chất lượng rất cao của bà khiến bà được nhà khoa học thần kinh và tác giả chuyên viết về các chủ đề khoa học nổi tiếng thế giới Stuart Firestein mời chào tới Đại học Columbia, New York.

    Pasternak cũng là nhà sáng lập và hiện là chủ tịch Viện Instituto Questão de Ciênci, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm giới thiệu rộng rãi những bằng chứng khoa học trong các chính sách công.

    *Là cháu gái của một nạn nhân Cuộc diệt chủng Do Thái, tôi biết những chính phủ độc tài có thể làm những gì với người dân. Lên tiếng phát biểu vì khoa học tại Brazil trong thời dịch bệnh là cách tôi đóng góp để duy trì tinh thần 'Không Bao Giờ Quên'.

  • Monica Paulus

    Papua Tân Guinea Nhà vận động chống tình trạng bạo lực do thói mê tín và nạn trừ tà gây ra

    Để giúp đỡ các nạn nhân bị tố là ma và do đó bị bạo hành (gọi tắt là các nạn nhân SARV), nhà hoạt động nhân quyền Monica Paulus đã đồng sáng lập Mạng lưới Người bảo vệ Nhân quyền cho Phụ nữ Cao nguyên (The Highlands Women Human Rights Defenders Network). Tổ chức này cung cấp chỗ nương náu và tư vấn pháp lý cho những phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy và báo cáo tình trạng của họ lên LHQ và các tổ chức quốc tế khác.

    Những nỗ lực của họ đã dẫn tới việc chính phủ Papua thành lập các ủy ban xử lý nạn bạo lực do mê tín gây ra.

    Năm 2015, Paulus là một trong những Phụ nữ Thành tựu của Liên Hiệp Quốc và được trao giải 'Niềm Tự hào Papua Tân Guinea dành cho Phụ nữ' do sự can đảm của mình. Tổ chức Ân xá Quốc tế Australia gọi bà là một trong những phụ nữ can đảm nhất thế giới.

    *Chúng ta cần tái khởi động và cần nhớ rằng chúng ta tất cả đều là con người, và giới tính không bao giờ nên là thứ được dùng để chống lại chúng ta.

  • Rehana Popal

    Afghanistan Luật sư tranh tụng

    Chuyên gia về luật nhập cư và luật dân sự, Rehana Popal hiện đang làm việc để hỗ trợ các phiên dịch viên, biên dịch viên và những người Afghanistan khác bị bỏ rơi sau khi Anh rút khỏi Afghanistan.

    Popal là người phụ nữ Afghanistan đầu tiên hành nghề luật sư tranh tụng tại Anh và xứ Wales. Cô tới Anh Quốc tị nạn khi mới 5 tuổi, theo học ngành Chính trị Quốc tế và Luật pháp, và nay làm luật sư nhân quyền.

    Trong năm 2019, cô được vinh danh là Trạng sư của Năm tại giải Những Phụ Nữ Truyền Cảm Hứng trong Ngành Luật.

    *Tôi hy vọng rằng trong tương lai, phụ nữ và các bé gái Afghanistan sẽ được tự do đi học, đi làm và sống không sợ hãi.

  • Manjula Pradeep

    Ấn Độ Nhà hoạt động nhân quyền

    Luật sư và nhà hoạt động vì quyền cảu các cộng đồng thiệt thòi nhất tại Ấn Độ. Xuất thân từ một gia đình Dalit vùng Gujarat, Manjula Pradeep được biết đến với các hoạt động chống lại tình trạng phần biệt đẳng cấp và giới tính. Bà từng làm giám đốc điều hành Quỹ Navsarjan, tổ chức lớn nhất tại Ấn Độ bảo vệ quyền của người Dalit (từng bị coi là nhóm không thuộc đẳng cấp nào, thấp kém nhất trong xã hội).

    Năm nay, bà đã đồng sáng lập Hội đồng Quốc gia Các Lãnh đạo nữ. Bà cũng sáng lập Wise Act of Youth Visioning and Engagement, một tổ chức tìm cách nâng cao sức mạnh cho giới trẻ bị gạt ra lề xã hội ở nước này.

    Bà là thành viên của International Dalit Solidarity Network (Mạng lưới Đoàn kết Dalit), tổ chức nhằm nhấn mạnh quyền của người Dalit tại Đại hội Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc chống nạn phân biệt chủng tộc.

    *Tôi muốn thế giới được sắp xếp lại để có tình yêu thương, cảm thông, nơi phụ nữ từ những cộng đồng yếu thế được dẫn dắt tới một xã hội hòa bình và công bằng.

  • Razma

    Afghanistan Nhạc sĩ

    Là người sáng tác nhạc, Razma chơi một loại nhạc cụ thường chỉ dành cho nam giới. Học nhạc và nghệ thuật từ một gia đình nhạc sĩ, cô đã biểu diễn cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại Afghanistan và trên thế giới.

    Cô nói thông qua âm nhạc cô hy vọng sẽ cho thế giới bên ngoài thấy được một Afghanistan mới, thế nhưng năm nay đã trở thành "năm đen tốI nhất" cho phụ nữ Afghanistan. Là nhạc công nhưng không còn được hát hay chơi nhạc với người khác, với cô đó là một điều vô cùng đau khổ.

    Âm nhạc đã bị cấm trong thời gian Taliban cai trị đất nước từ 1996 đến 2001, và Razma lo sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại đối với giới nhạc sĩ ở Afghanistan.

    *Nghĩ về một xã hội không có âm nhạc, không có các bài hát khiến cho tôi cảm thấy suy sụp hơn bao giờ hết. Tôi hy vọng những tiếng nói âm thầm của phụ nữ đất nước tôi sẽ được chuyển thành tiếng khóc chung.

  • Rohila

    Afghanistan Học sinh

    Rohila là học sinh, người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Talian, theo đó không cho các bé gái được theo học từ cấp 2 trở lên. Cô yêu thích các môn khoa học và tiếng Anh, và cô mong ước có thể được cùng các anh em trai của mình tới trường vào mỗi sáng.

    Rohila nói rằng rất ít nữ sinh trong nhóm bạn của cô có thể truy cập Internet và cô đang gặp khó khăn với việc học mà không có giáo viên.

    Ước mơ của cô là theo học ngành tâm lý học và giành được học bổng du học.

    *Afghanistan hiện đang bị chia cắt với thế giới, và tôi cảm thấy ước mơ theo đuổi con đường học vấn của tôi thật xa vời. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế không quên chúng tôi, và những năm tháng học tập chăm chỉ của chúng tôi sẽ không trở phí hoài.

  • Alba Rueda

    Argentina Nhà hoạt động vì người chuyển giới

    Là người chuyển giới đầu tiên giữ một vị trí cao cấp trong chính phủ tại nước mình, Alba Rueda là trợ lý bộ trưởng, phụ trách các vấn đề chính sách trong Bộ Phụ nữ, Giới và Đa dạng của Argentina.

    Là nhà hoạt động và học giả, bà là gương mặt của Trans Women Argentina (Phụ nữ Chuyển giới Argentina), một tổ chức vận động cho việc ra đời của dự luật dành quota lao động cho người chuyển giới, với ít nhất 1% việc làm trong các cơ quan công dành cho người chuyển giới và người transvestite (những người thích mặc đồ ngược với giới tính của mình). Dự luật mang tính đột phá này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ quốc hội và đã trở thành luật vào tháng 6/2021.

    Trong năm 2019, Rueda kiện một tổng giám mục Công giáo từ chối thay đổi hồ sơ của bà tại nhà thờ cho phù hợp với việc đổi tên và giới tính trong giấy căn cước.

    *Năm 2021 là thời gian cho thấy những ảnh hưởng to lớn của các chính sách kinh tế trong việc tạo ra rất nhiều kiểu bất bình đẳng. (Chúng ta cần phải quảng bá) những chính sách nói tới chủ nghĩa nữ quyền chuyển giới (transfeminist), cho phép chúng ta xây dựng những kiểu quan hệ khác, phát triển mối quan tâm chung trong cộng đồng.

  • Ruksana

    Afghanistan Bác sĩ phẫu thuật

    Bác sĩ Ruksana là bác sĩ phẫu thuật và là phó giáo sư. Bà là người sáng lập tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản cho các bệnh nhân bị ly tán từ các tỉnh khác của Afghanistan do tình trạng xung đột gây ra.

    Bà làm việc trong môi trường thù nghịch trong các giai đoạn có giao tranh khác nhau, cung cấp hỗ trợ y tế cho những người dễ bị tổn thương nhất. Bà là tình nguyện viên của Chương trình Kiểm soát Ung thư Quôc gia và hiện đang điều hành một hoạt động nâng cao nhận thức về ung thư vú.

    Bà rất tâm huyết với công việc của mình trong lĩnh vực phẫu thuật và hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng cho sinh viên ngành y khoa ở Afghanistan.

    *Mọi thay đổi lớn đều là kết quả của sự cam kết và cống hiến của một nhà lãnh đạo. Tôi có thể không phải nhà lãnh đạo, nhưng tôi sẽ ở lại Afghanistan để mang đến sự thay đổi cho hệ thống chăm sóc sức khỏe đã bị tê liệt và tham nhũng ở đây.

  • Halima Sadaf Karimi

    Afghanistan Chính trị gia, cựu nghị viên quốc hội

    Nhà lập pháp và cựu nghị viên Quốc hội Afghansitan, đến từ tỉnh Jowzjan ở miền bắc, Halima Sadaf Karimi là một chính trị gia với nhiều năm kinh nghiệm.

    Cô là một trong số gần 70 nữ nghị sĩ, và là người phụ nữ duy nhất từ sắc dân Uzbek thiểu số trong quốc hội, nơi cô đấu tranh đòi tăng quyền cho cộng đồng mình. Cô có bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế. Là một nhà vận động nổi tiếng cho quyền của phụ nữ, Sadaf Karimi đã bị Talian đe dọa nhiều lần và đã phải đổi chỗ ở nhiều lần.

    Năm 2020, em trai cô, một sinh viên đại học, đã bị các lực lượng Taliban giết chết.

    *Những chế độ ích kỷ luôn đối diện với nguy cơ sớm thất bại. Hy vọng của tôi là phụ nữ Afghanistan được hưởng nhân quyền thông qua việc tham dự vào các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội, và qua đó ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

  • Roya Sadat

    Afghanistan Nhà làm phim

    Với hơn hai mươi năm sự nghiệp, bà từng được đề cử tranh giải Oscar. Nhà sản xuất, đạo diễn phim Roya Sadat là nữ đạo diễn đầu tiên của đất nước, nổi lên từ thời Taliban. Các bộ phim của bà thể hiện tiếng nói của những người phụ nữ Afghanistan, cuộc sống của họ và những hạn chế mà họ phải chịu đựng.

    Bộ phim A Letter to the President (Thư gửi tổng thống) sản xuất năm 2017 của bà được đề cử phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Afghanistan tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 90.

    Sadat là chủ tịch và đồng sáng lập của Roya Film House, một công ty điện ảnh độc lập. Bà được ghi nhận là người sáng lập, đồng thời là chủ tịch của Liên hoan Phim Phụ nữ Quốc tế ở Afghanistan.

    *Trong năm năm đầu dưới thời Taliban, tôi đã hy vọng chế độ này sẽ chấm dứt và tôi sẽ được đến trường. Hôm nay, tôi vẫn tin rằng tiếng nói của tự do, của người dân, sẽ chiến thắng.

  • Shogufa Safi

    Afghanistan Chỉ huy dàn giao hưởng

    Là chỉ huy dàn nhạc Zohra, dàn giao hưởng đầu tiên toàn phụ nữ của Afghanistan, Shogufa Safi dẫn dắt một nhóm các nhạc công 13 đến 20 tuổi, trong đó có những người xuất thân từ gia đình nghèo hoặc là trẻ mồ côi.

    Được đặt tên theo nữ thần âm nhạc Ba Tư, dàn nhạc giao hưởng Zohra chơi cả nhạc dân gian, truyền thống Afghanistan và nhạc cổ điển phương Tây, biểu diễn trên các sân khấu trong nước và quốc tế kể từ năm 2014.

    Học viện Âm nhạc Quốc gia, nơi Safi từng biểu diễn, đã bị đóng cửa kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Sau khi thoát được sang Doha, cô và một số đồng nghiệp, những người đã phải bỏ nhạc cụ của mình ở Afghanistan, lại có thể tiếp tục chơi nhạc cùng nhau.

    *Niềm hy vọng sẽ không bao giờ tắt. Ngay cả trong những lúc đen tối nhất, tôi vẫn tin rằng cây gậy của mình sẽ là ngọn đèn hy vọng, là ánh sáng cho Afghanistan.

  • Sahar

    Afghanistan Cầu thủ bóng đá

    Là một trong nhiều cô gái trẻ muốn chơi bóng đá tại Afghanistan, nhưng nay không thể dưới thời Taliban. Sahar trong vài năm qua đá cho một đội bóng địa phương và gặp gỡ nhiều bạn mới trong quá trình chơi thể thao.

    Khi Taliban chiếm quyền kiểm soát đất nước trong năm nay, cô đã cùng gia đình đi trốn trước khi được đưa sang nước khác.

    Cô lo sợ cho các cầu thủ đồng đội hiện vẫn còn ở trong nước, nhưng hy vọng rằng cô nay đã có thể hiện thực hoá ước mơ được trở lại sân bóng của mình.

    *Tôi muốn tiếp tục được học hành và nỗ lực đạt được các mục tiêu của mình, để gia đình và bản thân có thể tự hào về những thành tựu tôi có được. Tôi muốn thành công để không ai còn nói rằng con gái không biết chơi bóng đá.

  • Soma Sara

    Anh Quốc Sáng lập viên - Everyone's Invited

    Tài khoản Instagram được theo dõi đông đảo và trang web 'Everyone's Invited' (Tất cả đều được mời), một nền tảng dành cho các nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục, được thành lập bởi Soma Sara hồi tháng 6/2020. Đây là không gian mở cho các nạn nhân chia sẻ dưới dang ẩn danh những lời kể về các vụ tấn công tình dục, nhằm xóa bỏ tình trạng phân biệt giới tính và xóa bỏ 'thói cưỡng hiếp' trong các trường học và đại học tại Anh.

    Dự án đã thu thập được hơn 50.000 câu chuyện kể từ khi bắt đầu, và trở nên nổi trội sau vụ sát hại cô Sarah Everard, nạn nhân vụ bắt cóc trên đường phố London hồi tháng 3/2021.

    Sala hy vọng sẽ mở rộng chiến dịch của mình ra ngoài khuôn khổ các các trường học.

    *Tôi muốn thế giới hãy lắng nghe, ủng hộ và tin tưởng vào các nạn nhân bị bạo lực tình dục.

  • Mahbouba Seraj

    Afghanistan Nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ

    Sau 26 năm sống lưu vong tại Hoa Kỳ, Mahbouba Seraj trở về quê hương Afghansitan vào năm 2003 và sau đó bà đã đồng sáng lập, dẫn dắt một số tổ chức đấu tranh cho quyền của phụ nữ và trẻ em, trong đó có Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan (AWN), một bước cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của phong trào đấu tranh cho phụ nữ ở nước này.

    Bà cống hiến cuộc đời cho việc giúp đỡ, tăng sức mạnh cho các nạn nhân bạo hành gia đình, đấu tranh cho vấn đề y tế, giáo dục cho trẻ em và chống tham nhũng. Khi Taliban quay trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, bà đã ở lại cùng nhân dân và dũng cảm lên tiếng bày tỏ quan ngại cho phụ nữ Afghanistan trên các báo đài địa phương và quốc tế.

    Tạp chí TIME đã vinh danh bà là một trong số '100 Người Có Ảnh Hưởng Nhất' năm 2021.

    *Hòa bình là mong ước số một của tôi cho đất nước. Tôi không muốn cái nhìn sợ hãi trong ánh mắt của những người chị, những đứa con gái của chúng tôi trước một tương lai không biết sẽ ra sao sao. Đã quá đủ rồi!

  • Elif Shafak

    Pháp Tiểu thuyết gia

    Tác giả người Anh gốc Thổ Nhĩ Kỳ từng đoạt giải, và là người cổ súy cho quyền của phụ nữ và cộng đồng LGBTQ+.

    Elif Shafak đã xuất bản 19 cuốn sách, trong đó có cuốn '10 Minutes 38 Seconds in This Strange World' ('10 phút 38 giây trong thế giới lạ kỳ này'), tác phẩm được đưa vào danh sách rút gọn tranh giải Booker Prize, và cuốn 'The Forty Rules of Love' ('40 nguyên tắc tình yêu'), được chọn vào danh sách '100 tiểu thuyết định hình thế giới chúng ta' của BBC chọn lựa. Tác phẩm của bà đã được dịch sang hơn 50 ngôn ngữ.

    Shafak là tiến sĩ ngành khoa học chính trị và đã giảng dạy tại các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Anh Quốc. Trong năm 2021, bà được trao giải văn học Halldór Laxness International Literary Prize do đóng góp của bà vào việc "duy trì nghệ thuật kể chuyện".

    *Phương Đông và phương Tây nay hiện ra ở khắp mọi nơi, chúng ta đang đứng ở những điểm giao thoa quan trọng. Thế giới cũ không còn nữa - thay vào việc cố gắng quay trở lại, chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

  • Anisa Shaheed

    Afghanistan Phóng viên

    Một trong những phóng viên nổi trội nhất của Afghanistan trong hơn một thập niên qua, Anisa Shaheed đưa tin về tình trạng lạm dụng nhân quyền, tin chính trị và tham nhũng. Cô làm việc cho hãng tin Toro, một trong những kênh có ảnh hưởng nhất ở nước này, và tường thuật từ hiện trường khi có tin nóng nổ ra.

    Shaheed nhận được những lời đe dọa trực tiếp vì lý do cô làm phóng viên và là phụ nữ. Cô đã phải bỏ chạy khi sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền vào ngày 15/8. Trong năm 2020, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã ghi nhận sự 'can đảm' của cô khi tường thuật trong thời kỳ bùng phát virus corona.

    Năm 2021, cô được vinh danh là phóng viên của năm và là 'gương mặt đại diện cho tự do biểu đạt' do mạng lưới Free Speech Hub của Afghanistan trao tặng.

    *Trong lúc tình trạng ly tán và tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, tôi hy vọng được nhìn thấy Afghanistan trong hòa bình. Tôi hy vọng được nhìn thấy những phụ nữ và các bé gái mỉm cười. Và tôi hy vọng tôi có thể trở về quê hương, về nhà mình, trở về với công việc của mình.

  • Mina Smallman

    Anh quốc Nữ tu, nhà giáo dục

    Bà trở thành nữ Phó Chủ giáo đầu tiên của Giáo hội Anh vào năm 2013 với xuất thân từ cộng đồng da đen hoặc thiểu số. Là một tu sĩ Anh giáo đã nghỉ hưu và là một giáo viên, Mina Smallman tiến hành vận động tạo sự an toàn hơn cho đường phố nước Anh và cho việc cải tổ ngành cảnh sát.

    Hai con gái của bà bị giết chết hồi năm 2020: Nicole Smallman và Bibaa Henry bị một thanh niên 19 tuổi đâm chết tại công viên ở London. Smallman đã chỉ trích cách thức xử lý của cảnh sát đối với cuộc gọi báo tin có người mất tích, và nói hai con gái bà có thể là nạn nhân của tình trạng "phân biệt chủng tộc" và "phân biệt đẳng cấp".

    Bà nói bà đã tha thứ cho kẻ giết các con mình: "Khi chúng ta duy trì lòng thù hận đối với ai đó thì không chỉ những kẻ đó bị cầm tù mà chính bạn cũng vậy, bởi suy nghĩ của bạn bị nung nấu bởi mong muốn báo thù. Tôi không muốn trao cho anh ta quyền lực đó."

    *Là giáo viên và là tu sĩ, tôi cống hiến đời mình cho việc nâng đỡ những em trai, em gái bị mọi người coi thường. Tôi đề nghị mỗi người trong quý vị hãy lên tiếng khi quý vị nghe thấy sự phân biệt đối xử. Chúng ta CÓ THỂ tạo thay đổi.

  • Barbara Smolińska

    Ba Lan Doanh nhân, nghệ sĩ chế tạo búp bê

    Những con búp bê 'ra đời lần nữa' vô cùng sống động được làm ra để giúp an ủi một số phụ nữ bị sảy thai hoặc bị mất con. Với một số người, loại búp bê này giúp hàn gắn những đau đớn, khổ sở tinh thần, trầm cảm cùng các vấn đề liên quan tới sinh sản. Nghệ sĩ người Ba Lan Barbara Smolinska là nhà thiết kế, chế tạo, làm ra những búp bê giống trẻ em thật, dùng làm công cụ hỗ trợ công tác trị liệu.

    Là cựu nhạc công, bà được đào tạo bài bản trong lĩnh vực mỹ dung học, và là nhà sáng lập công ty Reborn Sugar Babies. Các búp bê làm thủ công của bà đã được sử dụng trong các bộ phim và để tập huấn cho các bác sĩ, y tá, hộ lý trong các cơ sở y tế.

    Smolińska rất nhiệt huyết với các sản phẩm của mình và tin rằng những con búp bê đầy sáng tạo của bà sẽ đem lại hy vọng cho những người phụ nữ, giúp họ cải thiện tinh thần.

    *Tôi muốn mọi người biết cảm thông nhiều hơn, cởi mở hơn và và chấp nhận sự khác biệt; đây là mục tiêu mà liệu pháp chữa bệnh bằng búp bê của tôi hướng tới, nhằm giúp đỡ cho nhiều phụ nữ.

  • Ein Soe May

    Myanmar Nhà hoạt động vì dân chủ

    Sau khi bị giới quân sự cầm quyền Myanmar bắt giữ, Ein Soe May (không phải tên thật) bị tù sáu tháng và chỉ được thả theo lệnh ân xá gần đây. Cô bị giam giữ tại một trong nhiều trung tâm thẩm vấn của quân đội và tại nhà tù khét tiếng Insein. Cô miêu tả thời gian bị giam giữ của cô là lúc cực kỳ khó khăn và cáo buộc rằng cô đã bị tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần.

    Từ thời còn là sinh viên, nhà hoạt động trẻ này đã tham gia vào nhiều chiến dịch và nhiều hoạt động khác nhau. Sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, Soe May trở thành thành viên một phong trào mạnh mẽ phản đối giới quân sự nước này, với các hoạt động như 'biểu tình gõ xoong chảo' trong tháng Hai và cuộc 'biểu tình câm lặng' vào cuối tháng Ba.

    Sau khi được thả, cô đã tiếp tục các hoạt động chính trị của mình.

    *Giá như thế giới có thể được sắp xếp lại... Chúng tôi muốn vượt qua dại dịch thành công và xây dựng một xã hội yên bình. Chúng tôi hy vọng mọi nhà độc tài trên thế giới đều sẽ bị lật đổ, và nền dân chủ thực sự hòa bình sẽ được thiết lập.

  • Piper Stege Nelson

    Hoa Kỳ Phụ trách Chiến lược Công - The SAFE Alliance

    Tại tổ chức The Safe Alliance ở Austin, Texas, người phụ trách chiến lược công Piper Stege Nelson làm việc với cộng đồng nhằm chặn tình trạng lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục, bạo lực gia đình và buôn bán tình dục.

    Tổ chức này tư vấn cho những nạn nhân trẻ bị cưỡng hiếp, những người không còn cơ hội nạo phá thai do luật mới của nước này cấm việc nạo phá thai sớm, trong 6 tuần đầu của thai kỳ.

  • Fatima Sultani

    Afghanistan Vận động viên leo núi

    Bắt đầu yêu thích leo núi từ năm 2019, sau đó Fatima Sultani đã tự trao cho mình nhiệm vụ truyền cảm hứng, thu hút sự quan tâm của các bé gái Afghanistan tới hoạt động leo núi.

    Cô trở thành người phụ nữ trẻ nhất leo lên đỉnh Noshakh - đỉnh núi cao nhất ở Afghanistan, với độ cao 7.492m, khi mới chỉ 18 tuổi. Cô là thành viên của một đội gồm chín vận động viên leo núi trẻ của Afghanistan, trong đó ba người là phụ nữ.

    Đam mê thể thao, Sultani là thành viên của đội tuyển quyền anh, taekwondo và jiu jitsu quốc gia trong bảy năm qua.

    *Phụ nữ Afghanistan đã đấu tranh cho tự do và quyền của họ trong 20 năm qua. Họ đã leo lên những ngọn núi cao và tạo dựng tên tuổi cho chính mình. Tôi hy vọng họ lại được tự do leo lên những ngọn núi cao, cả trong và ngoài nước.

  • Adelaide Lala Tam

    Trung Quốc Nhà thiết kế

    Nghệ sĩ, nhà thiết kế chuyên khám phá các lựa chọn trong lối sống của chúng ta, đặc biệt là trong mối liên hệ hiện đại giữa chúng ta với lương thực, thực phẩm.

    Sinh ra ở Trung Quốc, Adelaide Lala Tam sau trở thành cư dân Hong Kong và hiện sống, làm việc tại Hà Lan. Cô chuyên phân tích thực phẩm công nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng hãy tái thẩm định những gì họ ăn vào cũng như trách nhiệm của chính họ trong việc để những sản phẩm đó ra đời.

    Trong năm 2018, cô giành được giải thưởng từ cả ban giám khảo và từ công chúng tại giải Thiết kế Thức ăn cho Tương lai với tác phẩm sắp đặt truyền thông đa phương tiện, thể hiện quá trình giết mổ bò. Cô là một trong '50 người tiếp theo' của năm 2021, tức danh sách những người định hình tương lai của ngành nghệ thuật ẩm thực.

    *Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong năm 2021. Nay, tôi muốn thế giới phải thấu hiểu hơn về những gì chúng ta ăn vào, và cách thức thực phẩm được đặt lên bàn ăn.

  • Sơ Ann Rose Nu Tawng

    Myanmar Nữ tu Công giáo

    Vị nữ tu Công giáo đã trở thành một biểu tượng của các cuộc biểu tình ở Myanmar sau khi quân đội quay lại nắm quyền. Bà đã quỳ xuống trước lực lượng cảnh sát để bảo vệ người biểu tình chạy vào trốn trong nhà thờ của bà.

    Bức ảnh chụp bà dang rộng tay đối diện cảnh sát cơ động trang bị vũ khí đến đầy mình đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào tháng 3/2021, và được mọi người khen ngợi.

    Sơ Ann Rose Nu Tawng công khai lên tiếng bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em. Bà đã học nghề đỡ đẻ và điều hành một cơ sở y tế 20 năm qua, nơi hiện đang chăm sóc các bệnh nhân Covid tại bang Kachin, Myanmar.

    *Tôi đã đau đớn chứng kiến những gì xảy ra tại Myanmar. Nếu như có thể làm được thì tôi sẽ thả toàn bộ những người đang bị giam giữ trong tù mà không phán xét ai, và sẽ đặt mọi người ở vị trí bình đẳng như nhau, không phân biệt đối xử.

  • Emma Theofelus

    Namibia Chính trị gia

    Cô trở thành một trong những bộ trưởng trẻ nhất châu Phi - mới chỉ 23 tuổi khi được bổ nhiệm hồi năm ngoái. Emma Inamutila Theofelus là nghị viên quốc hội và là thứ trưởng thông tin và công nghệ viễn thông, có nhiệm vụ dẫn dắt các nỗ lực truyền thông phòng chống Covid-19 chính thức của đất nước.

    Trước đó cô là một nhà hoạt động trẻ, vận động cho bình đẳng giới, quyền của trẻ em và sự phát triển bền vững, và là chủ tịch nghị viện, thị trưởng nhí của thành phố Windhoek nơi cô chào đời.

    Theofelus có bằng cử nhân luật từ Đại học Namibia và bằng diploma về nghiên cứu chủ nghĩa nữ quyền Châu Phi và nghiên cứu về giới từ Đại học Nam Phi.

    *Thế giới có thể sắp đặt lại thông qua việc tăng tốc: chúng ta cần tăng tốc để triển khai toàn bộ các kế hoạch đã được hoạch định trong nhiều năm. Không còn thời gian để trì hoãn nữa. Thực tế là chúng ta đang hết dần thời gian.

  • Sara Wahedi

    Afghanistan Giám đốc điều hành của start-up Ehtesab

    Cô là sáng lập viên của Ehtesab, một công ty Afghanistan khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với sản phẩm đầu tiên là một app theo dõi, báo cáo tình hình an ninh theo thời gian thực, cảnh báo về điện và giao thông cho các cư dân Kabul. App này đã chứng tỏ được tầm quan trọng của mình trong việc cung cấp cho người dân Afghanistan những thông tin về tình trạng và mức độ nguy hiểm ở khu vực xung quanh thông qua việc chia sẻ các thông tin đáng tin cậy về các vụ tấn công có sử dụng thiết bị gây nổ tự tạo (IED), các vụ đánh người nơi công cộng và các vụ bố ráp nhà riêng.

    Sara Wahedi hy vọng sẽ cho ra mắt chức năng cảnh báo qua SMS vào năm 2022, cho phép người dân nông thôn truy cập dịch vụ này.

    Doanh nhân công nghệ này là một trong những "Next Generation Leasders" - "Nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo" năm 2021 do Tạp chí Time bình chọn. Cô hiện đang theo học về nhân quyền và khoa học dữ liệu tại Đại học Columbia.

    *Điều chắc chắn là người dân Afghanistan sẽ đồng lòng đòi có bầu cử tự do, công bằng, có cơ quan cần thiết để tái thiết đất nước. Để đạt được điều đó, cần phải tích cực kiên cường đấu tranh cho giáo dục phổ cập và y tế cho cả trẻ em nữ và nam.

  • Vera Wang

    Hoa Kỳ Nhà thiết kế thời trang

    Nhà thiết kế trang phục cô dâu đã trở thành gương mặt hàng đầu của ngành thời trang từ thời thập niên 1970. Vera Ellen Wang đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang cả lĩnh vực nước hoa, xuất bản, thiết kế nhà ở và các mảng khác nữa.

    Bà chào đời tại New York trong gia đình có cha mẹ là người gốc Hoa. Bà là biên tập viên thời trang cao cấp của tạp chí Vogue, sau đó làm giám đốc thiết kế cho Ralph Lauren. Bà cũng là gương mặt trượt ván tài năng, từng dự thi chuyên nghiệp khi còn ở tuổi thiếu niên.

    Bà là thành viên của Hội đồng Thiết kế Thời trang Hoa Kỳ danh giá, tổ chức đã vinh danh bà là 'nhà thiết kế thời trang nữ của năm' trong năm 2005.

    *Chúng ta tất cả đều dễ bị tổn thương với những điều giống nhau. Chúng ta có thể cùng làm việc với nhau sớm chừng nào để cứu hành tinh này - theo cách khôn ngoan - thì càng tốt chừng đó.

  • Nam Phục Vương

    Trung Quốc Nhà làm phim

    Xuất thân từ một làng quê hẻo lánh Trung Quốc, nhà làm phim từng đoạt giải Vương Nam Phục (Nanfu Wang) hiện sống và làm việc tại Mỹ.

    Tác phẩm ra mắt của cô, phim Hooligan Sparrow, đã được đưa vào danh sách rút gọn "phim tài liệu xuất sắc nhất" tranh giải Academy Award. Cô cũng đạo diễn phim Quốc gia Một Con (2019) và Trong Cùng Hơi Thở (2021), bộ phim nói về phản ứng của chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với tình trạng Covid-19 bùng phát.

    Lớn lên trong cảnh đói nghèo nhưng Vương đã đạt được ba bằng thạc sĩ từ các trường đại học ở Thượng Hải, Ohio và New York.

    *Toàn thế giới có vẻ như nóng lòng muốn được trở lại cảm giác bình thường, nhưng chính những hoàn cảnh mà chúng ta từng coi là bình thường đã tạo ra cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua lúc này.

  • Roshanak Wardak

    Afghanistan Bác sĩ phụ khoa

    Cựu nghị viên quốc hội và là bác sĩ phụ khoa có bằng hành nghề, bác sĩ Roshanak Wardak đã cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ trong hơn 25 năm qua. Bà thậm chí từng làm việc trong lần nắm quyền đầu tiên của Taliban, khi đó bà là nữ bác sĩ duy nhất tại quê hương của mình, tỉnh Maidan Wardak.

    Sau khi Taliban thất bại hồi năm 2001, bà trở thành thành viên Quốc hội. Quận của bà đã bị Taliban kiểm soát trong vòng 15 năm qua, và giống như ở nhiều các khu vực nông thôn khác, đây là nơi đã xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội liên quan tới các lực lượng NATO.

    Bà nói với BBC rằng việc Taliban nắm quyền và chấm dứt chiến tranh nay giống như 'một giấc mơ'. "Tôi chờ đợi ngày những kẻ đồi bại đó bị đẩy lui khỏi quyền lực," bà nói. Nhưng gần đây, bà tập trung vào việc nỗ lực để các trường học được mở cửa trở lại, và việc Taliban nuốt lời đã khiến bà trở thành một người lớn tiếng mạnh mẽ đòi quyền đi học của các em gái.

    *Hy vọng duy nhất của tôi cho Afghanistan là buộc những người lãnh đạo chính phủ trong vòng 40 năm qua phải chịu trách nhiệm về những hành động chống lại đất nước của họ.

  • Minh Na Ôn

    Macau Diễn viên

    Lồng tiếng cho nhân vật Hoa Mộc Lan trong các phim hoạt hình Mộc Lan (1998) và Mộc Lan II (2004), Ôn Minh Na (Ming-Na Wen) cũng đóng vai trong loạt phim truyền hình nổi tiếng về y tế của Mỹ, ER, và trong phim Inconceivable, một trong số ít các sản phẩm truyền hình Mỹ có diễn viên Mỹ gốc Á đóng vai chính.

    Hiện cô đang đóng vai Fennec Shand trong loạt phim The Mandalorian (Người Mandalore) rất ăn khách của Disney+ và cũng sẽ xuất hiện trong series sắp tới, The Book of Boba Fett. Trong năm 2019, cô được vinh danh là "Huyền thoại Disney".

    Cô cũng sẽ được vinh danh, gắn sao trên Đại lộ Danh tiếng Hollywood trong năm 2022.

    *Sắp xếp lại không phải là một lựa chọn thực tế, vậy tại sao phải bận tâm tới việc quay trở lại? Tôi tin rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Mỗi ngày mới đều là một sự sắp đặt lại. Cho nên hãy sống cho ngày hôm nay với lòng biết ơn.

  • Rebel Wilson

    Australia Diễn viên, nhà văn, nhà sản xuất

    Siêu sao Hollywood: diễn viên, nhà sản xuất và đạo diễn - và là cử nhân luật. Sự nghiệp diễn xuất của cô bắt đầu từ sân khấu ở Sydney, nơi cô thường tự viết các tác phẩm cho mình và tự làm nên tên tuổi trong làng hài kịch Úc trước khi chuyển sang Mỹ hồi 2010.

    Cô ra mắt Hollywood với một vai diễn trong vở hài kịch ăn khách Bridesmaids (Phù dâu). Cô đóng một vai trong bộ phim thắng giải Oscar Jojo Rabbit (Nhóc Jojo), nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai Fat Amy trong bộ phim hài nhạc kịch rất ăn khách Pitch Perfect.

    Trong năm 2022, Wilson sẽ đạo diễn bộ phim đầu tay của mình.

    *Tính đa dạng, sự tôn trọng và tính bao dung phải thành những thứ không thể đem ra đổi chác trong cuộc sống.

  • Benafsha Yaqoobi

    Afghanistan Nhà hoạt động khuyết tật

    Yaqoobi và chồng, cùng bị khiếm thị, thành lập Tổ chức Rahyab để cung cấp hoạt động giáo dục và tái hòa nhập cho người mù ở Afghanistan. Nhà hoạt động nhân quyền Benafsha Yaqoobi cũng phục vụ trong vai trò ủy viên Ủy hội Nhân quyền Độc lập của nước này, chú trọng tới việc giáo dục trẻ khiếm thị.

    Sau khi Taliban quay trở lại, cô buộc phải rời khỏi đất nước nhưng vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền của người khuyết tật, những người mà cô lo sợ sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử của Taliban.

    Quyền tiếp cận dịch vụ và nạn phân biệt đối xử vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Afghanistan, một trong những nước có số dân khuyết tật tính theo đầu người, đông nhất thế giới, một phần do xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

    *Nếu có bất kỳ hy vọng nào, tôi mong thấy lại đất nước mình tự do hơn và bình quyền hơn cho tất cả người dân Afghanistan chúng tôi được làm việc phục vụ đất nước.

  • Malala Yousafzai

    Pakistan Đồng sáng lập, Quỹ Malala

    Người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình, Malala Yousafzai là nhà hoạt động vì quyền được đi học của trẻ em gái Pakistan và là Sứ giả Hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Cô lên tiếng đòi quyền cho các phụ nữ trẻ được đi học học kể từ khi cô mới 11 tuổi.

    Malala bắt đầu các hoạt động của mình với việc viết blog cho BBC về cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban ở Pakistan và việc Taliban ra lệnh cấm các bé gái đi học. Vào năm 2010, một tay súng đã lên bus tìm thấy Malala và bắn vào đầu cô.

    Sau khi bình phục, cô tiếp tục các hoạt động của mình với vị trí là nhà đồng sáng lập Quỹ Malala, một tổ chức phi lợi nhuận hướng tới việc xây dựng một thế giới nơi tất cả các bé gái đều được đi học, đều có cơ hội nắm giữ vị trí lãnh đạo mà không phải sợ hãi.

    *Hàng trăm triệu bé gái ngày hôm nay đã không được tới trường. Tôi muốn chứng kiến một thế giới nơi mọi bé gái đều được hưởng 12 năm học hành miễn phí, an toàn và bình đẳng. Nơi mọi bé gái đều có thể đi học và làm lãnh đạo.

  • Yuma

    Turkmenistan Nhà tâm lý trị liệu

    Cô đã buộc phải rời khỏi nước Nga sau khi bị phản ứng bất lợi từ việc cô tham dự quảng cáo cho siêu thị trong đó thể hiện cảnh gia đình cô ăn mừng trong lễ hội đồng tính hồi tháng Tám năm ngoái. Là một nhà tâm lý trị liệu và là nhà hoạt động LGBTQ+, Yuma hiện sống tại Tây Ban Nha.

    Yuma (cô yêu cầu được giữ kín họ của mình) trở thành nhà hoạt động sau khi Nga thông qua luật "chống tuyên truyền đồng tính" vào năm 2013, cấm "quảng bá những mối quan tình dục hệ phi truyền thống tới trẻ vị thành niên".

    Cô hỗ trợ tinh thần cho người LGBT từ Chechnya, những người nói họ bị cảnh sát Nga tra tấn trong thời gian 2017-2018. Cô cũng hỗ trợ cho các lễ hội, sự kiện dành cho cộng đồng LGBT tại Nga.

    *Việc bắt buộc phải cách ly đã cho thấy tầm quan trọng tới đâu của những mối quan hệ gần gũi. Sẽ là hợp lý khi nhìn nhận rằng những gì chúng ta đang làm trên thế giới chính là những gì chúng ta muốn làm cho người thân yêu của mình.

  • Zala Zazai

    Afghanistan Cảnh sát

    Nữ phó chỉ huy đầu tiên của Sở Điều tra Hình sự cảnh sát tỉnh Khost, vùng đang trở nên ngày càng bất ổn do có sự hoạt động mạnh mẽ của các nhóm nổi dậy. Thượng úy Zala Zazai là một trong số khoảng 4.000 nữ cảnh sát ở Afghanistan; cô đã được đào tạo bài bản từ học viện cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.

    Trong thời gian phục vụ, cô phải đối mặt với những hăm dọa từ đồng nghiệp nam của mình, cũng như những lời dọa giết từ phe nổi dậy.

    Sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan trong năm 2021, Zazai buộc phải chạy khỏi đất nước. Kể từ đó, cô lên tiếng bày tỏ lo lắng cho sự an toàn của các nữ cảnh sát khác bị buộc phải ẩn náu ở Afghanistan.

    *Ước mơ tương lai của tôi là được mặc lại bộ đồng phục của mình, thách thức một xã hội gia trưởng, cổ hủ. Tôi muốn lại được làm việc vì phụ nữ Afghanistan ở một khu vực hẻo lánh, nơi mà phụ nữ không có quyền làm việc.

Short presentational grey line

100 Phụ nữ được lựa chọn thế nào?

Ban biên tập 'BBC 100 Women' đưa ra danh sách rút gọn gồm những tên tuổi do các thành viên tổng hợp hoặc do được các ban ngôn ngữ thuộc BBC Thế giới vụ đề cử.

Chúng tôi tìm kiếm các ứng viên xuất hiện trên các dòng tin lớn hoặc những tường thuật, câu chuyện quan trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong 12 tháng qua, và những người truyền cảm hứng mạnh mẽ, những người đạt thành tựu lớn, tạo tác động tới xã hội nơi họ sống nhưng không nhất thiết là đã được tường thuật rộng rãi.

Tiêu chí lựa chọn danh sách năm nay là những người đã 'sắp xếp lại', đóng vai trò tạo thay đổi, làm mới thế giới của chúng ta sau khi đại dịch toàn cầu buộc nhiều người trong chúng ta phải nhìn lại cách chúng ta đang sống.

Tính đại diện cho khu vực và tính đảm bảo công bằng cũng được xem xét trước khi danh sách cuối cùng được đưa ra.

Năm nay, Ban biên tập 'BBC 100 Women' đưa ra một quyết định chưa từng có, đó là dành một nửa danh sách để giới thiệu những gương mặt đến từ một quốc gia: Afghanistan.

Những sự kiện gần đây tại đất nước này đã khiến hàng triệu người Afghanistan đặt câu hỏi về tương lai của họ, trong lúc các nhóm hoạt động vì nhân quyền lên tiếng lo sợ việc quyền tự do của phụ nữ nước này sẽ bị xói mòn trong tương lai trước mắt, dưới sự cai trị của Taliban.

Với việc dành một nửa danh sách để giới thiệu những người đến từ Afghanistan hoặc làm việc tại nước này, chúng tôi muốn nêu rõ tình cảnh bao người trong số họ đã bị buộc phải trốn tránh, và chia sẻ tiếng nói của những người đang dần bị buộc phải câm lặng, cũng như những người đang trở thành một phần trong làn sóng mới những người di tản Afghanistan.

Hôm 3/12, Taliban ra nghị định nhân danh lãnh đạo tối cao của họ, yêu cầu các bộ ngành "có hành động nghiêm túc" đối với quyền của phụ nữ. Nghị định đưa ra quy tắc kiểm soát hôn nhân và tài sản cho phụ nữ, theo đó nói phụ nữ không thể bị buộc kết hôn và không thể bị coi là "tài sản". Nhưng tuyên bố này đã bị chỉ trích là không nêu quyền được đi học cấp hai trở lên của các bé gái và quyền được đi làm của phụ nữ.

Một số gương mặt Afghanistan trong danh sách năm nay xuất hiện ẩn danh nhằm bảo vệ họ và gia đình, với sự đồng ý của nhân vật và tuân theo mọi Chính sách Biên tập và cẩm nang hướng dẫn bảo đảm an toàn của BBC.

Short presentational grey line

Ghi nhận

Sản xuất nội dung và biên tập: Valeria Perasso, Amelia Butterly, Lara Owen, Georgina Pearce, Kawoon Khamoosh, Haniya Ali, Mark Shea.

Chủ biên ban BBC 100 Women: Claire Williams.

Nhóm sản xuất: Paul Sargeant, Philippa Joy, Ana Lucía González.

Phát triển: Ayu Widyaningsih Idjaja, Alexander Ivanov.

Thiết kế: Debie Loizou, Zoe Bartholemew.

Minh họa: Jilla Dastmalchi.

Short presentational grey line

Bản quyền hình ảnh: Fadil Berisha, Gerwin Polu/Talamua Media, Gregg DeGuire/Getty Images, Netflix, Manny Jefferson, University College London (UCL), Zuno Photography, Brian Mwando, S.H. Raihan, CAMGEW, Ferhat Elik, Chloé Desnoyers, Reuters, Boudewijn Bollmann, Imran Karim Khattak/RedOn Films, Patrick Dowse, Kate Warren, Sherridon Poyer, Fondo Semillas, Magnificent Lenses Limited, Darcy Hemley, Ray Ryan Photography Tuam, Carla Policella/Ministry of Women, Gender and Diversity (Argentina), Matías Salazar, Acumen Pictures, Mercia Windwaai, Carlos Orsi/Questão de Ciência, Yuriy Ogarkov, Setiz/@setiz, Made Antarawan, Peter Hurley, Jason Bell, University of Sheffield Hallam, Caroline Mardok, Emad Mankusa, David M. Benett/Getty, East West Institute Flickr Gallery, Rashed Lovaan, Abdullah Rafiq, RFH, Jenny Lewis, Ram Parkash Studio, Oslo Freedom Forum, Kiana Hayeri/Malala Fund, Fatima Hasani, Nasrin Raofi, Mohammad Anwar Danishyar, Sophie Sheinwald, Payez Jahanbeen, James Batten.

line
100 women BBC season logo

100 Phụ nữ là gì?

Mùa 100 Phụ nữ của BBC vinh danh 100 gương mặt nữ có nhiều ảnh hưởng và truyền cảm hứng mạnh mẽ trên toàn thế giới mỗi năm. Chúng tôi làm các phóng sự, phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn về cuộc đời họ, những câu chuyện trong đó phụ nữ là tâm điểm.

Hãy theo dõi Mùa 100 Phụ nữ của BBC trên Instagram, Facebook Twitter. Mời các bạn cùng tham gia thảo luận qua #BBC100Women.