Mức sống của người dân ĐBSCL thấp hơn trung bình cả nước

Ngày 1-6, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết, những năm qua vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất trù phú nhất nhưng vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân; tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước; tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Mức sống của người dân ĐBSCL thấp hơn trung bình cả nước ảnh 2 Nông dân vùng đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) thu hoạch lúa chạy lũ

Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu… của vùng ĐBSCL thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW.

Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin cùng chuyên mục