Muốn nâng chất lượng không cần 'phổ cập' tiến sĩ

15/11/2017 - 08:30

PNO - Dùng ngân sách để đào tạo, “bù lỗ” cho đào tạo TS thì càng thêm vô lý. Nếu anh có trình độ TS mà không có khả năng trang trải đầu tư ban đầu cho chính mình thì càng... quá tệ!

Những ngày qua, đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm dư luận nóng hẳn lên. Cuộc trao đổi PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (trường đại học Bách Khoa TP.HCM) dành cho phóng viên Báo Phụ Nữ về vấn đề này cũng “sôi” lên, khi ông khẳng định: “Đề án này là không cần thiết. Nó cho thấy thứ chúng ta cần là cái bằng, là hình thức chứ không phải là năng lực thực chất”.

Muon nang chat luong khong can 'pho cap' tien si
 

* Thưa PGS Nguyễn Thiện Tống, ông nghĩ sao về tính hiệu quả của đề án này?

- Tôi cho rằng, nếu sử dụng ngân sách làm phần lớn kinh phí để đào tạo tiến sĩ (TS) là sai nguyên tắc trầm trọng. Trong giáo dục có lợi ích tư nhân và lợi ích xã hội. Các bậc học từ mầm non đến trung học mang lại lợi ích xã hội lớn, nên nếu đầu tư cho giáo dục thì cần đầu tư vào cấp thấp để đại đa số người dân được hưởng chế độ giáo dục tốt nhất ở những bậc học nền tảng.

Theo đó, sử dụng ngân sách phải ưu tiên đầu tư vào cấp thấp, thậm chí miễn phí hoàn toàn bậc học phổ thông. Các nước đều làm như vậy. Ngược lại, giáo dục ĐH mang lại lợi ích rõ ràng cho người học, cho nên người học phải tự bỏ tiền đầu tư cho việc học của mình. Vậy mà chúng ta lại “bao cấp” không ít kinh phí cho bậc học này. Đáng nói là chi phí đầu tư cũng chẳng đến đâu nên chất lượng cứ mãi giẫm chân tại chỗ.

Đầu tư như thế vốn đã sai lầm; nay lại dùng ngân sách để đào tạo, “bù lỗ” cho đào tạo TS thì càng thêm vô lý. Nếu anh có trình độ TS mà không có khả năng trang trải đầu tư ban đầu cho chính mình thì càng... quá tệ! Việc lấy ngân sách giáo dục đài thọ cho đào tạo TS thật sự là sai lầm lớn về nguyên tắc đầu tư và chính sách giáo dục.

Thứ hai, tôi cho đây là một dự án không hiệu quả. Chúng ta không thể chắc chắn những người được đào tạo từ đề án này xong có thể đóng góp được bao nhiêu trong việc nâng cao hiệu quả đội ngũ giảng viên, nghiên cứu. Cũng chưa từng có đánh giá cụ thể về đội ngũ TS hiện tại ở các cơ sở giáo dục là đã có hiệu quả chưa. Rất nhiều TS có năng lực được quy hoạch lên làm trưởng phòng này nọ, sa vào công việc hành chính, không phát huy được năng lực chuyên môn vì không làm nghiên cứu.

Tổ chức ở các trường ĐH không khuyến khích, tạo điều kiện để người thầy nghiên cứu tốt, tách rời chuyện nghiên cứu và đào tạo, người thầy cứ phải chạy theo chuyện đi dạy… Tiền nghiên cứu đang nằm nhiều ở các viện nghiên cứu, rồi viện nghiên cứu cũng có thể trở thành “lò” đào tạo TS vô tội vạ. Ở những trường ĐH uy tín, học vất vả, nghiên cứu ngày đêm mới có bằng thạc sĩ (ThS), TS; trong khi ở ta đa phần đều là TS... tại chức, vừa đi làm vừa đi học vào cuối tuần, ban đêm…

Như vậy, làm sao có chất lượng? Việc sử dụng người có trình độ cao hiện nay cũng rất lãng phí. Mà nếu đã lãng phí, chưa xài hết công suất, chưa đặt họ vào đúng chỗ thì đào tạo thêm TS chỉ càng lãng phí thêm, vì có thêm TS để làm gì? Tôi có cảm giác, đề án này chỉ nhằm giải quyết bài toán đáp ứng đủ bao nhiêu TS cho các trường, chứ không giải bài toán TS là để làm gì. Vấn đề không phải là cái bằng mà là năng lực và hiệu quả làm việc của người đó.

Thứ ba, tôi nghi ngờ về chất lượng. Nguồn đào tạo lấy từ đâu? Chắc chắn sẽ lấy từ các viện, trường. Có một thực tế trong hơn 10 năm trở lại đây là người được giữ lại trường chưa hẳn là người giỏi nhất, vì giỏi thì họ đã có học bổng đi học nơi khác rồi; hoặc giỏi mà không muốn học lên thì cũng “bị” các doanh nghiệp “săn” mất. Giỏi thì họ đã không chịu chờ học bổng của trường, vì một cử nhân ở lại trường để được xét duyệt học bổng ThS, TS rất lâu. Chất lượng đưa đi không cao thì khó lòng vào được trường tốt. Mà học trường xoàng xoàng thì TS đó chất lượng sẽ thế nào?

Thứ tư, là dễ phát sinh tiêu cực. Ai cũng hiểu học TS sẽ có lợi thế nào cho bản thân, mà còn được ngân sách cấp tiền cho học thì càng quá... lời. Cho nên, chắc chắn họ chen nhau “xin” và hễ có người “xin” thì tất phải có người “duyệt” cho. Người duyệt, hội đồng duyệt sẽ có quyền “to đùng” và không thể tránh được tiêu cực khi người này bỗng dưng có quyền định đoạt tương lai của người kia.

Những đề án cũ từng mang tiếng không ít vì chuyện “hoa hồng”, thậm chí là ở mức cao. Những anh chàng kém cỏi càng sẵn sàng luồn lách, trả giá để được đi. Rõ ràng, nếu giỏi thì chẳng ai ngồi chờ... "xin"; còn nếu đã dở đưa đi học lên để làm gì? Tôi nhớ không lầm là chúng ta không thiếu những chương trình tài trợ đi học ThS, TS kiểu này như chương trình 322, 911… Bộ đã có tổng kết, đánh giá chưa? Cho đi học thì bao nhiêu người về, triển vọng thế nào? Bộ phải có số liệu cụ thể để trả lời dư luận.

* Nhiều “vấn đề” đến như thế thì đề án này có thật sự cần thiết?

- Tôi khẳng định là không cần thiết. Nếu thực hiện sẽ lãng phí lớn. Tôi đề nghị đánh giá lại hiệu quả các chương trình trước đó xem thế nào đã.

* Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì lúc này?

- Đó là tìm cho đúng giải pháp để đạt được mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Theo tôi, không nên chạy theo số lượng mà phải lấy chất lượng làm trọng. Tốt hơn là nên đầu tư khoản tiền đó vào việc tạo môi trường cho các TS có triển vọng trở thành nhà khoa học phát huy năng lực nghiên cứu, giảng dạy. Tạo được sức hút trong khâu tuyển dụng và sử dụng sau đó mới là con đường tối ưu.

Chúng ta có thể thu hút TS Việt kiều đã được đào tạo ở nước ngoài về làm việc trong nước với điều kiện đãi ngộ tốt và môi trường làm việc thuận lợi; thay vì tốn quá nhiều tiền để đào tạo mà môi trường làm việc vẫn như cũ. Tôi tin, nếu chúng ta đầu tư để tạo được môi trường làm việc đủ sức hấp dẫn, sẽ thúc đẩy mọi người tự học ở chất lượng cao nhất. Trong giới chúng tôi có khái niệm “tính toán tối ưu” - nghĩa là đầu tư thông minh sẽ tốn chi phí ít nhất mà hiệu quả cao nhất. 

* Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn chứng chúng ta đang “thua” các nước về số lượng TS nên trình độ giảng viên, chất lượng giáo dục, công trình nghiên cứu mới “lép vế”. Vì vậy, phải “đua” cho đủ số TS trong thời gian tới. Theo ông, cách làm này có giải quyết được vấn đề?

- Cách tính này cũng như tính số lượng sinh viên/dân số. Cứ vậy mà ngồi tính nhưng cuối cùng lại không trả lời được câu hỏi: Tăng con số đó để làm gì? Điều cần thiết và quan trọng là “chạy” theo chất lượng chứ không phải số lượng. Tôi có nhiều người đồng môn, tuy chưa có bằng cao học nhưng rất giỏi, dạy môn đó thuộc hàng “sư tổ”, chỉ do không có bằng ThS, TS nên không được các trường ĐH mời giảng dạy; trong khi các trường lại mời học trò... của họ về dạy.

Trường ĐH muốn mở ngành thì ít nhất phải đáp ứng được 1-2 cái bằng TS đúng ngành. Rõ ràng, thứ chúng ta cần chính là cái bằng, là hình thức chứ không phải là năng lực thực chất. Đó là sai lầm lớn! Điều quan trọng là trong lĩnh vực đó ai là người giỏi nhất, chứ không phải ai có học hàm, học vị cao nhất. Đừng đem những con số thống kê ra để so sánh và chạy theo, vì sẽ không làm được gì cả.

Quan trọng hơn hết là tìm đúng người giỏi và đặt họ vào đúng vị trí, đãi ngộ thất tốt, tạo môi trường giáo dục ĐH đúng nghĩa (có nghiên cứu và giảng dạy) để họ phát huy, bài toán nhân lực sẽ được giải. Hãy dừng trả lương theo bằng cấp, kiểu như ông ĐH phải cao hơn ông trung cấp... 

* Ông có nghĩ hiện chúng ta chỉ thiếu TS để... “làm quan”? Chúng ta từng có những thế hệ người thầy thiếu bằng cấp nhưng hết sức lỗi lạc, cụ thể như giai đoạn những năm 60 trở về trước...

- Đề án chỉ đúng ở chỗ xác định chất lượng đào tạo phụ thuộc lớn vào người thầy; nhưng lại “quên mất” là chất lượng người thầy không hề phụ thuộc vào bằng cấp. Thay vì đặt mục tiêu nâng cao “năng lực” thì đề án lại đặt ra mục tiêu “bằng cấp”. Nếu cần đội ngũ quản lý thì cho đi học về quản lý.

Tôi xin nhấn mạnh, trong vấn đề này, chính sách sử dụng mới là quan trọng hơn tất cả. Chính sách sử dụng không chỉ là tiền lương, mà còn là môi trường làm việc, điều kiện nghiên cứu và hành lang pháp lý thuận lợi cho người lao động phát huy năng lực.

* Xin cảm ơn ông. 

Tiêu Hà thực hiện

Trường ĐH Luật TP.HCM đoạt giải nhất cuộc thi VMoot 2017

Ngày 13/11, vòng chung kết cuộc thi Phiên tòa giả định cấp quốc gia (VMoot) năm 2017 đã diễn ra tại Trường đại học (ĐH) Luật TP.HCM và đội thi của trường đã xuất sắc giành giải nhất. VMoot 2017 khởi động từ tháng 7/2017, thu hút 52 đội thuộc 28 trường ĐH cả nước tham gia.

Sau 4 tháng tranh tài với các phần thi viết bài tranh tụng, đóng vai trò nguyên đơn và bị đơn trong một phiên tòa, tranh tụng trước Hội đồng giả định, hai đội của Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP.HCM đã xuất sắc bước vào vòng chung kết xếp hạng. 

Nội dung thi của vòng này xoay quanh quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại - là quan hệ đang phổ biến hiện nay và phát sinh nhiều vấn đề pháp lý trong thực tế. 

Đây là năm đầu tiên VMoot được triển khai trên quy mô cả nước, do câu lạc bộ Luật sư thương mại Quốc tế VBLC và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC hỗ trợ chuyên môn; được xem là mô hình Việt hóa của Moot Court Competition (phiên tòa giả định) - là sân chơi quen thuộc của sinh viên luật khắp thế giới. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI