1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năm 2021, Việt Nam có hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

An Linh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021, cả nước có hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 57,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt trên 50% so với kế hoạch được giao (90.000 người). Tỷ lệ lao động nữ đi làm việc tại nước ngoài là gần 15.200 người, chiếm 1/3 tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như sau: Đài Loan, Trung Quốc: 19.531 lao động (6.487 nữ); Nhật bản: 19.510 lao động (8.335 nữ); Hàn Quốc: 1.036 lao động (6 nữ); Trung quốc: 1.820 lao động; Rumani: 795 lao động (131 nữ); Singapore: 713 lao động nam; Hungary: 465 lao động (114 nữ); Serbia: 304 lao động nam…

Năm 2021, Việt Nam có hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài - 1

Năm 2021, có hơn 45.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.


Về công tác đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận quốc tế, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tham gia đàm phán, hoàn thiện trình Lãnh đạo Bộ ký gia hạn Bản Ghi nhớ về việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Hoàn thiện hồ sơ, thống nhất nội dung gia hạn Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Malaysia về tuyển dụng lao động; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu để Bộ báo cáo Chính phủ thành lập đoàn và khởi động đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Israel về tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Israel; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan…

Về nhiệm vụ năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Bên cạnh đó, thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.