Năng lượng tái tạo: 'VN cần nâng cấp lưới điện quốc gia' - Bài 3

  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai ở An Giang. Ảnh chụp tháng 9/2022

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhà máy điện mặt trời Sao Mai ở An Giang. Ảnh chụp tháng 9/2022

Bà Courtney Weatherby, Phó giám đốc Chương trình Nước, Năng lượng và Bền vững khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson trả lời BBC về giải pháp để Việt Nam ngưng sử dụng than và chuyển sang năng lượng tái tạo.

BBC: Bà nhận định như thế nào khi Việt Nam có kế hoạch tăng nhập khẩu than để sản xuất điện trong khi vừa ký gói hỗ trợ hơn 15 tỷ USD để giảm điện than?

Courtney Weatherby: Thách thức trong việc dùng than để sản xuất điện là ở một mức độ nào đó, nó sẽ bị kẹt lại như là một nguồn nhiên liệu chính cho các nhà máy điện than đã tồn tại cũng như cho các nhà máy điện than đang được xây thêm - nơi chính phủ VN đã ký các thoả thuận mua điện.

Các nhà máy điện than có tuổi thọ khoảng vài thập kỷ, và Việt Nam đã tăng thêm công suất cho chúng trong những năm vừa qua.

Việc này khiến Việt Nam tiếp tục phải sử dụng một khối lượng than để chạy các nhà máy này và đảm bảo sản xuất lượng điện cần thiết cho vài thập kỷ tới.

Vietnam, energy

Trong khi về lý thuyết có thể xem xét đóng cửa những nhà máy này và/hoặc thay thế chúng bởi các nguồn năng lượng sạch hơn - ví dụ chuyển đổi sang các nhà máy sử dụng khí hoá hỏng (LNG).

Hoặc về lâu dài, tìm cách chuyển từ nhà máy điện than sang điện hạt nhân hoặc điện mặt trời. Việc này có thể rất tốn kém về lâu dài và có thể không phải là các lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Trong bối cảnh này, có thể đoán được trước rằng Việt Nam sẽ dự kiến tăng nhập khẩu than trong các thập kỷ tới để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho các nhà máy hiện đang tồn tại.

Câu hỏi chính cần đặt lên bàn ở đây là có phải việc sử dụng than và việc nhập khẩu than có thể giảm thông qua các hình thức chuyển đổi năng lượng như đề cập ở trên - đới với các nhà máy cũ.

Hoặc qua việc ngưng các nhà máy điện than đang xây mới.

Hoặc thay thế điện than bằng các nguồn khác trong khi vẫn đảm bảo điện sản xuất ra vẫn có đủ và giá thành vẫn chấp nhận được.

Việt Nam dự kiến nhu cầu điện cho sản xuất sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Điều đó có nghĩa việc chuyển đổi nguồn năng lượng cần phải diễn ra cùng lúc với việc chính phủ mở rộng các nguồn năng lượng khác và cần đảm bảo vẫn sản xuất đủ điện.

BBC: Có một số đề xuất rằng Việt Nam nên tập trung vào đầu tư phát triển khí hoá lỏng, thay vì năng lượng tái tạo vốn đắt và rủi ro?

Courtney Weatherby: Tôi cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào cả năng lượng tái tạo và LNG, trong đó cần tập trung chuyển đổi sang năng lượng tái tạo về mặt lâu dài.

Hai cản trở lịch sử đối với năng lượng tái tạo là giá thành và rủi ro, hay còn gọi là tính không ổn định. Tuy nhiên, giá thành của năng lượng tái tạo đã hạ rất nhiều và đến nay không còn là vấn đề nữa.

Ví dụ, năng lượng mặt trời, đã giảm giá xấp xỉ 85% từ năm 2009 và tiếp tục giảm giá bởi quy trình sản xuất được mở rộng và cải thiện. Năng lượng giá cũng giảm ở mức tương tự trong cùng khung thời gian.

Thậm chí ngay giữa đại dịch, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đã chỉ ra rằng chi phí cho cả hai nguồn năng lượng tái tạo trên tiếp tục giảm và đang ngày càng trở nên cạnh tranh.

Tại nhiều nơi, điện mặt trời hiện đang có giá thấp nhất trong các loại điện hiện có, tính theo mỗi kilowatt/giờ.

Về tính rủi ro, điện mặt trời và điện gió không còn là kỹ thuật mới nữa và đã có số liệu chứng minh điều này.

Rủi ro lớn nhất không nằm ở kỹ thuật mà ở việc hoà vào lưới điện.

Điện mặt trời và điện gió là các nguồn năng lượng thay đổi. Chúng hoạt động khác so với các nhà máy điện truyền thống bởi vì việc sản xuất chúng phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết hơn là theo nhu cầu.

Điều này thực sự là một thách thức đối với hệ thống điện - và đó là thách thức mà Việt Nam đang đối mặt hiện nay nếu không có sự phối hợp đầu tư để xây dựng một hệ thống điện hiện đại và mở rộng để có thể tiếp nhận sự chuyển đổi trong cơ cấu và cách thức sản xuất điện.

BBC: Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào nhất khu vực châu Á. Theo bà thì đâu là giải pháp để Việt Nam thật sự phát triển được tiềm năng này?

Courtney Weatherby:Thách thức đối với việc hoà vào lưới điện quốc gia là sự thật.

Việt Nam trong khoảng 5 năm qua đã nhảy vọt từ không có chút tỷ suất điện nào từ nguồn năng lượng tái tạo trong lưới điện quốc gia đến có từ 1/5 và 1/4 trong tổng công xuất lắp đặt đến từ năng lượng tái tạo.

Đây thực sự là một sự tăng trưởng nhanh chóng, và hầu hết công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất từ chỉ một số ít tỉnh thành ở Việt Nam.

Vấn đề lớn ở đây là không có sự đầu tư đầy đủ, toàn diện để nâng cấp lưới điện quốc gia.

Và do đó tại nhiều địa phương, lưới điện quốc gia đơn giản là không thể tải được điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mới và luôn biến đổi.

Hệ thống lưới điện quốc gia được thiết kế để tải điện từ các nhà máy điện truyền thống và hiện không có sự linh hoạt để sử dụng tốt nhất nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất.

Có một số thay đổi mà lưới điện quốc gia có thể thực hiện để tải được nguồn điện tái tạo. Ví dụ, tìm cách để tăng độ linh hoạt và phối hợp để giảm lượng điện từ nguồn truyền thống như than hay gas khi có dồi dào điện từ mặt trời và gió, sau đó lại tăng điện từ nguồn truyền thống khi nguồn điện từ mặt trời và gió giảm.

Theo dõi các thông số hoạt động và thời tiết - và áp dụng các kiến thức này vào kế hoạch truyền tải lưới điện - có thể giúp giải quyết vấn đề.

Nhưng thách thức chính ở đây là có giới hạn vật lý đối với lưới điện.

Trong bối cảnh này, nhập khẩu than trong ngắn hạn cho các nhà máy điện than đang tồn tại là cần thiết, nhưng chuyển đầu tư trở về các dự án điện than sẽ khoá Việt Nam vào một nguồn năng lượng được xem là 'hết thời' về mặt lâu dài.

Các nhà máy điện than mới có tuổi thọ hàng thập kỷ. Do đó các nhà máy điện than đang được xây dựng hiện này sẽ phải tiếp tục vận hành hàng thập kỷ tới.

Tiếp tục mở rộng vai trò của than có thể là một thách thức cho Việt Nam để đạt cam kết phát thải bằng không, đồng thời cũng là một thách thức trong cạnh tranh về mặt lâu dài.

Nhiều công ty thủ công và công nghiệp đang đóng vai trò quyết định trong việc giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng và là hành viên của chuỗi cung ứng đa quốc gia. Và các công ty đa quốc gia này hiện đang tìm cách đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo của riêng họ.

Tự 'khoá' mình vào điện than hoặc giảm thiểu vai trò của năng lượng tái tạo có thể khiến các công ty này gặp khó khăn hơn để đáp ứng các mục tiêu nói trên của họ, và khiến họ có thể phải xem xét để chuyển sang các nước nơi chính phủ hỗ trợ hơn đối với năng lượng tái tạo.

* Các bạn đọc tại đây Bài 1Bài 2 của chùm 3 bài về năng lượng Việt Nam.