Ngày 8 tháng 3: Khi phụ nữ đẻ con là sứ mệnh chính trị, là yêu nước

Một phụ nữ đang được khám thai tại tỉnh Điện Biên

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một phụ nữ đang được khám thai tại tỉnh Điện Biên
  • Tác giả, Khải Đơn
  • Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Indonesia

Một dòng thông tin trên trang Facebook Thông tin Chính phủ (Việt Nam) “Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn. Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi" đã tạo ra hàng trăm ngàn lượt phản ứng trên mạng và biến thành trò đùa của giới trẻ.

Những "vận động" lấp lửng này đã đơn giản hóa phụ nữ xuống chỉ còn chức năng sinh đẻ.

Không đẻ con là hoảng loạn xã hội

Chừng một thập niên trước, những phụ nữ bước vào tuổi 20 thường chịu sự khó chịu khi người thân, bạn bè liên tục hỏi họ "chừng nào cưới". Áp lực vô hình này đến từ các mối quan hệ xã hội gần gũi và do truyền thống gia đình làm nông thường kết hôn sớm.

Ở giai đoạn bùng nổ của mạng xã hội, các loại nội dung hài hước cuối năm xếp câu hỏi "chừng nào cưới", "chừng nào sinh" vào nhóm "vô duyên", can dự đến chọn lựa riêng tư của người trẻ.

Có vẻ phụ nữ đã có nhiều tự do hơn để mạnh dạn nói lên mong muốn, mạnh dạn biểu đạt ước muốn hạnh phúc khác với kỳ vọng truyền thống của họ hàng, cộng đồng.

Chỉ một thập niên sau đó, đối thoại giàu cảm hứng tự do trên đã nhường chỗ cho sứ mệnh mới: Không đẻ con thì xã hội già đi rồi sao? - Áp đặt đẻ con đã trở thành sứ mệnh chính trị, mang vinh dự bảo tồn cả quốc gia.

Sự hù dọa lên đồng tập thể hiện diện ở rất nhiều kênh mà phụ nữ thường truy cập để lấy thông tin. Báo Thanh Niên viết rằng Việt Nam đang "đối mặt với xu hướng mức sinh giảm nhanh" dẫn đến "già hóa dân số diễn ra nhanh chóng".

Sau đó là hàng loạt các nội dung vẽ ra viễn cảnh đen tối của "già hóa": Không có người chăm sóc y tế cho người cao tuổi, thu nhập chưa lên cao đã già đi, không có tầng lớp lao động tiếp nối đảm bảo sản xuất, đảm bảo thu nhập quốc gia, phải thuê người nhập cư làm y tá, điều dưỡng.

Tờ báo chính trị xã hội hàng đầu VnExpress giật tít "Ba cái khó của phụ nữ 30 tuổi chưa chồng" với những đe dọa như: Sau 30, thì phụ nữ "chập choạng" "xuống cấp nhan sắc lẫn sức khỏe" và không ai thèm.

Báo Phụ Nữ Việt Nam dùng câu chuyện dọa dẫm: "Trung Quốc - mẹ trầm cảm vì con gái 30 tuổi chưa kết hôn" để kêu gọi trách nhiệm của những đứa con phải có "lòng hiếu thảo" với cha mẹ bằng cách kết hôn sớm. Tờ báo có độc giả chính là nữ giới này chạy hàng loạt bài viết về nghĩa vụ kết hôn trước 30 và cho rằng "nghĩa vụ vĩnh cửu hóa giống loài bằng việc lập gia đình và sinh con" là vì "tương lai ổn định" cho "cả quốc gia".

Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em Nguyễn Đình Cử phát biểu trên tờ Dân Việt quy kết “việc giới trẻ ngại kết hôn và sinh con không chỉ mang lại hệ lụy cho chính mỗi người, mỗi gia đình mà cho toàn xã hội”. Tuy nhiên, lấy tiền đâu để sinh con, hoặc trẻ nhỏ sẽ được học hành, chăm sóc ra sao, ông này không hề đề cập đến.

Chính ông này cũng thừa nhận trong một bài báo khác mà tờ Dân Việt chạy về cơ cấu dân số, là hệ thống an sinh xã hội cho dân số già ở Việt Nam hiện đã rất lạc hậu, người già trên 80 tuổi không được hưởng trợ cấp xã hội. Toàn bộ gánh nặng chăm sóc lớp người lớn tuổi này được ngầm ý đề xuất phải do người trẻ hơn gánh chịu, vì vậy phải liên tục sinh trẻ con để gia đình tự chăm sóc thế hệ người lớn tuổi không được hưởng an sinh xã hội này.

Kênh thông tin chính phủ khuyến khích việc kết hôn trước 30 tuổi

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh, Kênh thông tin chính phủ khuyến khích việc kết hôn trước 30 tuổi

Tiền đâu để đẻ?

Cách nhìn của lãnh đạo khoa học từ Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em không tính đến quyền lựa chọn và mong ước phát triển bản thân của phụ nữ. Vậy tuyên ngôn đẻ vì quốc gia này đã làm gì để giúp phụ nữ trong hành trình làm mẹ?

Năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam tăng 6,9%, theo báo Quân đội Nhân dân. Trong con số tăng tích cực đó, thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và nữ 6 triệu đồng. Thu nhập trung bình của nữ giới chỉ bằng 74% nam giới, phụ nữ Việt vẫn ngồi chiếu dưới trong quyền lợi lao động. Cũng cần lưu ý là, theo Tạp chí Ngân hàng, lạm phát tăng 3,25% trong cùng thời kỳ.

Một hành xử phổ biến khi tuyển dụng ở Việt Nam là phụ nữ thường bị chủ lao động thăm dò kế hoạch có con ra sao. Người đi xin việc là nữ thường bị hỏi "có định có con không" khi đi phỏng vấn. Đây là câu hỏi thường được xin ý kiến từ cộng đồng xin việc để biết cách ứng xử hoặc nói thế nào để được tuyển.

Phụ nữ bị "kỳ thị" ngay khi họ có ý định có con, đặc biệt những phụ nữ ở nhóm lao động là công nhân, lao động phổ thông và có thu nhập thấp. Phụ nữ đang có thai gần như chắc chắn không ai tuyển ở phân khúc lao động ở công xưởng. Nhóm phụ nữ kiếm sống bằng công việc ngoài công ty gần như không có hỗ trợ gì về thai sản nếu bị mất việc ngay giữa thai kỳ.

Bức tranh đơn giản về lao động này cho thấy tuy mọi lực lượng xã hội đều cổ vũ phụ nữ nên kết hôn và có con trước 30, nhưng không có đảm bảo nào cho phụ nữ có thể tự mưu sinh, kiếm sống để chăm sóc con nhỏ nếu họ chọn sinh con để đủ số nhà nước kỳ vọng.

Chụp lại video, 'Tôi thích chơi với trẻ em, nhưng không muốn có con'

Con gửi ở đâu?

Năm 2022, tỷ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đi học còn rất thấp (28,2%), mẫu giáo đạt 92,4%. Cả nước còn gần 8% trẻ em mẫu giáo và 71,8% trẻ nhà trẻ chưa được tiếp cận giáo dục. Con số trên được dẫn từ hội thảo công bố Đề án “Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2023-2030”.

Hội thảo này cũng cho biết khoảng 71,8% các em bé từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi không có chỗ đi học để mẹ có thể trở lại làm việc sau sáu tháng nghỉ thai sản. Ở một góc khác, năm 2023, cả nước thiếu 51.300 giáo viên mầm non công lập, theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Vừa thiếu giáo viên công lập, vừa thiếu không gian trường lớp cho cấp nhà trẻ, vậy nếu người mẹ muốn quay trở lại làm việc để không bị hẫng chân trong sự nghiệp, cô phải tự chịu thêm chi phí giữ trẻ.

Một me bé được siêu âm tại bệnh viên Tâm Đức (ảnh minh họa)

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, Một em bé được siêu âm tại bệnh viên Tâm Đức (ảnh minh họa)

Các gia đình dư dả chọn thuê người giúp việc hoặc nhờ ông bà lên chăm. Những gia đình không có điều kiện như công nhân thường buộc phải gửi con về quê sống xa cha mẹ, gửi trẻ ở các nhóm trẻ gia đình gần nơi ở hoặc một người phải bỏ việc và mất thu nhập để chăm con.

Áp lực không có đủ nhà trẻ, trường mẫu giáo khiến gánh nặng chi phí săn sóc trẻ ở độ tuổi này dồn vào vai phụ nữ. Dù là phụ nữ làm văn phòng hay làm lao động chân tay, đây là rào cản khiến các chị không thể trở lại nơi làm việc sớm, gián đoạn hoặc từ bỏ luôn công việc để chăm sóc con toàn thời gian.

Mất đi thu nhập tự thân và không còn địa vị xã hội, phụ nữ dễ bị tổn thương hơn khi có biến cố như ly hôn, bạn đời mất khả năng lao động hoặc tử vong. Phụ nữ cũng mắc kẹt trong bạo lực gia đình mà không thoát ra được vì không còn tự chủ về mưu sinh, không thể tự nuôi con được nữa.

Phụ nữ là cái tử cung khi đất nước cần?

Trong dịp đi khám sức khỏe tổng quát cuối năm 2023, tôi được một nhân viên y tế nhiều lần nhắc nhở trong một buổi khám: "Nên ngừng xài thuốc tránh thai để có con." Tôi đáp mình chưa có kế hoạch có con, người nhân viên này nhắc lại: "Nên có con trước 35 tuổi. Chứ không có con thì ai chăm lúc già?" - Trong nhiều năm đi khám sức khỏe, tôi chưa bao giờ bị nhân viên y tế hối thúc như vậy về lựa chọn riêng tư của bản thân.

Ngay sau đó, khi tôi hỏi một số bạn gái khác, họ cũng cho biết từng gặp những lời khuyên thiếu nhạy cảm tương tự khi đi khám sức khỏe dù không hề yêu cầu. Một bạn gái trẻ chia sẻ với tôi bạn cảm thấy bỗng nhiên lo sợ vì không lẽ bản thân đã già như vậy, hay mình đang sống không đúng đắn, hay mình ích kỷ quá, rồi lỡ sau này có gì mình ân hận thì sao.

Qua những trải nghiệm đó, tôi nhận ra hệ thống truyền thông đang dùng hình thức đổ lỗi cho phụ nữ để tăng cường tỷ lệ sinh đẻ. Nếu không đẻ: mẹ trầm cảm. Nếu không đẻ: có lỗi với xã hội. Nếu không kết hôn: không bình thường. Nếu không đẻ: về già ai chăm sóc? Nếu không đẻ: sau này ân hận cũng không kịp.

Chụp lại video, ‘Hôn nhân ly thân’ là chìa khóa cho một mối quan hệ hạnh phúc?

Cả trách nhiệm xã hội gánh vác nhóm dân số già thu bé lại thành cái tử cung của phụ nữ. Thân thể của họ trở thành công cụ tạo trẻ con, đẻ lao động để nuôi người già mà chế độ an sinh xã hội từ chối gánh. Họ bị gắn mác không có tâm lý "bình thường", bất hiếu, không suy nghĩ chín chắn hoặc... có lỗi với quốc gia nếu không đẻ trước 35 tuổi.

Chưa cần tính đến những yếu tố như bất bình đẳng thu nhập giữa hai giới, không đủ sức nuôi dạy con, không có hỗ trợ săn sóc trẻ ở tuổi đi nhà trẻ kể trên, thì cảm xúc và phẩm giá phụ nữ không hề được tính đến trong các sản phẩm tuyên truyền thô bạo này. Nhân viên y tế nhắc nhở quá trớn càng làm phụ nữ trẻ lo sợ về tương lai và cơ thể. Định kiến về nữ giới được thể càng phát tán thành những tuyên ngôn thô bạo về đẻ và cưới.

Nhưng đằng sau những giá trị quốc gia, dân tộc, lao động to tát, những đứa trẻ mới ra đời không có nhà trẻ giữ, cha mẹ chen chúc nhau chạy vào trường công, bà mẹ trẻ bị từ chối khi đi xin việc. Chi phí nuôi và dạy trẻ ngày càng cao và cách biệt chất lượng ngày càng ngộp thở giữa giáo dục tư và công.

Vậy ai phải có trách nhiệm sau khi buộc cái tử cung của phụ nữ đẻ ra những cư dân lao động mới? - Tất cả lại dồn lên vai phụ nữ.

Tình hình biến đổi khí hậu, kinh tế khó khăn… là các nguyên nhân khiến chủ đề nên sinh con hay không lại được mang ra tranh cãi

Nguồn hình ảnh, SERGI REBOREDO/VW PICS/UNIVERSAL IMAGES GROUP QUA GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, Tình hình biến đổi khí hậu, kinh tế khó khăn… là các nguyên nhân khiến chủ đề nên sinh con hay không lại được mang ra tranh cãi

Thay đổi cách nhìn

Một diễn giải của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) năm 2023 viết, trong khảo sát trên 8.000 người ở 8 quốc gia trên thế giới do YouGov tiến hành, diễn ngôn "ít dân quá" thường do đàn ông nghĩ nhiều hơn là do phụ nữ.

Ở những quốc gia như Việt Nam, cách hù dọa và đổ lỗi là chiến lược thông tin để đẩy mạnh tỷ lệ sinh. Phụ nữ là trung tâm của những cuộc chế giễu trong cộng đồng và trên báo chí.

Tuy nhiên, UNFPA gợi ý rằng, thay vì dọa rằng tỷ lệ sinh thấp "đe dọa đến an ninh quốc gia", thì câu hỏi cần đặt phải là: "Người trẻ muốn sinh con, nhưng không đủ chi phí. Vậy xã hội có giúp gì cho họ không?"

Cuối năm 2023, báo đài giật tít về việc đẻ con có thưởng, hay sinh con được tiền, nhưng tin vui này mới chỉ dừng ở các tuyên ngôn và tít báo, chưa hề có áp dụng cụ thể nào với từng nhóm phụ nữ muốn sinh con và ở địa phương nào.

Tương tự, UNFPA đề nghị, thay vì diễn ngôn đổ lỗi "tỷ lệ sinh giảm vì phụ nữ không chịu làm mẹ" thì vấn đề cần phải suy nghĩ là: "Khao khát làm mẹ của phụ nữ bị xói mòn vì tình trạng kỳ thị giới tính diễn ra không ngừng."

Trong ngày 8/3, thay vì đơn giản hóa phụ nữ xuống thành cái tử cung của quốc gia, chính sách quốc gia sẽ làm gì để phụ nữ cảm thấy an tâm và an toàn hơn khi họ khao khát làm mẹ?

---

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một nhà thơ, nhà văn Việt Nam.