Nghĩ về tỷ lệ nộp ngân sách và thu nhập bình quân đầu người các tỉnh thành

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 08:39, 27/05/2021

TheLEADERNền kinh tế tự cường phải có các ngành kinh tế mạnh cùng với các địa phương hợp thành đều phát triển mạnh và đều tự cường.

Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của Bình Dương hơn 7 triệu đồng, cao nhất nước. 

Xếp sau lần lượt là TP.HCM hơn 6,5 triệu đồng; Hà Nội gần 6 triệu đồng. Các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ trên 5 triệu đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh hơn 4,5 triệu đồng.

Những con số rất đáng phấn khởi, các tỉnh thành trong top 10 đều là trọng điểm kinh tế của cả nước. Bình Dương vươn lên dẫn đầu ngoạn mục. 

Bảng xếp hạng đã phản ánh sự phát triển và hiệu quả kinh tế của từng địa phương. 

Tuy nhiên, nhìn lại việc đóng góp ngân sách cho Trung ương của các tỉnh thành, có không ít băn khoăn về tỷ lệ nộp ngân sách cả nước nói chung và top 10 tỉnh thành dẫn đầu thu nhập đầu người nói riêng.

Nghĩ về thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ nộp ngân sách các tỉnh thành
Tỉ lệ % ngân sách địa phương được giữ lại năm 2019 của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh thuvienphapluat

Bình Dương dẫn đầu thu nhập cả nước nhưng chỉ phải nộp 64% nguồn thu. Trong khi TP.HCM xếp thứ hai thì phải đóng tới 82%. Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam không có trong top 10 thu nhập dẫn đầu nhưng nộp ngân sách lần lượt 47%, 28%, 12%, 10%.

Cùng hạng thu nhập bình quân đầu người trên 5 triệu đồng nhưng Cần Thơ chỉ nộp ngân sách 9%, Bắc Ninh 17%, Hải Phòng 22%, Đà Nẵng 32%, Đồng Nai 53%. Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh xếp cuối top 10 thu nhập đầu người nhưng nộp ngân sách lần lượt là 36% và 35%. 

Lẽ thường, người giàu hơn thì phải đóng góp nhiều hơn. Quốc gia nào cũng vậy. Dĩ nhiên không thể máy móc nhưng phải tương đối hợp lẽ để “khoan thư sức dân”.

Việc TP.HCM đóng góp tới 82% nguồn thu là quá chênh lệch so với địa phương dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người là Bình Dương 64%, Hà Nội 65%, Đà Nẵng chỉ 32%. 

Phải chăng nhờ vậy mà Đà Nẵng có thêm nguồn lực giúp bứt phá về mọi mặt phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng thời gian qua? Cùng mức thu nhập bình quân đầu người nhưng Cần Thơ chỉ đóng góp 9% trong khi Đồng Nai là 53%.

Đọc những thông tin trên không ít người hoài nghi: Có chăng số liệu của Tổng cục Thống kê chưa chính xác hay là quy định tỷ lệ % nguồn thu nộp vào ngân sách hiện nay của các địa phương có vấn đề? Nếu vậy chỗ nào chưa hợp lý thì phải chỉnh sửa.

Hiện nay, cả nước chỉ có 16/63 tỉnh thành có đóng góp về Trung ương từ nguồn thu của mình. Tỷ lệ thấp nhất là Hải Dương 2%, cao nhất là TP.HCM 82%. 

TP.HCM đang đề nghị giảm tỷ lệ nộp ngân sách này xuống 77%. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lần làm việc mới đây với chính quyền TP.HCM đã ủng hộ đề nghị này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn tin tưởng khẳng định: “Để lại cho thành phố 1 đồng, thành phố sẽ làm ra 2 - 3 đồng”.

Việc này, đáng lẽ phải làm từ lâu. Năm 2018, tại kỳ họp 12 Hội đồng nhân dân TP.HCM, Phó đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố Phan Nguyễn Như Khuê khi đề cập đến vấn đề này đã bức xúc phát biểu: “Đừng xem TP.HCM là con bò sữa. Bò muốn có sữa nhiều cũng phải được chăm chút, bồi dưỡng”

Nhưng vấn đề này phải tới nay mới được tái đề xuất. Dù sao, muộn còn hơn không!

Cho đến giờ, con số 47/63 tỉnh thành không phải nộp ngân sách về Trung ương là quá nhiều trong bối cảnh kinh tế quốc gia đã đạt được thành tựu to lớn về phát triển nhiều năm nay. 

Rõ ràng cần phải có kế hoạch giúp 47 tỉnh, thành nói trên phát triển hơn nữa, từng bước tự lực, giảm dần bao cấp theo từng năm. Các địa phương này cần có chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn và phải xem đoạn tuyệt bao cấp là mục tiêu chủ chốt.

Dư luận đã không ít lần bức xúc vì còn cảnh những tỉnh nghèo, không phải nộp ngân sách nhưng luôn xài sang, dám chi nhiều tỷ đồng làm quà tặng trong các sự kiện lớn; rồi hết xin làm cổng chào hoành tráng đến xây tượng đài ngàn tỷ…

Đất nước muốn hùng cường phải có nền kinh tế tự cường. Nền kinh tế tự cường phải có các ngành kinh tế mạnh, phát triển vững cùng với các địa phương hợp thành đều phát triển mạnh, đều tự cường.