Ngoại ngữ và văn hóa

NGOẠI NGỮ VÀ VĂN HOÁ

Trần Đình Sử

Từ rất xa xưa người ta đã biết ngôn ngữ là công cụ giao tiếp. Cái quan niệm thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo là điển hình cho quan niệm xem ngôn ngữ chỉ là công cụ. Coi ngôn ngữ chỉ là công cụ tức là xem nó chỉ là vật bên ngoài, vật phụ thuộc vào tư duy, vào tư tưởng, vào nội dung, đơn giản chỉ là kí hiệu, là chiếc cầu nối liền với con người với con người, con người với thế giới. Nhiều người thích nói ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy, định nghĩa hình tượng văn học của Timofeev không tính đến ngôn ngữ, ngôn ngữ chỉ là hình thức bên ngoài. Cristopher Codowel thậm chí cho rằng tiểu thuyết không viết bằng ngôn ngữ mà là bằng chi tiết dời sống. Từ nhận thức đó, người ta hiểu học được một ngoại ngữ chỉ là nắm dược một công cụ, người làm phiên dịch giản đơn chỉ là người thông ngôn không hơn không kém. Lênin nói: “Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người”. Stalin nói: “Ngôn ngữ là công cụ, là vũ khí mà con người lợi dụng đề giao tiếp, giao lưu tư tưởng, để hiểu nhau.”  Đó đều là những quan niệm điển hình cho quan niệm xem ngôn ngữ chỉ là công cụ của tư tưởng đã có từ rất lâu dời. Tất nhiên khi Các Mác nói “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy” là ông đã hiểu tư duy chỉ là tư duy bằng ngôn ngữ, tư duy và ngôn ngữ không tách rời, một quan niệm khoa học rất hiện đại. Tuy nhiên theo phép biện chứng của quan hệ giữa nội dung và hình thức thì ngôn ngữ vẫn chỉ là cái có tính thứ hai, chưa được coi trọng đúng mức.

Quan niệm hiện đại bắt đầu từ Saussure xem ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu biểu đạt quan niệm. Mấu chốt ở đây là hệ thống kí hiệu có tính khép kín, hoàn chỉnh, tự chủ. Kí hiệu ngôn ngữ là kết hợp âm thanh với khái niệm, chứ không phải là kết hợp từ ngữ và đồ vật, cho nên tư tưởng một khi tách rời ngôn ngữ thì trở thành một mớ hỗn độn, mơ hồ, không rõ rệt. Không có ngôn ngữ thì con người không có tư tưởng, không thể tư duy. Điểm khác biệt to lớn nhất của ngôn ngữ học hiện đại so với ngôn ngữ học truyền thống là nâng ngôn ngữ lên tầm cao bản thể. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ mà hơn thế là cái làm nên năng lực người, là bản thân hành vi người, là bản thân tư tưởng. Quá trình tư duy là quá trình ngôn ngữ, thế giới của con người là thế giới ngôn ngữ, nhân loại nhờ có ngôn ngữ mà có được thế giới. Nhà triết học Đức Heidegger cho rằng, ngôn ngữ là tính quy định thứ nhất của con người. “Con người là sự sống biết nói….chỉ có ngôn ngữ mới làm cho con người có thể trở thành sự sống như là con người. Có biết nói mới là con người.” “Bất luận thế nào ngôn ngữ mới là bản chất gần gủi thiết thân nhất của con người.” Ông lại nói: “Ngôn ngữ đảm bảo cho con người cái khả năng tồn tại một cách lịch sử. Ngôn ngữ không phải là cái công cụ mà người ta có thể chi phối được, mà là cái có tính sự kiện có khả năng cao nhất để chi phối sự tồn tại của con người.” Danh ngôn của ông là : “Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể.”, ý nghĩa của nó là bất cứ sự tồn tại của hữu thể nào đều là tồn tại trong ngôn ngữ.”  E. Cassirer, nhà triết học văn hoá Đức cũng cho rằng bản chất của con người là động vật biết sử dụng kí hiệu.

Quy bản chất của con người vào bản chất của ngôn ngữ là một nhận thức rất mới, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ khoa học xã hội và nhân văn thế kỉ XX, làm nên cuộc “chuyển hướng ngôn ngữ” rất ngoạn mục của thế kỉ từ những năm 20 trở đi. Bởi vì theo quan điểm đó, ngôn ngữ không chỉ là công cụ mà còn là thế giới quan. Theo Heidegger, “ngôn ngữ căn bản không phải là một lợi khí hay là công cụ, bởi vì tính chất của công cụ  là ở chỗ chúng ta có thể sử dụng nó, có nghĩa là khi cần dùng thì ta cầm lấy sử dụng, khi đã dùng xong thì để nó sang chỗ khác…..Chúng ta mãi mãi không thể biết rằng chúng ta chỉ là một ý thức đối với thế giới, và khi ở vào trạng thái không có ngôn ngữ thì cầm lấy công cụ ngôn ngữ. Đúng hơn, trong toàn bộ cái biết của chúng ta về bản thân và về thế giới từ lâu đã nằm trong ngôn ngữ của chúng ta rồi.” Với lại không có khi nào chúng ta “dùng” xong ngôn ngữ, không có khi nào ta ở vào trạng thái “phi ngôn ngữ” cả. Như thế, ngôn ngữ hoàn toàn không phải là công cụ. Khi nói năng ta thường nghĩ rằng mình chi phối ngôn ngữ, nhưng theo Heidegger, không phải là “tôi nói bằng ngôn ngữ”, mà là “ngôn ngữ nói bằng tôi”, nghĩa là ngôn ngữ khống chế con người chứ không phải là nguợc lại. Từ khi sinh ra cho đến khi biết nói, con người học tập để được phụ thuộc vào ngôn ngữ, chỉ có phụ thuộc vào nó thì con người mới giao tiếp với nhau được. Tất nhiên như vậy thì ngôn ngữ là một hệ thống hữu hạn, chật hẹp mà con người không ngừng phá ra để biểu đạt tự do. Ngôn ngữ hữu hạn, còn sự sống vô hạn, sự sống thường xuyên đổi mới ngôn ngữ, thậm chí lật đổ ngôn ngữ. Tuy nhiên con đường của nó không phải là từ phi ngôn ngữ đến ngôn ngữ mà là từ ngôn ngữ cũ tạo ra ngôn ngữ mới. Đó là một đề tài khác sẽ không nói ở đây.

Quan niệm ngôn ngữ hiện đại đã cho ta hiểu sâu hơn ý nghĩa của việc học ngoại ngữ. Rõ ràng việc nắm được ngôn ngữ không còn chỉ là nắm được một công cụ để thông ngôn, để dịch qua dịch lại, mà đúng hơn, là nắm được thêm một thế giới, thêm một ngôi nhà của hữu thể, thêm một thế giới quan, một cách nhìn về bản thân và về thế giới. Người Trung Quốc thường nói ngoài núi có núi, ngoài trời có trời, ngoài thế giới có thế giới. Nắm được tiếng mẹ đẻ  một cách sâu sắc là đã có trong tay một thế giới, nhưng nếu có thêm được một ngoại ngữ thì không không phải chỉ có thêm một thế giới nữa, mà là có hơn hai thế giới, bởi lúc đó đã có hai hệ quy chiếu để nhìn thấy một thế giới thứ ba, và nếu có được ba ngôn ngữ thì  cái vốn hiểu biết sẽ nhân lên không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân. Nhiều người nghĩ rằng không cần học ngoại ngữ, chỉ cần có người khác dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt cho mình đọc cũng đã đủ dùng. Họ không thấy rằng bản dịch trước hết là một sự Việt hoá ngôn ngữ nước ngoài, một sự “hoàn nguyên” theo một nghĩa nào đó, mà thường là làm nghèo đi, lược hoá đi, như người ta thường nói “dịch là diệt”. Cho đến giờ, xét riêng về dịch thơ, chưa có bản dịch thơ nào mà không làm mất mát ý tứ của bản nguyên tác. Chỉ cần kiểm tra lại các bản dịch thơ cổ điển bằng chữ  Hán ra bản tiếng Việt hiện đại trong SGK tiểu học, THCS, THPT là thấy ngay vấn đề. Như thế nếu ai suốt đời chỉ nắm một ngôn ngữ, chỉ đọc một thứ tiếng thì thế giới của họ chỉ đóng khung trong một chân trời.

Điều đó cho thấy vì sao, các nhà tư tưởng, các nhà khai sáng của văn hóa dân tộc thường là những người tinh thông ngoại ngữ. Những nhà thiền học Việt Nam, những  Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…đều là những người am hiểu sâu sắc ngoại ngữ. Niết bàn, ngộ, sắc không…không phải là vốn có của tiếng Việt. Nhân nghĩa, an dân, điếu phạt, trừ bạo…cũng không phải tiếng Việt. Đến đầu thế kỉ XX hàng loạt từ ngữ, thuật ngữ mới ồ ạt tràn vào tiếng Việt qua con đường dịch thuật từ Phương  Tây, Nhật Bản, Trung Hoa như cách mạng, tiến hoá, quân chủ, dân chủ, tự do, bình đẳng, tư bản, chính trị, xã hội chủ nghĩa, văn hoá, khoa học, vệ sinh, vi trùng, vật lí, hoá học, lí luận, lôgích, mệnh đề, phủ định, khẳng định, phân tích, tư tưởng, triết học, nguyên tố, giả định, di truyền, tất yếu, ngẫu nhiên, nội dung, hình thức…Hàng nghìn từ ngữ ngày nay trẻ con tiểu học cũng biết nhưng đầu thế kỉ XX lại rất mới lạ đối với những người đã đỗ cử nhân, tiến sĩ, thám hoa đương thời! Và ngày nay, chỉ tính từ thời đổi mới đến nay trong lĩnh vực văn hoá, kinh tế, kĩ thuật, công nghệ, sinh học, thông tin đã có biết bao từ ngữ mới du nhập qua con đường dịch thuật. Những chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại, huyền thoại, giải cấu trúc, phân tâm học, đại tự sự với  khảo cổ học, diễn ngôn, mẫu cổ, đối thoại, cácnavan, điểm nhìn, phân mảnh, liên chủ thể, liên văn bản, không xác định, cấu trúc mời gọi, người đọc hàm ẩn, quan niệm nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật, không – thời gian…Có thể nói mỗi thời đại văn hoá dân tộc đều đánh dấu bằng sự du nhập hàng loạt khái niệm thuật ngữ mới. Thử tưởng tượng nếu không có ngoại ngữ, không có dịch thuật thì văn hoá nước nhà sẽ ở vào tình trạng nào. Chính nhờ có ngoại ngữ và dịch thuật đều đặn, thường xuyên mà văn hoá Việt mới có được vị trí ngang hàng với văn hoá thế giới. Dĩ nhiên đó là nói về phương diện lí tưởng. Không ai quên chúng ta đã hạn chế học tập ngoại ngữ và phiên dịch một thời gian dài và khoảng trống về kiến thức của chúng ta so với nhiều nước trên thế giới vẫn còn lâu mới khắc phục được.

Báo chí ngày nay thường lớn tiếng chỉ trích giáo dục lạc hậu, nhưng có biết đâu, một trong những nguyên nhân quan trọng là đã coi nhẹ dịch thuật giới thiệu các tư tưởng, quan niệm, phương pháp , tư duy tiên tiến thực sự trên thế giới. Người ta chỉ có nhu cầu học tập thiết tha khi biết được mình lạc hậu. Cho đến nay mặc cảm tiên tiến ở nước ta vẫn còn là hiện tượng phổ biến trong những người làm công tác tư tưởng. Với mặc cảm đó thì còn ai có nhu cầu học tập thiết tha nữa? Nếu có học đi nửa thì chẳng qua là kiếm mảnh bằng để hợp thức các tiêu chuẩn cán bộ mà thôi.

Ngôn ngữ có thể sử dụng như là công cụ, nhưng xét về bản chất nó không phải là công cụ mà là ngôi nhà của tồn tại. Có được một ngoại ngữ là thêm một ngôi nhà của tồn tại ngoài tiếng mẹ đẻ. Càng có nhiều ngôi nhà con người càng văn minh, dân tộc càng tiến bộ. Học ngoại ngữ không phải giản đơn là biết thêm công cụ giao tiếp mà là có thêm những nền văn hoá, biết thêm nhiều cách tư duy, thêm nhiều cách nhìn, và tự nhiên thế giới trong ta ngày càng mở rộng. Ý nghĩa văn hoá của ngoại ngữ thật là to lớn vậy.

        Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 2010.

 

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Responses to Ngoại ngữ và văn hóa

  1. Pingback: Ngoại ngữ và văn hóa | https://giangnamlangtu.wordpress.com

Bình luận về bài viết này