Wednesday, April 24, 2024

Người gốc Á Châu ở Mỹ lo sợ, tức giận sau vụ thảm sát ở Atlanta

LOS ANGELES, California (NV) – Anh Phil Yu không ngạc nhiên khi hay tin một người da trắng bắn chết tám người, gồm sáu phụ nữ Á Châu, tại ba tiệm massage ở Atlanta quảng cáo có thợ “Á Châu” hoặc “ngoại quốc.”

Hôm Thứ Tư, 17 Tháng Ba, một ngày sau vụ thảm sát, anh Yu nói đã nhìn thấy trước chuyện này, theo nhật báo The Los Angeles Times.

Hôm Thứ Tư, 17 Tháng Ba, anh Jesus Estrella, cư dân Kennesaw, Georgia, biểu tình kêu gọi chấm dứt thù ghét người gốc Á Châu, bên ngoài Youngs Asian Massage, một trong ba tiệm massage bị tấn công. (Hình minh họa: Curtis Compton/Atlanta Journal-Constitution via AP)

“Là người Á Châu ở đất nước này, cho dù sinh sống ở đây bao lâu hoặc đến đây như thế nào, người ta cũng luôn cảm thấy không được hoan nghênh,” anh Yu, một blogger và nhà bình luận ở Nam California lấy tên trên mạng là “Angry Asian Man,” nhận xét.

Nhiều người Mỹ gốc Á Châu vừa lo sợ vừa tức giận, xem vụ giết người ở Atlanta là kết cục của nạn tấn công vì kỳ thị chủng tộc ngày càng tăng nhắm vào người gốc Á Châu.

Cảnh sát loan báo động lực của nghi can Robert Aaron Long, 21 tuổi, cư dân Woodstock, Georgia, là “nghiện tình dục,” và cho hay có lẽ vụ thảm sát không liên quan vấn đề chủng tộc.

Hôm Thứ Tư, nghi can Long bị truy tố tội giết người và tấn công nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ gốc Á Châu nghĩ khác. Theo họ, vụ tấn công mang tính kỳ thị chủng tộc vì phần lớn nạn nhân là người gốc Á Châu và doanh nghiệp bị tấn công cũng nổi tiếng là thuê nhân viên gốc Á Châu.

Họ lo sợ cho gia đình lẫn bản thân. Họ than van “giấc mơ Mỹ” khó nhọc của người nhập cư bị hoen ố vì nạn thù ghét. Vài phụ nữ Mỹ gốc Á Châu kể lại những lần bị đàn ông da trắng làm nhục.

Vụ thảm sát ở Atlanta xảy ra trong tuần mà tổ chức Stop AAPI Hate (Ngăn Chặn Nạn Thù Ghét Người Mỹ Gốc Á Châu và Người Pacific Islander) loan báo hàng ngàn người Mỹ gốc Á Châu và người Pacific Islander bị chửi bới và tấn công kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hơn một năm trước.

Cũng trong tuần này, cựu Tổng Thống Donald Trump lại gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” trên truyền hình.

Dân Biểu Judy Chu (Dân Chủ-California) hôm Thứ Năm điều trần trước Quốc Hội về nạn tấn công vì thù ghét người gốc Á Châu ngày càng tăng.

Bà Chu là phụ nữ Mỹ gốc Hoa đầu tiên được bầu vào Quốc Hội. Bà hiện là chủ tịch Nhóm Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương Của Quốc Hội.

Cũng như một số người Mỹ gốc Á Châu khác, bà Chu quy cái chết của tám người ở Atlanta cho cựu Tổng Thống Trump.

“Cựu Tổng Thống Trump rõ ràng kích động nạn thù ghét người AAPI qua lời nói của ông,” bà Chu phát biểu ở Quốc Hội hôm Thứ Tư trong buổi họp báo hằng tuần của nhóm này, vì gọi COVID-19 là “kung flu” (cúm Tàu), “virus Vũ Hán,” và “virus Trung Quốc.”

“Chuyện xảy ra hôm qua (vụ thảm sát ở Atlanta) chính là hậu quả,” bà nói.

Ít nhất bốn phụ nữ bị sát hại ở Atlanta là người gốc Nam Hàn. Báo chí tiếng Hàn đăng đầy tin tức về vụ này.

Tại siêu thị H Mart của người Nam Hàn ở Garden Grove, California, một số khách hàng tranh luận về động lực của nghi can.

Có người thắc mắc tại sao các nhà điều tra không tập trung nhiều hơn vào “mục tiêu liên quan chủng tộc” của kẻ nổ súng.

Khi phóng viên LA Times hỏi họ nghĩ như thế nào về vụ thảm sát ở Atlanta, vài khách hàng cao niên quay đi.

“Chúng tôi không muốn cũng trở thành mục tiêu,” một người nói.

Nhiều dân cử và lãnh đạo tôn giáo vùng Little Saigon tập họp ở Garden Grove, California, hôm 17 Tháng Ba để phản đối nạn thù ghét người gốc Á Châu. (Hình minh họa: Đằng Giao/Người Việt)

Tại tiệm bánh Paris Baguette gần H Mart, bà Elizabeth Choi, người Mỹ gốc Hàn, đang mua bánh sinh nhật.

Bà cho hay thỉnh thoảng gia đình cũng nhắc đến những vụ tấn công vì thù ghét người gốc Á Châu, nhưng dường như “chỉ nói qua loa, cho đến khi chúng tôi nghe tin anh chàng đó bắn các nhân viên tiệm massage.”

“Ai lại muốn hãm hại nhân viên nghèo khổ? Dường như có gì đó căng thẳng hơn – đúng, chúng tôi đang lo sợ,” bà Choi nói thông qua người phiên dịch. “Sợ lắm. Kinh hãi.”

Bà Choi, 51 tuổi, cư dân Brea, cho hay con gái bà khuyên không đi “quá nhiều nơi bên ngoài khu vực của người gốc Á Châu.”

“Họ mà muốn tìm gương mặt Trung Quốc” để đổ lỗi cho COVID-19, “bất kỳ gương mặt Á Châu nào” cũng thích hợp, con gái bà Choi nói với bà.

Đầu năm 2020, khi tin tức về COVID-19 lây lan ở Á Châu và Âu Châu chứ chưa đến Mỹ, cô Christine Liwag Dixon đã chuẩn bị cho tình huống xấu.

Cô Dixon lai da trắng với Philippines, 31 tuổi, làm nhà văn ở New York. Ngay từ những ngày đầu đại dịch, bạn bè và người thân của cô kể họ nghe nhiều lời kỳ thị người Á Châu.

“Lúc đó, tôi sợ đến không dám ra khỏi nhà,” cô cho hay.

Sau đó, khi đánh liều ra ngoài đi bộ trong khu phố một lần hồi năm ngoái, cô tự hỏi: “Lỡ người ta nói gì đó? Lỡ người ta ném gì đó vào mình thì sao?”

Khi xem tin tức về vụ thảm sát ở Atlanta và biết về nạn tấn công người gốc Á Châu gia tăng ở New York, cô Dixon bật khóc.

Khi các giới chức nói vụ xả súng không có động lực kỳ thị chủng tộc, cô cười không tin.

“Tôi nghĩ nói như vậy là tào lao,” cô nhận xét. (Th.Long) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT