Người gọi mình là cỏ

TP - Buổi sáng ở nhà Thanh Thảo. Vẫn ngôi nhà cấp 4 ấy. Trong cái ngõ nhỏ yên tĩnh nơi thành phố Quảng Ngãi vẫn còn khá thưa thớt và “biếng lười” trước phong trào đô thị hóa. Khi tôi và nhà thơ Phạm Đương bước xuống gian nhà dưới, cũng là lúc ông vừa tập tễnh từ nhà tắm bước ra. Ông bình luận đôi câu về cái máy nóng lạnh đã cũ, còn bà Ý Nhi vợ ông phàn nàn một chút về đôi mắt bị đau vừa phải đi viện.

Thế rồi mọi thứ lằng nhằng đời sống bị ông bỏ sau lưng ngay tắp lự. Đó là khi Phạm Đương “gợi ý” ông tặng tôi một...combo sách! Ông lại tập tễnh bước ra giá sách ở gian nhà trước, chọn lựa rồi bưng vào một combo thật, đúng...9 cuốn, dày mỏng, cũ mới khác nhau. Toàn của hiếm. Háo hức nhìn nhà thơ nổi tiếng cẩn thận đề lời ký tặng lên từng cuốn, tôi nhớ mấy câu thơ của chính ông “chậm và lặng/kìa ngọn bút hơi run/thở từng nét mực” (Khúc chậm 2000). Bàn tay và những ngón tay đang cầm bút ấy từ bao giờ đã sưng vồng lên u cục đau đớn như những đọt cây rừng bị bom phạt cụt u sần theo thời gian trong trường ca Những người đi tới biển. Cả bàn tay kia cũng vậy, cả đôi chân cũng vậy. Căn bệnh gút thật quái ác…

“Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ/đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất/trải dưới trời một tấm ni lông/nơi khi chiều B52 bừa ba đợt/nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết/nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình/-“chừng nào thật hòa bình/ra lộ Bốn trải ni lông nằm một đêm cho thỏa thích”/thằng bạn tôi đăm đăm/nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước/đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được/chứa đầy một hố bom và một ngôi sao…” (Một người lính nói về thế hệ mình). Năm 1985 nhà thơ Thanh Thảo tình cờ gặp lại người bạn lính thân thiết ấy trong chuyến thăm Liên Xô. Đó là ông Phạm Quang Nghị, khi đó đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành triết học, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội…

Rồi chủ và khách, ba ông nhà thơ cùng quê Quảng Ngãi rì rầm trò chuyện. Giống như nói ra suy nghĩ đang dở dang trong đầu, Thanh Thảo tự dưng nhắc đến thơ Phạm Tiến Duật. Là lời của một bà mẹ “Thà ăn muối suốt đời/Còn hơn là có giặc” trong bài thơ Nhớ bà mẹ ở Nam Hoành. Ông bảo thơ ấy còn hay hơn thơ “Tiểu đội xe không kính”, bởi nhức nhối nỗi đau khổ của dân mình trong chiến tranh. Ông lại nhắc đến câu thơ khác cũng của Phạm Tiến Duật, viết về người lính trinh sát trong rừng vừa chứng kiến chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ. Khi tới nơi, người lính ấy “chỉ cứu được bức ảnh”. Là bức ảnh chụp vợ con viên phi công Mỹ văng ra ngoài đám cháy…

“Nếu mình không đi chiến trường, chắc cũng không thành nhà thơ. Nếu cứ ở lại miền Bắc, mình vẫn có thể làm thơ, nhưng thơ khó vượt lên, và chắc không thể có đột phá. Đi chiến trường, thì một là...chết, hai là làm được thơ. Tôi đã may mắn còn sống, và đúng là làm được thơ. Thơ hay dở còn tùy, nhưng làm được viết được sống được với thơ 45 năm rồi thì tôi phải hết sức cảm ơn số phận”.

Nhà thơ Thanh Thảo

Ai đó nhắc tới nhà thơ Ngô Văn Phú vừa qua đời, và bài thơ Sẹo đất, Thanh Thảo ồ lên bảo nghe danh bài này từ thời còn ở chiến trường mà chưa được đọc. Tôi liền mở máy tính đọc ông nghe bài Sẹo đất của nhà thơ Ngô Văn Phú. Nghe xong ông hơi ngớ ra, bảo “bài này có gì đâu nhỉ, mà bị kỷ luật?”. Sau mới biết chính nhà thơ Thanh Thảo đây cũng từng dính một “án thơ” tương tự, với hai bài thơ đầu tay Thử nói về hạnh phúc, và Một người lính nói về mình viết ở chiến trường miền Tây Nam bộ, bị cấp trên phê bình khá nặng nề, thậm chí “tin xấu” còn lan ra tận Hà Nội đến tai thầy má của ông.

Người gọi mình là cỏ ảnh 1

Nhà thơ Thanh Thảo ký tặng sách cho tác giả bài viết ảnh: Phạm Đương

Như ông kể trong cuốn tự truyện Lang thang qua chiến tranh (NXB Hội Nhà văn 2017), rằng năm 1972, bài Thử nói về hạnh phúc được chép tay gửi ra Hà Nội khi chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nhà thơ Chế Lan Viên phụ trách Tổ thơ của tạp chí Tác Phẩm Mới đọc, nhận xét “Bài thơ rất hay, nhưng mà đau xót quá”, rồi...ngâm kỹ trong ngăn kéo! Mà ai là người tận tay đưa bài thơ ấy cho Chế Lan Viên? Chính là nhà phê bình Định Nguyễn, người bạn thân cùng lớp đại học với Thanh Thảo, lúc này là biên tập viên của tạp chí Thanh Niên. Tạp chí này cũng vừa lần lượt đăng hai bài thơ Vòng trắng của Phạm Tiến Duật và Sẹo đất của Ngô Văn Phú, khiến hai nhà thơ này bị kiểm thảo nặng nề. Nhà thơ họ Chế “cảnh giác” quả không thừa! Mãi hai năm sau, khi nhận bản thảo tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ từ chiến trường gửi ra, cả Tổ thơ hết sức phấn khởi, chọn đăng một lúc 13 bài (điều chưa nhà thơ nào có được) với lời giới thiệu đầy hân hoan của Chế Lan Viên. Dấu chân qua trảng cỏ đến năm 1978 mới được in lần đầu tại NXB Tác Phẩm Mới, và năm 1979 Thanh Thảo trở thành nhà thơ đầu tiên nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ đầu tay này, ban chung khảo do Chế Lan Viên, Xuân Diệu “cầm chịch”.

Người gọi mình là cỏ ảnh 2

Nhà thơ Thanh Thảo - bên phải - cùng cựu phi công Mỹ L.Coburn bên những em bé Sơn Mỹảnh: Trần Tuấn

“Lang thang qua chiến tranh”, một cuộc đi thật kỳ lạ mang tên số phận của Thanh Thảo: Xung phong vào chiến trường chỉ để…làm thơ! Năm 1970, chàng sinh viên khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội Hồ Thành Công vừa tốt nghiệp, có dăm bài thơ đăng báo, “lúc bấy giờ chỉ nuôi một ước mơ duy nhất: được đi chiến trường, được trải nghiệm chiến tranh, và... làm thơ”, như ông tự thú nhận. Dù là con một, từ một gia đình có cha là lão thành cách mạng nổi tiếng. Và 5 năm ở chiến trường nhưng không nhận bất cứ khen thưởng nào dù nhỏ nhất. “Nhiều lúc tôi nghĩ, mình thật may mắn, khi được sống giữa một chiến trường ác liệt, sống giữa sự bảo bọc của nhân dân, chỉ để... làm thơ. Trong khi mình chẳng phải là nhà thơ được công nhận. Không ai cấp giấy công lệnh cho mình đi làm thơ cả”, ông kể trong cuốn “Lang thang...”.

Người gọi mình là cỏ ảnh 3

Nhà thơ Thanh Thảo với bước chân tập tễnh cùng tác giả một lần ở Hội An năm 2022. Ảnh: Phạm Đương

Một kẻ “lang thang” đặc biệt như anh chàng Pierre Bezukhov trong Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy mà Thanh Thảo xem là nhà tư tưởng “hòa bình xanh” vĩ đại nhất. Một anh chàng cận thị nặng, đi lơ ngơ giữa chiến trường Borodino đầy khốc liệt mà...không bị làm sao cả! Còn nhà thơ của ta thì cũng bị loạn thị, phải chạy chữa từ hồi lớp 1 khi còn đang ở học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Và cũng lơ ngơ giữa bom đạn mà chẳng bị làm sao. Nhưng lại mất...một chân giữa hòa bình!

Người gọi mình là cỏ ảnh 4

Nhà thơ Thanh Thảo viếng mộ nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý ở Duy Xuyên - Quảng Nam năm 2019 ảnh: Trần Tuấn

Nhắc chuyện này, tôi nhớ đâu như 30 năm trước nhà thơ Thanh Thảo từ Nghĩa Bình ra Đà Nẵng dự hội nghị văn chương gì đó. Sau cuộc rượu chè thơ phú, tôi chưa vợ con gì nhà xa lại say tít được mấy ông nhà văn nhà thơ «phân công» ngủ cùng giường với Thanh Thảo ở cái khách sạn trên đường Đống Đa. Nửa đêm khát nước mò dậy, trong ánh sáng lờ mờ chợt thấy một bên ống quần tác giả Dấu chân qua trảng cỏ quạt trần thổi bay... lất phất! Hoảng hồn, nhìn lại thì thấy cái đoạn chân giả bằng nhựa ổng gác trên đầu! Hôm sau đem kể lại chuyện, ai nấy cười bò.

Ban đầu cứ tưởng nhà thơ bị thương hồi còn ở chiến trường. Sau mới biết dạo năm 1978, đám cưới ông Thái Bá Lợi ở Đà Nẵng vui quá, ông Thanh Thảo (hồi đó đang thuộc biên chế Trại sáng tác văn học Quân khu 5 tại Đà Nẵng) ngồi sau xe máy ai đó chở, gặp tai nạn ngay trên cầu sắt Trịnh Minh Thế bị mất một chân. Trong khi bao nhiêu năm “lang thang” ở chiến trường bom đạn thì lại chả bị làm sao!

*

Tên khai sinh là Hồ Thành Công (quê Mộ Đức - Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc từ năm 8 tuổi) thời sinh viên có dạo ký tên Thành Nam, nhưng khi vào chiến trường, ông lấy bút danh là Thanh Thảo, giữ chung thân cho đến bây giờ. Có người thống kê thơ Thanh Thảo có tới khoảng 300 lần nhắc đến cỏ. Trong đó có bài thơ Dấu chân qua trảng cỏ được xếp vào 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn “lấy Thanh Thảo làm bút danh, ngoài các nguyên do này khác, hẳn phải có niềm thiết tha đến ám ảnh dành cho cỏ”.

Cỏ, với một chàng lính tuổi đôi mươi mơ mộng trên đường hành quân “khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó/ngậm im lìm một cọng cỏ may”; “những tháng năm trẻ nhất/mười tám hai mươi sắc như cỏ/dày như cỏ/yếu mềm và mãnh liệt như cỏ” (trường ca Những người đi tới biển); “Buổi chiều qua trảng cỏ voi”, “Thời gian như cỏ vượt lên”. Vùi trong “trảng cỏ thời gian” ấy “những gì gởi lại chỉ là dấu chân” (Dấu chân qua trảng cỏ). “Không ai chôn cất tiếng đàn/Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” (Đàn ghita của Lorca). Như Chu thần Cao Bá Quát đêm định mệnh bên bờ sông nhìn thấy những bông cỏ nở hoa, nở ra tiếng nói rất khẽ “những chấm xanh nhỏ nhoi này là tín hiệu của mặt đất/của mặt đất lớn lao thường xuyên bị giẫm đạp” (trường ca Đêm trên cát)…

Tôi hiểu với Thanh Thảo, cỏ là thiên nhiên, là thời gian, là cả những gì nhỏ nhoi yếu đuối bị đời sống mặc sức giẫm đạp lên, nhưng cũng lại là thứ sức mạnh bền bỉ mãnh liệt nhất.

Nhưng, đặt tên mình là cỏ, cũng là một thái độ dứt khoát, có phần “ngạo nghễ” về quan điểm sáng tạo. “Tôi đặt tên tôi là cỏ/Mọc phất phơ mọc vớ vẩn ngoài đồng/Mọc trên mộ các anh/Tràn qua những bia đá lạnh lẽo/trước con mắt bò ngơ ngác/tôi thấy mình tươi non trong sạch/ngọn gió vô cùng bè bạn cùng tôi” (Giải thích). Cỏ sẽ lạnh lùng tràn lên, phủ lấp xóa dấu vết mọi thứ văn chương khuôn sáo hèn nhát, vô ích với đời sống này. Nhưng cỏ vẫn luôn tươi non, thanh sạch. Cỏ, chính là ngọn bút của những nhà văn dấn thân “Người ta không thể chọn để được sinh ra nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”. Dấn thân cả trong thời bình. Với những vần thơ thức tỉnh, “Sòng phẳng máu/và tự do đầu óc”. Và ngót nửa thế kỷ gò lưng vắt mồ hôi và óc não viết cả ngàn bài thơ, bài báo, được đồng nhuận bút hay tiền giải thưởng nào (cộng với tiền đi xin), ông đều đưa vào Quỹ học bổng Vì trẻ em Sơn Mỹ, và Quỹ mổ tim giúp những trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh tự mình lập ra và cặm cụi một mình điều hành suốt mấy chục năm trời cho đến bây giờ...

*

Tôi không nhớ mình đã là một fan của thơ Thanh Thảo từ bao giờ. Lục trên giá sách, cuốn Khối vuông Ru-bích (NXB Tác Phẩm Mới tháng 7/1985) tôi mua ở tiệm sách bên bờ Hương Giang khi vừa khoác áo sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Huế. Lưu bút đề ngày 25/9/1986. Tập thơ từng xôn xao văn giới, giữa những ngày xáo xác thời đổi mới và đổi tiền. Thanh Thảo luôn rất nhạy với cái mới, bày biện những suy tư hiện đại trên một “món đồ chơi” vừa mới ra đời là cái khối vuông nhiều màu sắc mà hắc não. “Chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp lại những ý nghĩ. Có hàng tỷ cách sắp xếp. Rubic – đó là cấu trúc thơ”. “Chúng ta xoay mình trên đất, trên gỗ, trên sắt thép, trên giấy, trên con người... chúng ta xoay còn nhanh hơn rubic trong bàn tay nhà vô địch”. Tập thơ kết thúc bằng trường ca Đêm trên cát dài hơn 600 câu. Hình dung về một đêm trắng dài như ngàn năm đắng cay và bi tráng của dân tộc này qua cái bóng của Chu thần Cao Bá Quát. “Muốn hỏi chiếc gông dài nặng hơn cả ngàn trang sách/mùa xuân mang rượu lên núi cao/muốn hỏi Ức Trai người anh hùng muôn thuở/cái gì sẽ đổi thay?”. Đọc trong ấy “Đàn ghita của Lorca” in lần đầu tiên, giờ quen thuộc với học trò vào mỗi mùa thi. Cái chất say, chếnh choáng mà khinh bạc của thơ ấy thấm vào tuổi trẻ của tôi tự khi nào, giữa những ngày tháng đói lạnh và trầm tư quá sớm.

Và đây nữa, tập thơ Tàu sắp vào ga do Hội VHNT Nghĩa Bình in năm 1986, khổ nhỏ giấy đen mủn, tôi mua vào mùa hè năm 1987. Tập thơ và trường ca Những người đi tới biển NXB Văn học in năm 1987, mua vào một ngày Chủ nhật cũng ở Huế, ngày 17/1/1988. Vẫn những tháng năm sinh viên đói khát và mơ mộng...

Nhưng rồi không biết ai mơ mộng hơn ai, khi buổi sáng ấy ở nhà Thanh Thảo tôi và Phạm Đương chứng kiến cảnh “lão” thi sĩ đã 76 tuổi hào hứng bàn luận về món rap pha lẫn giao hưởng, hợp xướng của Đen Vâu. Mà ông chính là một “fan ruột”. Rồi ông mở máy tính ra một bài của Đen. “Có một cái cây trong một cái vườn. Trên những tán cây nở rộ những đóa hoa. Có hai đứa nhóc đang chơi trốn tìm. Tìm hoài tìm mãi nên quên lối về…”, gật gù, lắc lư tỏ vẻ rất thích thú. Ông kể tên một fan nữa của Đen chính là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm! Hai ông nhà thơ già một ở Huế, một Quảng Ngãi, hễ thấy Đen có sáng tác nào mới lập tức chuyển cho nhau, rồi rôm rả bình luận. Thanh Thảo còn bảo, rap của Đen Vâu thậm chí còn hay hơn cả…Trịnh Công Sơn!

Nhớ một câu trong tự truyện Cơ nhỡ trong hòa bình ra đời một cặp với Lang thang… cũng trong năm 2017. Đó là khi được khen là hồn nhiên, thi sĩ mang tên cỏ liền bảo “đã 70 tuổi rồi mà vẫn hồn nhiên thì e có đượm chút...dở hơi. Tôi nghĩ mình cũng có dở hơi, và tôi thích điều đó”. Cẩm Thành, 11/2022