H. nói, “tưởng dịch vậy mà người ta sợ; hóa ra, không phải. Chắc nghĩ, mùa này kiếm ăn được”. H. nói hai chữ “kiếm ăn” một cách không giấu giếm; như muốn khẳng định, đây đã trở thành một nghề.

COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè

Cơn bão dịch COVID-19 đang càn quét qua mọi lĩnh vực của đời sống. Riêng đối với người dân nghèo, người vô gia cư, miếng cơm từ thiện hay đồng bạc lẻ còm cõi sau ngày mưu sinh còn ám ảnh hơn cả con vi-rút SARS-CoV-2. Họ về đâu trong mùa dịch? Không chỉ là một chỗ qua đêm mà là câu hỏi gieo neo sinh tồn. Nếu như không ai bị bỏ rơi trong cuộc chiến này, thì họ cũng là một phần cần cộng đồng, chính quyền đặc biệt quan tâm…

“Tui ngồi đây nghỉ cho tới hơn bảy giờ tối mới bắt đầu đi làm”. Nghe chữ “đi làm” của ông Hùng khí thế lắm, nhưng thực ra, ông đang chờ đến giờ các quán bar, nhà hàng, quán nhậu, quán ăn… đổ lon bia, ly nhựa ra thùng rác ngoài đường, ông đến nhặt rồi mang đi bán lấy tiền sống qua ngày. Từ bữa dịch bệnh đến giờ, hàng quán đóng cửa cũng nhiều. Ông đi đến ba, bốn giờ sáng cũng không được bao nhiêu. Có nhiều bữa chẳng “lụm” được gì, phải nhịn đói.

Đó - khái niệm “dịch bệnh” với người đàn ông gần 60 tuổi này chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu đó. Tôi hỏi, đi làm về ông ngủ ở đâu? Ông nhìn tôi một lúc, rồi giơ tay chỉ về một cửa hàng thời trang cách chỗ đang ngồi một ngã tư. “Sau chín giờ đêm, người ta đóng quầy, đó trở thành nhà tui. Ở đó có mái hiên rộng lắm”.

“Cô ngồi xê tui ra một chút cho đỡ sợ hen” - ông Hùng vừa nói vừa lúi cúi kiếm tấm bìa các-tông trên xe đẩy chứa đồ ve chai đưa cho tôi ngồi ngay trên vỉa hè Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM). Ông gọi đó là chỗ nghỉ chân sau một đêm đi khắp thành phố nhặt vỏ chai, lon bia, ly nhựa… Tôi hỏi, “có gì sợ đâu ông?”. Ông cười: “Quần áo rách rưới, chân tay bẩn thỉu, mụt ghẻ, hôi hám. Lại ốm nhom. Có người mang đồ từ thiện đến, thấy tui, còn nghĩ tui là dân xì ke, người ta đi luôn. Vậy đó cô”. 

Ông lặp lại câu “vậy đó cô” vài ba lần, lần đầu còn rõ nhưng lần sau cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Rồi ông nhìn mông lung vô định vào dòng người trên đường. Lúc đó cuối chiều, là thời khắc tan tầm, ai ai cũng vội vã về nhà để ăn cơm, đoàn tụ cùng gia đình. Còn ông ngồi đây, chỗ quen thuộc mỗi chiều, chờ các nhóm phát cơm từ thiện mang qua. Bữa nào không có, ông đành vác cái bụng rỗng “đi làm”.

Ông kể, trong năm, chỉ có mùa lễ, Tết hoặc rằm tháng Bảy, người ta mới cho nhiều. Hết nhóm này đến nhóm kia đi phát. Ngày thường thì ít hơn. Đã vậy, từ bữa dịch đến giờ, có lẽ người ta ngại đi nên ít hơn nữa. Ông nói đùa: “Thu nhập giảm hẳn”.  

Tôi nhìn vào “giang sơn“ của ông. Một nửa phần cơm canh còn lại. Trộm nghĩ, chắc ông tách phần cơm người ta cho làm hai, chỉ dám ăn một nửa, một nửa để lại phòng khi tối đến bụng réo. Một bọc thuốc tây. Một, hai bộ quần áo được cột túm lại. Một vài bọc ni-lông đựng gì không rõ. Một ca trà đá uống nguyên ngày. Và một chiếc xe đẩy đựng đồ ve chai đã cũ. Với bấy nhiêu “tài sản” đó và bàn chân đất, ông đi hết mọi ngóc ngách Sài Gòn. Lúc nào người bẩn quá, lại ra tắm sông… Bạch Đằng (Q.4). Quần áo cũng giặt ở đó luôn. Bữa nào rủng rỉnh, thì xài sang một chút, sẽ kiếm một nhà tắm công cộng trên phố, 5.000 đồng/lần. 

Tôi hỏi ông dép đâu mà không mang, người ta cho khẩu trang sao không bịt vào cho an toàn. “Tui già rồi, đeo khẩu trang ngộp thở lắm. Còn dép, đi nhiều quá nên nó mòn mất, không đi được nữa”, nói xong, ông nhìn xuống đôi bàn chân nứt toác của mình rồi lại ngước lên cười xòa. Tôi hỏi tiếp, ông có biết về loài vi-rút khiến ông giảm một phần thu nhập không. Thì ông cũng biết loáng thoáng đại khái, có một con vi-rút nguy hiểm, đang khiến thế giới và Việt Nam lao đao, khiến cả ông lao đao nữa; nhưng nó nguy hiểm thế nào, thì ông… chịu.

“Tháng trước, còn có radio, còn biết được tin tức. Hai tuần trước, hai thanh niên đi honda ngang qua, chôm mất. Từ đó đến giờ, tui cũng mù tịt tin tức. Đi đường, nghe thiên hạ bàn nhau về dịch, tui cũng biết thế thôi”, ông kể. 

Còn bọc thuốc tây thì sao? Ông nói: “Tui vậy mà bị bệnh nhà giàu đó cô. Mấy năm nay rồi. Chắc do bữa đói bữa no”. Bệnh nhà giàu mà ông Hùng nói là bệnh… đau bao tử. Còn lý do gọi là bệnh nhà giàu, thì theo người đàn ông lang thang, kiếm sống ở vỉa hè này, vì ông không có tiền để đi khám bệnh. Hơn nữa, trong hoàn cảnh nghèo khổ của ông, lẽ ra, không được phép bị bệnh. Chỉ có nhà giàu… mới được quyền có bệnh.

Ngày xưa, nhà ông ở Q.4. Năm ông mười tám tuổi, ham chơi, theo bạn bè rồi phạm tội, phải vào tù 3 năm. Ra tù, cha mẹ không còn. Nghe hàng xóm bảo, nhà cửa bán rồi. Không còn ai thân thiết. Từ đó ông sống đời “ăn nhờ ở đậu” trên vỉa hè Sài Gòn. Ông có một người em gái, một ông anh trai. Những lúc nghỉ ngơi, ông chọn ngồi trên vỉa hè, thứ nhất là vì muốn các nhóm từ thiện dễ thấy cho ông phần cơm, bịch sữa; hai là, hai người anh em của ông có vô tình đi qua, thấy ông còn nhận nhau. Thế nhưng, gần 40 năm qua, ông chưa bao giờ gặp lại họ. 

Gặp ánh mắt vô định nhìn ra đường của ông, tôi đổi chủ đề: “Ông đi khắp nơi vậy, lỡ vô tình bị nhiễm COVID-19 mà ông không biết thì sao? Ông cũng lớn tuổi, lại bệnh sẵn trong người nữa…”. Nhưng rồi, chính tôi lại bỏ lửng câu nói, vì có lẽ, với ông Hùng, COVID-19 là một khái niệm gì đó “rứt xa xôi” như lời ông nói. Nếu phải nói một điều gì không “xa xôi”, thì đó chính là thu nhập vài chục ngàn đồng từ việc nhặt lon bia, vỏ chai mỗi ngày, giờ đây, vì dịch, có khi cũng chẳng còn. 

Ở Sài Gòn, tìm “nhà” của người vô gia cư không khó. Ban ngày, họ tản mác khắp nơi nhưng tối đến, muốn gặp họ, thì đến các cây cầu lớn nhỏ khắp thành phố như cầu Ông Lãnh, cầu Kênh Tẻ, cầu chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Calmette, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ… Hoặc có vô tình đi qua những tòa nhà có mái hiên rộng, thể nào, bạn cũng thấy họ; thậm chí có những con đường “vô gia cư” ở các quận như đường Hai Bà Trưng, đường Phan Đình Phùng, đường Phan Đăng Lưu… 

Khi tôi ngỏ ý nhờ chở tới một vài địa chỉ mà những người vô gia cư hay lui tới, anh tài xế xe công nghệ liền “mách”: “Phải cẩn thận nghe em. Chứ giờ thật - giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần. Thấy đám vô gia cư nào mà tụm năm tụm mười thì tránh xa ra”. Trước khi đi, tôi có chuẩn bị hơn 200 chiếc khẩu trang kèm một ít gel rửa tay khô, dự định tìm người vô gia cư hỏi chuyện rồi biếu họ dùng trong mùa dịch. Thế nhưng, dù đã rất cẩn thận tìm một người phụ nữ có hai đứa con ngồi một góc (trông có vẻ khắc khổ) ở chân cầu Ông Lãnh, khi xe dừng lại, một đám cỡ 20 người ở đâu quây đến. Túi đựng đồ của tôi chẳng mấy chốc không còn một thứ gì. Người già yếu thì ít, mà người khỏe mạnh, trong đó có cả thanh niên trai tráng thì nhiều. Trong số họ, có người đeo khẩu trang có người không.

Nghe một người trong số họ nói, đi xuống gầm cầu ông Lãnh, số người “vô gia cư” còn đông hơn. Người phụ nữ có hai đứa con nhỏ tên H. xin để tên viết tắt vì không muốn phiền phức. H. nói, “tưởng dịch vậy mà người ta sợ; hóa ra, không phải. Chắc nghĩ, mùa này kiếm ăn được”. H. nói hai chữ “kiếm ăn” một cách không giấu giếm; như muốn khẳng định, đây đã trở thành một nghề.

H. năm nay 22 tuổi nhưng nước da sạm đi vì sương gió. Tóc tai bù xù. Lấy chồng năm 18 tuổi, tới khi sinh xong đứa thứ hai thì chồng dẫn bồ về nhà, quá uất ức, lại không dám về nhà mẹ ruột, H. một nách ôm hai đứa con nhỏ từ Bạc Liêu lên Sài Gòn mưu sinh. Tới nay, ba mẹ con đã là “cư dân” của đất Sài Gòn được hai năm. Ngày thì để con ở nhà trọ, đi rửa chén thuê một tháng được hơn 4 triệu đồng. Tối thì ba mẹ con ra đây trông nhờ “viện trợ” từ các Mạnh Thường Quân. 

“Cũng bấp bênh lắm chị. Có ngày có ăn, có ngày không. Con em thì bệnh tật suốt. Tiền kiếm được từ việc rửa chén, vừa đủ tiền thuê nhà và tiền mua thuốc cho nó” - H. kể. Trong lúc nói chuyện với H., hai đứa con cô đang bốc đất ném nhau rồi cười vui vẻ. Tôi hỏi H., đang dịch bệnh, sao không để con ở nhà. Trên gương mặt tưởng chừng là “kệ đời” đó, H. nói: “Biết vậy, nhưng sao giờ. Ngoài này mát mẻ, có nhiều gió, về phòng trọ chỉ gần 10m2, ba mẹ con chen nhau lại bí bách. Hơn nữa, người ta thấy hai đứa nhỏ, người ta cũng… thương xót, cho thêm. H. nói, như thể không cần quan tâm tới người khác nghĩ gì về một người mẹ như cô. Được thở mỗi ngày, có cơm ăn ngày hai bữa, với cô gái Bạc Liêu này đã là việc khó khăn rồi. 

Tôi hỏi, “rồi mấy mẹ con ngồi đây, tới mấy giờ thì về”. H. nói: “Chừng nào hết gió, ba mẹ con em sẽ về”. Nghe mà cứ mông lung trong lòng. 

Ông Nam quê gốc ở Hưng Yên, năm nay 72 tuổi, thường ngồi lủi thủi trước cổng trường THCS Vân Đồn (đường Hoàng Diệu, Q.4). Tai cắm headphone nối liền chiếc radio thông qua chiếc điện thoại Nokia cục gạch đời cũ mà ai đó cho, đầu đội mũ, ông ngồi lọt thỏm dưới gốc cây, cạnh bến xe buýt, mắt nhìn ra đường. Bên cạnh là một chiếc ba-lô màu đen đã sờn, bên trong đựng một số tờ báo cũ, một bộ quần áo và một chiếc cặp lồng đựng đồ ăn. Tôi phải lay tới lần thứ hai, ông mới biết có người đang đứng bên cạnh.

Không như nhiều người vô gia cư khác đi khắp nơi, ông chỉ quanh quẩn hai nơi: một là bờ kè bến Vân Đồn, để ngủ và tắm ban ngày; hai là đường Hoàng Diệu, để chờ những người từ thiện mang đồ ăn tới và ngủ lại.  

Trước khi trở thành người vô gia cư đúng nghĩa, ông Nam trải qua đủ thứ nghề để kiếm sống như đạp xích lô, bốc vác, bán bong bóng, bán vé số… Hai năm trước, sức khỏe yếu, không đi được xa nữa, ông ra đây ngồi, ai cho gì ăn nấy, cứ vậy sống qua ngày. 

Tôi hỏi: “Rồi có hôm nào phải nhịn không ông?”. “Nhịn hoài chớ con. Bữa đó, nếu còn tiền thì đi mua bánh mì, còn không sẽ nhịn đói mà ngủ. Nhưng nói chung, già rồi, nhu cầu ăn cũng không nhiều. Cũng không sao cả”, ông nói. 

Khác với nhiều người, ông Nam có vẻ chơi “sang”. Là vì, dù không có tiền ăn, nhưng sáng nào, ông cũng phải mua cho bằng được một tờ báo để đọc. Vì thế, khi hỏi ông về COVID-19, ông nói vanh vách tình hình thế giới ra sao, Việt Nam chống dịch thế nào. 

Vì sao ông biết vi-rút đó nguy hiểm thế, mà ông lại không đeo khẩu trang, tôi hỏi. Ông “giỡn” lại, sao bắt một ông già như ông đeo cái thứ đó? Ông nói: “Người ta cho khẩu trang cũng nhiều lắm; mà đeo vào, lại bị khó thở, nên khỏi đeo luôn. Có một mình, chết thì chết, ở ngoài đường suốt vậy, biết sao giờ. Già rồi, nó (vi-rút) không sợ mình thì thôi, chứ mình có gì đâu mà sợ nó”.

Ông Nam có sẵn một số bệnh nền trong người đó là bệnh tim, cao huyết áp, viêm phế quản… Cũng tại trạm xe buýt này, cách đây gần hai tháng, ông suýt chết vì lên cơn khó thở. Tới chừng 2g sáng, một người xe ôm đi qua thấy thế nên chở ông lên bệnh viện đa khoa quận, sau đó chuyển lên Bệnh viện 115. Toàn bộ số tiền người ta cho, ông chắt bóp trong thời gian qua là 1 triệu đồng, chỉ vừa đủ trả viện phí bệnh viện đa khoa tuyến quận, tiền nằm viện 5-6 ngày ở Bệnh viện 115 đều do những bệnh nhân khác trong phòng thấy tình cảnh của ông mà hùn nhau góp lại chi trả. 

“Bữa đó, tưởng đi rồi. Thế mà vẫn chưa đi. Giờ mà được mang đi cách ly vì nhiễm vi-rút thì sướng quá xá ấy chớ”. Ông lý giải: vô đó cơm ăn ngày ba bữa. Nắng mưa không sợ. Lại mát mẻ, có người chăm. Còn gì sướng hơn nữa?

Hỏi ông, sao không vào trung tâm bảo trợ xã hội; người già yếu, không gia đình, không nơi nương tựa như ông, chắc không khó để xin vào. Ông nói: “Có phải muốn là được đâu”. Sau mấy chục năm lang bạt, ông không còn bất cứ thứ giấy tờ gì để chứng minh quyền công dân của mình. Mấy lần vào viện, các bác sĩ khuyên ông đi làm thẻ bảo hiểm y tế nhưng cũng đành chịu vì ông không còn chứng minh nhân dân. Trở lại Bình Long (tỉnh Bình Phước) - nơi ông đi kinh tế mới mấy chục năm về trước, người ta đồng ý cấp lại; nhưng với điều kiện phải viết rõ nơi ở hiện tại.

Ông sẽ khai gì vào dấu ba chấm sau mấy chữ “Nơi ở hiện tại”? Bờ kè Vân Đồn hay trạm xe buýt trên đường Hoàng Diệu? Nghĩ mà khó quá.

Nói chuyện xong, ông Nam đứng lên mở “ba-lô di cư” của mình, lấy một chiếc võng, đi đi lại lại, mắc dây võng vào hai thành ghế đợi xe buýt thành một chiếc giường (cũng chao đi chao lại như cuộc đời ông) với một tâm trạng khá tốt. Vì đêm nay, ông đã có cơm ăn, và yên tâm là tối nay trời không mưa. Ngủ ở đây sẽ không bị ướt. 

________________

Đậu Dung 

Ảnh: Đậu Dung, Minh Trâm

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: