Người Việt về nước trong mùa dịch COVID-19

Cao Nguyên
2020.04.07
  Hình minh hoạ. Bệnh nhân COVID-19 sau ba lần xét nghiệm âm tính ở một bệnh viện tại Hà Nội hôm 2/4/2020
Reuters

Tính đến hết ngày 4/4, cả nước đã có 78.412 người hoàn thành xong việc cách ly tập trung và đang có 62.266 người đang còn trong thời gian cách ly. Trong đó, 1.288 người cách ly tại bệnh viện, còn lại được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Thống kê cho thấy chỉ riêng quân đội đã lập 140 trại cách ly tập trung và đang thực hiện cách ly đối với hơn 16 ngàn người.

Trong số những người được cách ly, 1.889 người về từ Trung Quốc, 1.707 người về từ Nhật Bản và Hàn Quốc, 2.415 người về từ châu Âu và châu Úc, 383 người về từ Mỹ, 553 người về từ Anh, 7.843 người về từ các nước ASEAN, 4.964 người về từ Lào, 773 người về từ Campuchia và 122 người nước ngoài.

Số lượng người Việt Nam về nước trong đợt dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm ngoái đến nay gồm du học sinh, lao động và Việt kiều, có thể tạm chia thành 3 giai đoạn theo mức độ bùng phát dịch bệnh của các khu vực trên thế giới:

Đợt 1: Người về từ Trung Quốc

Dịch VOVID-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng Một. Đầu tháng Hai, bắt đầu có nhiều người Việt quay trở về Việt Nam, chủ yếu bằng các cửa khẩu đường bộ dọc biên giới Việt - Trung.

Ngày 2/2: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước. Theo đó, chỉ có 5 cửa khẩu quốc tế đường bộ được thực hiện việc này gồm: Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tây Trang (tỉnh Điện Biên) và Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang).

Người Việt Nam từ Trung Quốc về nước theo đường hàng không sẽ qua sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và một số sân bay khác tại miền Trung, miền Nam.

Hình minh hoạ. Công an đứng canh tại một khu cách ly tập trung ở tỉnh Lạng Sơn, biên giới với Trung Quốc hôm 20/2/2020
Hình minh hoạ. Công an đứng canh tại một khu cách ly tập trung ở tỉnh Lạng Sơn, biên giới với Trung Quốc hôm 20/2/2020
Reuters

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã đóng toàn bộ các lối mở đường mòn qua lại biên giới Việt- Trung từ ngày 5/2. Các cửa khẩu chính được kiểm soát toàn bộ. Người dân Việt Nam từ Trung Quốc về đều phải được cách ly 14 ngày tại các địa phương đó.

Tuy nhiên biện pháp đóng cửa biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đến nay vẫn chưa được công bố chính thức.

Đợt 2: Người về từ Hàn Quốc:

Trung tuần tháng Hai, Hàn quốc bắt đầu bùng phát dịch ở vùng thành phố Deagu. Thời gian đó, có rất đông người Việt sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc quyết định quay về Việt Nam tránh dịch.

Từ ngày 26/2: Chính phủ ra công văn yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh từ Hàn Quốc.

Ngày 1/3: Bộ Giao thông Vận tải ra công văn yêu cầu các chuyến bay từ Hàn Quốc về đều phải chuyển hướng đáp ở hai sân bay là Cần Thơ và Vân Đồn.

Hình minh hoạ. Hành khách ở sân bây Nội Bài, Hà Nội hôm 12/3/2020
Hình minh hoạ. Hành khách ở sân bây Nội Bài, Hà Nội hôm 12/3/2020
AFP

Từ ngày 6/3, 2 sân bay Cần Thơ và Vân Đồn thông báo ngừng tiếp nhận các chuyến bay từ Hàn Quốc do các hãng hàng không trong nước tạm ngừng các chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc về Việt Nam.

Đợt 3: Từ đầu tháng Ba, người Việt Nam khắp nơi ồ ạt về nước

Kể từ đầu tháng Ba, khi đại dịch COVID-19 trở nên phức tạp và lây lan chóng mặt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu, Mỹ, số người Việt hồi hương cũng tăng theo. Đã có hàng chục ngàn người quay về và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Đánh mốc cho giai đoạn này là bệnh nhân số 17 đi trên chuyến bay của VietNam Airlines từ London về Hà Nội vào ngày 2 tháng 3 sau khi có chuyến du lịch đến London, Italia và Pháp.

Từ 18/3, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, bắt đầu áp dụng cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu và ASEAN. Cụ thể, hành khách nhập cảnh từ giai đoạn này ngoài những quy trình, thủ tục như thông lệ sẽ có thêm các khâu khai báo y tế. Hành khách về từ vũng dịch sẽ được phần luồng, lấy mẫu xét nghiệm và đưa về các trung tâm cách ly tập trung.

Từ ngày 25/3, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dừng đón các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước do các khu cách ly tại khu vực TP.HCM không còn khả năng tiếp nhận thêm.

Ngày 26/3: Bộ Giao thông vận tải thông báo không còn khả năng tiếp nhận thêm người cách ly ở các khu cách ly tại Hà Nội, nên các hãng hàng không sẽ tạm dừng vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài về sân bay Nội Bài. Thời gian tạm dừng từ 0h ngày 26/3.

Ngày 4/4, 23 người nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam, 7 ngày sau khi Lào thông báo đóng biên giới từ ngày 1/4. Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó chỉ huy Biên phòng Quảng Trị cho hay, số lượng người nhập cảnh trái phép từ Lào về nước có chiều hướng tăng trong những ngày gần đây.

Điều kiện cách ly tập trung tốt

Bắt đầu từ ngày 21/3/2020, Chính phủ Việt Nam quy định cách ly tập trung bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam. Lượng người phải thực hiện cách ly lên đến hàng chục ngàn người trên khắp cả nước. Tuy vậy, điều kiện ở khu cách ly được nhiều người khen là khá đầy đủ, chu đáo.

Hình minh hoạ. Bác sĩ quân đội kiểm tra thân nhiệt cho người về từ Trung Quốc đang được cách ly ở một trung tâm ở Lạng Sơn hôm 20/2/2020
Hình minh hoạ. Bác sĩ quân đội kiểm tra thân nhiệt cho người về từ Trung Quốc đang được cách ly ở một trung tâm ở Lạng Sơn hôm 20/2/2020
Reuters

Hoàng Tấn Đạt, một du học sinh chuyên ngành ngôn ngữ Anh tại Philippines đã quyết định về nước để tránh dịch từ ngày 18/3, được đưa đi cách ly ở Trung tâm Giáo dục An ninh Quốc phòng tỉnh Bình Dương 17 ngày cho RFA biết ở khu cách ly rất thoải mái. Mọi người thậm chí còn được sinh hoạt tôn giáo, đọc kinh cầu nguyện mỗi tối, chỉ có điều phải giữ khoảng cách với nhau:

“Tôi thấy khá là thoải mái. Người ta giúp mình nhiệt tình. Sáng dậy tầm 5:30 sáng đi tập thể dục. Sau đó lên vệ sinh cá nhân rồi 7:30 người ta sẽ phát đồ ăn lên đến tận phòng, cho từng người. Khoảng 8 sáng sẽ có bác sĩ đi đo thân nhiệt cho từng người, hỏi thăm mọi người có triệu chứng gì không. Đến 11 giờ trưa thì dân quân sẽ đưa cơm đến tận phòng. Chiều thì sinh hoạt thể thao đá banh. Đến tối thì như tôi là đạo Chúa sẽ đi sinh hoạt với các cha và các sơ ở trong đó, cùng nhau đọc kinh.

Ở trong đó người ta xét nghiệm hai lần. Có kết quả xét nghiệm lần 2 mới được về. khi mà về thì bác sĩ cũng dặn dò phải thông báo cho với chính quyền và nên tự cách ly thêm 14 ngày cho an toàn.

Hiện nay ở Việt Nam tôi về thấy khá yên tâm bởi vì Việt Nam người ta chống dịch khá tốt, hầu như kiểm soát được.

Ông H, một lao động ở Đài Loan vừa về nước hôm 24/3, cách ly ở Doanh trại quân đội tỉnh Vĩnh Phúc, nói rằng cán bộ ở trung tâm cách ly phục vụ rất nhiệt tình:

“Nói chung là điều kiện sinh hoạt ở trong đấy thì rất tốt. Mỗi ngày người ta cấp cho ba bữa ăn sáng, trưa, tối. NMình tự túc như một cuộc sống sinh viên. Tất cả mọi thứ Nhà nước đều cấp cho hết, từ bánh xà phòng, cho đến khăn tắm, móc quần áo, chăn màn. Ngoài ra cứ đến bữa thì xuống xếp hàng lấy đồ ăn lên thôi.”

Chính quyền Hà Nội thông báo hỗ trợ lao động nước ngoài

Ngày 4/4/2020, trang web Cổng thông tin điện tử Chính phủ thông báo, Bộ Lao động - Thương binh & Xã Hội sẽ có mức hỗ trợ người lao động ở nước ngoài buộc phải thôi việc hoặc về nước do dịch COVID-19.

Theo quy định, Người lao động làm việc ở nước ngoài chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc trên 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Trường hợp không thể đòi được tiền của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông H cho biết mình không để ý đến thông tin này bởi vì ông về nước khi đã hết hợp đồng lao động ở Đài Loan. Tuy nhiên, những trường hợp về nước tránh dịch khi vẫn còn trong thời hạn hợp đồng hay về nước vì mất việc do dịch bệnh gần như là không có:

“Người ta hết hợp đồng hoặc không ở nữa thì về, chứ không phải là về Việt Nam để tránh dịch, thường là không có trường hợp đó.”

Ngoài việc được miễn phí chi phí cách ly, ông H chưa được hỗ trợ gì thêm trong thời điểm này:

“Chưa có hỗ trợ gì thêm. Bây giờ về thì cũng muốn tìm cho mình một cuộc sống một công việc đều ổn định cuộc sống. Nhưng trong tình hình dịch như thế này thì sẽ khó tìm việc thích hợp.”

Bộ LĐ-TB&XH sẽ trích Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, với mức hỗ trợ tối đa là 5 triệu đồng/người, tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ, số lượng người lao động bị ảnh hưởng.

Đó là những đối tượng có ký hợp đồng ra nước ngoài làm việc; trong khi đó có nhiều người đi theo đường không chính thức đến nay vẫn lo lắng sau khi trở về nước họ không rõ thời gian tới phải làm gì để có thu nhập sinh sống.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.