Nhà đầu tư Nhật đau đầu về nguồn điện VN

Công ty Honda (ảnh tư liệu)

Nguồn hình ảnh, BBC World Service

Chụp lại hình ảnh,

Honda là một trong những doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam.

Giới đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật, đang ‘rất búc xúc’ về tình trạng thiếu điện, cắt điện trong năm 2010.

Một số nhà đầu tư Nhật Bản công khai nêu quan ngại về tình trạng thiếu điện tại nhiều nơi, nhấn mạnh chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, một quan chức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Báo Đầu tư hay.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, với nhiều người xếp Việt Nam nằm trong nhóm bốn địa điểm đầu tư thuận lợi nhất, “vẫn kêu ca nhiều về tình trạng thiếu điện không được kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh,” quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

“Đã có nhà đầu tư phản ứng khá gay gắt, thậm chí có thể dừng đầu tư nếu không xử lý được dứt điểm tình trạng cắt điện đột ngột,” ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói một cách thẳng thắn.

Tình hình cấp điện năm 2011 cũng không sáng sủa bao nhiêu khi dự đoán mới nhất của Tập đoàn Điện lực VN cho thấy khả năng cắt điện có thể xảy ra từ tháng Ba 2011.

Cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản “cảm thấy bất an vì thiếu điện khi kinh doanh tại Việt Nam.”

Lựa chọn

Hà Nội không mặn mà với các doanh nghiệp FDI lợi dụng giá điện rẻ.
Chụp lại hình ảnh,

Hà Nội không mặn mà với các doanh nghiệp FDI lợi dụng giá điện rẻ.

Việt Nam một mặt muốn thu hút thêm các dự án FDI, tăng tốc độ giải ngân, tạo thêm nguồn cung USD cho thị trường, giảm bớt sức ép lên tỷ giá.

Mặt khác giới chức Việt Nam đang rất ngần ngại với các dự án ngốn năng lượng, hoặc công ty nước ngoài chuyển nhà máy tới Việt Nam, lợi dụng chính sách giá điện rẻ trong nước.

Nhiều dự án ‘siêu’ xi măng, sắt thép được chấp thuận trong giai đoạn 2008-2009 nay đang muốn đẩy mạnh giải ngân để đi vào sản xuất.

Trong khi nguồn điện không tăng, thậm chí còn bị giảm do thời tiết khô hạn, việc có thêm các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo đã làm cho giới quản lý “đau đầu”.

“Tình trạng thiếu điện đối với không chỉ các dự án FDI, mà cả nền kinh tế sẽ tiếp tục căng thẳng. Vòng luẩn quẩn giữa thiếu điện và tốc độ giải ngân các dự án FDI càng trở nên phức tạp,” báo Đầu tư viết.

Vậy nguồn điện được tính ra sao trong việc phân bổ các dự án FDI sắp tới? Quan chức của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho hay, họ sẽ ưu tiên các dự án tiêu thụ ít năng lượng.

“Các dự án tiêu hao năng lượng sẽ phải điều chỉnh công nghệ, hoặc tiến độ theo lộ trình để không gây sức ép lên nguồn cung năng lượng của Việt Nam,” ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Hiện nhiều người lo ngại tình trạng một số doanh nghiệp FDI lợi dụng giá điện rẻ ở Việt Nam, chỉ muốn nhập nguyên liệu về làm hàng gia công rồi xuất khẩu. Một khi càng đẩy nhanh giải ngân các dự án FDI loại này, áp lực lên nguồn cung năng lượng và ngoại tệ của nền kinh tế Việt Nam càng lớn.