Nhà làm phim André Menras: “'Tiếng gào thét từ bên trong' là thông điệp hòa bình về cuộc chiến im lặng của người dân với Chính quyền Việt Nam"

RFA
2020.06.10
103248135_2671497999754636_4840745008755835565_o Poster Phim "Việt Nam-Tiếng gào thét từ bên trong", do nhà làm phim Andre Menras thực hiện.
Courtesy: Facebook Menras André

Bộ phim tư liệu “Việt Nam-Tiếng gòa thét từ bên trong” của nhà làm phim André Menras vừa đoạt được 3 giải thưởng tại các cuộc liên hoan phim quốc tế: Lễ hội Film "Courage" Berlin, ở Đức và IndeFest Film Awards với Accolage Global film Competition ở Mỹ.

Ông André Menras dành cho RFA cuộc phỏng vấn liên quan bộ phim vừa nêu.

Trước tiên, ông André Menras chia sẻ về lý do đã thôi thúc ông làm phim “Tiếng gào thét từ bên trong” và những đánh giá dành cho bộ phim qua 3 lần đoạt giải thưởng:

Ông André Menras: Vâng. Nói chung, nguyên nhân chính là sự phẫn nộ, không chịu nổi việc các công dân, đồng bào của tôi và trong họ có nhiều bạn thân mà tôi coi như đại gia đình của tôi bị chế độ hiện tại đối xử ngày càng tồi tệ. Một chế độ độc tài, bạo lực, đang chà đạp các giá trị cơ bản về nhân quyền, các quyền công dân, công bằng xã hội, độc lập thật sự…Nửa thế kỷ trước đây, vì yêu Việt nam, yêu người Việt Nam tôi đã liều mạng để treo một lá cờ vì một nền hòa bình mang các giá trị ấy nhưng tôi thấy hiện nay, một Đảng toàn trị cầm quyền đầy tham nhũng, lấy dân làm con tin, coi các công dân bất đồng chính kiến như kẻ thù, tuyên chiến đối với các người yêu nước chống Trung Quốc, đe doạ, theo dõi, đánh đập, bắt, giam họ, không bảo vệ ngư dân trên biển khi họ bị Trung Quốc xâm lược tấn công trong vùng thuộc chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam. Làm sao mình có thể tự gọi mình là người yêu công lý, yêu Việt Nam mà vẫn giữ im lặng ngoan ngoãn được? Trong tình trạng này của đất nước thứ hai của tôi, việc giữ im lặng là đồng lõa với những kẻ «China-Việt » hại nước, là phản bội dân và cuối cùng tự phản bội bản thân.

Nửa thế kỷ trước đây, vì yêu Việt nam, yêu người Việt Nam tôi đã liều mạng để treo một lá cờ vì một nền hòa bình mang các giá trị ấy nhưng tôi thấy hiện nay, một Đảng toàn trị cầm quyền đầy tham nhũng, lấy dân làm con tin, coi các công dân bất đồng chính kiến như kẻ thù, tuyên chiến đối với các người yêu nước chống Trung Quốc, đe doạ, theo dõi, đánh đập, bắt, giam họ, không bảo vệ ngư dân trên biển khi họ bị Trung Quốc xâm lược tấn công. Làm sao mình có thể tự gọi mình là người yêu công lý, yêu Việt Nam mà vẫn giữ im lặng ngoan ngoãn được
-Ông André Menras

Tôi không thay đổi lý tưởng từ lúc 20 tuổi. Phim "Việt Nam-Tiếng gào thét từ bên trong", bản chất của nó là một lá cờ nhỏ và mới, mang các giá trị hòa bình, tức là chấm dứt cái cuộc chiến im lặng trong xã hội của một chế độ chính trị đối với hàng triệu công dân nghèo, thấp cổ bé họng hay các công dân tiến bộ dám lên tiếng một cách ôn hòa cho một xã hội văn minh, hiện đại.  Một lá cờ mới vẫn đòi dân chủ, độc lập, quyền sống an toàn và hạnh phúc của mỗi người Việt trong tự do tư duy của mình.

Còn về việc phim 3 lần đoạt giải tại các kỳ liên hoan phim quốc tế, tôi rất vui và cũng rất tỉnh táo. Tôi không chuyên nghiệp về nghề quay phim. Tôi không có được thiết bị chuyên nghiệp đắt tiền…Tôi phải quay một cách có thể nói là "du kích", vội vàng, luôn luôn ngại bị công an quấy rối. Không có một cuốc phỏng vấn được chuẩn bị trước…Cho nên về mặt kỷ thuật phim không thể hay lắm. Giá trị của nó là giá trị tài liệu, giá trị sự thật sống, giá trị con người của các nhân vật trong phim. Ba giải thưởng là vì họ, chứ không phải vì tác giả đạo diễn là tôi.

Và, tôi không muốn quá lạc quan nhưng tôi nghĩ chắc phim ấy sẽ được nhận vài giải nữa. Nó sẽ cho dự luận nghe tiếp tiếng nói của một Việt Nam chịu khổ và đấu tranh tự hào mà các du khách nước ngoài đi qua Việt Nam kiểu «cưỡi ngựa xem hoa» không thể nghe thấy.

RFA: Được biết đây là bộ phim thứ ba ông thực hiện tại Việt Nam, sau phim “Hoàng Sa-Việt Nam nỗi đau mất mát” và phim “Những Hiệp sĩ Cát Vàng”. Trong quá trình quay ba bộ phim tư liệu này, điều gì đọng lại sâu sắc nhất nơi ông qua chia sẻ của những người dân Việt Nam mà ông gặp gỡ?

Ông André Menras: Tôi đã thực hiện 3 bộ phim về Việt Nam, trong đó có bộ phim (trên youtube) "Những Hiệp sĩ Cát Vàng" (The Knights of the yellow sands). Phim tài liệu ấy kể môt hành trình dài một tháng trên một chiếc tàu cá Việt Nam xuyên qua quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc quân sự hóa. Một kinh nghiệm cụ thể quá quý! Phim ấy đã nhận được một giải thưởng tại lễ hội phim quốc tế "Pêcheurs du Monde" (Ngư dân thế giới), tại thành Phố Lorient, Pháp.

Nhưng, trong các hoàn cảnh buồn vui, rủi may ấn tượng nhất tôi đã gặp khi hoàn thành 3 bộ phim là khi tôi được gặp các nông dân bị cướp đất tại Đồng Tâm. Chỉ được gặp nhau vài tiếng là thấy họ rất thật thà, rất trung thực thậm chí hơi ngây thơ, vì dù bị các lực lượng công an  đàn áp dã man rồi, lúc ấy họ vẫn còn tin vào công ly của cái Đảng CSVN. Tôi cũng muốn như vậy, cũng hy vọng như họ nhưng khi thấy cụ Lê Đình Kình rất tỉnh táo, thành thạo hồ sơ cả về mặt lịch sử và pháp lý, có uy tín quá lớn được cả làng đều tôn trọng. Khi tôi đánh giá ý chí bất khuất của ông, tôi cảm thấy một linh tính nào đó về sự tai họa vồ cùng khủng khiếp đang chuẩn bị. Vài ngày sau, ngay khi ghé Pháp, tôi gửi một thư viết bằng tay, tiếng Việt và tiếng Pháp đến ông Đại sứ Việt Nam tại Paris. Trong thư tôi báo "…Tôi chỉ xin nhấn mạnh về sự khẩn thiết phải đi tới một giải pháp công bằng, không bạo động cho cuộc xung đột mang tính bùng nổ này. Làm sao tránh được đổ máu, một nguy cơ xem ra gần kề... ". Chắc ông đã báo cấp trên tại Hà Nội về thông điệp ấy. Nhưng, hình như nhóm lợi ích ở cấp cao trong công an và quân đội đã quyết định sự tấn công và cuộc hành quyết man rợ lão nông Lê Đình Kình rồi. Từ ngữ "Đồng chí ăn thịt đồng chí" giờ thì tôi hiểu rồi. Suốt đời còn lại tôi sẽ nhớ các khuôn mặt hiền và vui vẻ tại Đồng Tâm. Như một ác mộng, một tội ác nhà nước có tầm quốc tế mà phim không thể không nói lên! Và tôi hy vọng tiếng gào thét của phim càng lớn càng tốt vào việc quốc tế hóa vụ ám sát lịch sử ấy.

RFA: Riêng về những nhân sĩ trí thức tại Việt Nam mà nỗi lòng của họ trong phim “Tiếng gào thét từ bên trong” thể hiện điểm chung nhất là gì?

Ông André Menras : Tôi không dám làm đại diện nào cho họ, tôi chỉ là cái loa giúp họ nói mà thôi. Nói ngắn gọn thì hầu hết tất cả đều buồn trước tình trạng của đất nước. Tất cả đều là người hết sức yêu nước, có tâm, có tài, có quá khứ, cảm thấy như đã bị phản bội và giờ bị kẹt, bị công an đe dọa trong một xã hội bị Đảng CSVN cảnh sát hóa. Vì họ dám lên tiếng họ phải sống như trong tù, hoàn toàn bất an. Nhưng họ vẫn lạc quan và không biết sợ hãi. Tôi thật cảm phục lòng dũng cảm của họ. Và, tôi có một suy nghĩ đặc biệt cho bạn Phạm Chí Dũng, nhân vật trong phim vẫn còn ở tù hiện nay.

Ông Andre Menras nắm tay cụ Lê Đình Kình chụp hình kỷ niệm khi quay phim tư liệu tại xã Đồng Tâm, Hà Nội.
Ông Andre Menras nắm tay cụ Lê Đình Kình chụp hình kỷ niệm khi quay phim tư liệu tại xã Đồng Tâm, Hà Nội.
Courtesy: Facebook Menras André
RFA: Còn ông thì sao? Ông từng là người có thể nói đã hết mình ủng hộ những người Cộng sản Việt Nam. Sau 5 thập niên quan điểm và niềm tin của ông có thay đổi và điều đó được thể hiện qua ba bộ phim ông tâm huyết để thực hiện?

Ông André Menras: Có thể nói trước hết là khi tôi treo cờ giải phóng thì tôi đã chưa hề được biết đến Chủ nghĩa Marx-Lenin. Tôi không biết Đảng Cộng sản Pháp. Tôi là một thanh niên vô tư và là một giáo viên yêu nghề, yêu hòa bình, không thể chịu nỗi chiến tranh. Như vậy, lá cờ của tôi là một lá cờ về chính kiến của tôi hồi xưa, là lá cờ chống chiến tranh, để chấm dứt chiến tranh, để thấy một xã hội Việt Nam hòa bình và công bằng. Và, số phận của tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam có thể nói từ bây giờ là "ba chìm bảy nổi", theo cách nói của người Việt Nam.

Từ ngữ "Đồng chí ăn thịt đồng chí" giờ thì tôi hiểu rồi.  Suốt đời còn lại tôi sẽ nhớ các khuôn mặt hiền và vui vẻ tại Đồng Tâm. Như một ác mộng, một tội ác nhà nước có tầm quốc tế mà phim không thể không nói lên! Và tôi hy vọng tiếng gào thét của phim càng lớn càng tốt vào việc quốc tế hóa vụ ám sát lịch sử ấy
-Ông André Menras

Sau 25 năm ở Pháp tôi trở về Việt Nam để tìm các bạn tù cũ mà tôi quý. Tôi được đón như người bạn lớn, một huyền thoại của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Chân dung của tôi có chỗ tại Bảo tàng Di tích Chiến tranh, trên đường Võ Văn Tần, Sài Gòn. Nhưng các quan hệ với nhà cầm quyền bắt đầu xấu đi từ mấy năm 2007/2008 trở lên về những vấn đề biển đảo, bô-xit Tây Nguyên. Tôi đã viết nhiều bài, đại đa số được đăng nhờ các bạn của trang mạng Bauxite Vietnam. Xin nhắc lại vài cái tít: "Con người cần có ô-xy, ánh sáng và không gian", "Một Đảng Cộng sản đang mất đi gốc rễ nhân dân, không nhận ra mình nữa", "Giấc mơ dân chủ: giấc mơ vĩnh cửu và cuộc chiến đấu hàng ngày", "Xanh đỏ vàng, màu đã phai trong mùa mưa, lá cờ khóc vì đã mất ý nghĩa"… v.v.

Sau đó, tôi đã trở thành một "nhân vật nhạy cảm" hơn khi muốn chiếu phim đầu tiên về Hoàng Sa tại Sài Gòn vào ngày 29 /11/2011. Tôi bị công an theo dõi kỹ. Và phải chịu áp lực lớn, rời khách sạn ban đêm vì không an toàn và phải núp tại một nhà bạn, không được ra ngoài phố vài ngày trước khi về Pháp.

Ba năm sau lúc giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, cương vị của tôi được lên và tôi được mời đến Đà Nẵng tham luận trong một hội thảo quốc tế về Biển Đông. Và sau đó, tôi lại đi xuống trên dốc hướng đến danh sách đỏ "những kẻ phản động" trong khi quan hệ  với Trung Quốc lại lên cao hơn. Hết chỗ cho chân dung của tôi tại bảo tàng lịch sử…Công an, Dư luận viên quan tam đến tôi, gọi điện cho tôi ở Pháp để hỏi tôi đang ở đâu khi có cuộc biểu tình tại Việt Nam. Họ theo dõi các bạn tôi kỹ hơn nữa. Hiện giờ, sau vụ Đồng Tâm, tôi bị VTV1 đưa vào danh sách những kẻ phản động và sau việc tôi đưa lên youtube phim mới, đội Dư luận viên-AK 47 của nhà cầm quyền liên tục chú ý tôi trên mạng, luôn lời đe đọa giết tôi. Tóm lại, số phận của tôi đúng là "ba chìm bảy nổi" theo gió từ Trung Quốc.

Dù sao, tôi vẫn tự hào là công dân Việt Nam và sẽ trở về đất nước thứ hai của tôi. "Que sera sera".

RFA: Với những khích lệ về các giải thưởng dành cho các bộ phim của ông, và cũng không ít trở ngại, khó khăn với Chính quyền Hà Nội trong khi thực hiện ba bộ phim tư liệu đó, ông có ấp ủ dự định sẽ tiếp tục làm phim tư liệu tại Việt Nam nữa không?

Tôi đã trở thành một «nhân vật nhạy cảm » hơn khi muốn chiếu phim đầu tiên về Hoàng Sa tại Sài Gòn vào ngày 29 /11/2011. Ba năm sau lúc giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, cương vị của tôi được lên và tôi được mời đến Đà Nẵng tham luận trong một hội thảo quốc tế về Biển Đông. Và sau đó, tôi lại đi xuống trên dốc hướng đến danh sách đỏ «những kẻ phản động» trong khi quan hệ  với Trung Quốc lại lên cao hơn. Hết chỗ cho chân dung của tôi tại bảo tàng lịch sử
-Ông André Menras

Ông André Menras: Việc ấp ủ ý định giúp Việt Nam tiến bộ ôn hòa trên đường dân chủ độc lập, văn minh là điều chắc chắn. Những chủ đề phim mới có ích, hấp dẫn văn hóa thì có trong đầu. Nhưng ít nhất có 2 vấn đề: Thứ nhất là vấn đề tài chính cá nhân. Với lương hưu của một giáo viên nhà nước tại Pháp không thể chịu mãi phí tổn mấy chục ngàn Euros. Và tôi muốn hoàn toàn độc lập cả về chủ đề, nội dụng lẫn bình luận của phim. Tôi cũng muốn đa số người dân được xem phim miễn phí. Thứ hai, vấn đề an toàn trong việc quay phim. An toàn cho người làm phim cũng như cho người trong phim.

Sau phim "Tiếng gào thét từ bên trong", hai vấn đề ấy có vẻ khó thực hiện. Nhưng tôi không nhớ ai đã nói: "Không có gì khó, chỉ sợ…"

RFA: Chân thành cảm ơn nhà làm phim André Menras dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của Đài RFA.

Ông André Menras: Tôi cũng cảm ơn RFA đã cho tôi cơ hội thực hiện tự do biểu đạt của tôi. Cảm ơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.