Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi: Một pho từ điển sống

Thứ Ba, 16/07/2019, 17:27
Với cống hiến hơn 60 năm trong ngành, Lưu Văn Lợi được đánh giá là pho từ điển sống của Ngoại giao Việt Nam.


Bách niên lão thực

Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi sinh năm 1913, ở làng Gia Thụy, một làng cổ của đất Kinh Bắc, nay là phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. 

Công tác tại Bộ Ngoại giao hơn 50 năm, tuy giữ chức vụ không cao (Văn thư đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Cố vấn pháp lý cho đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris; Trưởng ban Biên giới Chính phủ) nhưng ông đã nhiều lần tham gia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên mặt trận ngoại giao.

Là người có tuổi thọ cao nhất của Bộ Ngoại giao, cụ Lưu Văn Lợi qua đời năm 2016, ở tuổi 104. Có người 70 tuổi đã muốn "lão giả an chi". 

Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi bách niên mà vẫn "lão thực": Khi 90 tuổi ông vẫn lên máy bay sang Hoa Kỳ dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam. Khi 100 tuổi, ông vẫn minh mẫn, sắc sảo trong các nhận định, nói năng khúc chiết, tư duy rành mạch trong các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí thì quả là... cực kỳ hiếm.

Tôi đến thăm cụ khi Hà Nội mưa bụi giăng màn. Mọi vật đều như muốn co ro trong cái lạnh se sắt của đất trời. Năm đấy, nhà ngoại giao 102 tuổi vẫn ngồi lặng lẽ làm việc, bàn tay chậm chạp mổ cò từng nhịp, từng nhịp trên bàn phím chiếc máy tính để bàn.

Bộ Ngoại giao mừng thọ nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi 100 tuổi.

Trước khi cụ mất đôi ba năm, đều đặn vài tháng tôi lại đến quấy quả cụ ít phút, khi là câu chuyện về tờ báo Quốc hội (1946) mà người vợ của cụ từng làm trong ban lãnh đạo, khi lại là những chuyện về ngành ngoại giao. Lần nào tôi cũng được nghe cụ kể vài mẩu chuyện hữu ích để bổ sung cho công việc cầm bút của mình.

Ai từng đến làm việc với cụ Lưu Văn Lợi ở căn gác trên ngôi nhà tập thể số 9 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ đều chung một cảm giác ái ngại với câu hỏi vì sao một pho từ điển bách khoa mà ở trong căn phòng chật chội đến vậy. Ngôi nhà ấy gắn bó với cụ biết bao kỷ niệm vui buồn, mà có lẽ buồn nhiều hơn vui… Song cụ vượt qua tất cả để thanh thản và bình yên đi qua cõi nhân gian trên một thế kỷ.

Một hôm, tôi có hẹn với kỹ sư Lưu Văn Lượng, con trai trưởng của cụ, mang tới số báo Quốc hội năm 1946. Khi biết tôi đến, cụ Lợi từ trong phòng làm việc, lách qua lối hành lang chật hẹp để tận tay xem lại tờ báo. Dường như, cụ được gặp lại tuổi trẻ của chính mình, gặp lại mối tình của tuổi đôi mươi với người vợ đầu Hoàng Hương Bình tài hoa nhưng đoản mệnh.

Cô con gái của cụ Hoàng Văn Lan, tham tá canh nông, mồ côi mẹ từ sớm cho nên dù sống trong cảnh sung túc nhưng luôn cô đơn và khao khát tình yêu. Cô thích làm thơ để vợi nỗi cô đơn. 

Năm 1939, Lưu Văn Lợi xuống Hải Phòng làm công chức nhà Đoan (cán bộ ngành thuế quan hiện nay). Chàng công chức nhà Đoan bắt gặp những vần Thơ mới của nữ sĩ họ Hoàng: "Gió êm đềm lướt dài trên đồng ruộng/ Sương mơ hồ phơi phới chập chờn bay/ Tôi muốn đắm, bạn ơi trong cảnh mộng/ Để cho lòng quên lãng những chua cay".

Thông điệp của nàng lập tức cũng được các thi nhân Thế Lữ, Huyền Kiêu hưởng ứng. Chàng trai họ Lưu cũng có bài thơ đáp lại. Không ngờ, chính bài thơ của Lưu Văn Lợi trở thành sợi tơ hồng nối chặt hai trái tim. Thêm nữa, thầy Nguyễn Hữu Tảo cũng vun đắp cho đôi bạn trẻ để họ trở thành bạn đời của nhau.

Nhà báo Khoa Phong - Lưu Văn Lợi

Năm 1944, đang làm việc tại xã Phúc Yên, Lưu Văn Lợi được đồng chí Trần Quốc Hương (sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) giải thích, tuyên truyền về bản Đề cương văn hóa của Đảng, đồng thời vận động ông gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc. Từ đây, Lưu Văn Lợi tích cực tham gia hoạt động phong trào của Mặt trận Việt Minh, nhất là trên lĩnh vực báo chí.

Trong nhà riêng của mình ở làng Vĩnh Tuy, Lưu Văn Lợi đã cùng Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng bí mật in tờ tạp chí Tiên Phong - cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc. 

Chính trên tờ tạp chí này, với bút danh Khoa Phong, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi đã viết ba bài: Tinh lực nguyên tử và bom nguyên tử (Tiên Phong số 4-5, còn có tên khác là số Nguồn sống mới); Bản cáo trạng trong tấm lòng son (Tiên Phong số 6) và Khác nhau một tấm lòng son (Tiên Phong số 7).

Với hai bài sau, ông lên án tội rước voi giày mồ của ông vua cuối cùng nhà Lê là Chiêu Thống: "… dù có thực câu chuyện quả tim của Lê Chiêu Thống còn đỏ nguyên sau mười năm kí táng nơi hải ngoại cũng không làm ai mủi lòng. Quả tim ấy là bản cáo trạng viết bằng máu kết tội một kẻ bán nước. Quả tim ấy là lời cảnh cáo thống thiết gửi những ai muốn bán nước" (Tiên Phong số 6).

Trước hiểm họa quân Pháp lăm le trở lại xâm lược, lấy bài học của những kẻ phản bội Tổ quốc ở hai phương trời Âu - Á (Hoàng thân Prince de Condé, 1736-1918 của Pháp và Lê Chiêu Thống), ngòi bút Khoa Phong - Lưu Văn Lợi: "Bài học chính trị đối với chúng ta thật rõ ràng: yêu nước là đặt quyền lợi lên trên hết; ở một giai đoạn lịch sử nhất định, cứu nước là suy tính kĩ càng về mọi điều kiện trong giai đoạn ấy, lợi dụng các mối mâu thuẫn giữa nước này với nước nọ, điều hòa quyền lợi của nước trong giai đoạn ấy, với quyền lợi của người mà vẫn trông vào thực lực của mình, vì ỷ lại là tự đào thải" (Tiên Phong số 6).

Tinh lực nguyên tử và bom nguyên tử là bài viết tác giả sử dụng tư liệu về bom nguyên tử rút từ báo Time. 

Sau khi điểm lại quá trình tạo ra bom nguyên tử, tác giả Khoa Phong - Lưu Văn Lợi kết luận: "Đống cát bụi ở Hiroshima hay Nagasaki điêu tàn không chỉ có nghĩa là phá hoại. Nó báo hiệu một nguồn sống mới của nhân loại luôn luôn tiến tới".

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông Lưu Văn Lợi còn làm Tổng biên tập tờ Le peuple (Quần chúng) năm 1946 và Thư ký tòa soạn báo Quân đội Nhân dân kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (1948-1950).

Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi minh mẫn tiếp chuyện phóng viên khi bước sang tuổi 101. (Ảnh: Kiều Mai Sơn).

Nghìn trang sách truyền hậu thế

Lưu Văn Lợi còn là tác giả của nhiều cuốn sách "gối đầu giường" về ngoại giao: Việt Nam đất, biển, trời (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1990); Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1995); Các cuộc đàm phán Lê Đức Thọ - Kissinger (viết chung với Nguyễn Anh Vũ, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1996); Ngoại giao Đại Việt (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2000); 50 năm Ngoại giao Việt Nam 1945-1995 (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2000); Gió bụi đường hoa (Hồi ký, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2007)...

Khi 100 tuổi, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi hoàn thành cuốn sách Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2012. Hội nghị Quân sự Trung Giã và Hội nghị Giơnevơ được tiến hành gần như song song với nhau. Đó là hội nghị đầu tiên giữa hai Bộ Tổng tư lệnh của ta và của Pháp, mà cũng là hội nghị cuối cùng giữa hai Bộ Tổng tư lệnh.

"Gần 60 năm qua đi, bây giờ không còn ai viết nữa. Đại biểu Việt Nam dự Hội nghị quân sự Trung Giã chết hết rồi, không còn ai cả. Cho nên, tôi nghĩ tôi là người cuối cùng, là nhân chứng và là người tổ chức Hội nghị đó thì có lẽ nên viết lại". Cụ Lưu Văn Lợi đã kể cho tôi nghe lý do thôi thúc cụ viết về Hội nghị quân sự Trung Giã như vậy.

Một cuốn sách khác cũng đã được hoàn thành, cụ đặt nhan đề là "Cảm xúc về cuốn Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi". Cuốn thứ ba là viết về Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh những cuốn sách mới viết, cụ còn cho tập hợp các bài viết của mình trên các báo và tạp chí từ hơn 70 năm trước, trải qua các cuộc chiến đấu chống Nhật, chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc... mang tên gọi "Lưu Văn Lợi - tác phẩm chính luận", với độ dày khoảng một nghìn trang bản thảo.

Không còn viết tay được nữa, cụ tự mình mày mò, cặm cụi đánh máy vi tính mà không hề có người giúp việc. Tất cả đều bằng trí nhớ trong bộ óc làm việc ngoài trăm năm cõi người của mình. 

Ai đã từng đọc cuốn hồi ký của cụ mang tên "Gió bụi đường hoa" (Nhà xuất bản Công an Nhân dân 2007) hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng, toàn bộ các sự kiện suốt 50 năm hoạt động đầy ăm ắp như vậy, mà đều được cụ viết ra từ trí nhớ.

Cụ tâm sự rằng, mình có may mắn là tuổi cao nhưng vẫn còn có sức làm việc và vẫn còn minh mẫn để làm việc được. Khi tôi hỏi bí quyết nào giúp cụ có được sức làm bền bỉ và minh mẫn đến như vậy? 

Cụ chậm rãi giải thích: "Cũng có nhiều bạn bè hỏi tôi như vậy. Tôi không giải thích được. Có lẽ cuộc sống giản dị và hoạt động về trí tuệ thường xuyên cho nên tôi nhớ được như vậy".

Ký tặng cuốn sách cho tôi, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi hóm hỉnh nói: "Tôi có cái hạn chế là không có người giúp việc. Chứ trong đầu hãy còn nhiều tham vọng, còn muốn viết một vài quyển nữa, mà tôi nghĩ rằng tôi có thể viết được nếu sức khỏe vẫn giữ được ổn định như hiện nay".

"Lặn lội trọn đời đất ngoại giao/ Việt Nam hai chữ nặng làm sao/ Quốc uy vĩnh cửu giương không mỏi/ Lãnh thổ ngàn xưa giữ chẳng hao/ Kết bạn gần xa đâu có quản/ Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao/ Thăng trầm thế sự xin cho gác/ Một chút tâm nhàn ước chẳng cao". (Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm đường hoa).

"Tiếc rằng, ngày nay rất hiếm, nếu như không nói rằng hầu như không còn những nhà trí thức uyên bác với đúng nghĩa của từ đó mà anh Lưu Văn Lợi là một điển hình mặc dầu ở nước ta xuất hiện khá nhiều "tiến sĩ", "giáo sư" và các nhà quản lý khoác đủ thứ danh hiệu, chức tước" - (Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan).
Kiều Mai Sơn
.
.