Nhà văn hóa và nhà tù

Nguyễn Xuân Thọ 

Một nhà văn hóa phát biểu: “Nếu tiết kiệm tiền chi cho văn hóa thì con cháu chúng ta sẽ phải bỏ tiền xây nhà tù”. 

Sai!

Điều quyết định cho một xã hội văn minh không phải là tiền mà là sự tôn trọng quyền được tự do hưởng thụ các giá trị văn hóa của mọi công dân, là sự công nhận các giá trị văn hóa của nhân loại, là một nền giáo dục lành mạnh, khai sáng. Nếu chỉ đổ tiền vào để tuyên truyền hoặc cổ súy cho những gì mà một nhóm người quy định là văn hóa thì sẽ đưa xã hội đó đến chỗ diệt vong. Nước Đức mà tôi đang sống từng bị như vậy.

Phố Matternstrasse Berlin 11.1933. Tranh dầu của Wilhelm Schnarrenberger (1892-1966)

Từ 1933 đến 1945, Hitler đã đốt sách, cấm toàn bộ báo chí, thao túng toàn bộ ngành in ấn, điện ảnh, truyền thông để tập trung xây dựng nền văn hóa và con người Xã hội chủ nghĩa quốc gia (quốc xã). Bộ Văn hóa Truyền thông của Goebbels (dân ta quen gọi là Gơ-ben) được đặt một cái tên rất cách mạng là bộ Giác ngộ nhân dân và tuyên truyền(Reichministerium für Volksaufklärung und Propaganda). Đây là một siêu bộ, có ngân sách lớn thứ ba Đế chế Đức, sau quân đội và mật vụ. Xưa nay chưa ngành văn hóa nước nào mon men đến gần mức chi phí của nó. Năm 1944 ngân sách cho bộ này xấp xỷ 200 triệu Reich Mark (RM). Khi đó lương tháng của một kỹ sư Đức khoảng 150 RM, giá một xe tăng T34 mà người Đức sợ như cọp là 50.000 RM. Có nghĩa là mỗi năm Goebbels có thể mua được khoảng 4.000 chiếc xe tăng. Ngày nay để mua 4.000 xe tăng T72 là loại làng nhàng của Nga (1,2 triệu USD) thì phải mất gần 5 tỷ USD, vị chi là 124.000 tỷ VND. Tôi lấy xe tăng làm thước đo để thấy rõ ưu tiên của chế độ phát xít dành cho văn hóa. Lúc đó hàng chục triệu thanh thiếu niên Đức được tham dự các trại hè, các cuộc dã ngoại, liên hoan ca múa nhạc miễn phí, vô cùng hoành tráng mà sau này không có đoàn thanh niên nào theo kịp. Về khoản trang trí, cờ quạt của Quốc Xã thì có lẽ chỉ những gì tôi được chứng kiến trong Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc năm 1967 là có thể mon men đến gần. 

Thanh thiếu niên Đức được tâp trung sinh hoạt văn hóa trong các tổ chức đoàn, đội của Hitler

Tiền của đổ vào văn hóa nhiều như vậy và cái kết thì quá rõ. 

Có ai đó nói: Muốn biết một xã hội có nhân đạo hay không thì hãy xem nhà tù ở đó. Nếu muốn đo trình độ văn hóa thì hãy xem các nhà vệ sinh công cộng”. Cả hai cái này ở ta đều kinh người. Có lẽ vì văn hóa cao nên chúng ta ít đọc viết về hai đề tài này. Chuyện cái cầu tiêu công cộng mà ta quen gọi là “nhà vệ sinh” thì thôi rồi, ai cũng biết, khỏi cần kể. 

Tôi quen vài người thuộc dân tộc Tà-Ru [tù ra] nên xin bàn chút. Dù bỏ qua các vấn đề như án chính trị hay án oan để đỡ nhạy cảm với nhiều vị thì chế độ nhà tù ở Viêt Nam hoàn toàn thoát ly mọi tiêu chuẩn nhân đạo. Không những nó không thể làm nhiệm vụ giúp những người lầm lỡ hoàn lương mà nó không phải là nơi để cho con người sống. Chế độ nhà tù này không chỉ làm cho kẻ thường phạm trở nên hung dữ hơn, lưu manh hơn mà còn biến người mạnh khỏe thành người bệnh tật, khiến người ốm yếu chết sau một thời gian thụ án.

Nguyên nhân của vấn nạn này nằm trong quan niệm lạc hậu về quản giáo, cải tạo tù nhân nói riêng và về quyền con người nói chung. Vì quan niệm sai nên người ta không xây nhà tù theo đúng chức năng, mà chỉ cần xây như những cái chuồng.

Việc bỏ tiền xây nhà tù tử tế không phải là xấu, không phải là hậu quả của một xã hội kém văn hóa. Xấu là khi để xã hội có nhiều người phải vào  và tệ hơn nữa khi để nhà tù như địa ngục. 

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

This entry was posted in Chấn hưng văn hoá, văn hoá. Bookmark the permalink.