March 29, 2024, 12:53 pm

Nhà văn Mạc Can: Dẻ lục bình của sông nước Nam bộ

 

Tôi với Mạc Can ngồi uống nước trong một cái quán bình dân quen thuộc ở hẻm 58 Trần Quốc Thảo, quận 3. Tôi hỏi quê. Ông bảo: - Bạc Liêu. Huyện?: - Vĩnh Lợi. Xã?: - Không nhớ. Hỏi: Ông sang Mỹ định cư mấy năm, là những năm nào?. Trả lời: - Tôi ở Mỹ ba năm, nhưng năm nào thì không nhớ. Mà anh đừng hỏi tôi về những con số cụ thể, tôi không nhớ đâu... Sau lời trần tình ấy của nhà văn, tôi thôi không hỏi ông kiểu 1, 2, 3, 4… Vì biết có hỏi ông cũng không trả lời được. Có những người như vậy, rất thông tuệ nhưng bảo ghi nhận một cái gì đó thì nói trước quên sau. Thi hào Đức Friedrich Schiller (1759-1805) là một. Schiller thuộc không quá sáu câu thơ của mình. Còn Việt Nam ta? Có lần tôi hỏi nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong số điện thoại di động của ông, ông không nhớ, phải nhờ vợ cung cấp.

Mạc Can có lẽ thời thơ ấu trôi nổi, bạo liệt, buồn đã khiến ông thu mình lại sống chủ yếu trong thế giới tưởng tượng của bản thân mà mất khả năng nhớ những con số chăng? Dẫu vậy ông không phải là người có trí nhớ tồi, cứ đọc ông thì biết. Ông nhớ vanh vách một màu trăng, một ngọn gió, một đêm mưa, con sông mùa lũ với những dề lục bình trôi tan tác, tiếng xe bò lọc cọc giữa đêm khuya, tất cả lặn chìm trong sâu thẳm ký ức đến một lúc nào đó thì trào ra đầu… bàn phím! Sử dụng thành thạo laptop, ông thường viết vào đêm khuya, khi chung quanh yên tĩnh. Nhờ vậy, gia nhập văn đàn chưa lâu mà ông đã có một gia tài tác phẩm khá dày dặn, với hơn hai mươi đầu sách các loại: Tấm ván phóng dao (tiểu thuyết, 2004); Tờ 100 đôla âm phủ (tập truyện ngắn, 2004); Cuộc hành lễ buổi sáng (tập truyện ngắn, 2005); Người nói tiếng bồ câu (tập truyện ngắn, 2005); Tạp bút Mạc Can (2006); Phóng viên mồ côi (tiểu thuyết, 2007); Những bầy mèo vô sinh (tiểu thuyết, 2008); Ba... ngàn lẻ một đêm (tập truyện ngắn, 2010); Quỷ với Bụt và Thần Chết (tiểu thuyết, 2010); Tuyển tập Mạc Can (2010);  Nhớ (tập truyện ngắn, 2011)… năm một cuốn, năm hai ba cuốn hầu như năm nào ông cũng ra sách. Sách ông thuộc loại bestseller, được các đầu nậu sách săn đón. Năm 2018 này ông có cuốn Ma bệnh viện, in chung với nhà văn Nguyễn Đông Thức, sắp sửa phát hành.

Đang nói, Mạc Can chợt ngừng lời. Tôi nhìn về phía cuối hẻm, thấy một thiếu phụ chạy xe ra đường. Thiếu phụ trông nhỏ con, dáng nhẹ nhàng, cái răng khểnh cười có duyên, chưa có dáng đàn bà dù đã gần bốn mươi tuổi. Đấy là Quỳnh Như, con gái chủ quán. Biết Mạc Can là khách quen của quán nhà, mỗi lần đi ngang cô thường mỉm cười chào ông. Lần này cũng vậy. Đón nhận những nụ cười chào của cô, ban đầu Mạc Can thấy tội nghiệp (vì Như lấy chồng Đài Loan, đã có một con trai, thằng chồng vũ phu đánh cô dữ quá khiến cô phải bỏ con, bỏ xứ Đài chạy về Việt Nam), sau đó ông thương thương, sau đó nữa lại nhớ nhớ, ghen ghen rồi bất thần yêu yêu mới chết. “Yêu” một cách đau khổ thật thà. Cứ như bị sét đánh. Già rồi sống một mình buồn, ông chỉ muốn có cảm giác nhớ thương cho đỡ buồn. Bây giờ ông buồn, khổ vì yêu thiệt rồi. Đây là mối tình lớn nhất của đời ông. Thế là truyện ngắn Cặn tình, kể về một ông nhà văn già sống còn chút cặn tình cũng yêu và lết cho tới bến. Khi báo Thanh niên in, ông đem cho Quỳnh Như đọc, cô bảo: Ông viết thật quá. Ông bảo: Con cứ coi ông như bạn, giúp được gì con, ông giúp. Nhưng ông thì giúp được gì? Tiền không, kinh nghiệm tình trường cũng không, suốt ngày thấp thỏm lo sợ cô thêm một lần nữa nghe lời dụ ngọt của một gã sở khanh nào đó mà sa vào vòng tay ma quỷ của nó.

Không chỉ Cặn tình, nhiều tác phẩm khác của Mạc Can cũng có một lý lịch trích ngang “đáng nể” như vậy. Truyện ngắn “Người nói tiếng bồ câu”chẳng hạn. Truyện này gần như là tác phẩm đầu tay của ông. Mạc Can chơi với Sơn Nam. Sinh thời nhà văn Sơn Nam sống một mình, không biết chạy xe máy. Mỗi lần ngao du, tán gẫu với bạn bè hay đi đâu có việc, ông nhờ một người bạn văn nghệ ở cùng xóm chở đi. Ông bạn này thật thà như trái bắp, khác người ở chỗ lâu lâu từ miệng ông ta lại khe khẽ phát ra những tiếng “gù gù”. Nghe nhiều lần tiếng “gù gù” ấy. Mạc Can viết truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu, báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam in, là một trong mười truyện ngắn hay của báo năm ấy, sau đó Nhà xuất bản Hội Nhà văn in thành sách. Lần đi biểu diễn ở Cung Văn hóa Việt-Xô, Hà Nội, ông tìm tới 65 Nguyễn Du để cám ơn Nhà xuất bản. Tới nơi, thấy vẻ thâm nghiêm của ngôi nhà ông không dám vào, mà dạt sang phía bên kia đường đứng nhìn trân trối. Chợt đâu Lê Minh Khuê xuất hiện, dù chưa gặp ông lần nào nhưng nhìn ông chị nhận ra ngay, reo lên: - Ơ, anh Mạc Can! Mời anh vào Nhà xuất bản chơi.

Ông theo Lê Minh Khuê đi sang đường. Đây là lần đầu tiên Mạc Can vào một cơ quan xuất bản.

Lê Minh Khuê giới thiệu ông với mọi người, khen truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu rồi hỏi ông còn cái gì nữa không? Ông lục trong cái túi vải luôn đeo bên mình, lấy ra tập bản thảo tiểu thuyết Tấm ván phóng dao viết dở. Nữ nhà văn xem qua, bảo ông cố gắng viết cho xong rồi gửi chị. Và thế là khi Tấm ván phóng dao viết xong, ông gửi ngay cho Lê Minh Khuê. Chừng một tuần sau lúc ông đang chạy xe trên đường phố Sài Gòn, chuông điện thoại trong túi chợt vang lên, người giữ gôn biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn gọi điện cho ông:

Tấm ván phóng dao ấy mà - Chị nói - Anh quên nó đi nhé…

Nghĩ bản thảo bị chê, Mạc Can lặng người. Nhưng liền đó bên kia đầu dây giọng Lê Minh Khuê vui vẻ: - Tiểu thuyết ấy được rồi. Bây giờ anh hãy quên nó đi để viết cái khác.

Ngỡ như có trăm con chim đang hót mừng trong đầu, ông tấp vội xe vào lề đường đứng khóc.

Thời điểm ấy Hội Nhà văn Việt Nam đang tổ chức cuộc thi tiểu thuyết. Nhà văn Hồ Anh Thái sau khi đọc bản thảo Tấm ván phóng dao do nữ đồng nghiệp đưa, đã nhờ chị Miên nhà xuất bản Phụ nữ in nó ra thành sách. Nể lời anh, chị Miên in Tấm ván phóng dao với số lượng… 200 cuốn.  Chẳng sao, bởi mục đích của Hồ Anh Thái là có sách để thuyết phục tác giả tham dự cuộc thi. Khi cuộc thi kết  thúc,Tấm ván phóng dao được trao giải A. Anh hề Mạc Can có thêm danh xưng Nhà văn từ đấy.

Gọi tiểu thuyết, nhưng Tấm ván phóng dao trước hết là tự truyện của Mạc Can. Ông viết về Nghệ Tinh (Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh) gánh xiếc rong của gia đình ông như một dề lục bình trôi dạt trên những dòng sông, con kênh, những xóm làng Nam bộ. Về ông, một anh chàng làm hề xiếc, vẽ một cái mũi tròn to, một cái miệng cười đến tận mang tai, làm hề cho thiên hạ cười, ngoài mặt thì thế mà trong lòng run rẩy với từng mũi dao phóng về phía em gái mình.Về lịch sử gia đình ông từ người ông nội tên Bảy Quờn, dáng mảnh khảnh, da mặt trắng xanh, mái tóc đen dài, chuyên đánh cọp, đánh Tây, cắm ngược cây mác giữa đường đòi tiền mãi lộ ở miệt Lái Thiêu, Bình Dương, bị Pháp bắt đày ra “Côn Nôn”, kết bè vượt ngục về Bạc Liêu, cải danh sống. Đến người cha tên Ba Quới, tên thường gọi Hai Trần, nóng tính y chang bậc sinh thành, cũng thoi một thằng Tây, rồi bỏ xứ lưu lạc giang hồ, qua Xiêm, qua Miến Điện, nhờ đi mà học được nhiều nghề, trong đó có nghề Ảo thuật, đã biến ông từ một chàng trai lãng tử thành một nghệ sĩ với nghệ danh Sạc Lô Trần, sống vừa thật vừa xạo trong cái trò bán thuốc nhức răng sau mỗi đêm diễn.

Sạc Lô Trần tốt nghiệp Tú tài, biết nói tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Miên, trên túi áo luôn có một cây bút Parker, nhưng chỉ để ký tên chứ chưa bao giờ dùng vào một việc gì khác. Các con ông: Tâm – Can – Phụng – Nghĩa – Trí – Yến, những cái tên đứng đơn đã đẹp, khi hiệp vần trong một dãy lục tử lại càng đẹp hơn, là dấu ấn của một ông bố có chữ, trọng nghĩa khí. Mẹ ông họ Mạc, gốc Miến lai Hoa, nói tiếng Hoa pha Miến Điện với những thổ ngữ lạ kỳ. Bà không biết chữ, nhưng nhờ đi đây đi đó nhiều nên nói chuyện rất hay.

Với một xuất xứ như thế, Mạc Can có cái gì đó xui ta nhớ Hồ Dzếnh (1916-1991), một nhà văn Việt Nam gốc Minh hương, nhưng ở Hồ Dzếnh là một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát, phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Một giọng văn mang nặng nỗi niềm hoài nhớ cố hương, dù không biết cố hương như thế nào. Còn Mạc Can nghe nhiều thổ ngữ của mẹ, thuở nhỏ không biết mình là người… gì? Đôi khi thấy như mình sống nơi đất khách. Trong ông hỗn mang nhiều thứ cội nguồn pha tạp, khó biết gốc rễ ngọn ngành… Và ba má ông… và những người trong gánh xiếc Nghệ Tinh, tất cả cứ loay hoay thế nào đó trong tấm lưới trời. Không thoát ra được khỏi thói thường tình. Không tìm ra được một mảnh hạnh phúc mà lẽ ra phải có, khiến những trang văn của ông u ẩn như một tiếng thở dài:“… Lúc nào cũng vậy, khi tôi nhắm mắt, ban đầu thường có những đốm sáng lập lòe, đó là ánh lửa trong chiếc đèn bão, thời thơ ấu của tôi, rồi là chữ, chỉ có chữ, tôi khát chữ tới độ điên cuồng, ở kiếp nào đó, ở một thế giới nào đó… tôi là một nhà thông thái. Tôi biết quá nhiều điều nhưng rồi tôi đã làm sai một điều gì đó khiến cho tôi bị xóa đi, cả tôi và những điều tôi học, giờ đây tôi biến thành kẻ lưu đày u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói…” Đoạn trích này nằm trong dòng hồi ức ông kể về mình, là một trong “Nhiều trang viết đạt đến độ hiếm hoi về nỗi buồn thấm thía của kiếp làm người” (Hồ Anh Thái).

Sống nay đây mai đó, Mạc Can không được học. Mỗi khi ghe cập vào biểu diễn ở một nơi nào, ông lại tìm tới lớp học nơi ấy đứng chầu rìa bên ngoài. Cách học ấy giúp ông thành thạo đánh vần, nhưng mặt chữ chỉ nhớ lõm bõm. May nhờ chú Bê họa sĩ có một rương sách, toàn tiểu thuyết dịch, ông mượn đọc đi đọc lại, dần dà đạt tới trình độ đọc thông viết thạo. Nền học vấn mà ông được thụ hưởng hầu như chỉ có vậy. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là chăm sóc tấm ván, giữ nó luôn trong trạng thái ẩm ướt cho mềm thớ gỗ để khi lưỡi dao do anh trai ông phóng tới không bị văng trật. Mãi đến bây giờ Mạc Can cũng không lý giải được vì sao cha ông không chọn gỗ thông mà lại chọn gỗ dầu, khiến tấm ván vừa cứng vừa nặng. Cõng nó hàng ngày, ông như Đấng Cứu thế cõng cây thập ác lên đoạn đầu đài. Đấng Cứu thế có cái lưng cong gập, tay phải dài, to, bàn tay chai sần thô cứng, trong lúc đó tay trái thì bé tí. Nhưng đấy chưa phải là điều cực hình, cực hình nhất là hằng đêm ông phải đứng giữ tấm ván cho em gái tựa mình, rồi nhìn qua kẽ ván những mũi dao vun vút phóng vào em, bốn mươi tám mũi dao một suất diễn. Trò phóng dao, theo ông xuất phát từ một nơi người ăn thịt người, nơi con người quen việc phóng dao tiêu diệt con mồi, du nhập vào xứ sở Việt Nam hiền hòa. Biết bao đêm ông suy nghĩ về nó, càng nghĩ ông càng thấy giận người cha vô tâm bày trò phóng dao cho gánh xiếc, giận người anh phóng dao mà có vẻ vô tình, sao nhãng. Giận khán giả trả đồng tiền còm mua lấy tiếng cười trên một sinh mạng bé nhỏ của em gái ông. Giận người rồi lại giận mình, sao phải chứng kiến, sao lại sinh ra?

Đến buổi đường sông sinh nhiều trộm cướp, sống trên ghe nguy hiểm, Sạc Lô Trần bán ghe lên bờ, gánh xiếc rã dần. Đấy là lúc những đứa con của ông được giải phóng, nhưng cũng chỉ như cá mắc cạn, vì thiếu kỹ năng sống. Anh hai Mạc Can đĩnh đạc khó lường; em gái ông khô cằn khó ai hiểu nổi, nghe một tiếng lá khô rơi cũng giật mình; ông u ẩn dốt nát tội nghiệp, không có kinh nghiệm tình trường, nên  khi có người nữ mở lòng thì hồn nhiên để vuột. Ấy là hôm trời xanh đi vắng, cô Loan bạn của em gái ông mới nhờ ông viết cho một câu chuyện. Cái Loan chờ đợi (theo như giải thích của bà Phụng, em gái ông sau này) là một bức thư tình, thì ông lại tưởng Loan nói thật, viết kể cho cô một câu chuyện về ma khiến cô sợ chạy mất dép.

Không có kinh nghiệm tình trường, vì tình yêu của ông, khổ thế, toàn đơn phương. Nhiều người nữ được ông yêu mà không hề hay biết. Mối tình đầu của ông xảy ra năm mười bảy tuổi, với con gái ông chủ rạp chiếu bóng ở Tân Hiệp, người đã có lúc hùn hạp làm ăn với cha mẹ ông. Oái oăm, cô lại là người yêu của anh trai ông. Nhưng không sao, vì với thứ tình yêu “Một mình mình biết, một mình mình hay” ông có thể gọi người đẹp Marilyn Monroe (1926-1962), gọi Nữ hoàng Cleopatra (69-30 TCN), gọi cả Tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ là “cưng” mà vẫn không sợ vượt ra khỏi luân thường.

Trong lúc với nhiều người, yêu là “Anh tiết canh em(1), là “Bạn giờ giao hợp nơi đâu?(2) , là “Tôi phi con ngựa tuyệt trần/ Ngựa bằng ngọc điệp chẳng cần yên cương(3). Thì ông, ngay cả trong mơ cũng thấy mình tội lỗi: “Tôi cố nhìn sát mặt đất, sao mà nhiều đốm sáng lập lòe, tôi nhìn thấy những hạt cát lớn dần lên, nó nâng tôi lên một cách không cưỡng lại được, gió lúc đó cuồn cuộn đùa với đất và cát, tạo hình một con người, khuôn mặt của Phương rõ dần, sau đó dưới tôi là Phương, Phương im lặng nhìn tôi như chờ đợi, lần đầu tiên tôi hôn một người con gái, chỉ một lần đầu tiên, rồi tôi chết đi, thân thể tôi nhẹ tênh, trống rỗng như không còn gì, tôi bay bổng… Và tôi thấy mình ở bên kia mặt trăng, lạ thường thay nó mỏng manh như chiếc đĩa thủy tinh, tôi hối hận việc làm vừa rồi với Phương, đàn ông có khi là vậy, mặc dù rất ảo nhưng tôi đã biết hôn và trở thành đàn ông…”(Tấm ván phóng dao, tr.193).

Không có kinh nghiệm tình trường, vì ông yêu mà không được phía người nữ yêu lại… trừ một lần. Ấy là năm… một đoàn làm phim Nhật Bản sang thành phố Hồ Chí Minh làm phim. Đoàn cần một thổ công và ông được chọn. Yoko, cô gái Nhật thủ quỹ của đoàn thích ông. Hai người kết mô đen. Phim quay  xong, Yoko theo đoàn về Nhật. Một năm sau, ông nhận được thư cô cho biết hai người có một đứa con gái chung: “Ông là cha của con gái tôi, nhưng không phải là chồng tôi”, thư cô viết thẳng thừng. Đọc thư, Mạc Can vừa mừng vừa buồn, nghĩ thế là hết. Nhưng đàn bà dù Nhật hay ta thì vẫn là đàn bà, bí hiểm và giàu trắc ẩn. Vì thế mới có chuyện hơn hai mươi năm sau, người phụ nữ xứ Phù Tang kỳ lạ đã cùng con gái đánh đường sang Việt Nam tìm ông, làm thủ tục bảo lãnh cho ông sang Mỹ định cư (Hai mẹ con Yoko lúc đó đã là công dân Mỹ)

Ở Mỹ, ông không biết làm gì, không thể nói chuyện cùng ai, suốt ngày thui thủi một mình. Con gái ông thấy vậy cảm thương, nói với mẹ: “Để ổng ở bên này chắc ổng chết quá!” Và thế là “Hồ tử thú khâu”, được ba năm, ông hồi hương trở lại Việt Nam, trở lại thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục kiếp sống của một dề lục bình, trôi nổi, nay chỗ này mai chỗ khác…

------------------

1. Thơ Lê Huy Quang.

2. Thơ Hoàng Hưng.

3. Thơ Federico García Lorca (Hoàng Hưng dịch).

Nguồn Văn nghệ số 48/2018


Có thể bạn quan tâm