Nhật ký những ngày Sài Gòn dè dặt sống lại…

Nhà báo Vũ Kim Hạnh

BỊ TỪ CHỐI MÀ VUI KHÔNG TẢ NỔI

Đang bưng chén cơm, con trai bỗng buông xuống liến thoắng: À, con kể mẹ nghe, chiều nay con bị từ chối mà vui không tả nổi đó mẹ. Từ chối sao con? Con báo cho chị bác sĩ quen ở BV DC X là hôm nay đi mua đồ bị trễ, mai mới mang quà tới được, cái chị ấy nói… khoan, thôi em để cho bệnh viện khác đi nha, bệnh viện mình tuần này bệnh nhân giảm nhiều nên mấy món em tặng tuần trước chưa xài hết. Vậy mà con mừng chiều giờ đó mẹ…

Tôi cũng thấy mừng thiệt chứ. Còn hơn trúng số vì tin vui quá. Mấy hôm nay liên tiếp đọc tin trên báo. Ba BV dã chiến sắp giảm phần điều trị Covid, trở lại với công việc thường xuyên cũ. Con trai đưa thêm bức ảnh với chú thích ngộ nghĩnh: Lễ khởi động chương trình thử nghiệm hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn quận 7, có cấp phiếu đến công viên tập thể dục (chuyện ngộ ha?).

Cuộc sống dần trở lại. Tèo nói, chắc tụi con chỉ tặng quà ít lâu nữa rồi con quay lại với công việc. Mẹ cũng phải bắt đầu dịch cuốn sách mình thi đua đi nhé. Vậy là Tèo sắp từ giã nghề “cửu vạn” cho Vòng Tay Việt rồi. Hai tháng qua, Tèo cùng hai người bạn tổ chức xe tải đi đồng bằng mua rau củ, trái cây, gia vị, trứng vịt đưa về cho các bếp ăn từ thiện, và còn mua quần tả, tấm lót lưng tản nhiệt, dầu gội đầu, cả băng vệ sinh tặng đều đặn cho 4 cho bệnh viện dã chiến quen. Có hôm về nói đau lưng, lại có hôm đang ăn nghe điện thoại, bỏ chén chạy, mẹ, xe rau về, chờ ở chốt lâu chắc héo hết, con đi nhận rau đây.

Trong xóm tôi, sau mấy tháng trời buổi sáng lặng trang như không có người, bỗng đã nghe tiếng rao bánh mì, và lạ chưa, hôm qua còn có tiếng kèn đám ma. Ngày thường tôi sợ tiếng ồn đó, nhưng lúc này, vừa nghe, chợt thấy rộn rã, cảm động. Sao hay vậy kìa, mấy ông nhà đòn sao xin được giấy đi đường? Chị bếp rành rẽ: Nhà đòn ở gần đây, đám ma cũng bên cạnh nên đâu cần giấy đi đường. Đội kèn thổi chào sân bài “Lòng mẹ”, tôi biết ngay người ra đi là một bà cụ, hết bài “Con mừng tuổi mẹ” là tới bài… quỷ thần ơi, “Đắp mộ cuộc tình”! Tôi cười lăn, chợt thấy mình vô duyên khi nhìn đám con trai bà cụ khóc nhiều quá, liền tốp kịp thời…

ĐƯA MẸ VỀ NHÀ

Một người con trai khác lại khóc mẹ thật lặng lẽ. Tôi vừa đọc status của bạn Yên Nguyên chiều nay…

“Con trai đưa hũ tro cốt mẹ ngang qua nhà, vì trong xóm có vài ca F0 nên bị phong toả không vào nhà được.

Con trai gạt nước mắt, đành để tro cốt mẹ lên yên xe máy, thắp mấy nén nhang giữa chiều Sài Gòn mưa rả rích, khấn vái hương hồn mẹ hướng về ngôi nhà sinh thời mẹ đã từng ở, để mẹ nhớ đường về nhà, trước khi đưa tro cốt mẹ đến gửi ở một ngôi chùa”.

Buồn quá. Tôi như nghẹn thở, dừng đọc, thấy như trước mắt mình, cậu con trai rưng rưng trò chuyện với mẹ về cảnh trời mưa xám xịt, dây giăng, lối xóm chưa biết mẹ về…

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Ảnh người con trai thắp nhang bên hủ cốt mẹ và đứng trước nhà (đang bị giăng dây). Ảnh: Yen Nguyen

Trong 17.545 người đã ra đi trên cả nước, có hơn 12.000 người (đúng không?) là cư dân TP này. Và 50% trong số những người tử vong vì Covid là trên 65 tuổi. Họ cũng không ngờ con Covid nó ghê gớm khủng khiếp vậy nên không biết rằng việc không được tiêm vac-xin (cho đến cuối tháng 7 mới bắt đầu được kể tới), đã dẫn tới thảm cảnh phải vĩnh viễn ra đi rất bất ngờ, trong thảng thốt, bàng hoàng của con cháu.

Sài Gòn sống lại rồi, nhưng cái ngày mở cửa trở lại đời sống (bình thường mới) chắc chắn cả Sài Gòn phải dành một phút tưởng niệm những người là ông bà, cha mẹ đã phải qua đời khi mà lẽ ra… họ chưa mãn phần.

Tôi bỗng nghĩ tới hai người già thật đáng thương đáng trọng mà tôi vừa gặp tại khu lưu trú công nhân ở Nhà Bè thứ Bảy tuần rồi. Bà Tư, có chồng là bảo vệ một công ty trong khu công nghiệp, nghỉ ở nhà trông chừng đứa con gái bệnh tâm thần đã chia tay chồng, và cũng nuôi luôn thằng cháu ngoại thật đỉnh ngộ lễ phép vừa tựu trường, khoe đang học online. Bà kể, nó ngoan lắm, biết lo học. Hỏi cháu học online bằng gì, bà nói giọng hiền khô hơi ngập ngừng, cái điện thoại thì của ông ngoại cho, còn sách giáo khoa thì tôi đi mượn.

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản cho biết 'Lete'

Bà ngoại và cháu, bà đang kể chuyện cháu đang tựu trường và học online

Ở cuối dãy nhà là một ông cụ quắc thước, khỏe mạnh, cho biết bà xã đi làm còn ông phải ở nhà trông con. Con trai ông, một chàng thanh niên dong dỏng cao cứ cười cười, nhìn một lúc biết vì sao lớn tuổi vậy mà ông phải ở cạnh trông chừng. Sao tình cờ éo le vậy, hai người già phải trông và chăm hai đứa con đều tâm thần. Nhìn ánh mắt âu yếm của ông cụ, không khác ánh mắt hãnh diện của bà ngoại khi nói về đứa cháu, tôi thấy thương họ quá. Họ rất kiên nhẫn làm nơi nương tựa cho những đứa con không may mắn. Có những gia đình Việt Nam, con cái đi làm ăn xa hay bệnh tật, người già phải chống chịu bao giông bão dập vùi, gánh còng lưng xiết bao khổ nhọc cho đến hết cuộc đời. Nên nếu rủi phải ra đi vì một cơn dịch, họ còn nặng lòng bao nhiêu, đau xót cho con cháu bao nhiêu…

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

This entry was posted in Đại dịch Covid-19. Bookmark the permalink.