Nhiều thủ tục pháp lý phức tạp để đưa ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' về Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi đàm phán thành công để "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", Việt Nam và đại diện bên Pháp còn phải tuân thủ quy trình và các thủ tục pháp lý phức tạp, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.

Thành công hồi hương ấn vàng

Chiều 14/11, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hoà Pháp.

Trao đổi với Tiền Phong sau khi kết quả thương lượng được công bố, ông Nguyễn Phước Bửu Nam - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam - cho biết Hội đồng rất vui mừng khi đóng góp một phần nhỏ vào quá trình hồi hương ấn vàng triều Nguyễn.

"Cụ thể, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã gửi bốn bức thư kiến nghị tới hãng đấu giá Millon (Pháp) - đơn vị lưu giữ ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Sau đó, chúng tôi tiếp tục gửi thư tới Tổng thống Pháp đề nghị can thiệp nhằm hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật triều Nguyễn", ông Nguyễn Phước Bửu Nam cho hay.

Nhiều thủ tục pháp lý phức tạp để đưa ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' về Việt Nam ảnh 1

Đoàn công tác tại Pháp do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dẫn đầu. Ảnh: BỘ VHTTDL.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán với nhà đấu giá Millon, Việt Nam bước đầu thành công trong việc hai lần tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo, tiến tới thương lượng trực tiếp. Theo ông Bửu Nam, từng bước thương lượng, đàm phán diễn ra căng thẳng, có những phút "dầu sôi lửa bỏng".

Ông Nguyễn Phước Bửu Nam khẳng định với Tiền Phong rằng Hội đồng Nguyễn Phúc tộc vui mừng khi quá trình hồi hương cổ vật nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. "Trong tất cả chiếc ấn triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo có giá trị lịch sử rất quan trọng. Nếu chiếc ấn qua tay nhiều người, bị đem ra sử dụng bừa bãi hoặc đóng dấu tùy tiện vào các văn bản nước ngoài thì hậu quả để lại sẽ nghiêm trọng", ông Bửu Nam nêu ý kiến.

Ngoại giao văn hóa đúng đắn

Khi nhận tin nhà đấu giá Pháp rao bán ấn vàng Hoàng đế chi bảo, Bộ VHTTDL nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VHTTDL cùng với các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan nỗ lực và khẩn trương tìm kiếm giải pháp “hồi hương” ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Xác định giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa, Bộ VHTTDL xin ý kiến của Chính phủ và chủ trì cùng các bộ, ngành xây dựng phương án hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.

Nhiều thủ tục pháp lý phức tạp để đưa ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' về Việt Nam ảnh 2
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo“. Ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA.

TS. Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế cho rằng sau khi đàm phán, các thủ tục pháp lý còn khá phức tạp. Tuy nhiên, việc đàm phán thành công là tin rất mừng, bởi Việt Nam có thể hồi hương ấn vàng mà không qua đấu giá.

TS. Trần Đức Anh Sơn cho Tiền Phong biết anh là một trong những người đầu tiên nhận được thông tin hãng Millon đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo thời vua Minh Mạng vào danh mục đấu giá, thông qua một người bạn ở Pháp.

Giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo thông qua con đường ngoại giao văn hóa là đúng đắn, kịp thời. "Thực chất, đây không phải là vụ đánh cắp cổ vật. Ấn Hoàng đế chi bảo thất lạc và tới năm 1952 rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953", nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế nhấn mạnh.

Vì vậy, TS. Trần Đức Anh Sơn khẳng định ngoài giải pháp đàm phán, ngoại giao văn hóa, những kịch bản khác như kiện tụng, đưa ra tòa án quốc tế đều sẽ bất khả thi.

Lai lịch của Hoàng đế chi bảo: Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị vua Bảo Đại chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng Hoàng đế chi bảo cùng thanh bảo kiếm để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn và kiếm, cho tới năm 1952, hai cổ vật này rơi vào tay người Pháp.

Đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Sau khi ông Bảo Đại mất năm 1997, chiếc ấn do người vợ cất giữ cho tới khi bà qua đời năm 2021.

MỚI - NÓNG