Nhiều trẻ em Việt Nam bị đưa lậu vào Anh mất tích

Child trafficking

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo số liệu gần đây của Tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân buôn người (ECPAT UKĐ và tổ chức Người mất tích Mising People, số trẻ em bị đưa lậu và trẻ em không có người bảo lãnh bị mất tích tại các khu nuôi dưỡng ở Anh đang "tăng lên một cách báo động".

Việt Nam là một trong số các quốc gia có số trẻ em bị đưa lậu mất tích lớn nhất tại Anh.

Hai tổ chức này yêu cầu chính phủ Anh và cấp chính quyền địa phương Anh xem xét lại hệ thống bảo vệ trẻ em.

Đại diện của Hội chính quyền địa phương cho biết các hội đồng quận đã "làm tất cả những gì có thể" để phát hiện và hỗ trợ trẻ em có nguy cơ mất tích cao, nhưng các ủy ban địa phương đều chịu sức ép ngân sách ngày càng lớn.

Thực trạng trẻ em Việt đưa lậu vào Anh bị mất tích

Bà Chloe Setter, từ tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân buôn người ECPAT UK, trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại:

BBC: Xin bà cho biết những con số mà tổ chức ECPAT mới thu được liên quan đến trẻ em Việt Nam bị đưa lậu vào Anh và đã mất tích?

"Theo báo cáo mới của chúng tôi, khoảng 28% trẻ em bị đưa lậu vào Anh bị mất tích ít nhất một lần từ tháng 10/2014 đến 9/2015. Hơn 200 trẻ em bị đưa lậu và trẻ em không có người bảo lãnh bị mất tích chưa được tìm thấy. Đáng tiếc là chỉ có 10 trong số hơn 200 địa phương chúng tôi gặp có thông tin về quốc tịch các em bị mất tích. Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong số các nước có trẻ em bị mất tích tại Anh. Nguy cơ bị mất tích của các em từ Việt Nam là khá cao, nhưng điều chúng tôi thấy là trên thực tế cảnh sát và những người làm công tác xã hội Anh chưa hiểu hết nguy cơ này.

BBC: Vì sao trẻ em bị đưa lậu vào Anh có nguy cơ bị mất tích cao?

Khó mà trả lời câu hỏi này. Chúng tôi biết là có nhiều băng đảng tội phạm Việt Nam đưa lậu trẻ em sang Anh bằng nhiều con đường. Thường thì các em bị buộc tham gia trồng cần sa, khai thác tình dục hoặc lao động nặng nhọc. Một số em nói với chúng tôi là các băng đảng này khủng bố tinh thần các em, và dọa là các em nợ chúng tiền vì chúng đưa các em sang Anh. Các em bị ràng buộc với những kẻ buôn người bằng nợ nần.

Lý do các em chạy trốn khỏi những gia đình cưu mang không phải vì các em không thích những gia đình này. Nhiều khi các em rất quý họ nhưng các em trốn để quay trở lại với những kẻ buôn người vì sợ chúng và lo lắng về các khoản nợ. Cac băng đảng này dùng trẻ em vì chúng dễ điều khiển các em hơn người lớn.

BBC: Vậy các cơ quan đã làm gì để tìm các trẻ em này?

Chúng tôi đã nói chuyện với cảnh sát, chính quyền địa phương, lực lượng biên giới và rất tiếc là họ chưa làm gì nhiều để giúp các em. Nhiều khi những dấu hiệu cho thấy các em có nguy cơ bỏ đi bị phát hiện qua muộn. Khó mà đưa ra các biện pháp nếu chúng ta không hiểu các rủi ro mà các em phải đối mặt. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề phải cân bằng.

Phần lớn các trường hợp là các em ở độ tuổi thiếu niên và vị thành niên. Chúng ta không thể nhốt các em trong nhà hay ngăn không cho các em ra ngoài. Việc chăm sóc những trẻ em này là phức tạp và những người nhận chăm sóc các em cần được sự đào tạo đặc biệt. Nhiều em đã trải qua một chặng đường đầy biến cố đế sang Anh, lại xa gia đình và không có mạng lưới trợ giúp. Vì vậy chúng tôi đang vận động đào tạo tốt hơn cho những người làm việc với các em.

BBC: Các chính quyền địa phương Anh đang chịu nhiều sức ép hơn vì ngày càng có nhiều trẻ em tỵ nạn đến địa bàn của họ mà họ cần phải chăm sóc. Vậy điều này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến sự hỗ trợ cho các trẻ em bị đưa lậu sang từ Việt Nam?

Chúng tôi lo ngại vì việc cắt giảm ngân sách ở các chính quyền địa phương làm ảnh hưởng đến các trẻ em cần được trợ giúp. Chúng ta cần đảm bảo cho các trẻ em bất kỳ quốc tịch nào đều được tiếp nhận các dịch vụ cần thiết.

BBC: Gần đây đã có nhiều tranh cãi về yêu cầu xác định độ tuổi và mức độ tổn thương của trẻ em tỵ nạn trước khi các em nhận được sự trợ giúp. Chị nghĩ gì về vấn đề này?

Chúng tôi rất bất bình về việc báo chí đưa tin về độ tuổi các em xin tỵ nạn từ trại Calais. Xác định tuổi là quan trọng nhưng việc này nhiều khi làm người ta không tập trung vào vấn đề chính là các em dễ bị tổn thương đến mức nào. Tuổi là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải tạo được một văn hóa lòng tin - người lớn lắng nghe và các em nói thật về tuổi. Luật cũng quy định chúng ta phải tin lời các em nếu không có cách nào để xác định chính xác tuổi.

Cụ thể với trẻ em Việt Nam cũng như các quốc tịch khác, chúng tôi được biết nhiều trường hợp các em vào Anh với hộ chiếu người lớn giả vì người lớn có thể di chuyển tự do hơn. Người lớn cũng ít bị soi xét kỹ hơn và có rất nhiều trường hợp trẻ em Việt Nam khai tuổi cao hơn tuổi thật của mình. Việc trợ giúp và bảo vệ các em phải được ưu tiên trên hết.

Anh Quốc muốn ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em

Nguồn hình ảnh, BBC World Service

Chụp lại hình ảnh, Anh Quốc muốn ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em

Trách nhiệm thuộc về ai?

Bà Susannah Drury, từ tổ chức Người Mất tích Missing People cho biết trẻ em bị đưa lậu và trẻ em không được bảo lãnh là những người "đặc biệt dễ bị tổn thương và cần được sự bảo vệ nhiều hơn".

Bà nói điều cốt yếu là khi những trẻ em này bị báo cáo là mất tích, các em phải được "cảnh sát và các cơ quan khác xử lý như những đối tượng có nguy cơ cao. Việc tìm các em và đảm bảo an toàn cho các em phải được ưu tiên trên việc xác minh về tình trạng nhập cảnh và hoạt động tội phạm".

Trong khi đó, người phát ngôn của Hội chính quyền địa phương cho biết: "Với nhu cầu cho dịch vụ chăm sóc ngày càng lớn, cho trẻ em ở Anh cũng như hàng trăm trẻ em sắp vào Anh trong những tuần tới sau khi trại tỵ nạn ở Calais được dỡ bỏ. Các hội đồng quận bày tỏ lo ngại về nguồn tiền được cấp, và hệ thống tiếp tục chịu sức ép rất lớn."

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết bộ "đã thắt chặt" các luật lệ về các khu nuôi dưỡng trẻ em và chính quyền địa phương "có nhiệm vụ cho chúng tôi biết tất cả các trường hợp trẻ em bị mất tích".

"Chúng tôi biết là các em bị đưa lậu và xin tỵ nạn mà không có người lớn đi cùng là đặc biệt dễ bị mất tích."

"Vì vậy chúng tôi đã có những lớp đào tạo chuyên môn cho những người chăm sóc các em này, với cam kết có một người đại diện bảo vệ quyền lợi của các em ở mỗi vùng và đưa ra một kế hoạch rõ ràng để xây dựng một chiến dịch chính phủ mới để tính đến những nhu cầu đặc biệt của các em, kể cả việc xét lại chỗ ở cho các em".