Những chuyện ít biết về "bạo chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn

Thứ Bảy, 19/01/2013, 22:30

Ngô Đình Cẩn (1910 - 1964), là người con thứ 8 trong gia đình có 9 anh chị em (6 trai, 3 gái) của quan thượng thư triều Nguyễn, Micae Ngô Đình Khả và bà Anna Phạm Thị Thân. Cuối năm 1955, khi người anh thứ 4 trong gia đình là Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại một cách "hợp pháp" để trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thì ở miền Trung Việt Nam, Ngô Đình Cẩn bắt đầu tác oai tác quái.

Với bản tính thâm độc, tàn bạo và vô luân, với chức danh "Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể cách mạng trong nước và hải ngoại" được ông anh Tổng thống bổ nhiệm, Ngô Đình Cẩn đã gieo rắc vô vàn nỗi tang thương cho những người yêu nước và nhân dân vô tội ở miền Trung và cao nguyên Trung phần. Người đời gọi Cẩn là "bạo chúa miền Trung", tội lỗi của Cẩn và gia đình họ Ngô trong 9 năm cầm quyền ở miền Nam Việt Nam đã được nhiều sách, báo ở trong và ngoài nước ghi lại.

Với loạt bài viết nhỏ này, chúng tôi hy vọng sẽ thêm một lần nữa khắc họa một cách tường tận những câu chuyện còn ít người biết đến xung quanh cuộc đời của Ngô Đình Cẩn, một nhân vật chính trị đặc biệt gian ác trong một giai đoạn lịch sử phức tạp đã qua…

BÀI I: LAI LỊCH CỦA MỘT GIA ĐÌNH

Theo sổ Rửa tội lưu ở Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam - Huế thì Ngô Đình Cẩn sinh ngày 1/11/1910, tại họ đạo Phủ Cam và có tên Thánh là Jean Baptiste. Dòng tộc Ngô Đình của Cẩn vốn có gốc gác xa xưa ở miệt Sơn Tây, sau những đợt Nam tiến mà di dân vào sinh cơ lập nghiệp ở Châu Bố Chính, trú tại làng Xuân Dục (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Trải qua một thời gian dài, dòng tộc này chia cành, rẽ nhánh. Phái trưởng của dòng tộc do nặng chuyện thờ cúng tổ tiên nên trụ lại với mảnh đất mà tổ tiên khai nghiệp. Chi thứ vì cuộc sống mưu sinh mà theo thuyền đánh cá dọc dòng sông Kiến Giang rồi cuối cùng nhập cư vào làng An Xá, tổng Đại Phong, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Theo tài liệu của Nhà văn, Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu (hiện đang sống và công tác tại Huế) thì vào giữa thế kỷ thứ XIX, dưới triều Vua Tự Đức, cụ nội tổ của Ngô Đình Cẩn là Giacôbê Ngô Đình Niêm được thăng một chức quan coi kho thuộc Sở Võ khố tại Kinh đô Huế. Sau khi đến Huế nhậm chức được một thời gian ngắn, ông Niêm lập gia thất với bà Ursula Khoa, là một người đàn bà theo Thiên Chúa giáo, thuộc họ đạo của làng Phường Đúc - Huế. Sống ở Huế được một thời gian không lâu, vì hoàn cảnh và điều kiện công việc, ông Niêm đành phải đưa gia đình quay trở lại định cư ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại ngôi làng này, bà Ursula Khoa đã lần lượt sinh hạ 3 người con theo thứ tự là: Ngô Đình Khả, Ngô Đình Miều và Ngô Đình Dung.

Thân sinh của Ngô Đình Cẩn là ông Micae Ngô Đình Khả, sinh năm 1857 tại làng Đại Phong. Lúc còn nhỏ, ông Khả được thân phụ của mình gửi đi giúp lễ cho một vị linh mục người Pháp ở họ đạo Mỹ Duyệt Hạ, thuộc tổng Thạch Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Qua tiếp xúc, vị linh mục này nhìn thấy ở con người Ngô Đình Khả sớm bộc lộ tư chất thông minh, nên đã đứng ra để  bảo trợ cho Ngô Đình Khả được sớm vào học tại Tiểu Chủng viện An Ninh, xứ Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Sau một thời gian 8 năm theo học tại Chủng viện, nhờ vào thành tích học tập xuất sắc hơn tất thảy chúng bạn cùng lứa nên Ngô Đình Khả rất được Giám mục Caspar (tên Việt là Lộc) đặc biệt chú ý.

Chính vì vậy mà khi có điều kiện, vị Giám mục người Pháp này đã đưa Ngô Đình Khả đến tiếp tục học tập, nghiên cứu về Triết học và Thần học tại Tu viện Pé Nang (Malaysia) với mục đích sau này ông Khả sẽ trở thành một linh mục. Ông Khả theo học tại Tu viện Pé Nang 8 năm, từ 1870 đến 1878, cùng khóa học này còn có ông Nguyễn Hữu Bài, sinh năm 1863, quê ở làng Cao Xá, tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1908, ông Bài được phong chức Thượng thư Bộ Công và là người phản đối quyết liệt với Khâm sứ Pháp Mahé, khi ông này đòi đào vàng bạc châu báu trong khu lăng mộ của Vua Tự Đức (đương thời dân gian có câu: "Phế Vua không Khả, đào mả không Bài" là vậy). Năm 1923, ông Bài được phong Thái phó, Võ hiển điện Đại học sĩ, Cơ mật viện trưởng đại thần. Sau đó ông được giữ chức Thượng thư Bộ Lại. Năm 1933, Vua Bảo Đại muốn cải cách triều đình nên đã cách chức một lúc 5 thượng thư các bộ: Lại, Hình, Binh, Lễ, Công vốn chỉ thông Nho học, để nhường chỗ cho những người thông thạo học vấn phương Tây. Nguyễn Hữu Bài trong số những người bị bãi chức đó.

Những người con của ông Khả.

Sau một chặng đường dài tu học tại Malaysia, Ngô Đình Khả cảm thấy rằng bản thân mình "Không thấy có ơn Chúa gọi đi làm linh mục", nên đã quyết định dứt áo nhà tu để tìm đường trở về quê hương Việt Nam sống một cuộc đời bình thường của một giáo dân Tây học ngay trên mảnh đất quê nhà ở làng Đại Phong, khi đó ông Khả mới tròn 21 tuổi.

Vào thời điểm Trung Kỳ bị "bảo hộ", những người Pháp đến làm việc tại Trung Kỳ rất cần những người Việt Nam biết ngoại ngữ để tuyển vào làm thông ngôn. Ông Khả là người vừa giỏi chữ Hán, rành tiếng Pháp và chữ Latinh, hơn nữa ông Khả là người đã từng được đào tạo một cách rất bài bản ở Tu viện Pé Nang, vì vậy mà ông rất được các linh mục người Pháp để ý đến. Khi nhà cầm quyền có nhu cầu tuyển dụng, ông Khả đã được một vị linh mục người Pháp tiến cử trên phương diện là một ứng viên ưu tiên.

Sau khi được chọn, ngày 8/9/1888, sau khi Pierre Rheinart được cử làm Khâm sứ tại Huế, ông này đã cử ông Khả làm Chánh phòng thông sự tại Tòa Khâm sứ Huế cùng với một số người Nam Kỳ từng Tây học được tuyển ra Huế làm việc như các ông: Diệp Văn Cương, Trần Văn Thông, Bùi Quang Chiêu…

Khi vào Huế, ngoài công việc ở Tòa khâm sứ Huế. Người Pháp còn ưu ái mời ông Khả dạy tiếng Pháp cho Trường "Đại Pháp tự thoại học đường". Đây là một ngôi trường do người Pháp lập ra ở Huế vào tháng 4/1887, với mục đích đào tạo người bản xứ làm phiên dịch cho việc giao thiệp giữa người Pháp với người Việt, cho con em của quan lại, binh lính và dân chúng được đóng tiền vào học. Cứ vào dịp cuối năm, Cơ mật viện sẽ tổ chức Hội đồng sát hạch một lần, những người biết tiếng Pháp được sung vào làm Hành nhân, chiếu cấp lương cho vào học tập theo lệ học việc. Ngôi trường này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, do ông Diệp Văn Cương nắm vai trò Chưởng giáo (hiệu trưởng), ông Nguyễn Hữu Mẫn làm trợ giáo.

Về sau này, do những yếu tố cần thiết mang màu sắc chính trị của việc phải dùng người bản xứ, sau một thời gian trực tiếp làm công việc thông ngôn cho người Pháp ở Tòa khâm sứ Huế. Ông Khả được nhà cầm quyền Pháp điều chuyển sang ngạch Nam triều theo hệ thống quan giai của nhà Nguyễn. Ông Khả làm việc ở Cơ mật viện với hàm Hồng Lô Tự Khanh, là một chức quan ngang với Chánh tứ phẩm. Nhờ công lao đã "cống hiến" cho cả người Pháp lẫn triều Nguyễn nên dần dần ông Khả đã leo đến phẩm hàm Thượng thư nắm giữ Bộ Lễ.

Ông Khả có 2 đời vợ, theo sổ bộ hôn phối của Giáo xứ Phủ Cam do linh mục Eugêne Allys (sau này làm giám mục gọi là Đức cha Lý) thiết lập năm 1887, tờ 27, số thứ tự 55, thì ông Khả lấy bà Mađalêna Chĩu, con gái của Micae Quê và Agnatia Quy, ở họ đạo Phủ Cam. Nhưng bà Chĩu chưa kịp sinh con với ông Khả thì ốm đau, lâm bệnh rồi mất sớm. Tháng 3/1889, ông Khả tục huyền với bà Anna Phạm Thị Thân (bà Thân sinh năm 1872, trên bia mộ của bà Thân hiện đặt tại khu B, nghĩa trang Lái Thiêu thì bà có tên thánh là Luxia.

Theo nhiều giáo dân sống ở Phủ Cam - Huế thì có thể tên thánh đầy đủ của bà Thân là Anna Luxia Phạm Thị Thân), con gái ông Phaolô Huyên và bà Anna Bùi người làng Vân Dương, tổng An Cựu (nay là thôn Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Vợ chồng ông Khả bà Thân sinh được 9 người con (6 trai, 3 gái) thứ tự gồm: Ngô Đình Khôi (1893-1945); Ngô Thị Giao (1894 - 1946); Ngô Đình Thục (1897- 1984); Ngô Đình Diệm (1901-1963); Ngô Đình Thị Hiệp (1903-2005); Ngô Đình Thị Hoàng (1904-1959); Ngô Đình Nhu (1907-1963); Ngô Đình Cẩn (1910 - 1964) và Ngô Đình Luyện (1914-1990).

Ông Khả là một tín đồ Thiên chúa giáo thuần thành, một Thị vệ Nhất đẳng đại thần dưới triều vua Thành Thái. Ông Khả là một người rất có công trong việc vận động chính quyền đương thời ở Huế thành lập nên Trường Quốc học Huế và là vị Chưởng giáo kiêm Quản giáo môn tiếng Pháp đầu tiên của trường này trong giai đoạn 1896-1902. Bên cạnh đó, ông Khả còn là một nhân vật rất tích cực trong việc vận động cho ra đời Trường Dòng tư thục Fellerin Huế mà sau này người ta gọi đó là Trường Dòng Bình Linh.

Khi đang đương chức Thị vệ đại thần, ông Khả đã rất nổi tiếng với vụ án công khai phản đối kịch liệt viên Khâm sứ Trung Kỳ Favin Lévêque ép bức Vua Thành Thái thoái vị bằng việc không chịu ký vào tờ biểu do thực dân Pháp bày ra để phế truất và lưu đày nhà vua đi biệt xứ. Lúc đó, ở Huế đi đâu cũng nghe người ta nói câu "Phế vua không Khả" hay "Đày vua không Khả" là ý của các sĩ phu tiến bộ đương thời muốn ngợi khen hành động chống lại người Pháp của ông Khả.

Giá như, câu chuyện cuộc đời chỉ dừng lại ở đó thì chắc chắn rằng những gì ông Khả đã đóng góp cho văn hóa sẽ được người đời sau nhắc nhớ. Thế nhưng, vào thời buổi đó, ông Khả đã có những việc làm khuất tất, đó là việc ông xin khu đất bỏ hoang trên nền cũ của chùa Linh Hựu trong Kinh thành để ông làm nhà từ đường gia tộc. Nhưng khi có đất rồi, ông Khả đã không làm nhà từ đường gia tộc họ Ngô như đã xin mà ông Khả đã tự ý xây dựng một nhà thờ đạo Thiên Chúa ngay sát nách với đồn Mang Cá.

Việc làm này của ông Khả đã bị cả quyền Khâm sứ Huế lúc bấy giờ là Mooliê và các đại thần triều đình Huế phản đối kịch liệt. Vì vậy, ngày 26/11/1907, các vị Phụ chánh đại thần mới dâng tấu lên vua xin trị tội Ngô Đình Khả về tội bề tôi "Không được làm mà vẫn làm". Chính vì việc làm khuất tất nói trên mà ông Khả đã bị triều đình bãi quan, hạ xuống ba cấp, đuổi thẳng về vườn. Phải mấy năm sau, khi tình hình đã tạm ổn, Vua Duy Tân mới sai người "xét lại công trạng" và đã cho khôi phục lại hàm của cựu Nhất đẳng Thị vệ đại thần Ngô Đình Khả. Mặc dù đã được khôi phục nguyên hàm nhưng ông Khả cũng vẫn phải ngồi ở nhà nghỉ hưu.

Trong ngôi nhà ba gian, hai chái với khu vườn rộng mà ông Khả đã tạo lập được từ khi còn làm thông ngôn cho Tòa khâm sứ Huế, ở họ đạo của thôn Phước Quả, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên (nay thuộc địa bàn khu vực 5, phường Phước Vĩnh, Tp. Huế), ông quan đại thần bị thất sủng với ngổn ngang thế sự tủi buồn đã sớm mang tâm bệnh, rồi qua đời ở tuổi 66, vào ngày 18/2/1923. Lăng mộ của ông được an táng ở sườn đồi phía sau, bên phải, cách nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam vài trăm mét.

Nhiều giáo dân cao niên sinh sống quanh nhà thờ Phủ Cam kể lại rằng: Trong cơn mưa gió vần vũ đêm 12/6/1963, khu lăng mộ của cựu Nhất đẳng Thị vệ đại thần Ngô Đình Khả đã bị một luồng sét đánh xuống mà cho đến ngày nay vẫn còn một đường nứt khá lớn ở bên trên…   

(Còn nữa)

Phan Bùi Bảo Thy
.
.