BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

9552. Những khó khăn của phong trào dân chủ ở VN

Posted by adminbasam trên 13/08/2016

FB Trịnh Hoàng Phi

12-8-2016

Hàng chục ngàn người dân Nam Hàn xuống đường nhân một đám tháng hồi tna8m 1987.

Hàng chục ngàn người dân Nam Hàn xuống trong cuộc nổi dậy hồi tháng 6 năm 1987. Nguồn: Reuters.

Vài tháng trước, mình viết một bài về sự cần thiết của dân chủ đối với sự phát triển của VN – một điều không mới – và sự chưa sẵn sàng của xã hội VN đối với một mô hình như thế – một điều ai đã tham gia lâu vào chủ đề này ít nhiều cũng sẽ nhận ra. Guồng quay của lịch sử có thể không phụ thuộc vào quyết định của chúng ta, đến một lúc nào đó sự thay đổi về tình trạng kinh tế sẽ dẫn đến sự thay đổi thể chế chính trị (mặc dù sức ỳ chính trị của một xã hội có thể đẩy lùi tiến trình này lại rất lâu dài, hay nói cách khác, ảnh hưởng của quyết định luận kinh tế phải chia sẻ với ảnh hưởng của quyết định luận văn hóa).

Vai trò của những người đấu tranh, và tầng lớp trí thức, có hai việc. Một là gắng hết sức mình để tạo ra một môi trường mà khi một sự thay đổi thực sự diễn ra, khi VN đón nhận một thể chế chính trị mới, xã hội VN sẽ sẵn sàng để đón nhận nó, cả về tư duy lẫn tiềm lực. Hai là phải đẩy nhanh tiến trình lịch sử càng sớm càng tốt, vì mỗi ngày đất nước còn chưa ở vào đúng vị trí để phát huy hết tiềm lực của mình là mỗi ngày chúng ta tụt hậu so với thế giới. Trên con đường đó, sẽ có rất nhiều bài toán cần phải giải quyết; ở mỗi bước ngoặt sẽ là một song đề đòi hỏi sự tính toán, lựa chọn kĩ càng, bởi vì mỗi lựa chọn sai lầm đều có thể dẫn đến một mô hình dân chủ méo mó sau này. Bước đầu tiên để giải quyết khó khăn là nhận ra được khó khăn. Bài viết này được giành để chỉ ra những thử thách đó, mặc dù bản thân người viết cũng chưa tìm được ra lời giải.

Những ý tưởng trong bài đều không mới. Ít nhiều chúng đã được nhắc tới trong các tác phẩm của Gene Sharp (nổi bật nhất là cuốn cẩm nang Từ Độc tài đến Dân chủ, nhưng mình chỉ mới nhìn qua phần phụ lục), và qua các tác phẩm của các thế hệ những người Marxist và các nhà hoạt động xã hội đi trước. Dù vậy, chiến lược đấu tranh đòi hỏi sự linh hoạt và sát địa bàn trong lí luận phương thức hành động, và sự giống và khác nhau giữa những phong trào đi trước ở các nước khác so với VN cần phải được chỉ ra, để tiếp thu những cái tốt và tránh khỏi những vết xe đổ (vốn rất rất nhiều). Bài viết sẽ sử dụng một số case study của các phong trào bất bạo động nổi bật, nhất là phong trào của Martin Luther King và Mahatma Gandhi.

Nhưng một điều cần lưu ý là tình trạng ở VN khác rất xa tình trạng xã hội ở Ấn Độ và Hoa Kì trong quá khứ. Hai trăm triệu người Ấn Độ phải đối mặt với một nhúm người thực dân ở một đảo quốc cách xa đó hàng vạn dặm, sự độc lập của họ bị giam giữ bởi không phải ai khác ngoài chính họ (Tolstoy, 1908). Những người da đen ở miền Nam phải đối mặt với kì thị xã hội và một hệ thống tư pháp dung dưỡng sự kì thì đó, nhưng dù sao thì họ vẫn sống trong một nền dân chủ hoàn thiện, trong đó họ hoàn toàn có thể thay đổi luật pháp một cách chính danh. Ở VN, nơi mà pháp quyền không tồn tại, đó là một câu chuyện khác.

1. Một nhận thức đúng về phong trào

Mọi cuộc cách mạng xã hội, bất kể dưới hình thức nào, đều không đi theo một con đường thẳng. Chúng là một quá trình phá vỡ thế quân bình xã hội cũ (social eliquibrium), và thay vào đó một thế quân bình mới, với những mâu thuẫn mới, nhưng bản thân xã hội sẽ đạt được một mức phát triển cao hơn. Mọi cuộc cách mạng và phong trào xã hội cần một chiến lược hoạt động, nhưng mọi chiến lược đều buộc phải gây ra thất vọng. Cách mạng Pháp khởi đầu với nhà ngục Bastille bị tấn công và Ancien Régime bị lật đổ, nhưng lại kết thúc với Robespirre và triều đại kinh hoàng (Reign of Terror) của ông ta. Tuyên ngôn giải phóng Nô lệ của Abraham Lincoln đặt chế độ nô lệ ra ngoài vòng pháp luật, đem lại tự do cho hàng triệu người da màu, nhưng lại không thúc đẩy được quyền bình đẳng giữa người da màu và da trắng, để đến 100 năm sau người da màu lại xuống đường tiến về Washington, dưới sự dẫn dắt của Martin L. King, đòi quyền lợi một lần nữa.

Nói cách khác, do lỗi con người, do trở lực của những thế lực bảo thủ vốn sẽ nảy sinh một cách tự nhiên mỗi khi có một thế lực muốn thay đổi trỗi dậy (Pareto, 1935), kịch bản hậu cách mạng có thể không diễn ra như những nhà cách mạng dự tính, hoặc thay đổi có thể đến quá chậm nó làm nản lòng những người ủng hộ phong trào và tăng uy tín cho những kẻ phản đối.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải đặt ra một mục tiêu thực dụng, tương ứng với tiềm lực của phong trào, đồng thời chuẩn bị một tập thái độ phù hợp với những sai lệch chắc chắn sẽ xảy ra so với kịch bản. Chỉ bằng đó thì con đường hậu cách mạng mới ít gặp sóng gió.

Một vấn đề khác liên quan đến sự kiên nhẫn của chúng ta và tính cấp bách của thời sự. Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để xây dựng một đấu tranh lâu dài, tiêu hao, giành lấy những mục tiêu nhỏ để tích lũy thành cái lợi lớn hay chúng ta sẽ đánh một đòn tổng lực, giành lấy chiến thắng quyết định không thì hy sinh trong cố gắng? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cái môi trường mà phong trào đang hoạt động – xã hội VN – và sự khó đoán định của chính trị đương thời. Theo như Freedman (2015), phong trào độc lập của Gandhi không đẩy được người Anh ra khỏi tiểu lục địa, mà chỉ giúp gia cố thêm tư tưởng rằng vùng đất đó quá rộng lớn và quá đông dân để họ có thể cai trị. Không có sức ép từ sự tàn phá của Thế chiến thứ 2 cái tư tưởng đó sẽ còn ít sức nặng hơn nữa. Ở VN, căng thẳng giữa người dân và chính quyền luôn hiện hữu, nhưng chưa bao giờ đủ cao đến mức có thể tạo ra thay đổi. Nó luôn luôn cần một sự kiện nào đó, như cá chết, TQ khoan dầu ở Biển Đông, quan chức nào đó bị phát hiện tham nhũng,… để châm ngòi và tiếp nhiên liệu cho đám đông. Không có sức ép từ trước những sự việc như vậy sẽ dễ dàng bị bỏ qua. Nhưng không có những sự kiện như vậy sức ép sẽ không bao giờ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng.

2. Sự lựa chọn về phương thức chiến lược

Xã hội VN vốn không phải là một xã hội hiếu chiến. Lịch sử VN rất hiếm có cuộc nổi dậy của nông dân nào chống lại triều đình, trừ những cuộc nổi dậy của các bộ tộc ít người ở vùng cao. Dân VN dù trải qua rất nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm nhưng vẫn là một dân tộc thuần nông, ít có tham vọng phiêu lưu đến những vùng đất khác. Sự mở rộng lãnh thổ phần lớn là nhờ bang giao và di cư hơn là chinh phạt. Phương thức sản xuất tự cung tự cấp, ít đòi hỏi việc giao thương, tổ chức hành chính địa phương kiểu làng xã và thứ văn hóa nó sản sinh, đều đóng góp vào đặc điểm chung này, nhưng điểm mấu chốt vẫn là tính cách người Việt nói chung ngại xung đột, tranh chấp – vì cái lợi của tập thể thì lại càng không.

Trừ phi có một sự thay đổi đột ngột đến xã hội VN, như là một cuộc chiến tranh với TQ, khiến cho dân chúng trở nên quân phiệt, hiếu chiến, khó có thể tưởng tượng được rằng con đường để thay đổi thể chế chính trị ở VN sẽ là con đường nào khác ngoài đấu tranh bất bạo động.

Con đường đấu tranh bằng bạo động, như là cách tổ chức Black Panthers đấu tranh cho quyền bình đẳng chủng tộc ở Mĩ, hay như là IRA đấu tranh giành độc lập cho Ireland vào những năm 1910s là một ngõ cụt. Không những nó là một chiến lược tồi tề, lấy thế yếu của phong trào đối đầu với thế mạnh của chính quyền, nó còn đặt ra một điềm báo tồi tệ. Giả sử phong trào thành công bằng con đường xung đột vũ trang, mô hình tổ chức chặt chẽ, tập quyền, phân chia thứ bậc cần có của một tổ chức quân sự có thể hủy hoại tinh thần dân chủ của phong trào. Những thành phần không tham gia, không đóng góp vào cuộc đấu tranh sẽ nghiễm nhiên trở nên không quan trọng, không có tiếng nói, trong khi những người “có công” nghiễm nhiên trở thành giai cấp nắm đặc quyền. Phương thức hoạt động của một tổ chức quân sự trong đó mệnh lệnh được phát đi từ trên xuống dưới cũng không phù hợp với một xã hội dân chủ vốn dựa trên sự đồng thuận của số đông để ra những quyết định tập thể.

Lựa chọn đấu tranh còn lại duy nhất là phương thức bất bạo động, nhưng bản thân nó cũng đặt ra rất nhiều song đề cần được hóa giải.

3. Đấu tranh bất bạo động

Đấu tranh bất bạo động là phương pháp hiện thực hóa các mục tiêu chính trị, chủ yếu là các thay đổi xã hội, qua các hoạt động như biểu tình, đình công, bất tuân dân sự, bất hợp tác chính trị,… hay các phương pháp khác mà không cần sử dụng đến bạo lực. Phương thức này được xây dựng từ trên lí thuyết của Henry David Thoreau, Leo Tolstoy, Gene Sharp và John Rawls, và qua sự thực hành của Mahatma Gandhi, Martin L. King, Aung San Suu Kyi,… trong cộng đồng của họ. Ngay tại thời điểm này trên thế giới vẫn có rất rất nhiều hoạt động bất bạo động đang diễn ra, như phong trào Black Lives Matter và Pride Parade ở Bắc Mĩ, các cuộc cách mạng vừa nổ ra cách đây vài năm ở Ai Cập, Hồng Kông và Ukraine. Khi các mối căng thẳng xã hội trở nên sâu sắc mà không thể giải quyết được bằng các phương tiện chính trị truyền thống, đấu tranh bất bạo động trở thành một lựa chọn. Bất bạo động có mấu chốt nằm ở chỗ giữ được mặt bằng đạo đức cao hơn kẻ mà chúng ta đối đầu, và dùng sức ép mềm của truyền thông và tuyên truyền, cũng như sức ép “rắn” bóp nghẹt tài chính để đạt được mục tiêu chính trị mong muốn.

Nhưng mặc dù nó đã góp phần giải phóng người Ấn Độ khỏi ách thuộc địa của người Anh, đòi được quyền đối xử bình đẳng cho người da màu ở Mĩ, phương pháp này không hề đảm bảo sự thành công chắc chắn. Rất nhiều phong trào nổ ra nhưng không mang lại kết quả, hoặc kết quả mang lại không như mong đợi. Ở Việt Nam, các cuộc biểu tình chống TQ, chống chính quyền, chống các tập đoàn tư bản nổ ra với tần suất tăng dần trong vài năm trở lại đây. Gần đây nhất là vụ biểu tình “Tôi chọn cá” chống lại một tập đoàn nước ngoài bị nghi là xả thải gây ô nhiễm ra môi trường. Việt Nam có một lực lượng cư dân mạng khổng lồ so với tổng dân số, cộng với tiếng nói của những người biểu tình đã tạo lên một áp lực khá lớn đối với việc ra quyết sách của chính quyền. Nhưng đó là tất cả. Có gì đó vẫn thiếu, vẫn kìm hãm tiềm lực của phong trào, làm cho nó có thanh thế mà không có kết quả.

a) Một yếu điểm của tất cả các phong trào bất bạo động trên thế giới là thời lượng của nó. Có những phong trào với cường độ mạnh mẽ nhưng không duy trì được sức ép liên tục đủ để khiến xã hội thay đổi, như là Cách mạng Ô ở Hồng Kông 2 năm trước. Sự bất tuân dân sự của Gandhi và người Ấn Độ kéo dài hơn 27 năm từ 1920 đến 1947. Civil Rights Movement ở Mĩ bắt đầu từ năm 1951 cho đến tận 1968, được tiếp nối đến tận ngày nay bởi hoạt động của các nhóm thiểu số khác như nữ quyền, đồng tính. Phong trào ở VN, trái lại, có vẻ rất khó để duy trì và kéo dài. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do việc thiếu một cá nhân lãnh đạo. Chúng ta thiếu một lãnh đạo có năng lực để điều hành, chưa kể đến một lãnh đạo tinh thần để hiệu triệu lòng người. Những người tự xưng là đấu tranh cho dân chủ hiện nay không ai có được phẩm chất thu hút được đám đông (charisma) để khiến đám đông phải nghe lời mình nói. Người bình thường không ai biết họ là ai, họ làm gì, họ có năng lực, phẩm chất gì; ngoài những người ở cùng hội với họ. Phần vì có quá nhiều “họ”, quá nhiều anh hùng, mà các anh hùng lại rất thích đấu đá với nhau; phần vì những nỗ lực tự quảng bá bản thân của họ bằng bằng cấp, danh hiệu, bằng những phát ngôn kêu oanh oách hay những câu chửi chính quyền tục tĩu đều không mang lại kết quả, hoặc phản tác dụng. Biểu tình ở VN thì rất nhiều, nhưng hình như chưa có ai chịu bỏ thời gian để viết một bài diễn văn để diễn thuyết trước đám đông, thay vào đó có lẽ họ thích chửi nhau trên mạng hơn.

Một người lãnh đạo phong trào lí tưởng không nhất thiết phải là một vị thánh. Gandhi có rất nhiều bồ nhí và bị đồn thổi là có sở thích tình dục kì dị; Martin L. King trong đời tư là một kẻ nghiện rượu và cẩu thả; Nelson Mandela bị bắt vì các hoạt động khủng bố bạo lực chống lại chính quyền Apartheid. Nhưng ở một chừng mực nào đó mỗi phong trào phải có một chút sự sùng bái cá nhân (the cult of personality). Những lãnh đạo bên trên vẫn xây dựng thành công biểu tượng của mình thành những con người đầy lí tưởng, tận tụy vì mục tiêu đấu tranh và kiên quyết không thỏa hiệp. Phần vì con người ta tin vào điều người muốn tin và một vài bê bối đời tư không đủ để đánh đổ một biểu tượng đã được gây dựng, phần vì những người phụ trợ của họ làm rất tốt việc tuyên truyền: lời lẽ phát ngôn của họ được mài dũa, hành động của họ được bào chữa hoặc giải thích, và họ duy trì được một lượng khán giả nhất định. Để xây dựng được một hiện tượng như thế ở VN vừa dễ vừa khó. Dân VN không có truyền thống mộ đạo, vì vậy một lãnh đạo mới không phải cạnh tranh hình ảnh với một vị thần nào cả, nhưng cũng vì lẽ đó mà việc giữ cho lòng tin của đám đông ở một mức đủ để tạo ra những con sóng xã hội là một điều rất khó khăn. Ông Hồ Chí Minh trước và sau Cách mạng tháng Tám vốn cũng đã bỏ rất nhiều thời lượng hoạt động của mình để xây dựng mình như một nhà yêu nước với đạo đức sáng chói (lấy tên là Nguyễn Ái Quốc – người họ Nguyễn yêu nước, tự viết sách về mình,…) Thời buổi dân trí càng cao và đa nghi những chiêu trò như thế khó mà mang lại tác dụng như khi đất nước còn dưới ách Pháp thuộc.

b) Đấu tranh bất bạo động là một chiến lược, có nghĩa là nó phải dự tính đến phản ứng của đối tượng mà nó định tác động đến. Chính quyền không phải là một đối tượng tĩnh mà chỉ cần có đủ sức ép lên nó nó sẽ tự thay đổi. Phong trào bất bạo động ở VN nếu xảy ra chắc chắn sẽ phải chịu sự phá hoại của các cơ quan chính quyền trước, trong và sau sự kiện cũng như là sức ép phản đối của các thành phần bảo thủ. Nếu họ (chính quyền) dụng vũ lực để chống lại phong trào, đó là điều tốt cho chúng ta. Thời đại hiện nay là thời đại của truyền thông, mỗi hình ảnh bạo lực của chính quyền đều là một công cụ tuyên truyền lợi hại, có khả năng lôi kéo thêm sự bất bình của người dân và phản ứng của quốc tế. Nhưng nếu họ chọn lấy nhu thắng cương, dùng sự trì hoãn để chọc tức đám đông nóng máu, cài cắm người để kích động bạo lực trong phong trào, hay dùng thỏa hiệp để ru ngủ người lãnh đạo, đó là một mối nguy cần phải tỉnh táo để đối phó. Khoảnh khắc phong trào rơi vào một trong các kịch bản đó là khoảng khắc nó bắt đầu lung lay. Đó là lí do chúng ta rất cần một khuôn khổ đạo đức (moral principle) để tự kiềm chế. Không phải ngẫu nhiên mà phong trào của Gandhi và King, và Cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 là những trường hợp kiểu mẫu của đấu tranh bất bạo động.

Người Ấn Độ, những người da đen ở miền Nam nước Mĩ và người Iran theo đạo Hồi đều là những cộng đồng giàu tín ngưỡng, rất mực mộ đạo. Đức tin của họ vào thần linh, hay vào lẽ phải (phương pháp đấu tranh của Mahatma Gandhi được gọi là satyagraha hay là “khăng khăng vào lẽ phải”) giúp họ thực hiện những hoạt động biểu tình mang tính biểu tượng cao như tuyệt thực, tự thiêu,… và giúp họ giữ phẩm giá trước đòn roi đàn áp của chính quyền. Cùng là đấu tranh cho quyền lợi của người da màu, nhưng sau 4 năm đấu tranh bất bạo động không kết quả, Nelson Mandela và đảng ANC của ông ta chuyển sang phương thức khủng bố phá hoại. Ông ta bị bắt, bị kết án phản quốc và cầm tù 33 năm. Sự thiếu một quy chuẩn đạo đức từ tôn giáo có thể một phần nào đó giải thích cho sự khác biệt giữa hai phong trào này. Phần lớn các tôn giáo trên thế giới đều khuyến khích việc lấy thiện thắng ác, lấy nhân từ thắng hung dữ (Phật giáo, tuy nhiên, lại khuyến khích sự án binh bất động, và vì thế, dung dưỡng sự nguyên trạng status quo – một lí do nó rất được ưa chuộng bởi nhà cầm quyền ở VN). Đó là một bản lề tốt cho hoạt động của các nhóm bất bạo động, giữ cho họ không rơi vào trạng thái cực đoan, nhưng cũng không bỏ cuộc giữa chừng, không thỏa hiệp trước bất hạnh. Nhưng người Việt Nam chưa bao giờ là một dân tộc mộ đạo. Trên đất VN có sự xuất hiện của rất nhiều tôn giáo, nhưng không tôn giáo nào có khả năng thay đổi tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Người Việt Nam thích cúng bái, nhưng ít có ai đi sâu vào tìm hiểu giáo lí, hay tự mình sống theo những khuôn khổ gò bó của tôn giáo. Chúng ta khó mà “giơ má bên kia cho kẻ xúc phạm tát nốt” như cách Jesus dạy con chiên được. Bạo lực sẽ rất dễ bị đáp trả bằng bạo lực, hoặc bằng quy hàng.

c) Đặt trong bối cảnh chủ quyền Việt Nam thường xuyên bị đe dọa và khiêu khích từ gã khổng lồ phương Bắc, chính quyền VN thường nghiễm nhiên được đóng vai người bảo vệ Tổ quốc. Những sự phản kháng chính quyền cũng có thể theo đó mà nghiễm nhiên bị coi như hành động phản quốc. Mỗi lần quan hệ VN-TQ nóng lên như thế, phong trào dân chủ lại đứng trước một song đề: sát cánh với chính quyền để tuyên truyền chống TQ sẽ mâu thuẫn với chương trình từ trước của chính họ, nhưng chỉ trích chính quyền (kêu rằng chính quyền không đủ cứng rắn trước TQ) dễ dàng đặt họ vào thế yếu trong cuộc chiến truyền thông, vì lí lẽ nào cũng dễ bị đánh bật trước truyền thông của nhà nước, trong điều kiện tinh thần dân tộc dâng cao và vinh quang trong quá khứ được chính quyền khơi gợi lại. Án binh bất động cũng không phải là một lựa chọn tốt, vì bản chất của phong trào là nó phải là một cái gai trong mắt chính quyền, hiện diện thường xuyên và liên tục, như những người du kích quấy rối doanh trại địch.

d) Trong khi phong trào của Martin Luther King đoàn kết lại đại bộ phận người da đen chống lại hệ thống tư pháp và những kì thị xã hội, phong trào đòi độc lập của Gandhi đoàn kết người Ấn Độ lại chống thực dân Anh, một phong trào như vậy ở VN khó mà tìm thấy sự đoàn kết tương tự. Một phong trào muốn được mở rộng ra khỏi một nhóm thiểu số nhất định cần phải tìm được một điểm chung trong lợi ích của các nhóm khác mà có thể đạt được nếu như thay đổi mong muốn diễn ra. Nhưng phong trào càng được mở rộng lợi ích chung này càng phải lớn và càng cấp bách, nếu không nó sẽ bị lấn át bởi những toan tính riêng, lợi ích riêng của từng nhóm. Ví dụ: một bộ phận nông dân bị thu hồi đất để phục vụ việc xây các khu công nghiệp, lợi ích của họ sẽ nằm ở việc được quyền sở hữu đất thực sự cho riêng mình, để có quyền quyết định xem có nên bán hay không, hoặc ít nhất có quyền đòi hỏi giá đền bù cao hơn. Chuyện thay đổi thể chế chính trị chỉ là quan tâm thứ yếu của họ, và chỉ quan trọng nếu chính quyền mới giao cho họ quyền sở hữu đất tư. Một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp miền Nam phải chịu đựng điều kiện làm việc khắc khổ của các ông chủ tư bản, và liên tục đình công (3.016 vụ trong thời gian từ 2008 đến 2012, Báo Pháp Luật, 2013). Mục tiêu đấu tranh của họ sẽ phải là điều kiện làm việc tốt hơn, được trả bảo hiểm đầy đủ,… Mục tiêu thay đổi chính quyền chỉ là mối quan tâm thứ yếu và chỉ quan trong nếu như họ được đảm bảo những yêu cầu đó khi chính quyền mới hoạt động. Các phong trào ở VN từ trước đến nay chưa bao giờ đoàn kết được những mối quan tâm đó lại. Hiện tại người ta vẫn sử dụng con bài chủ nghĩa dân tộc và chống độc tài toàn trị làm công việc đoàn kết nói trên, nhưng nếu không chỉ ra được một lợi ích kinh tế thực sự đằng sau việc cái mục tiêu chính trị của phong trào, những con bài trên là không đủ. Ngoài ra, sự xao nhãng về mục tiêu chung cũng khiến cho năng lượng của cả phong trào khó dồn vào một kênh quyết định hơn.

e) Thể chế chính trị hiện tại ở VN không chỉ được bảo vệ bởi chính quyền, mà còn bởi tầng lớp các tập đoàn có lợi ích gắn liền với đặc quyền hưởng từ chế độ. Quyền lực tài chính của họ là một trở ngại không dễ gì vượt qua, mà lại khó bị ảnh hưởng bởi những chiến thuật của bất bạo động như cách mà những người biểu tình da màu bóp nghẹt đường làm ăn của những doanh nghiệp cỡ nhỏ ở Birmingham, miền Nam Hoa Kì khiến cho bản thân những doanh nhân này phải tạo sức ép lên tiểu bang để thay đổi luật lệ. Ở Hồng Kông 2 năm về trước, cùng một chiến thuật , dù ban đầu nhận được rất nhiều sự ủng hộ của dân chúng cũng dần đối mặt với sự lạnh nhạt của các chủ hộ kinh doanh khi công việc của họ bị gián đoạn quá lâu. Ở VN một sự gián đoạn cưỡng bức như thế chắc chắn sẽ còn phản tác dụng mạnh mẽ hơn. Như Phan Chu Chinh đã chỉ ra từ gần 100 năm về trước, cái dân tộc tính của người Việt khiến họ ít khi nào quan tâm đến lợi ích tập thể, mà luôn đặt lợi ích trước mắt của bản thân lên hàng đầu. Tệ hại hơn, phong trào ở VN khó nhận được sự cam kết tận tụy của các thành viên. Những ai dám đi vào con đường hoạt động chuyên nghiệp bị nhìn với ánh mắt kì thị, “lũ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “bọn phản động”, cùng với đó là sức ép từ gia đình, dòng họ; nó không như là ở các xã hội phương Tây khi các đơn vị xã hội đó ít có ảnh hưởng lên cá nhân, và vì thế, con người tự do làm những điều mình mong muốn hơn.

f) Trở ngại cuối cùng, và có lẽ cũng là trở ngại cấp bách nhất là việc xây dựng một tổ chức vững mạnh. Ngoài những khó khăn truyền thống như tài chính (King dành phần lớn thời gian hoạt động của mình đi gây quỹ cho Civil Rights Movement), lãnh đạo, an ninh,… một bài toán đặt ra có thể có tác động rất lớn cho cục diện nền dân chủ của VN sau này trong trường hợp phong trào thực sự thành công. Đó là bài toán về hình thái của tổ chức này: liệu nó nên là tự phát (spontaneous) hay theo cấp bậc (hierachical)? Tập trung (centralized) hay phân tán (decentralized)?

4. Hình thái phù hợp cho tổ chức

Hình thái phù hợp cho một tổ chức sẽ quyết định bản chất và phương thức hành động của nó. Một tổ chức với cơ sở thành viên hoạt động phân tán, độc lập với nhau, ít phụ thuộc vào chỉ đạo của một bộ máy cao hơn sẽ khó tham gia vào các hoạt động phối hợp đồng bộ hơn, nhưng lại có khả năng bám sát tình hình địa phương hơn, khó bị ảnh hưởng nếu như bộ máy trung ương bị tấn công hơn,… Bản chất và phương thức hành động của một phong trào phải phù hợp với tính chất của xã hội nơi nó hoạt động, hệ quả của sự thay đổi xã hội mà nó mang lại phụ thuộc vào đó. Phong trào mùa xuân Arab là một ví dụ cho sự tàn phá xã hội của các chính quyền toàn trị, đến nỗi khi đất nước có điều kiện để xây dựng dân chủ, họ không còn “nguyên liệu” là các tổ chức đối lập, người dân không còn biết đến văn hóa đối lập và sự tôn trọng pháp quyền để thực hiện nữa. Nếu phương thức hành động không phù hợp với tính chất xã hội, kết quả sẽ lại thêm một thử nghiệm xã hội què quặt khác. Về tổng quát, một tổ chức mới ra đời sẽ phải đứng trước hai lựa chọn về mô hình của mình: hoặc là phân tán hoặc là tập trung.

Phân tán có lợi đối với tổ chức ở chỗ nó tạo kiện cho tổ chức lan sâu và rộng hơn, thích nghi với không khí chính trị riêng của từng địa phương. Sự tự phát giúp các tổ chức con chủ động hơn trong việc ra chương trình của mình. Giống như các đơn vị du kích trong quân sự, nó cho phép sự thích nghi cao với hoàn cảnh, và vì thế, khả năng tồn tại cao hơn. Tổ chức phân tán thích hợp cho những chiến dịch tiêu hao dài hơi, vì khả năng hoạt động không cần nhiều kinh phí, độc lập với ngân sách của tổ chức trung ương. Việc tiêu diệt một bầy muỗi khó khăn hơn rất nhiều chuyện tiêu diệt một con vật lớn hơn. Giả sử khi phong trào thực sự thành công, những người thuộc tổ chức cũ ở địa phương sẽ dễ dàng hình thành một bộ máy chính quyền địa phương hơn so với những người thuộc một tổ chức tập trung được cử đến bởi một bộ máy xa xôi. Nói cách khác, tổ chức phân tán giúp việc lấp đầy vào khoảng trống quyền lực ở địa phương được dễ dàng hơn trong kịch bản hậu toàn trị. Tuy vậy, một tổ chức phân tán với gốc rễ mạnh ở địa phương là điều kiện thuận lợi để duy trì cuộc đấu tranh kéo dài, nhưng nó khó có thể đẩy cao cường độ của phong trào lên mức đình điểm. Nói theo ngôn ngữ quân sự, tổ chức phân tán khó mà tạo ra được những trận đánh quyết định, gây ra những thay đổi ngay lập tức. Sức ép của nó có thể không tạo được hiệu quả trông thấy lên chính quyền trung ương trong một thời gian dài, trong khi nếu có 1 sự kiện đột ngột xảy ra đòi hỏi việc chớp thời cơ nhanh chóng, tổ chức phân tán kém hiệu quả hơn một tổ chức với bộ máy tập trung. Việc lập nên chính quyền địa phương là một chuyện, họp nhau lại để tạo thành một chính quyền trung ương lại là chuyện khác; nó đòi hỏi bắt buộc phải có một bên trung gian làm kênh đối thoại cho các tổ chức con, để lợi ích của các bên được bảo đảm với sự hy sinh lợi ích tối thiểu (kịch bản win-win). Về mặt trận tuyên truyền, một tổ chức phân tán thiếu một tiếng nói chính thức, đại diện cho toàn bộ các tổ chức con, dễ dàng bị lấn át, đánh đồng và bôi nhọ bởi truyền thông nhà nước. Đó là điều đang xảy ra đối với phong trào Black Lives Matter ở Hoa Kì, khi một nhóm ở một thành phố gây ra bê bối các nhóm khác trên toàn quốc phải chịu chung gánh nặng hình ảnh.

Một lựa chọn còn lại là tổ chức tập trung, với bộ máy gồm các cơ quan con được phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Kích cỡ của một tổ chức như thế còn tùy thuộc vào phản ứng của chính quyền, khả năng tuyên truyền và tổ chức của những người lãnh đạo và khả năng gây dựng tài chính. Nó có thể mang tính đại chúng (popularity) nhiều hơn hoặc ít hơn một hệ thống các tổ chức phân tán, nhưng nó có khả năng đẩy sự kiện lên đến đỉnh điểm. Nó có một tiếng nói chính thức và khả năng chớp thời cơ hành động nhờ sự hành chính hóa (bureaucratization). Nhưng cùng một lúc, chính sự tập trung lãnh đạo có thể giết chết tinh thần dân chủ của phong trào. Những người lãnh đạo có thể quan tâm đến việc giữ chỗ của mình trong tổ chức hơn là đẩy mạnh chương trình hoạt động của phong trào. Gặp được lãnh đạo tốt, năng lượng của cả một bộ máy tập trung vào một điểm quyết định; trong khi với kẻ khác, nó sẽ bị phân tán và tiêu hao vào chuyện đấu đá nội bộ. Tổ chức tập trung là một ván bài được ăn cả ngã về không. Một mặt, nó tạo cơ hội thành công lớn hơn cho phong trào, nhưng mặt khác, nó mạo hiểm tất cả, vì nó hữu hình và “phần cứng” của nó có thể bị tiêu diệt.

Một mô hình tốt cho một tổ chức đối lập tương lai, vì vậy, cần phải là một hỗn hợp giữa hai mô hình nói trên, kết hợp với nhau để giữ lại những điểm mạnh và lấp đầy những điểm yếu. Khoảng cách giữa lên kế hoạch và thực hiện, tuy vậy, còn rất xa. Điểm mấu chốt của nó là liệu sẽ có một cá nhân với đủ năng lực và phẩm chất để xây dựng một mô hình như vậy? Nhưng chính với người lãnh đạo vẫn còn nhiều thử thách đòi hỏi lựa chọn.

5. Sự sùng bái cá nhân

Như đã nói ở bên trên, sự sùng bái cá nhân ở một chừng mực nào đó là nguồn khích lệ cho một phong trào, đồng thời là bản lề đạo đức để nó không đi chệch hướng. Nhưng nó cũng có thể gây ra sự phá hủy tiềm tàng đối với tinh thần dân chủ của phong trào sau này. Con người ta có xu hướng tin và nghe theo một cá nhân với sức hấp dẫn hơn là một tổ chức với vô số khuôn mặt nhưng kì thực chẳng có khuôn mặt nào. Một con người đơn lẻ có vẻ đáng tin cậy và dễ gần hơn một bộ máy mà người bình thường không ai hiểu cơ cấu hoạt động của nó ra sao, dựa vào cái gì để tin nó. Đảng Quốc Xã có lẽ sẽ không bao giờ nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân Đức đến thế nếu không có gương mặt đại diện của Adolf Hitler.

Mặt khác, cũng giống như một tổ chức tập trung, việc quy tụ tinh thần và hình ảnh lại một đơn vị nhỏ hơn (tổ chức phân tán -> tổ chức tập trung -> cá nhân) sẽ đẩy căng thẳng lên cao hơn, một điểm quyết định. Ở đó cuộc chiến tuyên truyền sẽ chuyển từ chính sách chính trị sang công kích cá nhân. Mọi lời nói và hành động của người lãnh đạo sẽ bị soi mói. Đề ra một sách lược hiệu quả để điều khiển tâm lí dư luận đã khó, bản thân người lãnh đạo cũng sẽ chịu một áp lực tâm lí nặng nề không phải ai cũng kham được.

Những khuôn mặt hiện tại của phong trào dân chủ ở VN gây ra nhiều tổn hại cho chính phong trào hơn là do sự tác động của chính quyền. Hậu quả mà họ để lại sẽ còn lâu dài, nhưng cũng đặt ra một cơ hội. Kẻ bứt phá được hình ảnh bản thân của mình khỏi hình ảnh những “nhà dân chủ” truyền thống sẽ gây được sự chú ý lớn – một điểm khởi đầu thuận lợi.

6. Về sự thống trị của tư tưởng

Những “nhà dân chủ” hiện tại có một khiếm khuyết rất lớn. Trong cách nói, cách viết, cách tuyên truyền trên mạng xã hội của họ thiếu sự mềm mại và linh hoạt cần có của những người làm tuyên truyền. Tuyên truyền là một hình thức thuyết phục trên quy mô lớn. Mặc dù cái gì được lặp đi lặp lại mãi cũng thành chân lí, có những ý tưởng quá sống sượng, quá đối lập với những tư tưởng có sẵn của người Việt, đến mức các nỗ lực cấy nó vào đầu người ta chỉ có phản tác dụng.

Lấy tư tưởng về dân chủ làm ví dụ. Từ trước đến nay mỗi khi nhắc về nó các “nhà dân chủ” đều coi nó như một chân lí, một thứ thuần tốt đẹp, tự nhiên đúng; trong khi sự thực thì nó chỉ là một mô hình ít xấu xa nhất mà con người mới nghĩ ra. Nó có đầy những khiếm khuyết của nó. Hitler lên nắm quyền bằng con đường dân chủ. Những người Nhật Bản sống ở Mĩ trong thời kì Thế chiến thứ 2 cũng bị bắt đi sống cách li bằng một đạo luật dân chủ (Roosevelt, 1942). Dân chủ có thể ngăn cản những biện pháp mạnh tay cần thiết cho đất nước do bị chặn bởi những nhóm lợi ích, những kẻ vận động hành lang.

Dân chủ cũng có vài loại, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; mỗi thời điểm, mỗi xã hội mà hình thức này hay kia sẽ hợp lí hơn, nhưng nó không bao giờ hoàn hảo hay đáp ứng được hết lợi ích của mọi nhóm người. Mỗi khi truyền thống nhà nước khai thác vào những điểm yếu đó, họ không đủ kiến thức cũng như can đảm để đi ngược lại niềm tin sẵn có của mình để thay đổi cách thức tuyên truyền. Và vì thế, thông tin của họ thường cũng một chiều chẳng khác gì thông tin từ truyền thông nhà nước.

Thêm một ví dụ nữa về hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Sự kiêu ngạo và thiếu cân nhắc của các nhà dân chủ khiến cho họ nghĩ rằng vài bài báo, vài tấm ảnh của họ có thể làm lung lay một ý niệm vốn đã được những người CS bỏ công xây dựng hơn nửa thế kỉ đến nay. Con người ta nhiều khi thà phớt lờ sự thật còn hơn là để nó phá vỡ niềm tin đã được củng cố của mình, chưa kể là các thông tin trên chưa chắc đã là sự thật. Trước dân VN, ông Hồ không thể hiện mình là một người Cộng Sản, mà là một người yêu nước, một người theo chủ nghĩa dân tộc. Cái đó hầu như không thể tấn công, nhất là khi lịch sử hiện đại VN ít có nhân vật nào có thể đứng ngang hàng với ông Hồ. Tấn công vào hình ảnh ông Hồ là cách làm bỏ qua điểm yếu mà đánh vào điểm mạnh của kẻ địch, là cách làm tối kỵ trong chiến lược.

Sự thiếu hiểu biết về tâm lí đám đông cũng như về chính thứ mà họ nhận là đang truyền bá khiến cho các nhà dân chủ, mặc dù với sự trợ giúp đắc lực của internet và mạng xã hội, vẫn không thể thắng được cuộc chiến tư tưởng suốt bao năm nay. Mặc dù căng thẳng về kinh tế là điều kiện tiên quyết, thiếu sự chuẩn bị về tinh thần cho đám đông, khiến cho họ chấp nhận vô điều kiện rằng dân chủ tự do là giải pháp thay thế cho thể chế chính trị hiện tại, là một bước tụt hậu lớn của phong trào.

7. Kết luận

Đấu tranh chính trị đã khó khăn, đấu tranh chính trị trong vai kẻ bị áp bức còn khó hơn gấp bội. Tiền bạc, thời gian, công sức và tri thức phải bỏ ra mà không chắc là sẽ có kết quả. Chưa kể có thể nguy hiểm đến bản thân và những người chung quanh. Nhưng khó khăn không có nghĩa là chúng ta không làm. Bài viết này chỉ với mục đích giúp phong trào dân chủ ở VN được lèo lái tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn và làm sao đảm bảo những gì chúng ta giành được đúng là những gì chúng ta đã mong đợi. Bởi vì, như đã nói bên trên, mỗi ngày đất nước chưa vào đúng vị trí để phát huy hết tiềm lực là mỗi ngày chúng ta tụt hậu so với thế giới.

____________

Nguồn tham khảo:

Freedman, L. (2015). Strategy: a history. Oxford University Press.

Lam Sơn (4.9.2013). Hàng ngàn vụ đình công không hợp pháp tại khu vực phía Nam. Xuất bản bởi Báo Pháp Luật. Nhận từ địa chỉ: http://baophapluat.vn/xa-hoi/hang-ngan-vu-dinh-cong-khong-hop-phap-tai-khu-vuc-phia-nam-93068.html Pareto, V. (n.d.). On the Equilibrium of the Social Systems. In Talcott Parsons, Theories of Society; Foundations of Modern Sociological Theory, 2 Vol., The Free Press of Glencoe, Inc., 1961.

Phan, C. C., (11.19.1925). Đạo Đức và Luân Lí học Đông Tây.

Roosevelt, F. D. (1942). Executive Order 9066. Historical Documents: Children of the Camps. United States, 19.

Tolstoy, L. (1937). A Letter to a Hindu. Recollections and Essays, trans. A. Maude, 21, 413-432. Nguồn không được trích dẫn: Fukuyama, F. (2011). The origins of political order: from prehuman times to the French Revolution. Macmillan.

Một bình luận to “9552. Những khó khăn của phong trào dân chủ ở VN”

  1. […] 9552. Những khó khăn của phong trào dân chủ ở VN […]

Sorry, the comment form is closed at this time.