Những kịch bản cho hồi kết của Putin (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Liana Fix và Michael Kimmage, “Putin’s Last Stand,” Foreign Affairs, Tháng 1-2/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

GÁNH NẶNG CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO

Lúc này, công chúng Nga vẫn chưa đứng lên phản đối chiến tranh. Người Nga có thể hoài nghi về Putin và có thể không tin tưởng vào chính phủ của ông. Nhưng họ cũng không muốn những người con trai, người cha, và người anh em đang mặc quân phục của mình thua trận trên chiến trường. Đã quen với vị thế cường quốc của Nga sau nhiều thế kỷ, và bị cô lập với phương Tây, hầu hết người Nga không muốn đất nước của họ trở thành một nước không có bất kỳ quyền lực và ảnh hưởng nào ở châu Âu, vốn là hậu quả tất yếu khi Nga thất bại ở Ukraine.

Tuy nhiên, một cuộc chiến trường kỳ sẽ đẩy người Nga vào tương lai ảm đạm và có thể sẽ châm ngòi cho ngọn lửa cách mạng trong nước. Thương vong của Nga đã rất cao, và khi quân đội Ukraine phát triển mạnh hơn, họ có thể gây ra những tổn thất lớn hơn nữa. Cuộc di cư của hàng trăm ngàn thanh niên Nga, nhiều người trong số họ có tay nghề cao, đã khiến mọi người phải bất ngờ. Theo thời gian, sự kết hợp giữa chiến tranh, lệnh trừng phạt, và chảy máu chất xám sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp – và người Nga cuối cùng có thể đổ lỗi cho Putin, người đã bắt đầu sự nghiệp tổng thống của mình bằng danh hiệu tự xưng là “người hiện đại hóa.” Hầu hết người Nga đều xa cách với các cuộc chiến trước đây của ông, vì chúng thường diễn ra ở xa mặt trận quê hương và không đòi hỏi động viên hàng loạt. Nhưng đó không phải là trường hợp của cuộc chiến ở Ukraine.

Một người lính Ukraine viết trên một quả lựu pháo ở vùng Donetsk, Ukraine tháng 11/2022. Nguồn ảnh: Serhii Nuzhnenko/ Radio Free Europe/ Reuters.

Nga có lịch sử thay đổi chế độ sau những cuộc chiến không thành công. Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) và Thế chiến I đã dẫn đến Cách mạng Bolshevik. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991 diễn ra hai năm sau khi quân đội Liên Xô kết thúc cuộc phiêu lưu bất thành ở Afghanistan. Cách mạng nổ ra ở Nga khi chính phủ thất bại trong các mục tiêu kinh tế và chính trị của mình và không ứng phó được với các cuộc khủng hoảng. Nhìn chung, đòn quyết định luôn là sự sụp đổ của ý thức hệ cơ bản của chính phủ, chẳng hạn như việc chế độ quân chủ và chế độ sa hoàng của Nga mất đi tính chính danh trong bối cảnh đói nghèo và nỗ lực chiến tranh thất bại vào năm 1917.

Putin đều gặp nguy trong tất cả các kịch bản này. Khả năng quản lý chiến tranh của ông rất tệ, và nền kinh tế Nga đang suy thoái. Đối mặt với những xu hướng ảm đạm này, Putin lại nhân đôi sai lầm của mình, khăng khăng rằng cuộc chiến đang diễn ra “theo kế hoạch.” Đàn áp có thể giải quyết một số vấn đề: bắt giữ và truy tố những người bất đồng chính kiến có thể dập tắt phản kháng được một thời gian. Nhưng bàn tay cứng rắn của Putin cũng có nguy cơ gây ra nhiều bất mãn hơn.

Nếu Putin bị phế truất, không rõ ai sẽ kế nhiệm ông. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1999, “hàng dọc quyền lực” của Putin – một hệ thống chính phủ phân quyền dựa trên lòng trung thành với Tổng thống Nga – đã không còn là hàng dọc như trước. Hai ứng viên tiềm năng nằm ngoài giới tinh hoa truyền thống là Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, một nhà thầu quân sự tư nhân đã cung cấp lính đánh thuê cho cuộc chiến ở Ukraine, và Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya. Họ có thể muốn có được chút quyền lực còn sót lại của Putin, khuyến khích đấu đá nội bộ trong chế độ với hy vọng giành được một vị trí ở trung tâm cơ cấu quyền lực mới của Nga sau khi Putin ra đi. Họ cũng có thể cố gắng tự khẳng định quyền lực. Họ đã gây áp lực lên lãnh đạo quân đội và Bộ Quốc phòng Nga trước những thất bại trong chiến tranh và cố gắng mở rộng cơ sở quyền lực của mình với sự hậu thuẫn của các lực lượng bán quân sự trung thành. Các ứng viên khác có thể đến từ giới tinh hoa truyền thống, chẳng hạn như chính quyền của tổng thống, nội các, hoặc lực lượng an ninh và quân đội. Để ngăn chặn âm mưu đảo chính cung đình, Putin đã bao quanh mình bằng những kẻ tầm thường trong suốt 20 năm qua. Nhưng cuộc chiến không thành công đang đe dọa quyền lực của ông. Nếu ông thực sự tin vào những bài phát biểu gần đây của mình, ông có thể đã thuyết phục các cấp dưới tin rằng ông thực sự đang sống trong một thế giới giả tưởng.

Mức độ tàn phá ở vùng Kharkiv, Ukraine, tháng 12/2022. Nguồn ảnh: Vyacheslav Madiyevskyy / Reuters

Cơ hội để một nhà dân chủ thân phương Tây trở thành tổng thống tiếp theo của Nga là cực nhỏ. Kịch bản khả dĩ hơn sẽ là một nhà lãnh đạo chuyên chế theo khuôn mẫu Putin. Một nhà lãnh đạo từ bên ngoài “hàng dọc quyền lực” có thể chấm dứt chiến tranh và cân nhắc các mối quan hệ tốt đẹp hơn với phương Tây. Nhưng một nhà lãnh đạo đến từ Điện Kremlin của Putin sẽ không có lựa chọn này, bởi ông sẽ bị ràng buộc bởi một hồ sơ công khai ủng hộ cuộc chiến. Thách thức trở thành một người theo chủ nghĩa Putin sau Putin sẽ rất lớn.

Một trong những thách thức sẽ là chiến tranh Ukraine, điều không dễ quản lý đối với người kế nhiệm Putin, đặc biệt là nếu người đó chia sẻ giấc mơ khôi phục vị thế cường quốc của Nga. Một thách thức khác là xây dựng tính chính danh trong hệ thống chính trị mà không có bất kỳ nguồn lực truyền thống nào. Nga không thực sự có hiến pháp và không có chế độ quân chủ. Bất cứ ai ủng hộ Putin sẽ thiếu sự ủng hộ của quần chúng và sẽ gặp khó khăn khi cá nhân hóa hệ tư tưởng tân Xô-viết, tân đế quốc mà Putin đã trở thành hiện thân.

Trong trường hợp xấu nhất, sự sụp đổ của Putin có thể dẫn đến nội chiến và sự tan rã của nước Nga. Sẽ xảy ra tranh chấp quyền lực ở cấp cao nhất và quyền kiểm soát nhà nước sẽ bị phân tán khắp nơi. Giai đoạn này có thể được xem là sự tái hiện Thời kỳ Rắc rối, hay Smuta, cuộc khủng hoảng quyền kế vị kéo dài 15 năm ở nước Nga cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, được đánh dấu bởi những cuộc nổi loạn, tình trạng vô pháp, và ngoại xâm. Người Nga coi thời kỳ đó là thời kỳ nhục nhã cần phải tránh lặp lại bằng mọi giá. Những rắc rối trong thế kỷ 21 của Nga có thể mở đường cho sự xuất hiện của các “lãnh chúa” đến từ các cơ quan an ninh và những đội quân ly khai bạo lực ở các vùng kinh tế khó khăn của đất nước, nhiều vùng trong số đó là nơi sinh sống của đông đảo người dân tộc thiểu số. Dù một nước Nga đang trong tình trạng hỗn loạn có thể không chính thức chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng nó có thể đơn giản là không thể tiến hành chiến tranh được nữa. Trong trường hợp đó, Ukraine sẽ giành lại hòa bình và độc lập, còn Nga sẽ chìm trong hỗn loạn.

tác nhân HỖN LOẠN

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin như là bước đầu tiên trong kế hoạch tái thiết đế chế Nga đã bị phản tác dụng. Chiến tranh đã làm giảm khả năng hỗ trợ các nước láng giềng của Nga. Năm ngoái, khi Azerbaijan giao tranh ở biên giới với Armenia, Nga đã từ chối can thiệp để ủng hộ Armenia, dù họ là đồng minh chính thức của Armenia.

Tình trạng tương tự đang diễn ra ở Kazakhstan. Nếu Kyiv đầu hàng, Putin có thể sẽ quyết định xâm lược Kazakhstan tiếp theo: nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang có một lượng lớn người gốc Nga sinh sống, còn Putin thì không tôn trọng biên giới quốc tế. Một khả năng khác hiện đang dần sáng tỏ: nếu Điện Kremlin thay đổi chế độ, điều đó có thể giúp Kazakhstan hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của Nga, cho phép nước này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những người Nga lưu vong. Nhưng đó không phải sự thay đổi duy nhất trong khu vực. Ở Nam Caucasus và Moldova, các cuộc xung đột cũ có thể hồi sinh và trở nên dữ dội hơn. Ankara có thể tiếp tục hỗ trợ đối tác Azerbaijan chống lại Armenia. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không còn sợ bị người Nga chỉ trích, họ có thể thôi thúc Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo vào Armenia. Ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lý do để tăng cường hiện diện quân sự nếu Nga rút lui.

Nếu Nga rơi vào hỗn loạn, Gruzia sẽ có thể hoạt động với phạm vi lớn hơn. Cái bóng của lực lượng quân sự Nga, vốn bao trùm nước này kể từ cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, sẽ bị xóa bỏ. Gruzia có thể tiếp tục nỗ lực trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, dù nước này đã bị gạt bỏ tư cách ứng viên vào năm ngoái vì bất ổn nội bộ và thiếu cải cách trong nước. Nếu quân đội Nga rút khỏi khu vực, xung đột có thể lại nổ ra giữa một bên là Gruzia và Nam Ossetia, và bên kia là giữa Gruzia và Abkhazia. Động lực đó cũng có thể xuất hiện ở Moldova và khu vực ly khai Transnistria, nơi binh lính Nga đã đóng quân từ năm 1992. Việc Moldova ứng cử làm thành viên Liên minh châu Âu, được công bố vào tháng 6/2022, có thể là cách để nước này thoát khỏi cuộc xung đột lâu dài đó. Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ sẵn sàng giúp Moldova giải quyết xung đột.

Những thay đổi về lãnh đạo ở Nga sẽ làm rung chuyển Belarus, nơi nhà độc tài Alexander Lukashenko đang được hỗ trợ bởi tiền bạc và sức mạnh quân sự của Nga. Nếu Putin thất bại, rất có thể Lukashenko sẽ là người tiếp theo. Thực chất đang tồn tại một chính phủ Belarus lưu vong: Svetlana Tikhanovskaya, sống ở Litva, trở thành lãnh đạo phe đối lập của đất nước vào năm 2020 sau khi chồng bà bị bỏ tù vì dám ra tranh cử đối đầu với Lukashenko. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng có thể được tổ chức, cho phép Belarus tự giải cứu mình khỏi chế độ độc tài, nếu họ xoay sở để tự bảo vệ mình khỏi Nga. Nếu Belarus không thể đảm bảo nền độc lập của mình, xung đột nội bộ tiềm tàng của Nga có thể tràn sang nước này, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Latvia, Litva, Ba Lan, và Ukraine.

Nếu Nga thực sự tan rã và mất ảnh hưởng ở lục địa Á-Âu, các chủ thể khác, chẳng hạn như Trung Quốc, sẽ nhảy vào cuộc chơi. Trước chiến tranh, Trung Quốc chủ yếu gây ảnh hưởng kinh tế hơn là quân sự trong khu vực. Điều đó đang thay đổi. Trung Quốc đang trên đà phát triển ở Trung Á. Nam Caucasus và Trung Đông có thể là những khu vực xâm lấn tiếp theo của họ.

Một nước Nga bại trận và bất ổn nội bộ sẽ đòi hỏi một mô hình trật tự toàn cầu mới. Trật tự quốc tế tự do hiện tại xoay quanh việc quản lý quyền lực bằng pháp luật. Nó nhấn mạnh các quy tắc và thể chế đa phương. Mô hình cạnh tranh giữa các cường quốc, một mô hình yêu thích của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, là về cân bằng quyền lực, ngầm định hoặc công khai xem các vùng phạm vi ảnh hưởng là nguồn gốc của trật tự quốc tế. Nếu Nga hứng chịu thất bại ở Ukraine, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tính đến sự hiện diện và thiếu vắng của quyền lực, đặc biệt là sự thiếu vắng hoặc suy giảm nghiêm trọng của quyền lực Nga. Một nước Nga suy yếu sẽ tác động đến các cuộc xung đột trên toàn cầu, bao gồm cả những cuộc xung đột ở châu Phi và Trung Đông, chưa kể đến ở châu Âu. Tuy nhiên, một nước Nga suy yếu hoặc tan rã sẽ không nhất thiết mở ra một thời kỳ vàng son của trật tự và ổn định.

Một nước Nga bị đánh bại sẽ đánh dấu một sự thay đổi so với 20 năm trước, khi đất nước này là một cường quốc đang lên. Trong suốt những năm 1990 và trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, Nga khao khát được hội nhập vào châu Âu và trở thành đối tác của Mỹ. Họ gia nhập G-8 và Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan. Trong 4 năm khi Dmitry Medvedev làm Tổng thống Nga, từ 2008 đến 2012, Nga dường như đã tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nếu người ta không soi xét quá kỹ đằng sau hậu trường.

Một nước Nga có thể chung sống hòa bình với phương Tây có lẽ là sự ảo tưởng ngay từ đầu. Putin đã thể hiện một bầu không khí hòa giải trong giai đoạn đầu sau khi lên làm tổng thống, dù ông có thể đã nuôi dưỡng lòng căm thù phương Tây, coi thường trật tự dựa trên luật lệ, và mong muốn thống trị Ukraine từ lâu. Dù sự thật có là gì, sau khi ông tái đắc cử tổng thống vào năm 2012, Nga đã từ bỏ trật tự dựa trên luật lệ. Putin chế giễu rằng hệ thống này chẳng khác gì lớp ngụy trang cho một nước Mỹ độc đoán. Nga đã xâm phạm chủ quyền của Ukraine một cách thô bạo bằng cách sáp nhập Crimea, tái khẳng định vị thế của mình ở Trung Đông bằng cách hỗ trợ Assad trong nội chiến Syria, và thiết lập mạng lưới quân sự và ảnh hưởng an ninh của Nga ở châu Phi. Một nước Nga quyết đoán và một Trung Quốc đang trỗi dậy đã góp phần tạo nên mô hình cạnh tranh giữa các cường quốc ở Bắc Kinh, Moscow, và thậm chí là Washington thời hậu Trump.

Bất chấp những hành động gây hấn và kho vũ khí hạt nhân đáng kể, Nga không phải là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Trung Quốc hay Mỹ. Hành động quá trớn của Putin ở Ukraine cho thấy rằng ông đã không nắm bắt được điểm quan trọng này. Nhưng bởi vì Putin đã can thiệp vào nhiều khu vực trên khắp thế giới, một nước Nga tan rã sau thất bại ở Ukraine sẽ là một cú sốc lớn đối với hệ thống quốc tế.

Chắc chắn, thất bại đó có thể mang lại những hậu quả tích cực cho các nước láng giềng của Nga. Chẳng cần tìm đâu xa, ở thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô đã mở đường cho sự xuất hiện của hơn một chục quốc gia tự do và thịnh vượng ở châu Âu. Một nước Nga hướng vào trong có thể giúp thúc đẩy một “châu Âu toàn vẹn và tự do”, như lời Tổng thống Mỹ George H. W. Bush dùng để mô tả tham vọng của Mỹ dành cho lục địa già sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn ở Nga có thể đồng thời tạo ra một vòng xoáy bất ổn: tình trạng vô chính phủ giữa các cường quốc thay thế cho cạnh tranh giữa các cường quốc, dẫn đến một loạt các cuộc xung đột khu vực, dòng người di cư, và bất ổn kinh tế.

Sự sụp đổ của Nga cũng có thể lây lan hoặc khơi mào một phản ứng dây chuyền, trong trường hợp đó cả Mỹ và Trung Quốc đều không có lợi, vì cả hai sẽ phải cố gắng ngăn chặn hậu quả. Trong trường hợp đó, phương Tây sẽ cần thiết lập các ưu tiên chiến lược. Lấp đầy khoảng trống gây ra bởi thất bại của Nga là điều không thể. Ở Trung Á và Nam Caucasus, Mỹ và Châu Âu sẽ có rất ít cơ hội ngăn chặn Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khoảng trống. Thay vì cố gắng ngăn chặn họ, một chiến lược thực tế hơn đối với người Mỹ sẽ là cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đưa ra một giải pháp thay thế, đặc biệt là chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Dù Nga có thất bại dưới hình thức nào đi chăng nữa, việc ổn định đông và đông nam châu Âu, bao gồm cả vùng Balkan, sẽ là một nhiệm vụ nặng nề. Trên khắp châu Âu, phương Tây sẽ phải tìm ra câu trả lời sáng tạo cho những câu hỏi chưa bao giờ được giải quyết kể từ năm 1991: Nga có phải là một phần của châu Âu không? Nếu không, bức tường giữa Nga và châu Âu nên cao bao nhiêu, và nên bao xung quanh những quốc gia nào? Nếu Nga là một phần của châu Âu, họ sẽ thuộc về vùng nào? Bản thân châu Âu bắt đầu và kết thúc ở đâu? Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ chỉ là khởi đầu của dự án này. Belarus và Ukraine đã cho thấy những khó khăn trong việc bảo vệ sườn phía đông của châu Âu: những quốc gia này là nơi cuối cùng mà Nga sẽ từ bỏ tham vọng cường quốc của mình. Và ngay cả một nước Nga đổ nát cũng sẽ không mất hết năng lực quân sự thông thường và hạt nhân.

Hai lần trong 106 năm qua – vào năm 1917 và năm 1991 – các phiên bản khác nhau của nước Nga đã chính thức tan rã. Và cũng hai lần, các phiên bản của nước Nga đã tự phục hồi. Nếu quyền lực của Nga suy giảm, phương Tây nên tận dụng cơ hội đó để định hình một môi trường ở châu Âu nhằm bảo vệ các thành viên NATO, đồng minh, và đối tác. Một thất bại của Nga sẽ mang đến nhiều cơ hội và cũng nhiều cám dỗ. Một trong số những cám dỗ là kỳ vọng rằng một nước Nga bại trận về cơ bản sẽ biến mất khỏi châu Âu. Nhưng một nước Nga bại trận một ngày nào đó sẽ tự tái khẳng định bản thân và tự theo đuổi lợi ích của mình. Phương Tây nên được trang bị cả về mặt chính trị lẫn nhận thức cho cả sự thất bại và trở lại của Nga.

Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn “A New German Power? Germany’s Role in European Russia Policy.”

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao tại CSIS. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ.