11.9.22

Thời đại thái cực 1914 (14): Những thập niên khủng hoảng

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (14)

THE AGE OF EXTREMES

Tác giả: Eric J. Hobsbawm; Người dịch: Nguyễn Ngọc Giao

PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

Phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ ba

SỤP ĐỔ

Chương 14

NHỮNG THẬP NIÊN KHỦNG HOẢNG

“Hôm trước có người hỏi tôi về khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ, tôi đã trả lời đó là điều tôi ít quan tâm nhất. Ở NCR [tên tắt của tập đoàn National Cash Register, chú thích của ND] chúng tôi quan niệm chúng tôi là một công ti toàn cầu có khả năng cạnh tranh, việc chúng tôi đặt đại bản doanh ở Hoa Kỳ là ngẫu nhiên như vậy thôi”.

Jonathan SCHELL, N. Y. Newsday, 1993

“Ở một cấp độ cốt yếu, nạn thất nghiệp ồ ạt có thể dẫn tới kết quả là sự tha hóa từng bước của giới trẻ đối với xã hội, theo những cuộc điều tra đương thời, họ còn muốn có công ăn việc làm, dù khó tìm tới đâu, và còn hi vọng thăng tiến đàng hoàng. Nói rộng hơn, đáng lo ngại là trong thập niên tới đây, trong xã hội, không những “ta” sẽ dần dần tách khỏi “họ” (hai nhóm này, nói một cách giản lược, là khối người lao động và giới quản lí), mà các nhóm trong khối đa số cũng sẽ chia năm xẻ bảy, giới trẻ và những người lao động ít được bảo hộ đối lập với khối những người lao động có kinh nghiệm và được bảo hộ.

Tổng thư kí OECD, Investing, 1983, tr. 15)

 

I

 

Lịch sử hai thập niên bắt đầu từ năm 1973 là lịch sử của một thế giới đã mất đi mọi quy chiếu, chìm ngập trong khủng hoảng và mất ổn định. Song phải đợi đến những năm 1980 mới thấy rõ là nền móng của Thời đại Hoàng kim đã rệu rã không phương cứu vãn. Thật vậy, tại các khu vực không cộng sản của thế giới phát triển, tính chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng chỉ được thừa nhận, và tất nhiên chấp nhận, sau khi Liên Xô và khu vực “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” ở châu Âu sụp đổ. Trong nhiều năm trời, các rối loạn kinh tế chỉ được coi là “suy thoái”. Hai chữ “khủng hoảng” gợi nhớ Thời đại Tai họa đã trở thành một điều cấm kỵ, sau một nửa thế kỷ sự “húy kỵ” ấy vẫn chưa hoàn toàn giải tỏa. Người ta không dám nói tới khủng hoảng, dường như sợ lời nói sẽ thành sự thật, mặc dầu vẫn phải thừa nhận rằng “tình trạng suy thoái” những năm 1980 là trở lực nghiêm trọng nhất từ 50 năm nay” – với công thức này, người ta tránh gọi tên những năm 1930. Cái nền văn minh đã nâng cấp xảo thuật ngôn ngữ của ngành quảng cáo thành một nguyên lí cơ bản về kinh tế, chính nó đã sa vào cạm bẫy của chính mình. Mãi tới đầu thập kỉ 1990, người ta mới bắt đầu – thí dụ như ở Phần Lan – thừa nhận rằng thực ra những rối loạn kinh tế hiện thời còn nặng nề hơn cả thời 1930.

George H. W. Bush (1924-2018)
Margaret Thatcher (1925-2013)

Về nhiều phương diện, điều này gây ra thắc mắc. Tại sao nền kinh tế thế giới lại bớt bất ổn đi? Như nhiều nhà kinh tế học nhận xét, những nhân tố ổn định nền kinh tế thế giới mạnh hơn bao giờ hết, cho dù các chính quyền chủ trương thị trường tự do, như chính quyền của các tổng thống Reagan và Bush ở Hoa Kỳ, của bà Thatcher và người kế nhiệm ở Anh, đã tìm cách làm suy yếu một vài nhân tố (World Economic Survey, 1989, tr. 10-11). Quản lí sản phẩm tồn kho được tin học hóa, thông tin và vận tải nhanh chóng đã giảm bớt tính chất bất ổn định của các “chu kỳ kiểm kê” của nền đại sản xuất cũ: trước đây người đã tồn kho sản phẩm rất nhiều để “phòng khi” kinh tế bành trướng, rồi sang giai đoạn suy giảm thì đột ngột ngưng lại để thanh lí hàng hóa tồn kho. Với phương pháp mới, gọi là “thông lượng căng thẳng” do Nhật Bản khởi xướng dựa vào công nghệ của thập niên 1970, người ta có thể giảm hẳn khối lượng hàng tồn kho mà vẫn sản suất đủ để có thể giao hàng “đúng kì hạn”, và nhất là có thể nhanh chóng biến cải sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Thời đại Henry Ford đã nhường chỗ cho thời đại Benetton rồi. Đồng thời, nền kinh tế cũng ổn định hơn nhờ tỉ trọng của tiêu thụ công và phần thu nhập riêng xuất phát từ nhà nước (những “chuyển khoản xã hội”: an ninh và bảo hiểm xã hội). Tổng cộng các khoản này lên tới gần 1/3 GDP. Với cuộc khủng hoảng, con số này có chiều hướng tăng lên do tăng chi phí trợ cấp thất nghiệp, hưu bổng và y tế. Thời kì này còn tiếp diễn cho đến cuối “Thế kỉ ngắn”, nên có lẽ ta phải đợi vài năm nữa để các nhà kinh tế học mới có thể sử dụng vũ khí của các nhà sử học, là khoảng cách thời gian, để lí giải một cách có tính thuyết phục.

Lẽ cố nhiên, có điều gì khập khễnh nếu ta so sánh những rối loạn kinh tế thời kì 1970-1990 với thời kì giữa hai cuộc Thế chiến, bởi vì trong suốt những thập niên đã qua, người ta sống trong nỗi lo sợ ám ảnh về một cuộc Đại Khủng hoảng. “Có thể tái diễn hay không?”: nhiều người đã tự hỏi, nhất là sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chứng khoán đầy kịch tính năm 1987 ở Mỹ, rồi trên thế giới; tiếp đó là cuộc Đại Khủng hoảng hối đoái quốc tế năm 1992 (Temin, 1993, tr. 99). Những thập niên Khủng hoảng bắt đầu từ năm 1973 không phải là một cuộc “Đại Khủng hoảng” hiểu theo nghĩa của những năm 1930, cũng như những thập niên bắt đầu từ năm 1873, mặc dầu thời đó người ta cũng gọi tên như thế. Nền kinh tế thế giới không sụp đổ, dù chỉ nhất thời, trong khi Thời đại Hoàng kim đã kết thúc vào thời gian 1973-1975 bằng một hiện tượng rất giống suy thoái chu kỳ cổ điển: trong vòng một năm, sản xuất công nghiệp toàn cầu giảm đi 10%, thương mại quốc tế 13% (Armstrong, Glyn, 1991, tr. 25). Trong thế giới tư bản chủ nghĩa phát triển, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục, song với một nhịp độ chậm hơn hẳn so với Thời đại Hoàng kim: biệt lệ duy nhất là mấy nước mới công nghiệp hóa NIC, chủ yếu ở châu Á (xem ch. 12), mới bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1960. Cho tới năm 1991, tăng trưởng GDP chung của các nước kinh tế tiên tiến chỉ bị ngắt quãng trong những giai đoạn trì trệ ngắn trong những năm suy thoái 1973-1975 và 1981-1983 (OECD, 1993, tr. 18-19). Động cơ của sự tăng trưởng toàn cầu, thương mại quốc tế về các sản phẩm công nghiệp vẫn tiếp tục – không những thế, còn tăng tốc trong thời kì bành trướng của thập niên 1980 – với nhịp độ tương đương với nhịp độ của Thời đại Hoàng kim. Tới cuối Thế kỉ XX Ngắn, các nước thuộc thế giới tư bản phát triển nói chung đã giàu thêm và sản xuất nhiều hơn so với đầu thập niên 1970, và nền kinh tế thế giới mà các nước này là nhân tố trung tâm đã trở nên năng động hơn nhiều.

Ngược lại, ở một số khu vực trên thế giới, tình hình kém lạc quan hơn nhiều. Ở châu Phi, Tây Á và châu Mỹ Latin, GDP tính trên đầu người đã khựng lại. Trong thập niên 1980, đại đa số dân chúng nghèo đi; và trong phần lớn thập niên 1980, sản xuất sụt xuống ở châu Phi và Tây Á, còn ở châu Mỹ Latin, tình trạng này chỉ kéo dài trong vài năm (World Economic Survey, 1989, tr. 8, 26). Chẳng ai còn nghi ngờ rằng thập niên 1980 là một thời kì khủng hoảng nặng nề tại những khu vực kể trên. Còn ở khu vực “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” cũ tại phương Tây, nền kinh tế tăng trưởng một cách khiêm nhường trong những năm 1980, rồi sau năm 1989 thì hoàn toàn suy sụp. Tại khu vực này, cuộc khủng hoảng sau 1989 hoàn toàn có thể so sánh được với cuộc Đại Khủng hoảng 1930, đó là không kể sự hoang tàn đầu thập niên 1990. GDP của nước Nga giảm đi 17% trong khoảng 1990-1991, 19% trong khoảng 1991-1992 và 11% trong khoảng 1992-1993. Còn ở mấy nước kia, sang đầu thập niên 1990 đã bước đầu ổn định, nhưng từ 1988 đến 1992, GDP Ba Lan đã sụt đi 21%, Tiệp Khắc 20%, Romania và Bulgaria 30% hay hơn thế. Giữa năm 1992, sản xuất công nghiệp của các nước này ở mức từ một nửa tới 2/3 mức độ 1989 (Financial Times, 24.02.1994; EIB papers, tháng 11, 1992, tr. 10).

Phương Đông thì khác. Không có gì ấn tượng hơn là sự tương phản giữa một bên là sự rệu rã của nền kinh tế khu vực Soviet và sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc trong cùng thời kì đó. Tại Trung Quốc, cũng như ở phần lớn Đông Nam Á và Đông Á, là khu vực đã trở thành năng động nhất của nền kinh tế thế giới những năm 1970, hai chữ “khủng hoảng” không có ý nghĩa gì hết – ngoại trừ ở Nhật Bản vào đầu thập niên 1990, đó cũng là một điều lạ. Cho dù nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tiếp tục nẩy nở, song sự lo ngại vẫn bao trùm. Những vấn đề nổi trội trong sự phê phán chủ nghĩa tư bản trước đại chiến, mà từ một thế hệ nay, “Thời đại Hoàng kim” đã loại trừ – “nạn nghèo khó, thất nghiệp hàng loạt, sự khốn cùng, tình trạng bất ổn” (xem ch. 9.II) – từ năm 1973 trở đi, lại xuất hiện. Và, một lần nữa, sự tăng trưởng bị ngắt quãng bởi những thời gian suy sụp nặng (đối nghịch với những “suy thoái thứ yếu”) 1974-1975, 1980-1982, và cuối thập niên 1980. Ở Tây Âu, tỉ số thất nghiệp bình quân 1,5% trong thập niên 1960, tăng lên 4,2% trong thập niên 1970 (Van der Wee, tr. 77). Ở đỉnh điểm phát triển vào cuối thập niên 1980, tỉ số thất nghiệp xấp xỉ mức trung bình 9,2% trong khối Cộng đồng châu Âu, đến năm 1993, nó lên tới 11%. Ở thời điểm 1986-1987, một nửa số người thất nghiệp đã mất việc từ hơn 1 năm, 1/3 từ hơn 2 năm (Human Development, 1991, tr. 184). Lẽ ra, làn sóng đẻ con ngay sau khi thế chiến chấm dứt (baby boom) đã ngừng làm tăng dân số lao động như trong Thời đại Hoàng kim, và với tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên, bất luận tình hình kinh tế như thế nào, thường là lớn hơn hẳn tỉ lệ thất nghiệp ở các lớp tuổi cao hơn, người ta có thể chờ đợi là nạn thất nghiệp giảm đi một cách thường trực[126].

Còn nạn nghèo khó và khốn cùng, thì sang tới thập niên 1980, cả những nước giàu nhất và phát triển nhất cũng, một lần nữa, phải làm quen với cảnh tượng những người ăn xin hàng ngày, và có lẽ chối mắt hơn nữa, cảnh tượng những người vô gia cư chui rúc trong những hộp carton – ấy là khi cảnh sát không hốt họ đi nơi khác để không ai phải trông thấy. Ở New York năm 1993, mỗi đêm có khoảng 23 nghìn người cả nam lẫn nữ phải ngủ trên vỉa hè hay tại những nơi trú chân công cộng, nghĩa là, tính trong thời gian 5 năm qua, có 3% dân số đã có ít nhất một lần phải ngủ đường ngủ chợ (New York Times, 16/11/93). Trong thập niên 1950, thậm chí sang đến đầu thập niên 1970, ai có thể tưởng tượng điều ấy sẽ xảy ra?

Sự tái hiện cảnh tượng những người không nhà nằm trong khung cảnh của sự gia tăng những bất bình đẳng kinh tế và xã hội, đặc trưng của thời kì mới. Theo tiêu chuẩn thế giới, các nước “kinh tế thị trường phát triển” giàu có không – hoặc chưa – đến nỗi quá bất công trong phân phối thu nhập. Tại những nước ít bình đẳng nhất (Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ), 20% gia đình khá giả nhất thì bình quân thu nhập lớn gấp 8-10 lần thu nhập bình quân của 20% gia đình nghèo nhất, trong khi 10% gia đình giàu nhất nắm trọn từ 20 đến 25% thu nhập toàn quốc. Vượt quá ngưỡng 25% này chỉ có 10% hộ giàu nhất ở Thụy Sĩ và New Zealand, và những gia đình giàu có ở Hongkong và Singapore. Như vậy chẳng thấm vào đâu so với sự bất bình đẳng ở những nước như Philippines, Malaysia, Peru, Jamaica hay Venezuela, là những nơi mà 10% các gia đình giàu nhất chiếm lĩnh hơn 1/3 thu nhập quốc gia; đó là chưa kể Guatemala, Mexico, Sri Lanka và Botswana, là nơi vượt quá 40% thu nhập quốc gia. Tột cùng là Brazil đoạt giải quán quân thế giới về bất bình đẳng kinh tế[127]. Ở tượng đài này của bất công xã hội, 20% gia đình hẩm hiu nhất chia nhau 2,5% thu nhập quốc gia, còn 20% gia đình khá giả nhất chiếm trọn 2/3 thu nhập quốc gia. Riêng 10% giàu có nhất đã chiếm gần một nửa thu nhập quốc gia[128] (World Development, 1992, tr. 267-277; Human Development, 1991, tr. 152-153, 186).

Mặc dù vậy, sang tới những thập niên Khủng hoảng, sự bất công còn gia tăng hơn nữa tại các nước “kinh tế thị trường phát triển”, nhất là không còn tình trạng thu nhập của các tầng lớp lao động được nâng cao một cách gần như tự động như trong Thời đại Hoàng kim. Khoảng cách giữa cực giàu và cực nghèo ngày càng mở rộng, cũng như giai phổ phân phối thu nhập ở giữa hai cực ấy. Từ 1967 đến 1990, số lượng người da đen thu nhập hàng năm dưới 5.000 USD cũng như số lượng thu nhập trên 50.000 US$ đều tăng lên, trong khi số thu nhập ở giữa giảm đi (New York Times, 25 tháng chín 1992). Do các nước tư bản giàu có nay lại giàu có hơn bao giờ hết, người dân nói chung còn được hưởng chế độ bảo hộ và an ninh xã hội hào phóng của Thời đại Hoàng kim (xem ch. 9.V.), nên không xảy ra những rối ren xã hội nghiêm trọng như người ta có thể chờ đợi. Ngược lại, nền tài chính công bị dồn ép vì các khoản chi tiêu xã hội khổng lồ mà tốc độ tăng trưởng lại lớn hơn ngân khoản nhà nước tại những nước mà nền tăng trưởng kinh tế từ năm 1973 đã chậm lại. Dù cố gắng liên tục, không nước nào trong số các nước giàu – phần đông đều là những nước dân chủ – và chắc chắn không phải là phản đối chế độ bảo hộ xã hội, đã giảm bớt được tỉ lệ ngân sách dành cho quỹ xã hội, ngay cả ngăn cho nó tăng lên cũng không làm nổi[129].

Năm 1970 chắc không ai có thể mường tượng tình huống này sẽ xảy ra, và tất nhiên càng không có người nào mong muốn như vậy. Sang đầu thập niên 1990, một bầu không khí bất an và hậm hực đã bao phủ một phần lớn các nước giàu. Như sẽ thấy ở một phần dưới, điều này đã góp phần làm sụp đổ những mô hình chính trị truyền thống. Từ 1990 đến 1993, có người còn dám phủ nhận, cho rằng không có khủng hoảng trong thế giới tư bản chủ nghĩa phát triển. Chẳng ai dám quả quyết là có giải pháp, mà chỉ hi vọng rồi tình huống này sẽ đi qua. Song, trung tâm điểm của các thập niên Khủng hoảng này không phải là chủ nghĩa tư bản không còn vận hành trơn tru như trong Thời đại Hoàng kim nữa, mà là: nó đã trở thành không thể kiểm soát được. Trước sự bất kham của nền kinh tế thế giới, chẳng còn ai biết nên làm thế nào, không ai đưa ra được một công cụ khả dĩ quản lí được nó. Công cụ hiệu quả của Thời đại Hoàng kim, là chính sách của nhà nước Dân tộc, hay sự phối hợp chính sách quốc tế, nay trở thành vô hiệu. Nhà nước Dân tộc đã đánh mất quyền lực kinh tế của mình.

Phải mất một thời gian người ta mới nhận thức được hiện tượng này, vì như thường lệ, phần đông giới trách nhiệm chính trị, nhà kinh tế và doanh nhân không ý thức được là tình thế đã thay đổi một cách lâu dài. Ý tưởng rối loạn kinh tế chỉ là nhất thời đã chi phối đường lối chính trị của phần lớn các chính phủ trong thập niên 1970 và đã chế ngự đời sống chính trị của đa số các quốc gia. Chỉ một hai năm nữa, sự tăng trưởng phồn thịnh sẽ trở lại như trước, thì tại sao phải thay đổi những chính sách đã mang lại thành quả tốt đẹp từ một thế hệ nay? Về thực chất, thập niên 1970 là thời gian mà chính quyền các nước tìm cách mua thời gian – đó là trường hợp các nước Thế giới thứ Ba và các nước khối XHCN, sẵn sàng vay ngắn hạn những món tiền lớn – hay áp dụng những biện pháp cũ của trường phái kinh tế Keynes. Trong nhiều năm của thập niên 1970, chính quyền các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến ở trong tay những người Dân chủ - Xã hội, có nơi họ thay thế đảng Bảo thủ cầm quyền trong một thời gian ngắn và thất bại (năm 1974 ở Anh, năm 1976 ở Hoa Kỳ). Nên ít có khả năng là họ từ bỏ những chính sách của Thời đại Hoàng kim.

Friedrich Hayek (1899-1992)
Milton Friedman (1912-2006)

Giải pháp thay thế duy nhất được đề ra là đường lối chính của thiểu số những nhà “thần học” liberal cực đoan. Họ chủ trương bãi bỏ mọi ràng buộc đối với kinh tế thị trường. Từ rất lâu trước cuộc khủng hoảng, mặc dầu bị cô lập, họ đã công kích sự bá quyền của phái Keynes và những người chủ trương kinh tế hỗn hợp công tư do nhà nước định hướng, chống lại chủ trương toàn dụng nhân lực. Nhất là sau năm 1973, trước sự bất lực và thất bại của đường lối kinh tế truyền thống, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân lại như diều gặp gió. Giải Nobel kinh tế mới được thành lập năm 1969, từ năm 1974 trở đi đã ngả về phía trường phái tân liberal: Friedrich Hayek (xem ch. 9.III) được trao giải năm 1974, hai năm sau là Milton Friedman, một cao thủ khác của chủ nghĩa liberal cực đoan về kinh tế[130]. Những người chủ trương thị trường cạnh tranh đã chuyển sang thế tiến công ngay từ sau 1974, dù cho phải sang thập niên 1980, họ mới giành được vị thế thống trị: biệt lệ duy nhất là trường hợp Chile, nơi chế độ độc tại quân phiệt khủng bố đã để cho các cố vấn Mỹ thiết lập một nền kinh tế thị trường không hạn chế, sau khi lật đổ chính phủ Allende. Cũng nên mở ngoặc để thấy rằng, giữa thị trường và chế độ dân chủ chính trị, không có mối liên hệ tự thân nào cả (cũng phải nói cho công bằng, ông giáo sư von Hayek cũng không hề nói là có, khác hẳn phần lớn các nhà tuyên truyền chống cộng của phương Tây).

Adam Smith (1723-1790)

Cuộc đấu tranh giữa phái Keynes và những người “tân liberal” không đơn thuần là một cuộc đối chọi kĩ thuật giữa các nhà kinh tế học chuyên nghiệp, cũng chẳng phải là tìm kiếm những phương tiện để xử lí những vấn đề kinh tế rối rắm, chưa từng thấy (Có ai chịu khó xem xét, chẳng hạn như là sự song hành giữa trì trệ kinh tế và sự tăng nhanh giá cả, khiến cho các nhà kinh tế học, trong những năm 1970, đã phải tạo ra một từ mới “trệ phát” (stagflation)?”. Đây là cả một cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng đối lập. Mỗi phe đều đưa ra những luận cứ kinh tế. Phe Keynes cho rằng lương cao, toàn dụng lao động và Nhà nước ban phát có tác dụng kích cầu, và kích cầu thúc đẩy tăng trưởng, cho nên kích cầu là phương pháp tốt nhất để thoát khỏi khủng hoảng. Phe “tân liberal” thì cho rằng các hệ thống kinh tế và chính trị của Thời đại Hoàng kim đã ngăn cản việc kiềm chế lạm phát, giảm thiểu phí tổn của các doanh nghiệp công cộng và tư nhân, do đó cản trở sự tăng lợi nhuận, mà tăng lợi nhuận là động lực duy nhất của tăng trưởng trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Cứ nghe họ nói, thì bất luận thế nào, “bàn tay vô hình” của Adam Smith tự nó sẽ tạo ra sự tăng trưởng tối đa cho sự “trù phú của các quốc gia”, và trong khung cảnh đó, tạo ra sự phân phối tối ưu có thể về của cải và thu nhập. Điều này bị phe Keynes phản bác. Phải nói là trong cả hai trường hợp, khoa kinh tế học đã được huy động để hợp lí hóa một đường lối tư tưởng, một quan niệm tiên thiên về xã hội loài người. Chế độ Dân chủ - Xã hội Thụy Điển, thành tựu kinh tế khởi sắc nhất của thế kỉ XX, đối với phe “tân liberal”, là cái gì hết sức khả nghi và đáng ghét: không phải vì những khó khăn mà nó gặp phải trong những thập niên Khủng hoảng – các nền kinh tế khác cũng đều bị khó khăn – mà bởi vì nó dựa trên “mô hình kinh tế Thụy Điển nổi tiếng, với những giá trị tập thể chủ nghĩa về bình đẳng và liên đới” (Financial Times, 11 tháng 11, 1990). Còn chính phủ của bà Thatcher, ngay trong những năm thành công về kinh tế, vẫn bị báo chí phái tả chỉ trích vì nó dựa trên sự ích kỉ, không quan tâm tới khía cạnh xã hội, hay nói đúng hơn, phản – xã hội.

Richard Titmuss (1907-1973)

Giữa hai lập trường ấy, không thể có thảo luận. Ta hãy lấy một thí dụ: giả sử người ta có thể chứng minh rằng cách tốt nhất để khuyến khích sự hiến máu là trả tiền cho người cho máu theo giá thị trường. Nếu thế thì chế độ hiến máu không thù lao ở nước Anh, mà R. M. Titmuss đã giới thiệu hùng hồn và đầy sức thuyết phục trong The Gift Relationship (Titmuss, 1970) có vì vậy mà mất giá trị hay không? Chắc chắn là không, mặc dầu Titmuss cũng đã chứng minh rằng chế độ hiến máu ở Anh cũng hiệu quả ngang bằng và an toàn hơn hơn cả chế độ thương mại[131]. Đối với nhiều người trong chúng ta, nếu hai xã hội ngang nhau về mọi mặt, thì một xã hội trong đó có những công dân sẵn sàng vô tư giúp đỡ những đồng bào mình không quen biết vẫn hơn là xã hội mà công dân từ chối làm điều ấy. Sang đầu những năm 1990, sự phản kháng của cử tri Italia đối với sự thối nát trở thành hệ thống đã làm rúng động guồng máy chính trị: họ phản kháng vì những lí do đạo đức, chứ không phải vì phần lớn họ đã trở thành nạn nhân của sự tham nhũng – nhiều người Italia, nếu không nói là đa số đã hưởng lợi trong tình trạng này. Những chính đảng duy nhất tránh khỏi sự trừng phạt này là những đảng phái nằm ngoài hệ thống. Những nhà vô địch của tự do cá nhân tuyệt đối không mảy may động lòng trước những bất công xã hội nhãn tiền của chủ nghĩa tư bản man dại, ngay cả khi nó không mang lại sự tăng trưởng kinh tế nào (như trường hợp Brazil trong phần lớn thập niên 1980). Ngược lại, những người tin tưởng ở bình đẳng và công bằng xã hội (như người viết sách này) rất mừng có cơ hội bảo vệ quan điểm theo đó sự phân phối thu nhập một cách tương đối bình đẳng, như ở Nhật Bản[132] (xem ch. 12.III.) thậm chí còn mang lại cơ sở xã hội cho thành tựu kinh tế của một nước tư bản chủ nghĩa. Việc mỗi phe tìm cách thể hiện tín điều cơ bản của mình thành những luận điểm thực tiễn – thí dụ, để xem việc phân phối tài nguyên thông qua giá cả do thị trường tự do định đoạt phải chăng là giải pháp tối ưu – thực ra không phải là điều quan trọng nhất. Nhưng, tất nhiên, cả hai phe đều phải đưa ra những giải pháp đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng suy thoái.

Về mặt này, phải nói những người chủ trương kinh tế Thời đại Hoàng kim không được mát tay cho lắm. Một phần, vì đứng về mặt tư tưởng và chính trị, họ thiết tha với sự toàn dụng lao động, với quan niệm nhà nước ban phát, với chính sách đồng thuận thừa kế từ những năm hậu chiến. Nói chính xác hơn, họ bị kẹt cứng giữa đòi hỏi của tư bản và đòi hỏi của lao động trong khi sự tăng trưởng của Thời đại Hoàng kim không còn nữa để có thể vừa tăng lợi nhuận vừa tăng thu nhập của người làm công, cái nọ không tác hại đến cái kia. Thụy Điển những năm 1970 và 1980, kiểu mẫu ưu việt của nhà nước Dân chủ - Xã hội đã duy trì được toàn dụng lao động một cách thành công nhờ nhiều biện pháp – bao cấp cho công nghiệp, chia sẻ công ăn việc làm và gia tăng nhân viên trong các cơ quan công cộng – nhờ đó đã mở rộng một cách đáng kể hệ thống bảo hộ xã hội. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho chính sách này là bội chi ngân sách lớn, thuế má rất nặng đánh vào những thu nhập cao, và giữ nguyên (không tăng) mức sống của người làm công. Chừng nào sự nhảy vọt kinh tế chưa trở lại, thì đó chỉ là những biện pháp tạm thời, rồi đến giữa thập niên 1980, đành phải hủy bỏ. Vào cuối Thế kỉ ngắn (cuối thập niên 80, đầu thập niên 90), “mô hình Thụy Điển” đã phải thoái lui, ở ngay tại Thụy Điển.

François Mitterrand (1916-1996)

Song, mô hình này còn bị tác hại, một cách có lẽ cơ bản hơn nữa, bởi sự toàn cầu hóa kinh tế. Thật vậy, từ năm 1970 trở đi, quá trình toàn cầu hóa khiến cho chính quyền các nước – có lẽ chỉ trừ Hoa Kỳ với nền kinh tế khổng lồ – phải lệ thuộc vào một thứ “thị trường thế giới” ngoài tầm kiểm soát. (Mặt khác, hiển nhiên là thị trường có thiên hướng nghi kị những chính quyền phái tả hơn là phái hữu). Đầu thập niên 1980, một nước giàu mạnh như nước Pháp, lúc đó do đảng Xã hội cầm quyền, đã phát hiện ra là không tài nào đơn phương tái khởi động nền kinh tế quốc gia. Hai năm sau ngày tổng thống François Mitterrand đắc cử, một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán đã buộc nước Pháp phải giảm giá đồng Franc, phải thay thế chính sách kích cầu theo Keynes bằng chính sách “khắc khổ mang khuôn mặt người”.

Mặt khác, đến cuối thập niên 1980, người ta có thể thấy rõ rằng những người tân liberal cũng cạn lẽ. Đợt sóng phồn vinh, toàn dụng nhân công và tăng trưởng công quỹ đã xẹp xuống rồi, họ tha hồ mà công kích những thể lệ quá cứng rắn, những sự vô hiệu quả và phí phạm khá phổ biến trong Thời đại hoàng kim. Họ thừa dịp dùng thuốc tẩy “tân liberal” để rửa cạo lớp vỏ của con tàu “kinh tế hỗn hợp”, và cũng đã mang lại những kết quả tích cực. Phái tả Anh rốt cuộc đã phải thừa nhận, một số liệu pháp “sốc” mà Bà Thatcher đã thẳng tay thực hiện trong lãnh vực kinh tế có lẽ cũng là điều cần thiết. Sự thất vọng vì tình trạng các ngành công nghiệp quốc hữu hóa và bộ máy hành chính, lan truyền trong những năm 1980, là có cơ sở.

Ronald Reagan (1911-2004)

Tuy nhiên, không phải cứ tin chắc rằng nhà nước là xấu xa, doanh nghiệp tư nhân là tốt đẹp (tổng thống Reagan từng nói “Nhà nước không phải là giải pháp, mà là vấn đề”), là đủ để giải quyết bài toán kinh tế. Làm sao mà có thể giải quyết như thế trong một thế giới mà, ngay tại nước Mỹ của Reagan, chi tiêu công của nhà nước trung ương chiếm 1/4 GDP, và lên tới 40% GDP ở các nước phát triển thuộc Cộng đồng châu Âu? (World Development, 1992, tr. 239). Đúng là có toàn bộ những khu vực kinh tế có thể được quản lí như một doanh nghiệp trên cơ sở tính toán khả năng sinh lợi (điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện), nhưng, trái ngược với điều mà các nhà tư tưởng muốn thuyết giảng, những khu vực kinh tế ấy không vận hành, và không thể vận hành, như những thị trường. Thành thử phần đông các chính phủ tân liberal vẫn phải quản lí và chỉ đạo nền kinh tế, tuy ngoài miệng vẫn tuyên bố là họ chỉ khuyến khích các lực lượng thị trường. Vả lại, cũng không có cách nào giảm thiểu trọng lượng của nhà nước. Sau 14 năm cầm quyền, chính phủ Thatcher ở Anh, là chính quyền nặng óc “ý thức hệ” nhất, đã bắt người dân đóng thuế có phần nặng hơn chính quyền Công đảng trước đó.

Thật ra, chưa hề có nước nào thi hành chính sách kinh tế tân liberal duy nhất và khu biệt – ngoại trừ trường hợp các nước XHCN cũ ở Đông Âu, sau năm 1989, đã vấn kế những “kỳ tài trẻ tuổi” học kinh tế học ở phương Tây, hôm trước hôm sau, đưa toàn bộ nền kinh tế vào vòng chơi của thị trường. Và, như người ta có thể tiên đoán, đã dẫn tới kết quả thảm hại. Cố nhiên, nước “tân liberal” to lớn nhất – nước Mỹ của tổng thống Reagan – chính thức chủ trương “bảo thủ” về ngân sách (“ngân sách cân bằng”) và “tiền tệ chủ nghĩa” theo Milton Friedman: tuy nhiên, trên thực tế, Hoa Kỳ đã vận dụng những phương pháp của trường phái Keynes nhằm thoát khỏi cuộc suy thoái 1979-1982 bằng cách chấp nhận thâm thủng khổng lồ trong ngân sách và tài trợ việc gia tăng kho vũ khí một cách không kém to lớn. Thêm vào đó, từ sau năm 1974 trở đi, Washingon quay trở lại cách quản lí đồng Đô la thông qua áp lực ngoại giao, chứ không hề để mặc cho nó chịu sự chi phối của giá trị thực và của thị trường (Kuttner, 1991, tr. 88-94). Sự thực là những chế độ gắn bó nhất với đường lối kinh tế thả dàn đôi khi lại là những chính quyền hết sức dân tộc chủ nghĩa và nghi ngại thế giới bên ngoài: chẳng hạn như Hoa Kỳ dưới thời Reagan và Vương quốc Anh dưới thời Thatcher. Nhà sử học buộc phải lưu ý rằng hai thái độ ấy mâu thuẫn với nhau. Bất luận thế nào, sự đắc thắng của đường lối tân liberal đã tàn lụi vào đầu thập niên 1990 với thoái trào kinh tế thế giới, và có lẽ cả với sự khám phá bất ngờ: sau khi cộng sản Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế năng động nhất thế giới, với tỉ số tăng trưởng cao nhất, là nền kinh tế Trung Cộng, khiến cho nhà giáo các trường thương mại phương Tây và tác giả các cuốn sách giảng dạy quản lí – loại sách bán chạy – phải tầm chương trích cú Tứ thư Ngũ kinh Khổng giáo để tìm ra bí quyết thành tựu kinh tế.

Điều làm cho những vấn đề của các thập niên Khủng hoảng trở nên rối rắm bất thường, gây ra bao nhiêu tai ương về mặt xã hội, là những thăng trầm của tình hình kinh tế lại trùng hợp với những đảo lộn cấu trúc. Nền kinh tế thế giới phải đương đầu với những vấn đề của những năm 1970 và 1980 không còn là nền kinh tế của Thời đại Hoàng kim nữa, mặc dầu, nó là hậu quả có thể tiên đoán, như đã nói ở trên. Cuộc cách mạng công nghệ đã làm thay đổi hệ thống sản xuất: nó đã thế giới hóa hay “xuyên quốc gia hóa” nền sản xuất một cách khác thường, với những hệ quả kịch tính. Thêm vào đó, trong những năm 1970, không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước những hậu quả xã hội và văn hóa có tính chất cách mạng của Thời đại Hoàng kim cũng như những hậu quả tiềm thể về môi trường sinh thái của nó.

Minh chứng tốt nhất là trong lãnh vực lao động và thất nghiệp. Xu hướng chung của cuộc công nghiệp hóa là thay thế năng lực của con người bằng năng lực của máy móc, thay thế nhân công bằng cơ năng, đẩy người lao động, nam cũng như nữ, vào cảnh thất nghiệp. Người ta đã giả định một cách có cơ sở rằng sự tăng trưởng ghê gớm do cuộc cách mạng công nghiệp không ngừng ấy mang lại sẽ đương nhiên tạo ra những công việc mới, đủ để thay thế những công ăn việc làm cũ, mặc dầu đã có những ý kiến phân tán về tỉ số thất nghiệp cần thiết cho sự vận hành của nền kinh tế này. Thời đại Hoàng kim dường như đã củng cố niềm tin lạc quan ấy. Sự tăng trưởng của công nghiệp (xem ch. 10) lên cao tới mức, ngay tại các nước công nghiệp phát triển nhất, số lượng và tỉ số thợ thuyền trong công nghiệp cũng không giảm đi mấy. Vậy mà bước sang các thập niên Khủng hoảng, số nhân công đã bị cắt giảm nhanh chóng, ngay cả trong những ngành rõ ràng đang phát triển mạnh. Từ 1950 đến 1970, tại Hoa Kỳ, số nhân viên làm việc trong lĩnh vực điện thoại đường dài giảm đi 12% trong khi số máy điện thoại tăng gấp 5 lần; từ 1970 đến 1980, số nhân viên giảm 40% trong khi số máy tăng gấp 3 (Technology, 1986, tr. 328). Con số công nhân – con số tuyệt đối cũng như con số tương đối – giảm đi nhanh chóng. Trong mấy thập niên đó, sự gia tăng thất nghiệp không còn có tính chất chu kì mà trở thành cấu trúc. Những chỗ làm bị cắt giảm trong lúc khó khăn, nhưng đến khi tình hình được cải thiện, cũng biến mất luôn, vĩnh viễn.

Điều ấy có nhiều nguyên do: sự phân công quốc tế mới về lao động đã dịch chuyển nhiều ngành công nghiệp từ những vùng đất và châu lục cũ sang những châu lục và vùng đất mới, biến những trung tâm công nghiệp truyền thống thành những “vành đai hoen rỉ”, hay đôi khi, “liêu trai” hơn, thành những cảnh quan đô thị hoàn toàn không còn dấu vết công nghiệp, như khuôn mặt vừa được căng da, “tân trang”. Sự phát triển của các nước công nghiệp mới thật ấn tượng. Vào giữa thập niên 1980, chỉ riêng 7 nước thuộc Thế giới thứ Ba – Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Venezuela, Brasil và Argentina (Piel, 1992, tr. 286-289) – đã tiêu thụ 24% sản lượng thép toàn cầu, và – đây là chỉ dấu rõ ràng hơn nữa về quá trình công nghiệp hóa – sản xuất được 15% tổng sản lượng thép. Thêm nữa, trong một thế giới mà kinh tế giao lưu tự do, vượt qua các biên giới quốc gia – ngoại trừ những di dân đi kiếm việc, đây cũng là một đặc trưng – thì những ngành công nghiệp cần nhiều nhân công tất nhiên đã dịch chuyển từ những nước lương cao sang những nước lương thấp, tức là từ hạt nhân cứng của các nước tư bản chủ nghĩa giàu mạnh, như Hoa Kỳ, sang những nước ngoại vi. Sử dụng một người thợ ở El Pasa, trả lương theo thời giá của bang Texas, trở thành một sự phung phí kinh tế, nếu như ở Juárez, bên kia sông, có thể tuyển dụng một công nhân, ngang tay nghề, mà lương chỉ bằng 1/10.

Cái logic “quy luật đồng thau”[*] của cuộc công nghiệp hóa, cho đến lúc đó, đã phổ biến tại các nước tiền công nghiệp và những nước vừa mới công nghiệp hóa: sớm muộn, thì người được trả lương thấp nhất cũng trở thành tốn kém hơn cỗ máy có thể làm công việc thay anh ta. Cũng nghiệt ngã không kém là “quy luật đồng thau” của sự cạnh tranh tự do áp dụng trên quy mô toàn cầu: nó cũng dẫn tới hệ quả tương tự. Nhân công ở Brazil, dù rằng rất rẻ so với tiền lương ở Detroit hay Wolfburg, nhưng rốt cuộc công nghiệp ô tô ở São Paulo cũng rơi vào tình trạng dư thừa nhân công như ở bang Michigan hay tiểu bang Basse-Saxe, do quá trình cơ khí hóa dẫn tới. Ít nhất đó là điều các nhà lãnh đạo công đoàn giải thích cho tác giả từ năm 1992. Tiến bộ kĩ thuật cho phép không ngừng (hầu như vô hạn định) nâng cao năng lực và hiệu suất của máy móc, đồng thời giảm bớt giá thành một cách ngoạn mục. Điều ấy không thể thực hiện với những con người bằng da bằng thịt: muốn thấy rõ, chỉ cần so sánh tiến triển của tốc độ vận chuyển hàng không với kỉ lục thế giới về chạy đua 100 mét. Dầu sao chăng nữa, cũng không thể giảm tiền lương xuống dưới mức chấp nhận được đối với xã hội. Con người không sinh ra để tuân theo quy luật của hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa. Công nghệ càng phát triển, thì thành phần con người trong quá trình sản xuất càng trở thành tốn kém so với thành phần cơ khí.

Đó chính là tấn bi kịch của những thập niên Khủng hoảng: sản xuất đã loại trừ những con người ra khỏi quá trình với một nhịp độ quá nhanh so với khả năng tạo ra cho họ công ăn việc làm mới của nền kinh tế thị trường. Thêm nữa, nhiều nhân tố đã góp phần tăng tốc quá trình này: sự cạnh tranh toàn cầu, áp lực tài chính đè nặng trên công quyền – mà gián tiếp hay trực tiếp, khu vực công lại sử dụng nhân lực nhiều nhất – và, cuối cùng nhưng không phải là kém quan trọng hơn cả, từ năm 1980 trở đi, trường phái thần học về thị trường với chủ trương chuyển dịch nhân dụng sang những hình thái doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, đặc biệt những doanh nghiệp tư nhân đương nhiên chỉ biết có lợi ích tiền bạc. Điều đó có nhiều hệ quả, trong đó có hệ quả là nhà nước và các cơ quan công quyền không còn là “người chủ cuối cùng có thể trông cậy” (World Labour, 1989, tr. 48). Sự suy tàn của các công đoàn, do cuộc khủng hoảng và các chính quyền tân liberal thù nghịch làm yếu đi, càng làm cho quá trình này tăng tốc, bởi vì chức năng đáng quý nhất của công đoàn chính là bảo vệ công ăn việc làm. Nền kinh tế thế giới vẫn phát triển, nhưng cái cơ chế tự động nhờ đó sự phát triển tạo ra công ăn việc làm cho những người lao động bước vào thị trường rõ ràng đã bị phá vỡ.

Có thể trình bày một cách khác. Cuộc cách mạng nông nghiệp đã tạo ra dư thừa nhân công trong nông dân, vốn là thành phần đa số suốt lịch sử nhân loại. Nhưng trước đây, hàng triệu người không còn cần thiết trên ruộng đồng có thể dễ dàng tìm ra công việc làm trong những lãnh vực đang cần nhân công, chỉ cần người ta muốn làm việc, biết thích ứng những kĩ thuật nông thôn, như đào đất, xây tường, hoặc là khả năng học nghề. Nhưng đến khi những người này cũng trở thành vô dụng thì sao? Cho dù có thể chuyển một số vào làm những công việc cần kĩ năng cao của thời đại thông tin (phần lớn những công việc này đòi hỏi trình độ đại học), song những công việc này rất ít so với con số những người mất việc (Technology, 1986, tr. 7-9, 335). Và trường hợp những người nông dân Thế giới thứ Ba đang ùn ùn bỏ làng quê ra thành phố thì sao?

Tại những nước tư bản chủ nghĩa giàu mạnh, người lao động có thể trông cậy vào những chính sách bảo hộ xã hội, cho dù những người cho rằng mình có khả năng lao động để mưu sinh, cũng có chấp nhận, thậm chí khinh rẻ những người lâm vào cảnh sống nhờ trợ cấp xã hội. Tại các nước nghèo, họ gia nhập đạo quân đông đảo của nền kinh tế “chui”, “phi chính thức”, u u minh minh, trong đó nam phụ lão ấu sống nhờ những công việc lặt vặt, những dịch vụ, mua đi bán lại, giật gấu vá vai… không ai biết cụ thể như thế nào. Tại những nước giàu, họ bắt đầu hình thành, hay tái hình thành một “giai cấp hạ tầng” ngày càng biệt lập, với những vấn đề đặc thù coi như không có giải pháp, và thứ yếu, vì đây là một thành phần luôn luôn là thiểu số. Ở Hoa Kỳ, các ghetto của người da đen[133] trở thành mô hình tiêu biểu của tầng lớp tận cùng dưới đáy xã hội. “Lao động đen” không phải là không tồn tại ở các nước Thế giới thứ Nhất. Đầu thập niên 1980, các nhà nghiên cứu rất kinh ngạc khi họ phát hiện ra điều này: 22 triệu hộ ở Anh giữ chịt trong nhà hơn 10 tỉ £ (bảng Anh) tiền mặt, nghĩa là bình quân mỗi hộ 460 £, và họ kết luận rằng “chợ đen vận hành chủ yếu bằng tiền mặt” (Financial Times, ngày 18 tháng mười 1993).

 

II

 

Sự kết hợp giữa cuộc khủng hoảng và sự triển khai mạnh mẽ của nền kinh tế theo chiều hướng tiêu diệt nhân dụng đã tạo ra một xu hướng đen tối, tác động sâu sắc vào đời sống chính trị của những thập niên Khủng hoảng. Cả một thế hệ đã sống quen trong tình trạng toàn dụng, tin chắc rằng mình có thể nhanh chóng tìm ra việc làm thích hợp. Tình hình kinh tế trì trệ đầu thập niên 1980 đã tái lập tình trạng bất ổn trong đời sống thợ thuyền các ngành công nghiệp chế biến. 10 năm sau, đến phiên nhiều “cổ cồn trắng” và những người có bằng cấp ở những nước như Vương quốc Anh trải nghiệm cảnh công ăn việc làm và tương lai của họ không bảo đảm: tại những vùng trù phú của nước Anh, một nửa dân cư mường tượng là mình có thể mất việc. Lối sống cũ của họ bị xói mòn, cuối cùng sẽ đổ vỡ (xem ch. 10ch. 11), và có nguy cơ là họ bị mất cả hệ quy chiếu. Có phải ngẫu nhiên mà “8/10 những vụ tàn sát tập thể lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đều xảy ra từ năm 1980 trở lại đây”? Nói chung, những thủ phạm gây ra những cuộc thảm sát này là người da trắng, thuộc lứa trung niên (30, 40 tuổi), họ hành động sau khi sa cơ lỡ vận (mất việc, li dị) “sau một thời gian dài sống cô độc, ấm ức và uất hận”[134]. “Nền văn hóa căm thù ngày càng phát triển ở Hoa Kỳ”, nguồn gốc của nạn này, phải chăng cũng là do ngẫu nhiên (Butterfield, 1991)? Những bài ca thịnh hành của thập niên 1980 đã phản ánh sự căm thù dâng cao, cũng như sự tàn ác phổ biến trong điện ảnh và truyền hình.

Tâm trạng mất phương hướng và bất an này đã tạo ra những đường nứt và sự trượt địa tầng trong đời sống chính trị của các nước đã phát triển, ngay từ trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã phá vỡ sự cân bằng quốc tế cũng là nền tảng cho sự ổn định của hơn một nước tư bản có chế độ dân chủ đại nghị. Trong những thời kì rối ren về kinh tế, cử tri thường có xu hướng đổ vấy lên chính đảng cầm quyền, nhưng cái mới trong những thập niên Khủng hoảng là phản ứng chống chính phủ không nhất thiết có lợi cho các lực lượng đối lập truyền thống. Thất lợi nhất là các đảng Dân chủ - Xã hội và Công đảng ở phương Tây, mà công cụ chủ yếu để làm vừa lòng cử tri – hành động kinh tế và xã hội của chính phủ mỗi nước – đã mất đi hiệu quả trong khi khối trung tâm của cử tri bỏ phiếu cho họ, là giai cấp công nhân, bị tan vỡ (xem ch. 10). Trong nền kinh tế xuyên quốc gia mới hình thành, tiền lương trong mỗi nước gặp sự cạnh tranh trực tiếp của sự cạnh tranh quốc tế nhiều hơn trước, trong khi đó thì chính quyền lại mất đi nhiều khả năng bảo vệ mức lương ấy. Đồng thời, trong thời kì khủng hoảng, quyền lợi của các thành phần cử tri truyền thống của các đảng Dân chủ - Xã hội cũng phân tán: những người có chỗ làm tương đối vững chãi; những người kém bảo đảm về vị trí; người làm công ở các vùng và trong các ngành công nghiệp cổ truyền có tổ chức công đoàn; những người làm việc trong những ngành công nghiệp mới ít bị đe dọa ở các vùng mới thành lập, ít tổ chức công đoàn, và những nạn nhân của thời buổi khó khăn, có hình ảnh xấu trong dư luận, sa vào thành phần “vô sản cặn bã”. Không những thế, từ những năm 1970 trở đi, một số người ủng hộ (chủ yếu là thanh niên và/hay tư sản) sao lãng những chính đảng phái tả truyền thống để tham gia những phong trào khu biệt, đặc biệt là phong trào bảo vệ môi trường, phong trào “nữ quyền” này khác. Sang đầu thập niên 1990, chẳng còn mấy chính phủ Công đảng hay Xã hội – Dân chủ, cũng giống như tình hình thập niên 1950, bởi vì ngay ở những nước mà đảng Xã hội chính thức cầm quyền, các đảng này cũng ít nhiều từ bỏ đường lối chính trị vốn có.

Trong khoảng trống chính trị như vậy, xuất hiện những lực lượng chính trị mới, khá tạp nhạp: những phong trào bài ngoại và kì thị chủng tộc; những đảng li khai (chủ yếu có tính chất sắc tộc hoặc chủ nghĩa quốc gia, nhưng không chỉ có vậy); những đảng “xanh” đủ loại và những “phong trào xã hội mới” khẳng định vị trí của họ trong phái tả. Nhiều đảng trong số này đã kiến tạo được vị trí chính trị của họ, thậm chí thống trị đời sống chính trị trong một vùng, dù rằng, vào cuối Thế kỉ XX Ngắn, chưa có đảng nào thay thế được các bộ máy chính trị cũ. Còn những phong trào khác, cử tri của họ khá dao động. Phần đông các phong trào có ảnh hưởng đều phủ nhận tính phổ quát của sinh hoạt chính trị dân chủ, cho nên chúng có chung một điểm là hết sức căm thù người ngoại quốc, căm thù “kẻ sống ngoài lề”, căm thù Nhà nước – Dân tộc tập hợp theo truyền thống của hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp. Ở một phần dưới, chúng ta sẽ có dịp quay trở lại vấn đề phát triển của “chính sách bản sắc” mới.

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của những phong trào này không mấy do nội dung “tích cực” trong lập trường mà chủ yếu là do sự chối bỏ “hệ thống chính trị cũ”. Trong những phong trào mạnh nhất, có tới mấy tổ chức đều có chung một thái độ tiêu cực như vậy: Liên đoàn phương Bắc (xu hướng li khai) ở Italia; 20% cử tri Mỹ ủng hộ một ứng cử viên độc lập, đại phú bang Texas, trong cuộc bầu cử năm 1992; hay là cử tri Brasil (năm 1989) và Peru (năm 1990) đã bầu vào chức tổng thống những người mà họ cho là đáng tín nhiệm chỉ vì trước đó, họ chưa bao giờ nghe nói tới. Tại Vương quốc Anh, chỉ vì hệ thống bầu cử không bao giờ tôn trọng tính đại diện, nên trong thập niên 1970, nó đã mấy lần ngăn cản sự trỗi lên của chính đảng thứ ba: những người Tự do, hoặc ra tranh cử riêng biệt, hoặc liên minh với những người Xã hội – Dân chủ ôn hòa đã rời bỏ Công đảng, đã giành được số phiếu ngang, nếu không hơn, một trong hai đảng lớn. Từ đầu những năm 1930, cũng là thời kì khủng hoảng, chưa bao giờ người ta chứng kiến sự suy sụp của cử tri các đảng lớn nắm chính quyền ở quy mô cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990: Đảng Xã hội (PS) ở Pháp, đảng Bảo thủ ở Canada và những đảng chính quyền lớn ở Italia (1993). Tóm lại, trong những thập niên Khủng hoảng, những cấu trúc chính trị vốn ổn định ở các nước tư bản chủ nghĩa dân chủ bắt đầu tan vỡ. Không những thế, những lực lượng chính trị năng động nhất mới nổi lên lại là những tổ chức vừa mị dân vừa bài ngoại, lãnh tụ lại được quảng cáo rầm rộ. Những người ra đời giữa hai cuộc Đại chiến nay còn sống, có những lí do để nản lòng.

 

III

 

Leonid Brezhnev (1906-1982)

Chẳng mấy ai để ý rằng, cũng bắt đầu từ 1970, “Thế giới thứ Hai” của những nước “kinh tế kế hoạch hóa” cũng bắt đầu bị một cuộc khủng hoảng xói mòn. Sự cứng đơ của chế độ chính trị lúc đầu đã che lấp được điều này, nhưng sau đó lại làm cho nó nổi bật, và đến khi thay đổi thì đột ngột: chẳng hạn như ở Trung Quốc, vào cuối thập niên 1970, sau khi Mao chết; và ở Liên Xô, vào thời gian 1983-1985, sau cái chết của Brezhnev (xem ch. 16). Về mặt kinh tế, thì từ thập niên 1960 trở đi, càng thấy rõ là chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa cần được cải tổ. Bắt đầu từ những năm 1970, ngày càng nhiều dấu hiệu hiển nhiên của sự thoái triển. Đó chính là thời điểm mà nền kinh tế của các nước XHCN – cũng như nền kinh tế của các nước khác, tuy không cùng một quy mô – gặp phải những vận động không thể kiểm soát và những lên xuống không thể tiên đoán của nền kinh tế xuyên quốc gia. Sự gia nhập ồ ạt của Liên Xô vào thị trường ngũ cốc quốc tế và tác động của các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970 đã đánh dấu một cách ngoạn mục sự kết thúc của “phe XHCN” như là một nền kinh tế khu vực hầu như tự lập, không chịu sự chi phối của kinh tế thế giới (xem ch. 13.I).

Lạ một điều, là phương Đông và phương Tây không những liên kết với nhau thông qua kinh tế xuyên quốc gia không bên nào làm chủ được, mà còn liên kết với nhau bởi sự liên thuộc của hệ thống quyền lực trong Chiến tranh Lạnh. Hệ thống này (xem ch. 8) đã ổn định hai siêu cường và thế giới chia cách hai siêu cường, cho nên khi nó sụp đổ thì sinh loạn ở khắp nơi – về chính trị cũng như về kinh tế. Bởi vì, với sự tan rã đột ngột của hệ thống chính trị Liên Xô, sự phân công liên khu vực về lao động và mng lưới phụ thuộc tương tác đã triển khai trong khối Đông Âu cũng sụp đổ theo, buộc các nước và các khu vực nằm trong khối ấy phải thích ứng với một thị trường thế giới mà không được trang bị trước để tham gia. Thế mà phương Tây, dù cho nó mong muốn – Cộng đồng châu Âu[135] thì không muốn chút nào – cũng không được chuẩn bị để sáp nhập tàn dư “hệ thống song song” của thế giới cộng sản vào thị trường toàn cầu của mình. Phần Lan, một trong những nước thành công nhất về kinh tế ở châu Âu sau chiến tranh, đã bị dồn vào sự trì trệ nặng nề sau khi Liên Xô sụp đổ. Nước Đức, cường quốc kinh tế số một của châu Âu, thì nền kinh tế phải chịu những áp lực ghê gớm chỉ vì chính phủ Đức (mặc dầu giới ngân hàng đã cảnh báo – điều này cũng cần nói rõ) đã đánh giá quá thấp những khó khăn và cái giá phải trả của việc sáp nhập nước CHDC Đức với 16 triệu dân, một bộ phận nhỏ bé của nền kinh tế XHCN, và điều này lôi kéo theo cả châu Âu. Đó là những hậu quả bất ngờ của việc Liên Xô sụp đổ, điều mà hầu như không ai tiên đoán trước khi nó xảy ra.

Mikhail Gorbachev (1931-2022)
Janos Kornai (1928-2021)

Tuy nhiên, trong khi đó, điều “không thể nghĩ tới” đã trở thành “có thể nghĩ tới” ở phương Đông, cũng như nó đã xảy ra ở phương Tây; những vấn đề tưởng như vô hình đã hiển hiện rõ ràng. Ở phương Đông cũng như ở phương Tây, việc bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề lớn trong vận động tranh cử vào những năm 1970, nào là bảo vệ loài cá voi, nào là gìn giữ hồ Baikal ở Siberia. Do những hạn chế về thảo luận công khai, cũng khó theo dõi sát sao dòng tư duy phê phán trong xã hội ở các nước này. Nhưng, năm 1980, những nhà kinh tế học cộng sản hàng đầu và trước đây là những người chủ trương cải cách, như János Kornai ở Hungary, đã công bố những phân tích hết sức tiêu cực về các hệ thống kinh tế XHCN. Tương tự như thế, vào giữa thập niên 1980, người ta được biết tới những cuộc điều tra rất nghiêm khắc về những khuyết điểm của hệ thống Soviet, thực ra đó là những nghiên cứu đã được thai nghén từ lâu trước đó trong giới viện sĩ ở Novossibirsk và ở nơi khác. Bắt đầu từ thời điểm nào, các nhà lãnh đạo XHCN không còn tin tưởng ở chủ nghĩa xã hội? Câu hỏi này càng khó trả lời hơn, vì sau những năm 1989-1991, họ có xu hướng nói mình đã thay đổi từ lâu. Như đã thấy qua cuộc perestroika của Gorbachev, ít nhất ở các nước phương Tây, những gì đã nói về kinh tế lại càng đúng về mặt chính trị. Tuy về mặt lịch sử họ khâm phục và gắn bó với Lenin, nhưng chắc chắn nhiều người cộng sản thuộc xu hướng cải cách đều có muốn từ bỏ phần lớn di sản chính trị của chủ nghĩa Lenin, dù rằng ít người (ngoại trừ ĐCS Italia, là đảng khá hấp dẫn đối với những người cải cách ở phương Đông) chịu nói ra.

Điều mà phần đông các nhà cải cách trong các nước cộng sản mong ước là biến đổi chủ nghĩa cộng sản thành một chế độ tương tự như chế độ xã hội dân chủ ở phương Tây. Mô hình của họ là Stockholm, hơn là Los Angeles. Dường như Hayek hay Friedman không có mấy người thán phục ở Moskva hay Budapest. Không may cho những nhà cải cách, cuộc khủng hoảng của chế độ cộng sản lại xảy ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản Thời đại Hoàng kim, cũng là cuộc khủng hoảng của các hệ thống Xã hội – Dân chủ. Tệ hại hơn nữa: sự sụp đổ đột ngột của chế độ cộng sản cho thấy rằng kế hoạch thay đổi tiệm tiến là điều vừa không nên vừa không thể, trong lúc mà sự cực đoan thâm căn cố đế của các lí thuyết gia tôn thờ thị trường đang sống những giờ phút vinh quang (phù du) ở phương Tây tư bản chủ nghĩa. Các chế độ hậu cộng sản đã cảm hứng từ lí thuyết thị trường triệt để ấy, mặc dầu nó đã tỏ ra phi hiện thực, cũng như ở mọi nơi khác.

Trên nhiều phương diện, cuộc khủng hoảng của phương Đông và cuộc khủng hoảng của phương Tây đi theo những tiến trình song song đến mức chúng nhập lại thành một cuộc khủng hoảng thế giới, về chính trị lẫn kinh tế. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt lớn trên hai bình diện. Đối với hệ thống cộng sản, cứng nhắc và thua kém (ít nhất trong khu vực Liên Xô), đó là chuyện sinh tử, và cuối cùng đã tiêu vong. Ngược lại, sự tồn tại của hệ thống kinh tế thực ra không hề đặt thành vấn đề tại các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, mặc dầu hệ thống chính trị, tính khả sinh của chúng, cũng đã bị tan tành từng mảng. Điều này có thể giải thích, nhưng không thể biện minh, luận điểm kì quái của một tác giả Mỹ. Tác giả này muốn chứng minh rằng với sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản, lịch sử tương lai của loài người đơn thuần sẽ là lịch sử của chế độ dân chủ “liberal”. Các chế độ tư bản chủ nghĩa chỉ có một nguy cơ quan trọng là: tương lai của chúng, với tư cách là những quốc gia có lãnh thổ thống nhất, không còn được bảo đảm nữa. Tuy nhiên, cho tới đầu thập niên 1990, chưa có một Nhà nước – Dân tộc phương Tây nào có phong trào li khai đã bị chia cắt.

Sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản, trong Thời đại Tai họa, tưởng như đã gần kề. Cho nên một tác giả đương thời đã dám gọi tên cuộc Đại Khủng hoảng là cuộc Khủng hoảng cuối cùng (Hutt, 1935). Sau này, không còn thấy những lời tiên tri tận thế nghiêm chỉnh về tương lai ngắn hạn của chủ nghĩa tư bản phát triển, nhưng năm 1976 cũng có một nhà sử học kiêm thương gia về hội họa Pháp tiên tri về sự cáo chung của nền văn minh phương Tây. Lời tiên tri dựa trên một luận điểm không phải là không có chút nào cơ sở: động lực của nền kinh tế Hoa Kỳ, vốn là đầu tàu cho thế giới tư bản chủ nghĩa, nay đã cạn kiệt (Gimpel, 1992). Cho nên, tác giả này tiên đoán rằng cuộc khủng hoảng hiện nay “sẽ kéo dài sang thiên niên kỉ sau”. Cũng phải nói cho công bằng là cho đến đầu, thậm chí đến giữa, thập niên 1980, cũng rất hiếm có những lời tiên tri tận thế về tương lai của Liên Xô.

Cũng chính vì động lực của kinh tế tư bản chủ nghĩa lớn hơn và khó kiểm soát hơn, nên cơ cấu xã hội của các nước phương Tây bị tác động nhiều hơn các nước XHCN. Về mặt này, cuộc khủng hoảng ở phương Tây nghiêm trọng hơn. Còn ở Liên Xô và Đông Âu, cơ cấu xã hội đổ vỡ tan tành khi chế độ sụp đổ, chứ không phải nguyên nhân làm cho nó sụp đổ. Trong chừng mực có thể so sánh CHLB Đức với CHDC Đức, thì dường như các giá trị và tập quán truyền thống của nước Đức được gìn giữ dưới chế độ cộng sản tốt hơn là ở Tây Đức, vùng đất của những phép lạ kinh tế. Những người Do Thái Liên Xô di cư sang Israel đã khơi dậy thế giới âm nhạc cổ điển, bởi vì họ quen sống trong một nước mà việc đi nghe hòa nhạc nằm trong tập quán bình thường của giới có văn hóa, ít nhất là người Do Thái. Công chúng đi nghe hòa nhạc chưa thu hẹp vào một số nhỏ, chủ yếu lớn tuổi[136]. Người dân Moskva và Warzsaw chưa có những mối lo của người dân New York và London: tội ác gia tăng rõ rệt, tình trạng mất an ninh trên đường phố và sự bạo hành bất chợt của tuổi trẻ “có vấn đề”. Hiển nhiên là khi ra nơi công cộng, người ta không có những cử chỉ phản cảm đối với giới xã hội bảo thủ hay “phải đạo” (kể cả ở phương Tây). Đối với những giới này, đó là dấu hiệu văn minh suy đồi, chỉ còn cách than thở yếm thế “trở lại thời Weimar mất rồi”.

Cũng khó khẳng định sự khác biệt Đông-Tây ấy trong chừng mực nào là do các xã hội phương Tây giàu có hơn, chừng mực nào là do nhà nước ở phương Đông cứng rắn và xét nét hơn. Về một số phương diện, Đông và Tây đều đã chuyển biến theo cùng một hướng. Ở cả hai bên, các gia đình đã trở thành tiểu gia đình, các cuộc hôn nhân dễ tan vỡ hơn các nơi khác, dân chúng – ít nhất trong các vùng đô thị hóa và công nghiệp hóa – sinh đẻ ít hơn, thậm chí tuyệt sản. Và có thể nói, ở cả hai bên, ảnh hưởng của các tôn giáo phương Tây cổ truyền đã giảm đi nhiều, dù rằng ở Nga sang thời kì hậu-Soviet các nhà điều tra đều nói có tăng tín ngưỡng (nhưng hành đạo thì không). Cho nên, như những biến cố sau 1989 cho thấy rõ, phụ nữ Ba Lan cũng không khác phụ nữ Italia, họ không muốn để cho Giáo hội xoi mói cuộc sống tính dục, trong khi dưới thời Cộng sản, người dân Ba Lan rất gắn bó với Giáo hội vì chủ nghĩa dân tộc và bài Liên Xô. Hiển nhiên là các chế độ cộng sản đã không để chỗ đứng trong xã hội cho những loại hình văn hóa gọi là “tiểu văn hóa”, “phản – văn hóa”, “văn hóa chui”, v.v.. Thêm nữa, nhân dân ở các nước này đã từng trải những giai đoạn khủng bố có hệ thống và cực kỳ khắt khe, nên họ quen cúi đầu nhẫn nhịn, ngay cả khi chính quyền nới tay. Dầu sao thì sự yên bình tương đối trong đời sống ở các nước XHCN không phải do sợ hãi mà ra. Khi chính quyền ngăn chận không cho họ tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản, thì nó cũng đã tránh cho họ phải trải nghiệm những tác động mạnh mẽ của những biến chuyển xã hội ở phương Tây. Những biến chuyển mà họ trải qua đều do nhà nước mang lại, hoặc do chính họ tạo ra trong thái độ đối với chính quyền. Những gì nhà nước không muốn thay đổi thì đại để vẫn giữ nguyên như trước. Nghịch lý là ở đó: cộng sản lên nắm chính quyền đã trở thành bảo thủ.

 

IV

 

Nói đến vùng đất mênh mông của Thế giới thứ Ba (kẻ cả khu vực đang công nghiệp hóa mạnh mẽ), thì không thể khẳng định điều gì tổng quát được. Trong chương 7 chương 12, tôi đã thử trình bày những vấn đề của Thế giới thứ Ba trong chừng mực ta có thể đặt ra một cách bao quát. Các thập niên Khủng hoảng đã tác động, như ta đã thấy, tới các khu vực mỗi nơi một khác. Làm sao so sánh được Hàn Quốc – ở đây, trong vòng 15 năm trời, từ 1970 đến 1985, tỉ số các gia đình có máy truyền hình đã từ 6,4% nhảy vọt lên 99,1% (Jon, 1993) – với một nước như Peru, nơi hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khó – nhiều hơn hồi năm 1972 – và mức tiêu thụ tính theo đầu người cũng giảm sút (Anuario, 1989), nói chi tới các nước bị tàn phá tan hoang ở Hạ Sahara? Tại một vùng tiểu lục địa như Ấn Độ, áp lực gây ra căng thẳng là áp lực của một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và của một xã hội đang biến đổi. Tại Somalia, Angola và Liberia, đó là tình hình căng thẳng của những nước đang trên đà tan biến, trên một lục địa mà ít ai lạc quan khi nhìn về tương lai.

Nhận định tổng quát duy nhất có thể đưa ra mà không sợ sai lầm là: từ năm 1970 trở đi, hầu hết các nước này đều mắc nợ nặng nề. Ở thời điểm 1990: bên cạnh ba con nợ khổng lồ là Brazil, Mexico và Argentina (sổ nợ lên tới từ 60 đến 110 tỉ Đô la), có 28 nước nợ hơn 10 tỉ Đô la, không kể những nước khác mắc nợ một, hai tỉ. Trong số 96 nước mà kinh tế được xếp hạng là “kém” hoặc “trung bình”, được Ngân hàng Thế giới (WB) theo dõi, chỉ có 7 nước là nợ bên ngoài ít hơn 1 tỉ Đô la rất xa: đó là những nước như Lesotho và Tchad, so với 20 năm về trước cũng đều nợ nhiều hơn. Năm 1970, chỉ có 12 nước nợ lớn hơn một tỉ Đô la, và không có nước nào nợ trên 10 tỉ. Năm 1980, nói theo ngôn ngữ gần hiện thực nhất, có 6 nước mà tổng số nợ hầu như ngang với GDP của mình; đến năm 1990, 24 nước mắc nợ lớn hơn là giá trị sản xuất, trong đó gộp chung tất cả các nước ở Hạ Sahara vào làm một. Không ai ngạc nhiên khi biết rằng châu Phi là nơi có nhiều nước mắc nợ nhiều nhất (tính một cách tương đối): Mozambique, Tanzania, Somalia, Zambia, Congo, Bờ biển Ngà – nước thì bị chiến tranh xâu xé, nước thì trở thành nạn nhân của nạn sụt giá sản phẩm xuất khẩu. Còn các nước hàng năm phải trả lãi nợ nặng nhất – ít nhất 1/4 tổng giá trị xuất khẩu – thì “chia đều” hơn ra các châu lục. Nếu tính theo cách này, thì vùng Hạ Sahara lại ở dưới mức đó, đỡ hơn Nam Á, châu Mỹ Latin, vùng biển Caribe và Trung Đông.

Ít có khả năng các món nợ ấy được thanh toán xong, nhưng chừng nào các ngân hàng còn thu được tiền lãi – năm 1982, lãi suất trung bình là 9,8% (UNCTAD) – thì họ chẳng lo lắng. Sang đầu thập niên 1990 nổi lên một cơn gió hoảng loạn, bắt đầu từ Mexico, rồi đến phiên các nước nợ nhiều ở châu Mỹ Latin không trả được nợ, khiến cho hệ thống ngân hàng phương Tây đứng bên bờ vực thẳm, bởi trong thập niên 1970, các ngân hàng lớn (có đầy Đô la dầu mỏ ký gửi) đã cho vay quá trớn, đến mức coi như đã phá sản đứng về mặt kĩ thuật. Cũng may cho nền kinh tế của các nước giàu, ba nước chúa Chổm khổng lồ ở châu Mỹ Latin đã không ước hẹn mà hành động: mỗi nước đều ký hiệp ước riêng để định lại hạn kì trả nợ, và nhờ sự giúp đỡ của nhà nước và các cơ quan quốc tế, các ngân hàng được phép từng bước khấu trừ những món nợ xấu và tái lập được khả năng thanh toán về mặt kĩ thuật. Cuộc khủng hoảng nợ vẫn tiếp tục, những không còn tính chất sinh tử nữa. Đây chắc chắn là giai đoạn hiểm nghèo nhất của nền kinh tế tư bản toàn cầu từ năm 1929 đến nay. Lịch sử đầy đủ của nó là cuốn sách chưa được viết ra.

Món nợ của các nước nghèo cứ tiếp tục tăng, còn tài sản (thực hay tiềm thể) của họ thì không. Trong những thập niên Khủng hoảng, nền kinh tế tư bản toàn cầu, mà tiêu chí duy nhất là lợi nhuận (thực thụ hay tiềm thể), coi như đã xóa sổ cả một bộ phận của Thế giới thứ Ba. Trong số 42 nước “kinh tế thu nhập kém” năm 1970, có 19 nước hoàn toàn không có đầu tư của nước ngoài. Trên thực tế, trong số 100 nước thu nhập kém hoặc trung bình ở ngoài châu Âu, chỉ có 14 nước được đầu tư đáng kể, trong số đó, 8 nước được đầu tư ồ ạt (trên một tỉ Đô la) thì có 4 nước ở Đông và Đông Nam Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) và 3 nước ở châu Mỹ Latin (Argentina, Mexico, Brazil)[137]. Tuy thế, nền kinh tế toàn cầu xuyên quốc gia, mà tính hội nhập ngày càng cao, cũng không thể nào hoàn toàn bỏ qua những khu vực hẩm hiu. Những nước nhỏ bé nhất, ngoạn mục nhất có thể được biến thành thiên đường du lịch hay nơi trú ẩn offshore cho những tài sản muốn trốn tránh sự kiểm soát của nhà nước, và những lãnh thổ trước đây không có gì hấp dẫn, bỗng có thể trở thành quan trọng do tìm ra những tài nguyên có thể khai thác. Song nói chung, một bộ phận khá lớn của thế giới vẫn bị loại ra khỏi kinh tế toàn cầu. Đó là tình hình, sau khi khối Đông Âu sụp đổ, của dải đất mênh mông đi từ Trieste tới Vladivostok. Năm 1990, chỉ có hai nước XHCN Đông Âu cũ, là Ba Lan và Tiệp Khắc, thực sự có đầu tư nước ngoài (World Development, 1992, bảng 21, 23 và 24). Trên lãnh thổ mênh mông của Liên bang Soviet cũ, rõ ràng có những vùng đất, những nước cộng hòa tài nguyên phong phú, nhận được nhiều đầu tư, nhưng cạnh đó là những vùng đất bị bỏ mặc với những phương tiện eo hẹp của mình. Nhìn một cách toàn cục, thì đại bộ phận của “Thế giới thứ Hai”, trên thực tế, đã trở thành một bộ phận của “Thế giới thứ Ba ”.

Tác động chủ yếu của những thập niên Khủng hoảng như vậy là đã khoét rộng thêm khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. GDP tính theo đầu người của vùng Hạ Sahara ở châu Phi tụt từ mức 14% GDP của các nước công nghiệp hóa (năm 1960) xuống tới mức 8% (năm 1987); cũng trong cùng thời gian, GDP đầu người của các nước “chậm tiến” (bao gồm những nước ở châu Phi và những châu lục khác) tụt từ 9 xuống 5%[138] (Human Development, 1991, bảng 6).

 

V

 

Trong khi nó tăng cường sự thống trị thế giới, nền kinh tế xuyên quốc gia đã phá hủy một định chế quan trọng, từ năm 1945 trở đi đã trở thành gần như phổ quát: Nhà nước – Dân tộc với lãnh thổ nhất định, nay bị tước bớt quyền kiểm soát công việc của mình. Và các tổ chức mà phạm vi hoạt động thực sự bị hạn chế trong biên giới quốc gia: công đoàn, nghị viện, đài phát thanh công cộng hay nội địa đều bị mất mát; trái nghịch hẳn với những tổ chức không chịu sự ràng buộc của các Nhà nước – Dân tộc, như các doanh nghiệp xuyên quốc gia, thị trường quốc tế hối đoái, hay là các media và cơ quan truyền thông đã được thời đại vệ tinh toàn cầu hóa. Sự cáo chung của các siêu cường – những quốc gia ít nhất cũng kiểm soát được các nước chư hầu – lại càng củng cố xu hướng này. Về mặt lí thuyết mà nói, ngay cả chức năng khó thay thế nhất mà các Nhà nước – Dân tộc đã giành được trong thế kỉ vừa qua, nay cũng khó thực thi trong khung cảnh lãnh thổ tự chủ: tôi muốn nói tới vai trò tái phân phối thu nhập thông qua các “chuyển giao xã hội”, như là giáo dục, y tế và các khoản trợ cấp. Trên thực tế, tình hình này vẫn được giữ nguyên trạng, ngoại trừ trường hợp một thực thể siêu quốc gia (như Cộng đồng châu Âu hay Liên hiệp châu Âu) quán xuyến một chức năng nào đó của các nước thành viên. Vào thời điểm thịnh trị của “thần học thị trường”, xu hướng vì nguyên tắc mà dẹp bỏ các hoạt động vốn do các cơ quan công đảm đương, trao cho “thị trường” quản lí lại càng làm cho nhà nước suy yếu thêm.

Đó là điều nghịch lí, nhưng có lẽ cũng không lạ: sự suy yếu này của Nhà nước – Dân tộc đi đôi với một xu hướng thời thượng là chia cắt các Nhà nước – Dân tộc cũ thành những thực thể mới, nhỏ hơn, phần đông dựa vào một nhóm đòi độc quyền về sắc tộc – ngôn ngữ. Ban đầu, sự trỗi dậy của các phong trào đòi quyền tự lập hoặc li khai, nhất là từ năm 1970 trở đi, chủ yếu là một hiện tượng phương Tây, có thể thấy ở Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Canada, Bỉ và ở cả Thụy Sĩ, Đan Mạch. Song, từ đầu thập niên 1990, nó tràn sang quốc gia ít tập trung nhất trong các nước XHCN là Nam Tư. Cuộc khủng hoảng của khối cộng sản đưa hiện tượng này lan tràn sang Đông Âu: từ năm 1991, số quốc gia được thành lập (về lí thuyết là những nước dân tộc) nhiều hơn bất cứ thời kì nào của thế kỉ XX. Cho đến những năm 1990, hiện tượng này hầu như không xảy ra ở phía nam Canada của Tây bán cầu. Tại những khu vực xảy ra sự sụp đổ hay tan rã của những nhà nước trong hai thập niên 1980 và 1990, như ở Afghanistan và một số vùng châu Phi, ta thấy diễn ra quá trình từ nhà nước chuyển sang tình trạng vô chính phủ, hơn là quá trình thành lập một hay nhiều nhà nước mới.

Woodrow Wilson (1856-1924)

Đây là một diễn trình nghịch lí, vì các Nhà nước – Dân tộc nhỏ mới được thành lập vẫn mang những khuyết tật của các nhà nước cũ, và càng nhỏ thì khuyết tật càng nặng nề. Nhưng xét kĩ thì cũng không đáng ngạc nhiên vì một lẽ đơn giản: vào cuối thế kỉ XX, vẫn chỉ có một mô hình nhà nước duy nhất là nhà nước có biên cương xác định, với những định chế tự lập – nghĩa là mô hình Nhà nước – Dân tộc của Thời đại Cách mạng. Thêm nữa, từ năm 1918 trở đi, tất cả các chế độ đều tuyên bố tôn trọng nguyên tắc “dân tộc tự quyết” mà nội dung ngày càng gắn liền với yếu tố sắc tộc – ngôn ngữ. Trên điểm này, Lenin và tổng thống Wilson đồng ý với nhau. Châu Âu của các hiệp định Versailles cũng như Liên Xô được thành lập sau đó đều được quan niệm là tập hợp những Nhà nước – Dân tộc theo kiểu đó. Trong trường hợp Liên Xô, và sau này là Nam Tư theo cùng mô hình, đó là một liên hiệp của những nhà nước, trên lí thuyết (trên thực tế thì không) có quyền li khai[139]. Khi các liên bang này nổ tung, đường phân ranh là đường phân ranh cũ.

Tuy nhiên, thực ra chủ nghĩa quốc gia li khai mới của những thập niên Khủng hoảng là một hiện tượng khác hẳn việc thành lập các Nhà nước – Dân tộc của thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Thật vậy nó kết hợp ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là sự phản kháng các Nhà nước – Dân tộc hiện tồn, chống lại sự xuống cấp của chúng. Điều này trở thành ngày càng hiển nhiên trong thập niên 1980 với nỗ lực của nhiều thành viên, thực thụ hay tiềm thể, của Cộng đồng châu Âu – đôi khi ở những thể chính trị rất khác nhau như Na Uy hay Vương quốc Anh của bà Thatcher – để duy trì sự tự quyết của họ trong mọi lãnh vực mà họ cho là quan trọng, chống lại sự chuẩn hóa của châu Âu. Song, rất có ý nghĩa là chủ nghĩa bảo hộ – phương tiện tự vệ chủ yếu cố hữu của Nhà nước – Dân tộc, trong những thập niên Khủng hoảng, lại yếu hơn rất nhiều so với Thời đại Tai họa. Tự do mậu dịch trên thế giới vừa là lí tưởng, và ở một mức độ không ngờ, nó cũng đã trở thành hiện thực – nhất là sau ngày sụp đổ của các nền kinh tế kế hoạch hóa – trong khi mà nhiều nước vẫn kín tiếng tìm cách tự bảo vệ trước sự cạnh tranh của nước ngoài. Người Nhật Bản và người Pháp rất giỏi về chuyện này, nhưng thành công nhất phải nói là người Italia: công nghiệp ô tô Italia (chủ yếu là hãng Fiat) vẫn giữ được thị phần to lớn trong thị trường quốc nội. Song đó cũng chỉ là phản ứng của đội hậu vệ, dù là phản ứng mãnh liệt và đôi khi thành công. Cuộc đấu tranh càng gay go khi đối tượng bảo vệ không chỉ đơn thuần có tính chất kinh tế: nó liên quan tới cả bản sắc văn hóa. Người Pháp – và trong một chừng mực thấp hơn, người Đức – đấu tranh để nông dân nước họ tiếp tục nhận được những số tiền trợ cấp to lớn. Lá phiếu của nông dân tất nhiên là quan trọng, nhưng còn lí do nữa: họ thành thật nghĩ rằng sự tiêu vong của nông nghiệp và giới nông dân, dù kém hiệu quả và thiếu khả năng cạnh tranh đi nữa, cũng là sự tiêu vong của một cảnh quan, một truyền thống, một thành tố của bản sắc dân tộc. Được sự ủng hộ của châu Âu, người Pháp cưỡng lại đòi hỏi của Mỹ là phải có tự do mậu dịch đối với phim ảnh và sản phẩm nghe nhìn: bởi vì nếu không sản phẩm Mỹ sẽ xâm chiếm màn hình công và tư, còn công nghệ giải trí đặt ở Mỹ (mặc dù bây giờ đã mang tính chất quốc tế, về vốn đầu tư cũng như về cán bộ lãnh đạo) hầu như đã chiếm vị trí độc quyền toàn cầu giống như Hollywood thuở nào. Người Pháp cũng có lí khi nhận định rằng không thể để cho nền sản xuất điện ảnh Pháp ngữ phải chết yếu chỉ vì những tính toán đơn thuần về giá thành so sánh và hiệu suất. Có những thứ phải được gìn giữ, bất luận dữ kiện kinh tế như thế nào. Chẳng lẽ chính phủ nên xem xét dự án làm thịt giáo đường Chartres hay điện Taj Mahal với luận chứng là xây lên ở đó một khách sạn siêu hạng, một trung tâm thương mại và một cung hội nghị (với điều kiện giao khoán cho tư nhân) sẽ mang lại cho GDP nhiều hơn là cứ để làm địa điểm du lịch như hiện nay? Hỏi tức là trả lời.

Yếu tố thứ hai – có thể gọi tên một cách chính xác là sự ích kỉ tập thể của sự giàu có – phản ánh sự khác biệt ngày càng lớn về kinh tế trong mỗi lục địa, mỗi nước và mỗi vùng. Chính quyền của các Nhà nước – Dân tộc kiểu cũ, dù là chính quyền tập trung hay chính quyền liên bang, cũng như các thực thể siêu quốc gia như Cộng đồng châu Âu đều đã đảm nhận trách nhiệm phát triển toàn bộ lãnh thổ, do đó, trong chừng mực nhất định, chia sẻ đồng đều đóng góp và phúc lợi. Nói cách khách, các vùng nghèo và chậm phát triển được trợ cấp (thông qua một cơ cấu tái phân phối do trung ương điều hành) bởi những vùng giàu hơn và phát triển hơn, nếu như không được ưu tiên về đầu tư để giảm bớt sự chậm tiến. Cộng đồng châu Âu khá thực tiễn khi nó chỉ kết nạp những quốc gia mà tình trạng nghèo và chậm tiến không đè quá nặng lên các thành viên khác; ngược lại, óc thực tiễn ấy hoàn toàn thiếu vắng trong NAFTA (North America Free Trade Area/Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ) liên kết Hoa Kỳ và Canada (với GDP bình quân 20.000 US$/người năm 1990) với Mexico mà GDP bình quân nhỏ gấp 8 lần[140]. Việc các vùng giàu có lần khân không chịu giúp những vùng nghèo khó đã từ lâu là một hiện tượng quen biết đối với những chuyên gia về chính quyền địa phương, nhất là ở Hoa Kỳ. Vấn đề của các “trung tâm thành phố”, nơi người nghèo cư trú, bị thiệt thòi vì tiền thuế thu được giảm xuống do dòng di cư ra các khu ngoại ô, chủ yếu cũng từ đó mà ra. Ai lại muốn chi tiền cho bọn nghèo? Các khu ngoại ô giàu có của Los Angeles, như Santa Monica và Malibu, đều chọn giải pháp tách rời khỏi Los Angeles; đầu thập niên 1990, Staten Island cũng tính li khai với New York vì lí do đó.

Chủ nghĩa quốc gia li khai của những thập niên Khủng hoảng phần nào đã được nuôi dưỡng bằng sự ích kỉ tập thể này. Slovenia và Croatia, hai vùng đất “đậm đà tính chất châu Âu” đã gây áp lực phá tung Nam Tư; Cộng hòa Séc “thân phương Tây” đã tranh đấu cho việc chia đôi Tiệp Khắc. Vùng Catalona và xứ Basque là hai vùng giàu nhất và “phát triển” nhất ở Tây Ban Nha; và, ở châu Mỹ Latin, dấu hiệu li khai đáng kể duy nhất là từ Rio Grande do Sul, bang giàu nhất của Brazil. Tiêu biểu nhất cho hiện tượng này là sự trỗi lên, bất ngờ, của Liên đoàn Lombardia (về sau trở thành Liên đoàn phương Bắc), vào cuối thập niên 1980, với chủ trương tách rời vùng đất mà trung tâm là Milano, “thủ đô kinh tế” của Italia – Roma chỉ là thủ đô chính trị. Luận điệu của Liên đoàn, với quy chiếu về quá khứ Trung cổ huy hoàng và phương ngữ Lombardia, là luận điệu quen thuộc của chủ nghĩa quốc gia sách động: nhưng thực chất vấn đề là vùng đất giàu có này muốn giữ riêng của cải cho riêng mình.

Yếu tố thứ ba và cuối cùng có lẽ cơ bản là phản ứng trước cuộc “cách mạng văn hóa” đã diễn ra trong nửa sau của thế kỉ: sự tan rã hiếm thấy của các chuẩn mực, các giá trị và các mô hình xã hội truyền thống, khiến cho bao người dân của thế giới phát triển bị trơ trọi và mất phương hướng. Chưa bao giờ người ta lại sử dụng danh từ “cộng đồng” một cách hàm hồ và tùy tiện như vậy trong những thập niên khó xác định các cộng đồng theo đúng định nghĩa xã hội học: nào là “cộng đồng tình báo”, “cộng đồng PR”, “cộng đồng gay (đồng tính)”. Ngay từ cuối những năm 1960, có những tác giả Mỹ ưa thích phân tích nội tâm đã chẩn đoán sự trỗi lên của các “cộng đồng bản sắc”: những nhóm người mà mỗi cá nhân có thể được xác định một cách dứt khoát, không thể tranh cãi, là có “nằm” trong nhóm người đó hay không. Vì những lí do hiển nhiên, phần đông những “cộng đồng” này được quy định theo “tính sắc tộc”, song có nhiều nhóm có xu hướng li khai tập thể cũng hay dùng ngôn ngữ dân tộc chủ nghĩa để tự khẳng định (chẳng hạn có những phần tử đồng tính đã nói tới “dân tộc queer”).

Sự trỗi dậy của hiện tượng này tại những nước đa sắc tộc cho thấy: chủ trương của các nhóm bản sắc không mảy may có liên quan tự tại nào với “quyền tự quyết dân tộc”, với ý đồ lập ra những quốc gia mà lãnh thổ tương ứng với một “tộc” người nhất định – điều này vốn là tinh túy của chủ nghĩa dân tộc. Đối với người da đen hay người gốc Italia ở Mỹ, khái niệm “li khai” hoàn toàn xa lạ với đường lối sắc tộc của họ. Ở Canada, đường lối chính trị của cộng đồng Ukrainia không phải là chính trị Ukrainia, mà là chính trị Canada[141]. Thực ra, chính trị sắc tộc (hay được đồng hóa với sắc tộc) trong các xã hội đô thị hóa (đương nhiên là đa tạp) chủ yếu là đua tranh với các nhóm tương tự để giành lấy một phần tài nguyên của nhà nước phi sắc tộc, với công cụ áp lực chính trị là sự trung thành của các thành viên đối với nhóm của mình. Những chính khách dân cử của các đơn vị bầu cử ở New York – ranh giới các đơn vị được vạch ra để thể hiện tính đại diện cho các cử tri gốc Mỹ Latin, gốc Á, đồng tính – đều chờ đợi ở chính quyền thành phố tối thiểu là điều đó.

Chính sách sắc tộc này có một điểm tương đồng với chủ nghĩa dân tộc dựa trên sắc tộc “cuối thế kỉ”: nó khẳng định đi khẳng định lại rằng bản sắc của nhóm mình bao gồm một số đặc trưng nhân thân, sinh hoạt được coi là cốt lõi, bất di bất dịch và vĩnh hằng, chỉ có người trong nhóm mới có, người ngoài nhóm không thể có. Sự độc tôn này được nhấn mạnh, trong khi những dị biệt có thực đối với các cộng đồng khác lại được giảm nhẹ đi. Thanh niên Do Thái Mỹ thì kiếm tìm “cỗi rễ” của họ trong khi mà dấu ấn không thể phai mờ của họ không còn là dấu ấn của “tính Do Thái” – mà tiêu biểu là sự kì thị đối với người Do Thái trước Thế chiến thứ Hai. Còn phong trào dân tộc Québec thì đòi li khai vì cho rằng Québec là một “xã hội riêng biệt”: thực ra, phong trào này khẳng định sức mạnh của mình vào đúng thời điểm mà Québec không còn là một “xã hội riêng biệt” như nó đã từng là, một cách rõ ràng, không thể tranh cãi, cho đến những năm 1960 (Ignatieff, 1993, tr. 115-117). Do sự lưu chuyển nhanh chóng của tính sắc tộc trong các xã hội đô thị hóa, nên lấy sắc tộc làm tiêu chí duy nhất để định nghĩa nhóm là một điều võ đoán và giả tạo. Tại Hoa Kỳ, ngoại trừ người da đen, người gốc Tây Ban Nha và cư dân gốc Anh gốc Đức, ít nhất 60 % phụ nữ sinh ra trên đất Mỹ, bất luận thuộc nhóm nào, đều lấy chồng là người khác nhóm (Lireberson, Waters, 1988, tr. 173). Càng ngày người ta càng xây dựng căn cước bản sắc của mình bằng cách nhấn mạnh tính phi bản sắc của người khác. Ở Đức, bọn đầu trọc Nazi-mới, từ cách ăn mặc, đầu tóc cho đến sở thích âm nhạc đều giống như thanh niên tứ chiếng, chỉ còn cách khẳng định “bản sắc Đức đậm đà” của chúng bằng cách hành hung người Thổ Nhĩ Kì và người Albania. Và tại những vùng đất Nam Tư mà các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo đã sống chung với nhau từ nhiều thế kỉ, có cách nào khẳng định “bản sắc Croatia”, “bản sắc Serbia” ngoài cách diệt trừ những người không phải là mình?

Thảm kịch của đường lối bản sắc độc tôn này, dù cho nó muốn hay không muốn thành lập những quốc gia độc lập, là, bất luận thế nào, nó cũng không thể đứng vững. Nó chỉ có thể giả vờ như thật thôi. Những người Mỹ gốc Italia sống ở khu Brooklyn (New York), khẳng định “tính chất Italia” (có lẽ, ngày càng mạnh mẽ) và nói tiếng Italia với nhau, đồng thời xuýt xoa xin lỗi là mình không sõi ngôn ngữ mà họ coi là “tiếng mẹ đẻ”[142], họ làm việc trong môi trường kinh tế Mỹ, trong đó “tính chất Italia” không có ý nghĩa gì cả, ngoài một việc là nó mở ra một cái “hốc” nhỏ bé trong nền kinh tế chung. Sự khẳng định có một “chân lí” Black (Đen), Hindi, Nga hay Phụ nữ, không ai hiểu là cái gì, càng không thể thông báo ra bên ngoài nhóm, thực ra chỉ có ý nghĩa trong nội bộ những định chế, tổ chức mà chức năng duy nhất là khuyến khích quan niệm ấy. Những người Islam theo khuynh hướng toàn thống cực đoan, khi học vật lý học, là học vật lý học, chứ không phải vật lý học Islam; tương tự, kĩ sư Do Thái không học công nghệ Do Thái giáo. Ngay người Pháp, người Đức, có tinh thần quốc gia về văn hóa rất mạnh, cũng cho rằng, muốn làm việc trong cái làng toàn cầu của giới khoa học kĩ thuật (là những người làm chạy guồng máy thế giới), thì phải biết sử dụng một ngôn ngữ, là tiếng Anh, như thời Trung cổ dùng tiếng Latin vậy. Thế giới bị chia cắt thành những lãnh thổ sắc tộc trên nguyên tắc đã bị cuộc diệt chủng làm cho thuần nhất, trải qua những cuộc trục xuất ồ ạt, những cuộc “thanh lọc sắc tộc”, cuối cùng vẫn tìm lại được sự đa dạng nhất định nhờ những cuộc di cư đông đảo (người lao động, du khách, doanh nhân, kĩ thuật viên), nhờ sự truyền bá các phong cách kiểu mốt trên bình diện quốc tế, và thông qua những cái vòi bạch tuộc của nền kinh tế toàn cầu. Xét cho cùng, điều ấy đã diễn ra ở các nước Trung Âu đã bị “thanh lọc sắc tộc” trong và sau thời kì Thế chiến thứ Hai. Điều ấy tất nhiên sẽ tái diễn trong một thế giới ngày càng đô thị hóa.

Đường lối chính trị “duy bản sắc” và chủ nghĩa quốc gia “mạt kỉ” không phải là những cương lĩnh, càng không phải là cương lĩnh hữu hiệu để xử lí những vấn đề của cuối thế kỉ XX, chẳng qua đó là những phản ứng cảm tính. Song, khi thế kỉ XX kết thúc, sự thiếu vắng những định chế và cơ chế khả dĩ xử lí những vấn đề này ngày càng trở nên bức xúc. Nhà nước – Dân tộc không giải quyết được nữa, lấy ai, lấy cái gì thay thế?

Từ ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945 trong sự hi vọng, chẳng mấy lúc đã tàn phai, Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ tiếp tục thỏa thuận với nhau để đưa ra những quyết định toàn cầu, những cơ chế đã được đặt ra nhằm mục đích ấy. Rốt cuộc, Liên Hợp Quốc chỉ khác Hội Quốc Liên trước đó là nó đã tồn tại hơn nửa thế kỉ, và hơn nữa, đối với một quốc gia, được kết nạp vào Liên Hợp Quốc là nền độc lập coi như được quốc tế thừa nhận. Theo Hiến chương của mình, Liên Hợp Quốc không có những quyền hành và tài nguyên nào khác hơn là những gì các nước thành viên trao cho nó: vì vậy, Liên Hợp Quốc không có khả năng hành động độc lập.

Trong những thập niên Khủng hoảng, do sự cần thiết phải phối hợp trên bình diện thế giới, những tổ chức quốc tế đã được thành lập nhiều hơn hẳn trước đó. Vào giữa thập niên 1980, người ta đếm được 365 tổ chức liên chính phủ và 4.615 tổ chức phi chính phủ, tức là gấp đôi những con số đầu thập niên 1970 (Held, 1988, tr. 15). Thêm vào đó, người ta ngày càng thấy phải khẩn trương triển khai hành động toàn cầu để giải quyết những vấn đề như bảo vệ môi trường. Khổ một nỗi, những thủ tục chính thức duy nhất có thể tiến hành – hiệp định quốc tế do các quốc gia có chủ quyền ký kết và chuẩn y – lại chậm chạp, nặng nề và thiếu sót: bằng chứng hiển nhiên là những cố gắng bảo vệ châu Nam Cực và việc cấm hẳn đánh bắt cá voi. Việc chính phủ Irak, trong những năm 1980, đã giết hàng nghìn công dân Irak bằng hơi độc, chà đạp một trong những công ước rất hiếm thực sự có tính chất quốc tế (Nghị định thư Geneva chống chiến tranh hóa học, năm 1925), cho thấy rõ nhược điểm của những văn bản quốc tế hiện tồn.

Tuy vậy cũng có hai phương thức tổ chức hành động quốc tế, cả hai phương thức này đã được củng cố hơn nhiều trong những thập niên Khủng hoảng. Phương thức thứ nhất, là những nước cỡ trung bình, không đủ mạnh để đứng một mình trên thế giới, chuyển nhượng quyền quốc gia của mình cho một thực thể siêu quốc gia. Cộng đồng kinh tế châu Âu (trong những năm 1980 đổi tên thành Cộng đồng châu Âu, đến thập niên 1990 trở thành Liên hiệp châu Âu) trong thập niên đã tăng kích thước gấp đôi trong thập niên 1970, rồi sang thập niên 1990 lại mở rộng thêm một lần nữa, đồng thời đã củng cố quyền lực đối với các nước thành viên. Vừa tăng khối lượng vừa tăng quyền lực, nhưng nó cũng gặp phải sự đề kháng đáng kể của các dân tộc – từ chính quyền cũng như từ dư luận công chúng ở các nước. Sức mạnh của Cộng đồng hay Liên hiệp châu Âu nằm ở chỗ một quyền lực trung ương đặt tại Bruxelles, không do dân cử, lại chủ động đưa ra những quyết định chính trị độc lập, không phải chịu áp lực của đời sống chính trị dân chủ – ít nhất là không trực tiếp, mà gián tiếp thông qua những cuộc họp và thương lượng định kì của đại diện các chính phủ (dân cử). Nhờ tình hình đó mà Liên hiệp châu Âu có quyền uy siêu quốc gia thực sự, trừ phi bị phủ quyết trong những trường hợp cụ thể.

Harry D. White (1892-1948)
John M. Keynes (1883-1946)

Công cụ hành động quốc tế thứ hai cũng vượt khỏi tầm can thiệp, thậm chí hơn thế nữa, của các Nhà nước – Dân tộc và các chế độ dân chủ. Đó là quyền lực của những tổ chức tài chính quốc tế được thành lập ngay sau Thế chiến thứ Hai, chủ yếu là Quỹ quốc tế tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) (xem ch. 9.IV). Được sự tiếp tay của tài phiệt các cường quốc tư bản, mang tên gọi mơ hồ là nhóm G7 – nhóm này đã được định chế hóa trong những năm 1970 – IMF và WB đã tăng cường quyền lực trong những thập niên Khủng hoảng, khi hối suất quốc tế thay đổi bất thường, không thể kiểm soát, khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ của Thế giới thứ Ba, và, sau năm 1989, sự sụp đổ kinh tế của khối Liên Xô, khiến cho ngày càng nhiều nước phải lệ thuộc vào sự vay mượn các nước giàu. Các nước đi vay ngày càng phải chịu sự chi phối của các tổ chức tín dụng quốc tế buộc họ phải thi hành những chính sách kinh tế nhất định. Sự toàn thắng của “thần học tân liberal” những năm 1980 đã thể hiện cụ thể dưới hình thái tư hữu hóa một cách có hệ thống và dưới hình thái chủ nghĩa tư bản thị trường. Mỗi lần như vậy, những biện pháp đã được áp đặt, và chính phủ các nước đi vay yếu thế không thể cưỡng lại, bất kể các biện pháp ấy có thích hợp với những vấn đề kinh tế của các nước ấy hay không (ví dụ như nước Nga hậu Soviet). Sẽ là một điều lí thú – nhưng vô ích mất rồi – nếu ta thử hình dung xem John Maynard Keynes hay Harry Dexter White nghĩ gì khi nếu họ chứng kiến sự biến đổi của những định chế mà họ đã gầy dựng với những mục đích khác hẳn – thí dụ như sự toàn dụng, tạo công ăn việc làm cho mọi người lao động – ở đất nước của các vị ấy.

Những quyền lực quốc tế ấy đã tỏ ra hiệu quả, ít nhất trong việc ép buộc các nước nghèo phải tuân theo chính sách của các nước giàu. Cuối thế kỉ XX, cả vấn đề là xem những chính sách ấy đã dẫn tới những hệ quả nào, và chúng đã tác động ra sao tới sự phát triển của thế giới.

Hai khu vực rộng lớn trên thế giới bắt đầu trải nghiệm các chính sách ấy. Thứ nhất là Liên Xô và các nền kinh tế liên hệ, ở châu Âu cũng như ở châu Á, đang ở trong tình trạng hoang tàn sau khi chế độ cộng sản châu Âu sụp đổ. Thứ hai là kho thuốc nổ xã hội nằm trong phần lớn Thế giới thứ ba. Như ta sẽ thấy ở chương sau, từ những năm 1950 trở đi, Thế giới thứ Ba là nhân tố chủ yếu gây ra bất ổn định chính trị trên thế giới.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[126] Tại các nước “kinh tế thị trường phát triển”, từ 1960 đến 1975, dân số lứa tuổi 15-24 tăng lên khoảng 29 triệu, sang đến thời kì 1970-1990, chỉ tăng thêm 9 triệu. Cũng nên nói thêm là trong thập niên 1980, tỉ số thất nghiệp lên rất cao trong giới thanh niên ở châu Âu, ngoại trừ các nước Dân chủ - Xã hội ở Bắc Âu và Tây Đức. Từ 1982 đến 1988, tỉ số này đã vượt mức 20% ở Vương quốc Anh, 40% ở Tây Ban Nha, và lên tới 46% ở Na Uy (UN World Survey, 1989, tr. 15-16).

[127] Thực ra, những quán quân thế giới, nghĩa là những nước mà hệ số Gini vượt quá 0,6, là những nước nhỏ bé nhất, cũng ở châu Mỹ. Hệ số Gini là chỉ số thuận tiện nhất để đo mức bất bình đẳng, đi từ 0,0 (phân phối thu nhập ngang bằng) lên tới 1,0 (bất bình đẳng tối đa). Trong những năm 1967-1982, hệ số ấy lên tới 0,62 ở Honduras và 0,66 ở Jamaica (Human Development, 1990, tr. 158-159).

[128] Thiếu những số liệu tương tự của một số nước có tình trạng bất công cao độ. Trong danh sách này, chắc chắn có nhiều quốc gia châu Phi, châu Mỹ Latin, và những nước châu Á như Thổ Nhĩ Kì, Nepal.

[129] Năm 1972, 14 nước trong số này bình quân dành 48% ngân sách cho nhà ở, an ninh xã hội, bảo hộ xã hội và y tế. Năm 1991, con số trung bình này lên tới 51%. 14 nước nói trên là: Australia và New Zealand, Hoa Kỳ và Canada, CHLB Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Vương quốc Anh, Italia, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển (theo tính toán của World Development, 1992, bảng 11).

[130] Trước đó, giải Nobel kinh tế chỉ về tay những người xa lạ với chủ trương “thả dàn”.

[131] Điều này, sang đầu thập niên 1990, đã được kiểm nghiệm khi một số nước (ở Anh thì không) nhận thấy có bệnh nhân vị nhiễm HIV sau khi được truyền máu mua trên thị trường.

[132] Trong những năm 1980, 20% người giàu nhất ở Nhật Bản có thu nhập gấp 4,3 lần thu nhập của 20% người nghèo nhất – tỉ số này thấp hơn mọi nước tư bản chủ nghĩa khác, kể cả Thụy Điển. Tại 8 nước công nghiệp phát triển nhất của Cộng đồng Châu Âu, tỉ số trung bình là 6, ở Hoa Kỳ là 8,9 (Kidron/Segal, 1991, tr. 36-37). Nói cách khác, năm 1990, Hoa Kỳ có 93 tỉ phú (Đô la), Cộng đồng Châu Âu 59, đó là không kể 33 tỉ phú khai cư trú ở Thụy Sĩ và Liechtenstein (hai “thiên đường trốn thuế”). Nhật Bản có 9 (sđd).

[133] Tại Hoa Kỳ, những di dân da đen đến từ vùng biển Caribe hay từ châu Mỹ Latin cũng phải sinh sống như các cộng đồng di dân khác, nhưng số đông không đến nỗi bị loại trừ khỏi thị trường lao động như người da đen Hoa Kỳ.

[134] “Điều này đúng […] nhất là đối với một bộ phận trong số hàng triệu người đã bắt đầu cuộc sống mới và đã thay đổi chỗ ở. Họ dọn nhà tới sống ở một nơi mới, và nếu lại mất việc thì không biết nhờ cậy vào ai nữa”.

[135] Tôi còn nhớ mãi tiếng than âu lo năm 1993 của một người Bulgaria tại một cuộc hội thảo quốc tế: “Các vị muốn gì nơi chúng tôi? Chúng tôi không còn thị trường ở các nước XHCN cũ. Cộng đồng châu Âu thì không muốn để chúng tôi xuất khẩu sang. Là những thành viên trung thành của Liên Hợp Quốc, thì với lệnh cấm vận ở Bosnia, chúng tôi muốn bán hàng cho Serbia cũng không được. Thế thì chúng tôi phải làm sao?”

[136] Ở New York, một trong hai trung tâm âm nhạc lớn nhất thế giới, sang đầu thập niên 1990, công chúng đi nghe hòa nhạc cổ điển chỉ quanh quẩn trong số từ 20 đến 30 nghìn người (dân số New York là 10 triệu).

[137] Cũng hơi lạ, nước thứ 8 có nhiều đầu tư nước ngoài là Ai Cập.

[138] “Chậm tiến” là một phạm trù do Liên Hợp Quốc định ra. Phần lớn các nước này có GDP bình quân đầu người dưới 300$. “GDP thực sự tính theo đầu người” được tính bằng sức mua tại chỗ, theo một bảng “hối đoái quốc tế theo sức mua”, hơn là tính theo hối suất tiền tệ chính thức.

[139] Khác với Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: sau cuộc Nam-Bắc phân tranh 1864, các tiểu bang không được quyền rút ra khỏi liên bang nữa – có lẽ, ngoại trừ bang Texas.

[140] Năm 1990, trong Cộng đồng Châu Âu chênh lệch GDP bình quân giữa nước nghèo nhất và nước giàu nhất là 1-3.

[141] Cùng lắm, các cộng đồng địa phương của những người nhập cư có thể nuôi dưỡng cái mà người ta gọi là “chủ nghĩa dân tộc viễn phương”, với danh nghĩa cố quốc hoặc danh nghĩa nước sở tại, và xu hướng này thường theo hướng cực đoan trong đời sống chính trị của những nước đó. Đi tiền phong trong xu hướng này là những người Ireland và người Do Thái ở Mỹ. Xu hướng này đã lan tràn sang các nhóm người nhập cư khác, thí dụ như người Sikh đến từ Ấn Độ. Khi hệ thống XHCN sụp đổ, “chủ nghĩa dân tộc viễn phương” càng phát triển mạnh hơn.

[142] Có lần tôi đã được nghe một cuộc đối thoại như vậy trong một thương xá ở New York giữa những người gốc Italia. Cha mẹ hay ông bà họ, những người nhập cư vào Mỹ, chắc chắn không nói tiếng Italia phổ thông, mà chỉ nói tiếng Napoli, tiếng Sicilia hay tiếng Calabria…



[*] Quy luật đồng thau về kinh tế: từ ngữ của Ferdinand Lassalle (1825-1864). Dựa theo học thuyết Ricardo, và sau này Marx sẽ sử dụng ý tưởng này, Lassalle cho rằng tiền lương trung bình không cao hơn mức sinh tồn tối thiểu cần thiết cho sự sống còn và tái sinh sản của người công nhân (mức này tùy thuộc vào tập quán, trình độ văn minh). Quy luật quá đơn giản và tuyệt vọng này không đúng với thực tế, nhưng đã gây tiếng vang chính trị lớn vì nó gắn liền tới sự quá đáng của chủ nghĩa tư bản và hoàn cảnh công nhân thế kỉ XIX.

Print Friendly and PDF