Nữ cựu tù Côn Đảo và duyên nợ với quê hương thứ hai

Đứng trước phòng giam số 6, trại Phú Hải (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), nữ cựu tù Nguyễn Thị Ni xúc động hồi lâu rồi rưng rưng cất tiếng gọi: "Các đồng chí ơi, tôi đến rồi đây. Tôi cũng từng tù ở phòng giam này đây". Những năm tháng hào hùng của quãng đời thanh xuân đẹp nhất khi bản lĩnh, ý chí được tôi rèn giữa gông cùm, xiềng xích bỗng ùa về trong bà.

Bà Nguyễn Thị Ni được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Bà Nguyễn Thị Ni được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Giữ vững chí khí người cách mạng

Tuổi đã 82, đi phải chống gậy, nhưng mỗi khi nhắc đến tháng ngày tham gia cách mạng, bị tù đày, bà Ni vẫn nhớ rõ mọi chuyện. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, ngay từ nhỏ, cô bé Ni đã làm quen với các chú bộ đội đóng quân tại nhà. Ba làm nông, thường xuyên đi tuyên truyền, tuổi còn nhỏ nhưng cô bé Ni đã biết nhận thức về tội ác của giặc, sớm được giác ngộ theo cách mạng. Vết sẹo trên cánh tay vẫn còn in hằn từ buổi đang nấu dở nồi canh phải vùng chạy khi tụi lính Pháp rượt đuổi "Bắt con nhỏ đó. Nó là con Việt Cộng, lớn lên cũng sẽ làm Việt Cộng. Cho chết cháy luôn". Nhà nghèo càng khốn cùng hơn khi giặc đốt nhà, bắt heo, cướp đồ đạc. Lính Pháp, lính Mỹ đều tàn ác, tra tấn, bắn giết dân lành. Phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre lan rộng, khí thế sục sôi, nhân dân miền nam vùng lên khởi nghĩa. Dân căm phẫn, không có súng thì góp tre làm hầm chông đánh địch. Làm thợ may ở nhà, Ni tích cực làm giao liên, đưa thư cho bộ đội, kịp thời mật báo tình hình. Thư bỏ trong giấy pơluya, bọc đất bên ngoài để ngụy trang. Công tác bí mật đòi hỏi khéo léo từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói, tuy nhiên một lần một người đến học may bất cẩn để địch phát hiện ra lá thư, Ni bị bắt giam hơn một tháng. Sau lần bại lộ ấy, cô thoát ly chuyển lên Sài Gòn, hoạt động biệt động thành ở quận 4, quận 8. Có người cùng hoạt động bị địch đánh đập, chịu không nổi nên quy hàng, Ni lại bị chúng theo dõi, bắt giữ trên chuyến xe về quê năm 1971. Địch cho đối chất, cô cắn răng chịu đựng, kiên quyết không khai. Trước thái độ "ngoan cố, cứng đầu", dù bị truy xét, tra tấn dã man vẫn không làm nữ biệt động gan dạ gục ngã. Để đối phó, có lần cô phải giả điên. Thấy trưởng phòng giam làm tay sai cho bọn ác ôn bắt nạt, báo hại tù nhân, Ni lớn tiếng cảnh cáo: "Chị em trong tù không thương nhau mà mày lại báo cai tù. Tóc mày dài, tao sẽ nắm tóc mày giật xuống". Sau lần ấy, Ni bị biệt giam rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo tháng 10-1972.

Ở địa ngục trần gian, các tù nhân bị tạt nước tiểu vô mặt, đổ nước xà-bông, bị chích điện, đánh đập thừa chết thiếu sống, thường xuyên bỏ đói bỏ khát, ăn tương chua, mắm đắng, gạo mục, không thuốc men. Quá căm phẫn, Nguyễn Thị Ni phản kháng: "Chúng tôi là phụ nữ, cùng là người Việt Nam mà các ông đánh đập tàn bạo, có thấy đau lòng không?". Trước lời phản ứng đanh thép, bọn cai ngục nổi khùng "Con này gớm lắm, lấy khăn nhét vào miệng và tra tấn nó cho bõ ghét!". Sau cuộc xét hỏi, cô trở về buồng giam, quần áo rách tả tơi, máu bê bết khắp người. Những trận đòn và cơn đau dường như đã chai sạn. Chị em động viên nhau dứt khoát không đầu hàng, đoàn kết thương yêu nhau như người một nhà, người khỏe đỡ đòn cho người yếu, nhường phần cơm ít ỏi cho bạn tù đau yếu. Khổ cực nhất là bị giam trong chuồng cọp lộ thiên, trời nóng chúng đổ vôi bột, trời mưa xối thêm nước, cả tuần chỉ được tắm một lần 15 phút.

Giặc càng thẳng tay đàn áp, chị em càng mạnh mẽ đấu tranh, dán giấy làm loa đưa qua khe song sắt phòng giam gào to: "Nhà cầm quyền phải trao trả tù nhân về Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam. Phải cung cấp thuốc men, rau tươi, quần áo". Những buổi tuyệt thực của đông đảo tù nhân đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, ngược đãi. Muôn vàn khổ cực giữa chốn lao tù nhưng ai nấy đều lạc quan. Những lời ca, tiếng hát là liều thuốc xoa dịu đớn đau, vững tin hướng tới ngày mai tươi sáng: "Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/ Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí/ Trái tim này là gang đập tan những người bán nước/ Thân xác này là đồng trong có dòng máu đỏ/ Máu có đổ ban mai sẽ ấm mặt trời".

Năm 1974, sau khi được trao trả ở Lộc Ninh (Bình Phước), bà Ni về công tác tại bộ phận tiếp nhận tù chính trị được trao trả theo Hiệp định Paris của Trung ương Cục miền nam. Vốn chịu khó, nhiệt tình, nấu cơm, nuôi heo hay làm may, bà đều làm tròn nhiệm vụ. Vinh dự được kết nạp Đảng ngày 1-1-1975, bà Ni thề tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nguyện hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng.

Nữ cựu tù Côn Đảo và duyên nợ với quê hương thứ hai -0

Bà Ni thăm phòng giam số 6, trại Phú Hải. 

Hạnh phúc khi ở bên đồng đội

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, bà Ni chuyển về huyện Hóc Môn công tác ở Hội Nông dân, rồi đảm nhiệm công tác thanh tra. Học chưa hết lớp một, phải đọc thông viết thạo, nâng cao trình độ mới làm tròn nhiệm vụ được giao, bà Ni xin tổ chức cho đi học bổ túc văn hóa, hết lớp 8/10. Mấy đứa em đã hy sinh, nhà neo người, bà Ni xin chuyển về công tác gần nhà đỡ đần mẹ già. Làm công tác phụ nữ ở huyện Gò Công Đông, bà gần gũi hội viên, phổ biến chủ trương, động viên chị em tăng gia sản xuất, vun vén gia đình, chăm lo con cái. Thấu cảm hoàn cảnh bà từng bị tù đày, quá lứa lỡ thì, bạn bè làm mai cho ông Đỗ Nam Hoàn, Phó Bí thư Huyện ủy Côn Đảo. Thương ông hiền lành, vợ mất sớm, con còn nhỏ dại, ông bà nên duyên chồng vợ. Lấy chồng lúc tuổi đã ngoài 40, sức cùng lực kiệt sau những năm tháng lao tù, nỗi buồn vẫn canh cánh đeo đẳng bởi thiên chức thiêng liêng nhất của một người phụ nữ, bà Ni cũng không bao giờ được nhận.

Từ khi theo chồng ra Côn Đảo năm 1984, bà Ni luôn coi mảnh đất nhiều duyên nợ là quê hương thứ hai. Có bà là hậu phương vững chắc, ông toàn tâm toàn ý với công việc, được đề bạt Bí thư Huyện ủy. Bà làm Phó Thư ký công đoàn huyện tiếp nhận tài liệu gửi ra từ đất liền, triển khai nghị quyết của cấp trên cho BCH công đoàn các cơ sở, tới từng hội viên. Đảo hoang sơ, cuộc sống người dân muôn vàn khó khăn, bà còn tranh thủ hướng dẫn bà con cách khai hoang, cấy lúa, trồng rau, nuôi heo.

Thấm thoát gần 30 năm từ ngày trở lại đảo, giờ dù tuổi cao, sức yếu bà Ni vẫn thường vào nhà tù, tới nghĩa trang Hàng Dương thăm viếng phần mộ các anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, ngày lễ tết, đám giỗ thắp nhang cho bạn tù đã anh dũng ngã xuống vì dân vì nước bớt phần nào cô quạnh. Những bạn tù trở lại Côn Đảo cũng tìm gặp bà Ni ôn chuyện cũ của một thời hào hùng. Giây phút gặp nhau bồi hồi xúc động. Nghỉ hưu, dấu vết những trận đòn, tra tấn vẫn nhức nhối hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động phong trào Hội Phụ nữ, Chi bộ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân ở khu dân cư, Ban Cựu tù kháng chiến huyện Côn Đảo. Bà tâm sự, mình còn sức còn cống hiến cho khu phố, cho huyện nhà ngày càng lớn mạnh. Nhà tù Côn Đảo xưa là địa ngục trần gian nay là di tích quốc gia, huyện đảo đang "thay da đổi thịt" từng ngày, nhà cửa khang trang, nhiều nhà hàng, khách sạn, đời sống người dân khấm khá. "Ngày xưa chúng xây Côn Đảo trần ai/Nay ta xây Côn Đảo lên đời thần tiên", bà Ni phấn khởi chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

TUẤN ANH