Ocean Vuong, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 15 phút

Ocean Vuong sinh năm 1988 ở Việt Nam và hai năm sau cùng gia đình di cư đến Hartfort, Connecticut. Ở tuổi 11, anh trở thành người đầu tiên trong gia đình biết đọc và viết. Tuyển tập thơ tên Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Night sky with exit wounds) phát hành năm 2016 đã đem về cho anh giải T. S. Eliot. Năm 2019, Vuong cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On earth we’re briefly gorgeous). Cuốn tiểu thuyết đậm chất tự truyện này được kể dưới hình thức một lá thư do nhân vật chính, cũng là một nhà thơ thành danh, viết cho người mẹ không biết đọc của mình. Trong đó, anh kể lại cuộc sống của một cậu bé châu Á trên đất Mỹ, những cảm xúc cũng như trải nghiệm tình dục đầu đời của một thiếu niên đồng tính, các mẩu hồi ức đầy ám ảnh về chiến tranh Việt Nam truyền lại từ bà ngoại và mẹ, xen lẫn là những suy ngẫm về vẻ đẹp của cuộc đời. Tập thơ thứ hai viết về mẹ của anh, Time is a Mother, dự kiến phát hành tháng 4/2022.

Tiểu thuyết đã được Nhã Nam mua bản quyền và sắp xuất bản trong thời gian tới.

– Khánh Nguyên

 

Rồi con cho mẹ biết sự thật.

Hôm đó là một ngày Chủ nhật xám xịt. Cả sáng trời cứ muốn mưa lớn. Kiểu ngày mà con đã hy vọng là mối liên kết giữa hai con người có thể được quyết định dễ dàng – một ngày thời tiết ảm đạm tới mức hai mẹ con mình sẽ nhẹ nhõm khi thấy nhau, một gương mặt thân quen đã trở nên lung linh hơn là ta vẫn nhớ vì đặt trên nền ánh ngày lạnh lẽo.

Trong quán Dunkin’ Donuts sáng trưng, giữa mẹ con mình là hai cốc cà phê đen bốc khói. Mẹ đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Mưa quất xuống đường lên những xe cộ đi về từ buổi lễ nhà thờ trên đường Main. “Dạo này dân tình thích đi mấy cái SUV kia dữ.” Mẹ nhận xét đoàn xe đi qua quầy bán mang đi. “Ai cũng muốn ngồi càng cao càng tốt.” Mẹ nhịp nhịp tay trên mặt bàn.

“Mẹ lấy đường không?” con hỏi. “Hay lấy kem, à, hay mẹ ăn donut không? Ủa mà, mẹ thích bánh sừng bò…”

“Con muốn nói gì thì nói đi Chó Con.” Giọng mẹ lặng lẽ, nghèn nghẹn. Hơi nóng từ cốc cà phê làm vẻ mặt mẹ thay đổi luôn.

“Con không thích con gái.”

Con không muốn xài cái chữ tiếng Việt pê đê – mượn từ tiếng Pháp pédé, nói tắt của pédéraste. Trước thời Pháp chiếm đóng, người Việt Nam mình không có chữ chỉ những cơ thể lệch chuẩn – vì họ bị nhìn thấy như mọi cơ thể khác, có thịt da và chung nguồn cội – và con không muốn giới thiệu phần này của con người con bằng cái tính ngữ dành cho tội phạm.

Mẹ chớp mắt mấy cái.

“Con không thích con gái,” mẹ lặp lại, lơ đãng gật đầu. Con có thể thấy những chữ đó đi qua mẹ, ấn mẹ sâu vào ghế. “Vậy chớ con thích ? Con mới mười bảy tuổi đầu. Con không thích gì hết. Con không biết gì hết,” mẹ nói, tay cào lên bàn.

“Con thích con trai,” con nói, cố giữ giọng bình tĩnh. Nhưng câu nói trong miệng nghe trống rỗng. Cái ghế mẹ ngồi cót két khi mẹ chúi người tới.

“Sô cô la! Con muốn sô cô la!” Một đám con nít mặc áo thun màu xanh ngọc thùng thình, vừa hái táo về – nhìn mấy túi giấy đựng đầy táo là biết, lũ lượt kéo vào, tiếng rú rít hào hứng vang khắp quán.

“Con có thể đi, mẹ à,” con đề nghị. “Nếu mẹ không chấp nhận thì con có thể đi. Mẹ không phải lo về con nữa và cũng không ai cần phải biết đâu… Mẹ nói gì đi.” Trong cốc, bóng con lay động dưới con triều nước đen. “Đi mẹ.”

“Nói mẹ nghe,” mẹ nói đằng sau lòng bàn tay bụm lấy cằm, “giờ con sẽ bận đầm luôn phải không?”

“Mẹ…”

“Tụi nó sẽ giết con,” mẹ lắc đầu, “con biết mà.”

“Ai giết con?”

“Tụi nó giết mấy đứa bận đầm. Tin tức nói đầy. Con đâu biết con người ta thế nào. Con đâu biết tụi nó ra làm sao.”

“Con không có bận đầm đâu mẹ. Con hứa. Nghe nè, trước giờ con có bận đầm đâu, ha? Giờ sao lại bận làm chi?”

Mẹ nhìn vào hai cái hốc trên mặt con. “Con khỏi cần đi đâu hết. Có con với mẹ thôi, Chó Con à. Mẹ còn ai đâu.” Mắt mẹ đỏ hoe.

Đám con nít đầu kia quán đang hát bài “Old MacDonald Had A Farm”, giọng tụi nó, niềm hoan hỉ dễ có của tụi nó, sao mà xóc óc.

“Nói mẹ,” mẹ ngồi thẳng lên, vẻ lo âu trên mặt, “từ hồi nào vậy? Mẹ đẻ ra một thằng con trai khỏe mạnh, bình thường mà. Cái đó mẹ biết. Từ hồi nào?”

 

Hồi con sáu tuổi, học lớp một. Trường con học được cải tạo từ tòa nhà thờ phái Luther. Do khu nhà bếp sửa không bao giờ xong, nên bữa trưa luôn được phát ở phòng thể chất, vạch kẻ sân bóng rổ uốn cong dưới chân trong khi tụi con ngồi bên những bàn ăn tạm bợ: bàn học kê thành từng cụm. Mỗi ngày cấp dưỡng sẽ đẩy vào những thùng lớn đựng các suất ăn đông lạnh chỉ gồm một món: một cục nâu nâu đo đỏ trong một cái khay vuông trắng bọc màng bọc thực phẩm. Tụi con xếp hàng sau bốn lò vi sóng kêu o o suốt bữa trưa, chờ từng phần ăn một được hâm nóng rồi, keng một tiếng, bị đẩy ra, phồng rộp lên, bốc khói, vào đôi tay đợi sẵn của tụi con.

Con cầm cái khay cháo vuông ngồi xuống bên một cậu bé mặc áo thun có cổ vàng với mái tóc đen chải ngược ra sau. Cậu tên Gramoz và, về sau con được biết, gia đình cậu từ Albania đến Hartford sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng hôm đó mấy chuyện đó chẳng quan trọng gì. Quan trọng là cậu không có cái khay vuông trắng đựng thứ cháo xám, mà lại có một túi đồ ăn trưa màu ngọc lam trơn láng có khóa dán, và cậu lấy ra một khay đựng mấy cái pizza mini, mỗi cái nhìn như một món trang sức quá khổ.

“Ăn không?” cậu nói tự nhiên, cắn một miếng.

Con ngại không dám đụng vào. Gramoz thấy vậy liền cầm tay con, ngửa lên, rồi để vào một cái bánh. Bánh nặng hơn con tưởng. Và không hiểu sao vẫn còn ấm. Sau đó, mỗi giờ giải lao, con theo Gramoz đi bất cứ đâu. Dưới cậu hai nấc trên xà đu, sát gót chân cậu đang leo lên cầu tuột màu vàng uốn tròn, đôi Keds trắng cậu mang chớp lên mỗi bước.

Để trả ơn cậu bé đã cho con cái pizza mini đầu tiên trong đời, còn cách nào ngoài trở thành cái bóng của cậu?

Vấn đề là, lúc đó, tiếng Anh của con còn gần như là số không. Con không thể nói chuyện với cậu. Và dù có thì biết nói gì đây? Con đang theo cậu tới đâu? Tới mục đích nào? Có lẽ thứ con tìm kiếm không phải là điểm đến, mà chỉ là sự tiếp tục. Ở gần Gramoz là được ở lại trong phạm vi cử chỉ tốt bụng duy nhất của cậu, là được đi ngược thời gian, trở lại giờ trưa đó, với cái pizza nặng trên tay.

Một ngày, trên cầu tuột, hai má phồng lên đỏ lựng, Gramoz quay lại la lên, “Đừng có theo tao nữa, đồ điên! Mày bị gì vậy hả?” Không phải lời nói mà là đôi mắt cậu, nheo lại như thể đang nhắm bắn, khiến con hiểu ra.

Như một cái bóng bị cắt rời khỏi thân, con dừng lại trên đầu cầu tuột, nhìn mái tóc bóng mượt chải ngược của cậu nhỏ dần xuôi đường ống trước khi biến vào giữa những tiếng cười trẻ con, mất hút.

 

Khi con tưởng thế là xong rồi, thế là con đã trút xong những thứ trong lòng rồi, thì mẹ đẩy cốc cà phê qua bên, nói, “Giờ thì mẹ có cái này muốn nói với con.”

Hàm con nghiến lại. Đây có phải là trao đổi qua lại đâu, có phải là một vụ giao dịch đâu. Con gật đầu, giả là mình rất muốn nghe, khi mẹ nói.

“Con có một đứa anh.” Mẹ vén tóc khỏi đôi mắt không chớp. “Nhưng nó chết rồi.”

Đám trẻ vẫn còn đó nhưng con không nghe thấy những tiếng nói lí nhí, chóng tàn ấy nữa.

Con nhận ra mẹ con mình đang trao đổi sự thật, tức là đang cắt vào nhau.

“Nhìn mẹ đây. Con phải biết chuyện này.” Mẹ nghiêm mặt. Môi mím lại thành một đường tím.

Mẹ kể tiếp. Mẹ từng có một đứa con trai đang lớn lên trong mình, một đứa con trai mẹ đã đặt tên, một cái tên mẹ không chịu nói. Đứa con trai trong bụng mẹ bắt đầu nhúc nhích, tay chân nó khuôn theo vòng bụng mẹ. Và mẹ hát và nói chuyện với nó, như sau này với con, kể cho nó nghe những bí mật ngay cả chồng mẹ cũng không biết. Mẹ khi đó mười bảy tuổi và còn ở Việt Nam, bằng tuổi con lúc này đang ngồi trước mặt mẹ.

Hai bàn tay mẹ giờ cụp lại giống như ống nhòm, như thể quá khứ là thứ cần phải săn lùng cho ra. Bàn bên dưới mẹ ướt. Mẹ lấy khăn giấy lau, rồi nói tiếp, về năm 1986, năm có anh con, con trai mẹ. Về chuyện, bầu đến tháng thứ tư, khi khuôn mặt của đứa bé thành hình, thì chồng mẹ, ba con, bị bên nội ép, bắt mẹ phá thai.

“Không có gì ăn,” mẹ nói tiếp, vẫn bụm cằm phía trên bàn. Một người cần tới nhà vệ sinh xin phép đi qua. Mẹ nhích qua mà không nhìn lên. “Người ta phải độn mùn cưa vô cơm. Có chuột để mà ăn là mừng.”

Mẹ chọn từng chữ cẩn thận, như thể câu chuyện là đốm lửa mẹ nâng niu trước gió. Đám trẻ cuối cùng cũng đi – chỉ còn hai cụ ông cụ bà ngồi lại, hai nhúm tóc trắng lấp ló sau hai tờ báo.

“Không như anh con,” mẹ nói, “con chỉ sinh ra khi ba mẹ biết chắc là con sống được.”

 

Mấy tuần sau khi Gramoz cho con cái pizza mini đó, mẹ mua con chiếc xe đạp đầu tiên: một chiếc Schwinn hồng chói có hai bánh phụ cùng với túm đuôi nheo màu trắng ở hai đầu tay cầm kêu loạt xoạt, như những chùm bông cổ động nhỏ xíu, cả khi con đạp với vận tốc đi bộ, mà thường là thế. Xe màu hồng vì màu hồng rẻ nhất trong cửa hàng.

Chiều hôm đó, khi đang đạp trong bãi đậu xe chung cư, chiếc xe bị chận lại. Con nhìn xuống thì thấy một đôi tay đang túm lấy ghi đông. Tay một thằng nhóc, chừng mười tuổi, cái mặt mập ú mướt mồ hôi cắm chình ình trên một thân hình núc thịt. Trước khi con kịp hiểu sự tình, chiếc xe đã bay ngược ra sau và con té đập mông xuống mặt đường. Mẹ đã chạy lên lầu ngó ngoại. Bước ra từ sau lưng thằng kia là một thằng nhỏ hơn mặt như mặt chồn. Thằng mặt chồn la lớn, nước miếng văng trước mặt nó màu cầu vồng dưới ánh nắng xiên khoai.

Thằng mập lôi ra cái móc chìa khóa rồi bắt đầu cạo lớp sơn trên xe đạp con. Sơn tróc ra dễ dàng thành những túm lửa hồng. Con ngồi đó, nhìn những hạt bụi hồng lả tả trên nền bê tông trong lúc thằng kia rạch chìa khóa lên xương của chiếc xe. Con muốn khóc nhưng vẫn chưa biết khóc bằng tiếng Anh. Nên con chẳng làm gì.

Đó là ngày con biết được rằng màu có thể nguy hiểm thế nào. Rằng một thằng nhóc có thể bị đánh văng khỏi cái màu đó và buộc phải suy ngẫm về vi phạm của mình. Ngay cả khi màu sắc chẳng là gì ngoài những gì ánh sáng cho ta thấy, thì cái chẳng là gì đó cũng có luật riêng, và một thằng con trai đi xe đạp hồng cần được dạy, trên hết, về luật của trọng lực.

Đêm đó, trong căn bếp dưới ánh bóng đèn tròn không chao, con quỳ bên mẹ nhìn mẹ quệt từng vệt dài, với sự chính xác nhà nghề, sơn đè lên những đường thẹo màu xanh côban trên thân xe, chai sơn móng màu hồng mẹ cầm vững vàng trong tay.

 

“Ở bệnh viện, người ta đưa mẹ hũ thuốc. Mẹ uống một tháng. Để cho chắc. Sau một tháng, đáng lẽ mẹ phải cho ra nó – anh con.”

Con muốn về, muốn nói mẹ thôi. Nhưng cái giá của việc thú nhận, con đã học được, là mình sẽ có một câu trả lời.

Sau một tháng uống thuốc, khi anh con đáng lẽ phải ra rồi, thì mẹ thấy đau xé trong bụng. Người ta mau mau đưa mẹ trở vô bệnh viện, lần này vào khu cấp cứu. “Mẹ thấy anh con đạp trong lúc người ta đẩy mẹ qua những căn phòng xám ngoét tường bong tróc. Bệnh viện vẫn còn mùi khói và xăng sau cuộc chiến.”

Chỉ tiêm có Novocain giữa hai đùi mẹ, các y tá đưa vào một thứ dụng cụ dài bằng kim loại và cứ thế “nạo con của mẹ ra khỏi mẹ, như người ta nạo hột đu đủ”.

Chính hình ảnh đó, cái sự tầm thường thực tế của nó, việc gọt trái cây mà con đã thấy mẹ làm cả ngàn lần, cái muỗng trượt theo phần lòng trái đu đủ màu cam như màu thịt, từng đám hột đen dính nhau rớt bộp xuống bồn rửa thép, chính điều đó khiến con chịu không nổi. Con trùm cái nón áo nỉ trắng qua đầu.

“Mẹ thấy nó, Chó Con à. Mẹ thấy thằng con mẹ, chỉ thoáng thấy thôi. Một đám nâu nâu chuẩn bị vào thùng rác.”

Con vươn tay chạm vào bên cánh tay mẹ.

Ngay lúc đó, một bài hát của Justin Timberlake vang lên trên loa, những âm gió mong manh luồn qua những tiếng gọi cà phê, bã cà phê đập đánh thịch xuống thùng rác cao su. Mẹ nhìn con, rồi nhìn ra sau con.

Khi đôi mắt mẹ quay về, mẹ nói, “Lần đầu mẹ nghe Chopin là ở Sài Gòn. Con biết không?” Tiếng Việt của mẹ bỗng nhẹ bẫng, lâng lâng. “Mẹ chắc chừng sáu bảy tuổi gì đó. Có ông đó ở bên kia đường, là một nghệ sĩ dương cầm học ở Paris. Ổng để cây Steinway ở sân và hay chơi vào buổi tối, để cửa mở. Con chó của ổng, ổng có con chó đen nhỏ, cao chừng này, hay nhổm lên rồi nhảy. Hai cái chân ốm nhách như cái que đi vòng vòng trong đám bụi nhưng ông kia chả bao giờ để ý mà chỉ nhắm mắt chơi nhạc. Đó là quyền năng của ổng. Ổng không quan tâm tới phép màu tạo ra từ bàn tay mình. Mẹ ngồi ngoài đường và xem cảnh mà mẹ đã cho là phép màu: âm nhạc biến một con thú thành người. Mẹ nhìn con chó lòi hết xương sườn ra đó nhảy theo nhạc Pháp và nghĩ điều gì cũng có thể xảy ra. Bất cứ điều gì.” Mẹ đan tay vào nhau trên bàn, một cử chỉ vừa buồn bã lẫn bồn chồn. “Ngay cả khi ổng ngừng chơi, đi tới chỗ con chó đang ngúc ngoắc đuôi và đặt miếng đồ ăn vào cái miệng há ra của nó, một lần nữa chứng tỏ chính cái đói, chỉ cái đói chứ không phải âm nhạc, đã cho con chó khả năng của con người, thì mẹ vẫn tin. Rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.”

Cơn mưa ngoan ngoãn bắt đầu lớn lên lại. Con ngả người ra và nhìn những cửa sổ cong đi trong mưa.

 

Đôi lần, khi bất cẩn, con nghĩ sống sót là việc đơn giản thôi: mình chỉ cần cứ thế tiến tới với những gì mình có, hoặc những gì còn lại từ những gì mình được từ đầu, cho tới khi có sự thay đổi – hay tới khi mình nhận ra, rốt cuộc, là mình có thể thay đổi mà không biến mất, rằng tất cả những gì mình phải làm là chờ tới khi cơn bão đi qua mình và mình thấy – phải – tên mình vẫn còn gắn vào một sinh vật đang sống.

Vài tháng trước khi mẹ con mình nói chuyện với nhau trong Dunkin’ Donuts, một cậu bé mười bốn tuổi ở miền quê Việt Nam bị tạt axít vào mặt sau khi nhét thư tình vào hộc bàn một cậu bạn. Hè năm ngoái, một người quê Florida hai tám tuổi tên Omar Mateen bước vào hộp đêm ở Orlando, giương khẩu súng trường tự động và xả đạn. Bốn mươi chín người bị giết. Đó là một hộp đêm cho dân gay và những cậu bé ở đó, vì họ đúng là những cậu bé – những đứa con trai, những cậu thiếu niên – trông giống như con vậy: một thứ có màu sinh ra từ cùng một mẹ, lần mò trong bóng tối, dò dẫm lẫn nhau, kiếm tìm hạnh phúc.

Đôi lần, khi bất cẩn, con tin rằng vết thương cũng là nơi mà da gặp lại mình, bờ này hỏi bờ kia, mày đã ở đâu?

Mình đã ở đâu, hả mẹ?

 

Một nhau thai nặng trung bình khoảng hơn nửa ký. Một cơ quan dùng rồi bỏ, chuyển chất dinh dưỡng, hoóc-môn và chất thải qua lại giữa người mẹ và thai nhi. Theo cách này, nhau thai là một dạng ngôn ngữ – có lẽ là thứ ngôn ngữ đầu tiên của chúng ta, tiếng mẹ đẻ theo đúng nghĩa của nó. Vào tháng thứ tư hoặc năm, nhau thai của anh con đã hoàn thiện. Mẹ và anh khi đó đã trò chuyện với nhau – những lời bằng máu.

“Nó về gặp mẹ, con biết đó.”

Ngoài kia mưa đã tạnh. Bầu trời là một cái tô úp sạch trơn.

“Về gặp mẹ?”

“Anh con, nó về gặp mẹ trong mơ, chừng một tuần sau khi mẹ rời viện. Nó ngồi ngoài bậc cửa. Mẹ với nó ngó nhau một hồi, rồi nó chỉ quay người đi mất, đi xuôi hẻm. Mẹ nghĩ nó chỉ muốn thấy mặt mũi của mẹ, muốn thấy mẹ nó trông như thế nào. Mẹ chỉ mới là một đứa con gái. Trời ơi… trời, mẹ mới mười bảy thôi.”

 

Ở đại học, đi lạc đề giữa một bài giảng về Othello, một vị giáo sư từng quả quyết rằng, theo ông ta thấy, người đồng tính nam đều mắc bệnh yêu bản thân từ trong bản chất, và thói tự luyến công khai thậm chí còn có thể là dấu hiệu đồng tính luyến ái ngầm ở những người đàn ông vẫn chưa chấp nhận “xu hướng” của mình. Ngay giữa lúc con ngồi tức tối trên ghế, ý nghĩ đó cũng không thôi đào sâu vào con. Có thể nào, bao nhiêu năm trước, con đã đi theo Gramoz ngoài sân trường đơn giản là vì cậu là con trai, và do đó là tấm gương phản chiếu chính con?

Nhưng nếu là thế – thì sao lại không? Có khi ta soi gương không phải chỉ để tìm cái đẹp, dù có hão huyền đến đâu, mà để chắc chắn, dù đã rất rõ ràng, là ta vẫn còn đây. Rằng cơ thể bị săn lùng mà ta cư ngụ vẫn còn chưa bị hủy hoại, nạo bỏ. Thấy rằng mình vẫn là mình chính là một chốn ẩn náu mà những ai chưa từng bị phủ nhận thì không thể biết đến.

Con đọc được rằng trong suốt lịch sử cái đẹp luôn bắt người ta sao chép lại. Chúng ta nhân thêm bất cứ thứ gì cho chúng ta khoái cảm thẩm mỹ, dù là cái bình, bức tranh, ly rượu, hay bài thơ. Chúng ta sản sinh thêm vật đó để giữ nó, mở rộng nó qua không gian và thời gian. Nhìn ngắm thứ cho ta khoái cảm – một bức tranh tường, một dãy núi màu đỏ đào, một cậu con trai, nốt ruồi trên quai hàm cậu – tự thân điều đó đã là sao chép: hình ảnh được lưu lại trong mắt, nhân thêm và gìn giữ nó. Soi mình trong gương, con sao chép chính mình cho một tương lai con có thể không tồn tại. Và đúng vậy, bao nhiêu năm trước, cái con muốn ở Gramoz không phải là miếng pizza mini, mà là sự sao chép. Vì món quà của cậu đã mở rộng con thành một thứ gì đó xứng đáng nhận được sự hào phóng và, do đó, được nhìn thấy. Chính sự nhân thêm đó là thứ con muốn gìn giữ, muốn quay trở lại.

Không phải ngẫu nhiên đâu mẹ, mà dấu phẩy nhìn giống một thai nhi – cái nét cong đánh dấu sự tiếp diễn ấy. Chúng ta đều từng nằm trong bụng mẹ, và bằng toàn bộ cái tôi cong lại và lặng lẽ, thốt lên: thêm nữa, nữa, nữa. Con muốn quả quyết rằng việc ta đang sống đã là đủ đẹp đẽ đáng sao chép lại. Và thế thì sao? Cứ cho là con chỉ dùng được cuộc đời này vào một việc là nhân nó lên thêm nữa, thì sao?

“Mẹ muốn ói,” mẹ nói. “Hả?”

“Mẹ sắp ói.” Mẹ bật dậy rồi chạy vào nhà vệ sinh.

“Trời đất, mẹ nói thật hả,” con nói, đi theo mẹ. Trong nhà vệ sinh, mẹ quỳ bên cái bồn cầu duy nhất và ngay lập tức ộc ra. Dù tóc mẹ đã búi lại, con vẫn quỳ xuống và lấy hai ngón tay vén ra sau ba bốn sợi tóc rủ xuống của mẹ, một hành động mang tính gần như quy ước. “Mẹ có sao không?” con nói với cái gáy mẹ.

Mẹ lại ọe, lưng mẹ co thắt dưới bàn tay con. Chỉ tới khi thấy bồn tiểu bên đầu mẹ vương vãi những sợi lông con mới nhận ra là nhà vệ sinh nam.

“Để con mua chai nước suối.” Con vỗ lưng mẹ rồi đứng lên.

“Không,” mẹ gọi theo, mặt đỏ bừng, “nước chanh. Kêu cho mẹ nước chanh.”

Mẹ con mình rời Dunkin’ Donuts nặng nề hơn vì những gì đã biết được về nhau. Nhưng mẹ không biết rằng, thực ra, con đã mặc đầm – và sẽ làm vậy nữa. Rằng vài tuần trước, con đã mặc bộ đầm đỏ rượu nhảy trong một nhà kho phơi thuốc lá cũ, trong khi bạn con, một cậu trai lêu nghêu với đôi mắt vằn đỏ, choáng váng ngồi xem. Con đã tận dụng cái đầm trong tủ đồ của mẹ, cái đầm mẹ mua nhân dịp sinh nhật lần thứ ba lăm nhưng không bao giờ mặc. Con xoay tít trong lớp vải mỏng tang trong khi Trevor, chễm chệ trên một chồng lốp xe, vừa rít từng hơi cần sa vừa vỗ tay, xương đòn của bọn con sáng gắt dưới ánh hai cái điện thoại di động để dưới sàn nhà đầy xác ngài chết. Trong nhà kho đó, lần đầu tiên trong nhiều tháng, bọn con không sợ ai cả – ngay cả chính mình. Mẹ lái chiếc Toyota về nhà, con im lặng ngồi ghế bên cạnh. Có vẻ tối nay mưa sẽ quay lại và cả đêm thành phố sẽ được gột rửa, hàng cây dọc theo xa lộ rỏ nước xuống bóng đêm loang loáng. Lúc ăn tối, con sẽ kéo ghế ngồi xuống và, trong lúc lột nón áo nỉ ra, một cọng cỏ khô ở nhà kho dính lại mấy tuần qua sẽ lòi ra từ trong mái tóc đen. Mẹ sẽ với tay qua, phủi nó đi, rồi lắc đầu trong khi ngắm nhìn đứa con trai mẹ đã quyết định giữ lại.

 

Khánh Nguyên dịch

(Lưu ý: Bản đăng trên web có cập nhật so với bản xuất hiện trong Zzz Review số 9, theo bản xuất bản chính thức. Xin chân thành cảm ơn dịch giả và công ty Nhã Nam đã cung cấp các thông tin liên quan. – Zzz)

Chấm sao chút:

Đã có 40 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Khánh Nguyên

Too gay to function.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*