DMagazine

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

(Dân trí) - Ba năm sau khi mãn hạn tù, ông Đoàn Văn Vươn nhận lời gặp Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Hôm đó, buổi trò chuyện kéo dài khá lâu, trong tâm thế cởi mở.

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

Ba năm sau khi mãn hạn tù, ông Đoàn Văn Vươn nhận lời gặp Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Hôm đó, buổi trò chuyện kéo dài khá lâu, trong tâm thế cởi mở. 

10h sáng, trên con xe máy cà tàng, ông Đoàn Văn Vươn (60 tuổi) chở liên tục 3 chuyến cám ngô, tổng nặng 5 tạ. Ông lăn mình làm việc trên đầm nuôi trồng thủy sản khai hoang lấn biển ngoài đê thuộc xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), chuẩn bị đón lứa vịt biển mới. 

Dù nắng gắt, gió biển "đánh" vào bờ từng đợt như những con sóng, ông Vươn cũng chẳng ngơi tay. Điện thoại reo không ngớt, người đặt hàng, người đề nghị hợp tác kinh doanh. Đằng sau nhà, tiếng vịt biển quang quác đòi ăn.

Nhìn ra mặt nước mênh mông phía trước, người đàn ông phút chốc trầm ngâm: "Cởi bỏ áo tù làm lại cuộc đời ở tuổi 50, tôi không thể và không nên vội vã".

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 1

Một phần khu đầm rộng 40ha của ông Đoàn Văn Vươn.

"Triệu phú nông dân" chuyên vịt biển 

Ngày đầu về nhà sau khi mãn hạn tù, ông Vươn lập tức ra thăm con đầm rộng hơn 40ha, nơi từng xảy ra vụ cưỡng chế đất đầu năm 2012. Nhìn khung cảnh tan hoang, xơ xác, cỏ mọc um tùm chặn lối đi, người nông dân như "chết lặng".

"Tôi nhanh chóng bắt tay cải tạo, quyết tâm hồi sinh khu đầm chết", ông Vươn nói, khẳng định tiếp tục con đường nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, nhưng theo hướng thực phẩm sạch và an toàn. 

Được một người bạn giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu, ông Vươn nhận nuôi thử nghiệm 100 con giống, theo quy trình hữu cơ được hướng dẫn.

3 ngày đầu, một số con vịt có biểu hiện yếu ớt. Ông nhận ra nếu chỉ dùng cám gạo để nuôi vịt thì không đảm bảo dinh dưỡng, cả đàn nguy cơ chết đồng loạt.  

Là kỹ sư nông nghiệp ngành chăn nuôi, ông Vươn vận dụng kiến thức, phối trộn thêm lượng đạm phù hợp vào thức ăn. 7 ngày tiếp theo, vịt lớn nhanh, khỏe mạnh. 

Từ đó, ông mạnh dạn nhờ người kết nối với Trung tâm giống vịt Đại Xuyên để mua 1.000 con giống. Dù bị nhận xét là mạo hiểm, bởi vừa ra tù khó khăn về tài chính, nhưng người nông dân tự tin với kỹ năng và chuyên môn của mình. 

Sau 90 ngày, ông Vươn chọn những con vịt đầu đàn nặng 2kg, đem lên Hà Nội nhờ hội đồng thẩm định đánh giá. Những chuyên gia khắt khe nhất cũng dành lời khen cho vịt biển nhà ông Vươn, nhưng yêu cầu điều chỉnh tỷ lệ mỡ của vịt để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 2

Mãn hạn tù, ông Vươn trở về quê nhà khởi nghiệp bằng vịt biển.

Về nhà, ông xây dựng quy trình chăm sóc vịt bài bản, từ khâu tuyển chọn con giống, phòng dịch, vệ sinh môi trường. Thức ăn của vịt được làm theo cách riêng, chủ đạo là ngô, sắn, đậu tương, men vi sinh và một số loại thảo dược, nhờ đó mà đàn vịt không có mùi hôi, thịt chắc, ít mỡ, ngọt, dai và chế biến thơm ngon. 

Hỗn hợp thức ăn đã giúp vịt biển phát triển tốt với trọng lượng trung bình 2,5 - 2,8 kg/con, được bán với giá 280.000 đồng/con. 

Tháng 3/2016, ông Vươn cùng em trai Đoàn Văn Quý (57 tuổi) lên Hà Nội quảng bá thương hiệu "Vịt biển Đoàn Văn Vươn". Không ai nghĩ, một người từng là phạm nhân, lại xuất hiện trong bộ vest lịch lãm, đứng tiếp thị hàng trăm con vịt tại một cửa hàng trên phố Trần Quang Diệu.

Cũng không ai ngờ, từ khoảnh khắc đó, số lượng vịt biển trong con đầm nhà ông Vươn tăng chóng mặt, xấp xỉ 6.000 - 7.000, nhưng luôn trong tình trạng "thiếu hàng". 

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 3

Sau 8 năm gây dựng thương hiệu, "Vịt biển Đoàn Văn Vươn" trở nên nổi tiếng và có mặt tại nhiều tỉnh/thành như: Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn La, Bắc Giang. Để bảo vệ uy tín thương hiệu, ông Vươn chỉ bán vịt cho hệ thống nhà hàng độc quyền. Bên cạnh đó, lượng khách đến trực tiếp hoặc đặt hàng qua điện thoại cũng chiếm ưu thế. 

"Nếu khách hàng có nhu cầu, tôi sẵn sàng cấp đông và phân phối vịt đến bất cứ nơi đâu trên cả nước", ông Vươn tâm đắc, thầm cảm ơn đàn vịt đã nuôi sống cả gia đình những năm qua. 

Hai năm dịch Covid-19 khiến hệ thống nhà hàng "đóng băng", ông Vươn giảm quy mô đàn vịt, cùng lúc chỉ giữ lại một người làm thuê. Tuy công việc kinh doanh đôi lúc rơi vào bế tắc, nhưng ông không từ bỏ, hiểu đây là khó khăn chung chứ không phải riêng mình. 

Ngoài vịt biển, gia đình ông Vươn cũng cải tạo đầm áng, trồng thêm sả, chuối bao tử, thả cá, nuôi lợn, gà. Ông mong muốn tận dụng từng mét đất, từng vùng nước của khu đầm để tạo hiệu quả kinh tế cao nhất, bù đắp cho những năm tháng ngồi tù.

"Với tôi, thành quả tâm đắc nhất, chính là sự công nhận của khách hàng", ông mãn nguyện. 

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 4
Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 5
Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 6

Cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

Năm 2018, một người bạn nói với ông Đoàn Văn Vươn rằng Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng) có nhã ý muốn gặp mình. Không suy nghĩ nhiều, ông Vươn đồng ý ngay.

Và cuộc gặp gỡ đã diễn ra trước khi ông Ca về hưu. 

Hôm đó, ông Vươn chuẩn bị 4 con vịt biển làm sạch, đi ô tô đến nhà Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca ở xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). 

"Gặp lại nhau, chúng tôi niềm nở, tay bắt mặt mừng. Ông Ca nắm tay tôi rất chặt", ông Vươn nhớ lại. 

Buổi trò chuyện kéo dài khá lâu, trong tâm thế cởi mở. Theo ông Vươn, hai người đã thẳng thắn đối diện, tháo gỡ mọi khúc mắc. Họ không oán hận, không trách cứ lẫn nhau. 

Lúc sau, ông Vươn được mời ở lại dùng cơm cùng gia đình Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Mâm cơm hôm đó, món chính là vịt biển luộc. 

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 7

"Còn đầm là còn sự sống"

Ông Vươn nhớ như in từng con số liên quan đến bản án của mình. 

"Sáng 31/8/2015, tôi được thả tự do sau 3 năm, 7 tháng, 21 ngày sống trong trại giam Hoàng Tiến (TP Chí Linh, Hải Dương) trong đợt đặc xá tù nhân nhân dịp 70 năm Quốc khánh", ông nói. 

Trước cổng trại giam hôm đó, gia đình và người dân tập trung đông đúc. Giây phút bước ra ánh sáng, ông Vươn nở nụ cười hạnh phúc, sà vào vòng tay yêu thương của mọi người.

"Tôi thấy lòng mình xốn xang và bâng khuâng khó tả. Với tôi, ra tù là để tiếp nối những dự định còn dang dở. Tôi đã nghĩ, nếu không có sự cố năm đó, có thể sẽ không có khu đầm phát triển như hôm nay", người đàn ông trầm ngâm.  

Bà Nguyễn Nhữ Thị Thương (53 tuổi, vợ ông Vươn) phải đóng "hai vai" trong gần 4 năm vắng chồng. Người phụ nữ vừa kiếm tiền nuôi hai con trai, vừa thăm nuôi chồng mỗi tháng một lần. 

"Trước khi đi, anh đã dặn, dù vất vả đến đâu cũng phải cố mà giữ khu đầm. Còn đầm là còn sự sống", bà Thương tâm sự. 

Ngày chồng bị tuyên án phạt tù, người vợ sốc đến liệt nửa người. Bà cố không khóc, nhưng hai khóe mắt cay xè, tự nhủ không thể gục ngã. 

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 8

Vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn và bà Nguyễn Nhữ Thị Thương.

Những ngày một mình chông chênh ngoài khu đầm, bà Thương nghĩ "cuộc đời sao mà dài thế". Năm 1990, khi mới 20 tuổi, bà gặp và quen chàng thanh niên học Đại học tại chức Đoàn Văn Vươn cách nhà 4km. Thời điểm đó, nhà ông Vươn nuôi vịt, còn bố mẹ bà Thương chuyên buôn trứng. 

"Người nuôi vịt gặp người đi buôn trứng nên yêu nhau luôn", bà cười.

Năm 1992, cặp đôi kết hôn. Một năm sau, họ đón con gái đầu lòng. Đây cũng là thời điểm ông Vươn bắt đầu khai hoang nuôi trồng thủy sản tại bãi biển khu vực nam Cống Rộc. 

Ông hùn tiền khởi nghiệp bằng cách bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, gồm cả cái chết của con gái năm lên 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm.

"Mỗi lần nhắc đến con, chúng tôi đau xót khôn nguôi. Đứa trẻ đáng thương đã chịu thay bố mẹ những đau thương và mất mát", bà Thương bật khóc. 

Năm 1995 và 2003, họ lần lượt sinh thêm hai người con trai, hiện đã trưởng thành, theo học Đại học và có công việc ổn định. 

Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 9
Ông Đoàn Văn Vươn và cuộc gặp đặc biệt với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - 10

Năm 2012, cho rằng ông Vươn không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi hơn 19ha đất đầm, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế. Sáng 5/1/2012, khi một tổ công tác đi vào khu đầm, người nhà ông Vươn nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương.

Hai anh em ông Vươn và Quý mỗi người bị phạt 5 năm tù về tội "Giết người". Một số người liên quan đến vụ việc như vợ, con, anh, em họ cũng bị tuyên án tù án treo đến 33 tháng tù giam.

Sau khi được Chủ tịch nước đặc xá trước hạn vào dịp 2/9/2015, ông Vươn đã trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục với sự nghiệp nhà nông, từng bước gây dựng thương hiệu vịt biển.

Ông tham vọng có tiềm lực tài chính để thuê lại đất của người dân trong khu vực, từ đó tổ chức trồng ngô, cấy lúa, làm thức ăn chăn nuôi vịt biển. Đồng thời, nếu tận dụng lao động nhàn rỗi vào dây chuyền sản xuất vịt biển cũng sẽ mang lại thu nhập cho bà con. 

"Sau tất cả, tôi mong người đời sẽ nhớ đến mình là Đoàn Văn Vươn, một doanh nhân nông thôn chuyên vịt biển, thay vì kẻ tù tội trong vụ án năm xưa tại Tiên Lãng", người đàn ông nói. 

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Toàn vũ