PGS. TS Nguyễn Văn Huy: ‘Chậm xếp hạng di tích là phá Vườn Chuối’

Phạm Sỹ (thực hiện) 03/08/2020 07:44

Với những di vật khảo cổ có giá trị to lớn, nhưng đến nay di chỉ khảo cổ Vườn Chuối nằm trên địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn chưa được xếp hạng di tích.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một người con của quê hương Lai Xá đã có cuộc trò chuyện xung quanh việc bảo vệ, xếp hạng di chỉ khảo cổ này.

PV: Thưa ông, là nhà khoa học, ông đánh giá sao về khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Từ năm 1969 đến nay, qua nhiều đợt khảo cổ đã thu được nhiều di vật khẳng định sự tồn tại của con người tại đây từ văn hóa tiền Đông Sơn, kéo dài suốt từ 3500 năm cho đến 1800 năm trở lại đây. Các di vật kéo dài từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác, từ những hiện vật, đồ đá mới rất là đẹp, những rìu đá, vòng tay, khuyên tai cho đến những hiện vật đồ đồng… của thời kỳ cách đây mấy nghìn năm và có cả các hiện vật bằng sắt. Đặc biệt khu di chỉ phức hợp này rơi đúng vào thời kỳ mà chúng ta vẫn gọi là thời kỳ các Vua Hùng, ở Hà Nội loại di chỉ này chỉ có ở Vườn Chuối và ở Cổ Loa.

Một di chỉ khảo cổ học có giá trị như vậy, nhưng theo ông tại sao đến nay chưa được xếp hạng di tích?

- Trong suốt một thời gian dài TP Hà Nội và ngành văn hóa chưa thấy hết được ý nghĩa, giá trị to lớn của khu khảo cổ học Vườn Chuối hơn 3.000 năm tuổi để hành động… Nói một cách công bằng, khoảng 2, 3 năm gần đây chính quyền thành phố Hà Nội mới bắt đầu vào cuộc nhưng còn rất chậm chạp và thiếu biện pháp cứng rắn để bảo tồn. Đã hơn 10 lần khai quật, các báo cáo khai quật đã được gửi đi khắp nơi, cơ quan truyền thông nói rất nhiều nhưng hành động để bảo vệ theo đúng Luật Di sản thì chưa làm tròn. Nếu làm tròn trách nhiệm thì không xảy ra tình trạng như ngày hôm nay.

Khu di chỉ Mỏ Phượng mới bị san ủi hoàn toàn năm 2019, trong lúc các nhà khảo cổ học tạm dừng khai quật. Trách nhiệm đó thuộc về Hà Nội, thuộc về ngành văn hóa, của Cục di sản. Tất nhiên, việc san ủi thuộc trách nhiệm của Công ty Thăng Long 9 thuộc Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex.

Họ xây dựng đô thị họ phải hiểu Luật Di sản, là khi phát hiện các di vật cổ, các địa điểm khai quật khảo cổ học thì các đơn vị đấy phải có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền và ngành văn hóa để tham gia xử lý khai quật, tìm giải pháp cuối cùng để bảo vệ nhưng họ cố tình san ủi. Nếu không có người khai quật khảo cổ ở đấy, không có người theo dõi thì người ta có thể đánh úp bất cứ lúc nào.

Kể cả trách nhiệm của những người lập quy hoạch khi người ta vẽ ra một con đường vành đai 2,5 đi qua trung tâm của di chỉ Vườn Chuối, nếu làm đúng con đường ấy sẽ xuyên tan nát Vườn Chuối. Vậy trách nhiệm của ai? Tại sao không có sự phối hợp của các ban ngành mà câu chuyện của Vườn Chuối đã có cả nửa thế kỷ nay.

Cũng may, TP Hà Nội, ngành văn hóa Hà Nội… đã nhận thức ra và cho tạm dừng lại việc thi công con đường này. Đó là mặt tốt, mặt tích cực rất đáng hoan nghênh của chính quyền thành phố và các ban ngành. Nhưng nhìn một cách tổng thể, nói cách sòng phẳng, cách ứng xử với di chỉ quý hiếm này của quốc gia là không được.

Suốt một thời gian dài không xếp hạng di tích cho Vườn Chuối thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và ngành văn hóa. Với tôi, di chỉ khảo cổ này xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Việc chưa được xếp hạng di tích có gây khó khăn trong công tác bảo tồn?

- Khó khăn rất nhiều. Chúng ta sẽ không có đầy đủ cơ sở pháp lý để đấu tranh, để bảo tồn. Nhưng nếu như được xếp hạng di tích thì Vườn Chuối sẽ được khoanh vùng bảo vệ và khi đó sẽ có vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2…

Ông có đề xuất phương hướng gì cho công tác bảo tồn tại Vườn Chuối?

- Tôi rất mong muốn ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch khu đô thị đó để giữ gìn, đồng thời Hà Nội cần suy nghĩ để điều chỉnh tuyến đường vành đai 2,5 hoặc có giải pháp để khu Vườn Chuối thành một công viên di sản thời Hùng Vương. Điều đó sẽ giúp cho những người công dân thủ đô nhận thức được sâu hơn về giá trị lịch sử và văn hóa thủ đô Hà Nội. Đó sẽ là một điểm kích thích du lịch rất tốt.

Cần phải có tầm nhìn xa về vấn đề bảo tồn, tầm nhìn xa về vấn đề phát triển. Nhưng nếu chúng ta không có cái nhìn ấy thì sẽ làm mất đi giá trị vô cùng to lớn của di sản khảo cổ học mà không phải ở đâu cũng có.

Có những cái chúng ta cần phải khai quật ngay, có những cái nếu được xếp hạng di tích sớm thì không cần khai quật cấp tốc mà giữ lại những khu chưa khai quật để cho đời sau. Bởi nếu khai quật toàn bộ do tình thế thì sẽ rất khó bảo tồn, hiện nay sau nhiều lần khai quật xong các nhà khảo cổ học lại lấp đất đi hay lấp nửa vời không có phương án bảo tồn sẽ tan nát tất cả.

Cho nên quá trình khai quật khảo cổ học mà không có tư duy bảo tồn, khai quật theo tình thế sẽ không còn di tích nữa. Nếu muốn trở thành công viên khảo cổ học thì trong quá trình khai quật đã phải nghĩ đến công tác bảo tồn như thế nào. Bằng chứng là những hố khai quật 9 năm, 10 năm trước hỏng hết.

Khi khai quật mà không nghĩ đến bảo tồn lâu dài thì mặc dù tất cả khai quật được tư liệu hóa (quay phim, chụp ảnh, vẽ, miêu tả…), xong công tác khai quật là hết và nơi đó sẽ trở thành một nơi hoang phế.

Ngay từ bây giờ chúng ta phải có tầm nhìn để bảo vệ di chỉ Vườn Chuối trở thành một công viên khảo cổ học thời Hùng Vương. Với tầm nhìn ấy thì phải xếp hạng di tích ngay, khoanh vùng bảo vệ ngay, khai quật đến đó và dừng lại. Còn những chỗ khác dừng khai quật lại.

Chúng ta hãy tập trung bảo tồn thật tốt những chỗ đã khai quật, làm tốt việc tư liệu hóa, nghiên cứu những khu đã khai quật. Khi đã xếp hạng di tích thì phải làm thật kỹ càng, thật chậm và tìm giải pháp bảo tồn và phát huy di tích này. Có những cái chúng ta phải dành cho thế thệ sau.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS. TS Nguyễn Văn Huy: ‘Chậm xếp hạng di tích là phá Vườn Chuối’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO