VĂN HÓA

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-10-2019 • Lượt xem: 5111
Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 2)

Tôi chưa đọc Phan Huy Đường nhiều bằng đọc các bài viết ký tên Trần Đạo. Sau này mới biết hóa ra Trần Đạo, Đơn Hành chính là bút danh của ông. Bên trong con chữ ông giấu kín nỗi đau và tình yêu Tổ quốc nhìn từ xa…

Tin, bài liên quan:

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 1)

Joseph Brodsky - Hoàng Ngọc Biên: Thơ, âm vực và im lặng

Nữ họa sĩ đầu tiên làm từ điển Tây Ban Nha - Việt Nam

Rất nhiều bài viết của ông trên diễn đàn hướng về đất nước. Nguồn cội có lẽ chưa bao giờ thôi day dứt trong ông. Tôi đặc biệt chú ý loạt bài ông viết đã lâu khi trở về quê hương và có một chuyến đi dọc những miền đất khúc khuỷu quanh co mang hình chữ S. Ông viết và bày tỏ tình yêu của mình bằng những câu hỏi cật vấn, riết róng, thiết tha làm sao để có nhiều “tự do” hơn, nhiều “cải cách” hơn để đời sống con người tốt hơn. Sau loạt bài chất chứa nỗi niềm ấy tôi thấy ông không viết nữa.

Nhà văn, nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Phan Huy Đường (phải) và họa sĩ Phan Nguyên

Khi sử dụng tên thật cho những nghiên cứu triết học, ngôn ngữ hay sáng tạo văn chương, những trang viết của ông như có hồn hơn. Có nỗi đau vô lý, vô hình cứ ám ảnh đến chết một cuộc đời. Và chữ nghĩa tha nhân nhìn cách nào đó có khác gì là “một mối tình ngụ cư” giữa cuộc đời viễn mộng.

 

Nhà văn Albert Camus từng viết “Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc và đó là tự sát. Phán xét liệu cuộc đời có đáng sống hay không cũng giống như trả lời câu hỏi cơ bản của triết học. Tất cả những điều còn lại - thế giới có ba chiều hay không, trí óc có chín hay mười hai hạng mục - đều đi sau đó. Đó là những trò chơi; người ta đầu tiên phải trả lời đã...”. (There is but one truly serious philosophical problem and that is suicide. Judging whether life is or is not worth living amounts to answering the fundamental question of philosophy. All the rest - whether or not the world has three dimensions, whether the mind has nine or twelve categories - comes afterwards. These are games; one must first answer!).

Nhà văn Albert Camus thời gian viết tiểu thuyết phi lý hiện sinh nổi tiếng "L'Étranger" (Kẻ xa lạ), năm 1942


 

 

Và cách trả lời của Phan Huy Đường ở trong nhiều bài viết ký tên Trần Đạo, Đơn Hành, những bút hiệu cũng cho thấy lý lẽ tối thượng của một người nghệ sĩ cô đơn, dám tư duy tự do. Và điều đó cũng có nghĩa là đã chọn cho mình một tử huyệt. Như một câu nói nổi tiếng của triết gia Hegel: “Nếu muốn yêu thương anh phải phụng sự. Nếu muốn tự do anh phải chết!” (If you want to love you must serve, if you want freedom you must die).

Phan Huy Đường làm việc khá khoa học và chuyên cần, để lại rất nhiều trước tác. Ông tư duy, sáng tạo, viết lách song cả hai thứ tiếng là Pháp và Việt. Và hẳn nhiên là có nhiều cuốn thực sự có giá trị. Tôi tin thời gian sắp tới đây sẽ được in, giới thiệu ở trong nước. Bạn đọc ham chuộng trí thức và giới trẻ thích nghiên cứu hẳn nhiên là có thêm một nguồn tham khảo khá đắc địa. Những tác phẩm như: “Một hành trình tư duy”, “Vẫy gọi nhau làm người”, “Tư duy tự do”, “Chơi trò Babel”, “Aimer - Mourir - Yêu - Chết”, “Thơ người dị ứng với thơ”, “Một mối tình ngụ cư”, “Nhạc ở tôi”, “Lang thang chữ nghĩa”… Trong đó như tôi đã nhắc có cuốn “Penser librement” nguyên bản bằng tiếng Pháp đã được chính tác giả viết lại bằng tiếng Việt từng được in ở nhà xuất bản Đà Nẵng từ 2004.

Và nếu “Penser librement”, muốn “tư duy tự do” thì phản đề như Hegel, còn phải tập chết trước khi chết thật nhiều lần nữa! Trong cảm thức. Trong phẫn nộ. Trong chọn lựa. Trong tư tưởng.

***

Không chỉ viết mà chính Phan Huy Đường còn dịch. Và điều này mới đáng nói, ông là một cây cầu văn hóa giới thiệu văn chương Việt Nam ra với thế giới qua kênh tiếng Pháp. Và sau này còn là tiếng Anh. Các nhà xuất bản, các kênh như Philippe Picquier, Nina McPherson… đã từng giới thiệu khoảng 50 gương mặt các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam. Ông đã chọn dịch văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Trần Vũ, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Khánh Trường…, thơ Lê Đạt, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Lê Bi… Có thi phẩm ông chọn dịch các nhà thơ nữ trẻ Phan Huyền Thư, Phạm Tường Vân, Chinh Lê, Ly Hoàng Ly… và nhiều tác giả khác nữa. Chừng mực nào khá lớn lao, ý nghĩa. Mà cũng có thể gọi là đồ sộ!

   

Tuy nhiên, khi theo dõi Trạm đọc “Ăn mày văn chương”, tôi bỗng nhận ra một điều khá thú vị, thậm chí trái ngược về công việc dịch thuật của ông. Phan Huy Đường hoàn toàn không đánh giá cao chuyện này. Thậm chí ông còn mỉa mai, dè bỉu nó. Ông gọi công việc của mình là buồn thảm, là Bóng (trong nghĩa cái Bóng). Thảm hại hơn, công việc dịch thuật là “Bóng của một cái Bóng”.

 

Vậy tại sao lại dịch?

Ờ, thì bởi vì không thể không dịch!

 

Như thế nào là một tác phẩm? Liệu có phải vì bên ngoài nó có một chiếc bìa vẽ đẹp lộng lẫy, có tên tác giả tên sách, nhà xuất bản, là một khổ giấy 13x19 chẳng hạn. Bên trong là đầy chữ, đựng một câu chuyện, một triết thuyết, hay dễ hiểu hơn dựng một bài thơ, một truyện ngắn, truyện vừa truyện dài hoặc một tiểu thuyết nào đấy?

 

Không! Hoàn toàn không phải!

Ai nói như thế? Xin thưa, Jorge Francisco Isidoro Luis Borges!

Luis Borges, là ai mà có thể hồ đồ như vậy?

 

Vâng, có thể ông hồ đồ vì ngay từ lúc còn sống, ông đã được coi là một tác giả kinh điển của nền văn học thế kỷ XX. Lại nữa, gần như cả đời đã dồn mọi tâm lực vào sáng tác trong cảnh mù lòa, không vợ con. Có thể lắm chứ!

Nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà văn Luis Borges.

 

Luis Borges, cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Ông là người được đánh giá có kiến văn uyên bác trải từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các tác phẩm của ông, bao gồm truyện ngắn, tiểu luận, thơ, phê bình văn học và dịch thuật, không ngừng là nguồn cảm hứng to lớn đối với các nhà văn toàn thế giới. Ông có một quan niệm riêng về một tác phẩm, một cuốn sách như sau: "Thật phi lý khi cho rằng một cuốn sách không phải là một cuốn sách. Nó bắt đầu có mặt khi một độc giả mở nó ra!”.

 

Phan Huy Đường lặng lẽ làm công việc “mở ra những cuốn sách ấy” từ một phía khác. Chuyển ngữ. Ông chỉ đi bên cạnh Luis Borges trong việc “phục sinh” hay “cho nó có mặt” với người đọc bên ngoài thế giới còn bưng thức và tăm tối Việt. Tình nguyện làm cái Bóng của một cái Bóng!

 

Tôi trích lại nguyên văn dưới đây một đoạn văn ông viết về cái nghề buồn thảm. Dịch thuật. Và kỳ thực, tôi chưa thấy ai viết hay như thế! Trong khi chúng ta còn quá “diêm dúa” tham lam, khoe mẽ với những đòi hỏi “dịch giả là đồng tác giả”, “dịch giả hay hơn tác giả” thì Phan Huy Đường đã bắt được cái Bóng của một cái Bóng ấy! Một tư duy tự do.

 

Nhà văn Milan Kundera

 

Thời còn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực, có lúc Milan Kundera chỉ viết cho một độc giả duy nhất, dịch giả của mình. Lúc đó, tác phẩm của ông tới độc giả nhờ bản dịch. Nay Kundera đã thành danh quốc tế. Ông vừa cho xuất bản tập tiểu luận Les testaments trahis. Có đoạn ông lên án mãnh liệt khuynh hướng thiếu thủy chung trong thuật dịch văn chương.

Một nhà văn có khả năng và điều kiện làm chủ tác phẩm của mình và những bản dịch là chuyện đáng mừng. Mừng cho nhà văn, mừng cho độc giả. Có nhiều nhà văn lớn rất sành ngoại ngữ, có thể viết thẳng tác phẩm của mình bằng ngoại ngữ. Chẳng mấy khi họ tự dịch. Cũng lạ. Và đáng tiếc. Có lẽ đó là cách duy nhất để có bản dịch "thủy chung", có khi một cách bất ngờ. Như Marx viết lại bản dịch Tư bản luận của Roy, và thản nhiên tuyên bố: bản tiếng Pháp, do ông viết lại, có giá trị khoa học ngang với bản gốc tiếng Ðức. Tới nay, đụng vấn đề, nhiều độc giả điên đầu, không khẳng định nổi bản nào "gốc" hơn bản nào. Cứ như truyện Cửu Âm chân kinh của Kim Dung ấy. Dù sao, thế giới văn chương đã co lại. Chẳng ai sành nhiều ngoại ngữ. Giao lưu văn hoá vẫn cần người dịch văn. Nghệ thuật dịch còn là đề tài đáng suy nghĩ.

Nhà văn Phan Huy Đường (trái) và nhà thơ Chân Phương. (Ảnh trên facebook CP)

Ngày nay, khốn nạn hơn "nghề" dịch văn, hiếm.

Ai thích làm giàu, nên tránh xa. Ở Pháp, đó là một nghề khốn khổ. Người được Giải dịch thuật quốc gia năm 1992 ở Pháp, vì đã dịch toàn bộ tác phẩm của một nhà văn lớn của Bồ Ðào Nha, đã thổ lộ trong báo Le Monde: tính theo giờ, lương không bằng lương người quét dọn thuê (femme de ménage). Ðúng thế. Giá công đoàn (tarif syndical) hiện nay ở Pháp là 87 FF một trang 1500 ký hiệu. Người dịch giỏi, dịch cho nhà xuất bản lớn, dịch sách ăn khách, có thể hy vọng 130 FF một trang. Dịch cho "ra hồn" văn một tác phẩm hai, ba trăm trang có thể mất hơn cả năm. Dịch xong, có khi nhà xuất bản không thích bản dịch, hoặc không còn khả năng xuất bản văn chương ngoại quốc. Lúc đó, có thể toi công, ít nhất một phần lớn. Muốn thu hoạch khá, đều đặn, và đảm bảo hơn, nên quét dọn thuê. Chí ít cũng lợi cho mình, cho người.

Bìa cuốn "Thiên sứ" - "La messagère de cristal" của nhà văn Phạm Thị Hoài do dịch giả Phan Huy Đường chuyển ngữ

Ai thích an phận, càng nên xa chuyện dịch văn. Trớ trêu như "nghề" này, hiếm. Thành tâm đến mấy, cẩn trọng đến mấy, cũng trở thành kẻ phản bội, đối với một số độc giả, có khi đối với chính nhà văn. Xưa, khi Baudelaire công bố tác phẩm của Edgar Poe, thiên hạ liền nhao nhao lên án. Ngày nay, có nhiều bản dịch Edgar Poe khác, không mấy ai lẫn lộn Baudelaire với Edgar Poe. Tuy vậy độc giả Pháp vẫn thích đọc Edgar Poe qua bản dịch của Baudelaire…” (Trích Trạm đọc “Ăn mày văn chương).

***

Khi đọc tin anh Phan Huy Đường mất, tôi hơi choáng. Thực ra cõi người đến lúc lá rụng về cội thôi. Một người sống xa tổ quốc như anh từ năm 18 tuổi thì việc sống chết cũng hiển nhiên, bình thường. Nhưng như thế từ nay các bạn văn hay yêu văn chương chữ nghĩa khi đến Paris sẽ không còn một ông anh tâm tình như thế, chí tình như thế! Được ở bên anh, nghe anh nói chuyện học hỏi thêm được biết bao nhiêu điều hay về cõi đời, cõi văn thú vị!…

(Còn tiếp)