Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp: Nhiều lĩnh vực tê liệt trong ngày hành động thứ 2 chống dự án cải tổ hưu trí

Hôm nay, 31/01/2023, là ngày hành động thứ hai của giới nghiệp đoàn Pháp chống dự án cải tổ hưu trí của chính phủ, hay còn gọi là ‘‘hồi 2’’. Các nghiệp đoàn hy vọng với việc đông đảo nhân viên, công nhân tham gia bãi công, và tuần hành, chính phủ sẽ phải nhân nhượng. Hàng loạt lĩnh vực bị tê liệt hoàn toàn hoặc đình trệ.

Công đoàn viên thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp (CGT), biểu tình phản đối dự án cải cách chế độ hưu trí của chính phủ, tại Toulouse, miền nam Pháp, ngày 31/01/2023.
Công đoàn viên thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp (CGT), biểu tình phản đối dự án cải cách chế độ hưu trí của chính phủ, tại Toulouse, miền nam Pháp, ngày 31/01/2023. © LIONEL BONAVENTURE / AFP
Quảng cáo

Theo AFP, trong lĩnh vực giao thông, chỉ có từ 25 đến 30% chuyến tàu tốc hành TGV so với ngày thường, tình hình tương tự đối với giao thông đường sắt cấp vùng. Tại thủ đô Paris, metro giảm hoạt động đến mức tối đa. Đa số tuyến metro chỉ duy trì vào giờ cao điểm và với tần số thưa hơn, nhiều ga metro đóng cửa hoàn toàn. Riêng các tuyến bus và xe điện nổi vẫn duy trì 80% hoạt động.

Bãi công ảnh hưởng mạnh đến các kho xăng và nhà máy lọc dầu. Tập đoàn TotalEnergies thống kê được từ 75 đến 100% nhân viên bãi công. Công ty điện lực nhà nước Pháp EDF ghi nhận hoạt động trong lĩnh vực này sụt giảm mạnh, với việc nhiều nhân viên bãi công. Trong ngày hành động đầu tiên 19/01 tại EDF, khoảng một phần hai nhân viên bãi công. Công suất điện ước tính sụt 3.000 MW, theo công đoàn CGT và EDF, tương đương với ba lò phản ứng hạt nhân.

Trong lĩnh vực giáo dục, các nghiệp đoàn ngành giáo dục dự kiến 50% giáo viên tham gia bãi công, từ cấp mẫu giáo cho đến phổ thông trung học. Riêng tại Paris, khoảng 100 trường học đóng cửa. Ngày hành động hôm nay dự kiến thu hút sự tham gia đông đảo của viên chức nhà nước. Ngày 19/01, đã có 28% viên chức Pháp bãi công, trong tổng số hơn 2,5 triệu viên chức, theo thống kê của chính quyền.

Bãi công và biểu tình là hai hoạt động chính của giới nghiệp đoàn trong ngày hôm nay. Các đoàn tuần hành đầu tiên phản đối dự án cải tổ hưu trí của chính phủ bắt đầu ngay từ 10 giờ sáng. Phát biểu trên BFMTV và RMC, tổng thư ký nghiệp đoàn CGT, Philippe Martinez, bày tỏ hy vọng là ‘‘hồi 2’’ hôm nay sẽ tương đương với ‘‘hồi 1’’, ngày 19/01. ‘‘Hồi 1’’ –đã thu hút sự tham gia của 1,12 triệu người biểu tình, theo chính quyền, và hơn 2 triệu theo CGT. Một cuộc họp của giới nghiệp đoàn sẽ được tổ chức tại trụ sở của FO vào lúc 18 giờ hôm nay, để quyết định bước tiếp theo của phong trào phản kháng. Theo AFP, tối thiểu sẽ có một ‘‘hồi 3’’.

Bất chấp các phản đối quyết liệt từ phía các nghiệp đoàn và đối lập tại Quốc Hội, chính phủ quyết định không nhường bước. Hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron nhắc lại rằng đây là một cuộc cải cách ‘‘cần thiết’’. Dự án cải tổ hưu trí là một nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Macron.

Về triển vọng của cuộc cải tổ hưu trí, theo chuyên gia Frédéric Dabi, viện thăm dò dư luận Ifop, chính phủ Pháp đã tỏ ra yếu kém trong cuộc chiến chinh phục công luận. Theo kết quả thăm dò dư luận của OpinionWay, cho nhật báo kinh tế Les Echos và Radio Classique, công bố hôm qua, 61 % người Pháp ủng hộ phong trào phản kháng chống dự luật cải tổ, tỉ lệ phụ nữ ủng hộ gia tăng so với hai tuần trước. Đa số người Pháp không chống cải cách hưu trí, nhưng chống dự án cải tổ của chính phủ. 56% dân Pháp vẫn khẳng định cải tổ hưu trí là cần thiết. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.