Pháp thông qua Dự luật Nhập cư với các quy định nghiêm ngặt

Quốc hội Pháp đã thông qua Dự luật Nhập cư sau nhiều lần sửa đổi, qua đó thắt chặt hơn các biện pháp kiểm soát nhập cư kể từ khi dự luật đầu tiên được đệ trình.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Pháp tại thủ đô Paris. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Pháp tại thủ đô Paris. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 19/12, với 349 phiếu thuận và 186 phiếu chống, Hạ viện Pháp đã thông qua Dự luật Nhập cư được chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ.

Như vậy, Quốc hội Pháp đã thông qua Dự luật Nhập cư sau nhiều lần sửa đổi, qua đó thắt chặt hơn các biện pháp kiểm soát nhập cư kể từ khi dự luật đầu tiên được đệ trình.

Tại cuộc bỏ phiếu này, đảng Phục hưng cầm quyền đã không cần đến số phiếu của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen để dự luật được thông qua.

Trước đó, Tổng thống Macron đã triệu tập cuộc họp đảng cầm quyền tại Điện Elysee; đồng thời cho biết sẽ đệ trình dự luật để xem xét lại thay vì ban hành, nếu văn bản này chỉ được thông qua nhờ số phiếu ủng hộ của đảng RN.

Bản thân nội bộ đảng cầm quyền có nhiều bất đồng về dự luật, thậm chí một số bộ trưởng còn đe dọa từ chức với lý do chính phủ đã nhượng bộ trước áp lực của phe cực hữu.

Các nguồn tin cho biết Bộ trưởng Y tế Aurelien Rousseau, Bộ trưởng Giáo dục Đại học Sylvie Retailleau và Bộ trưởng Nhà ở Patrice Vergriete đã gặp Thủ tướng Elisabeth Borne và cảnh báo họ có thể từ chức nếu dự luật được thông qua. Hiện chưa rõ liệu các bộ trưởng nói trên có từ chức sau khi luật này được thông qua hay không.

Theo kế hoạch, ông Macron sẽ trả lời phỏng vấn trên truyền hình trong ngày 20/12.
Việc thông qua luật này rất quan trọng đối với ông Macron - người không thể tái tranh cử vào năm 2027 vì đã nắm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Thậm chí, ông có nguy cơ mất đi sự ủng hộ trong hơn 3 năm cuối nhiệm kỳ. Chính phủ của ông hiện không nắm đa số trong Quốc hội.

Hàng chục tổ chức phi chính phủ đã chỉ trích đây luật nhập cư "lạc hậu nhất" trong 40 năm qua đối với quyền và điều kiện sống của người nước ngoài, bao gồm cả những người đã ở Pháp từ lâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục