5.3.23

Phát triển kinh tế: Trung Quốc không còn dẫn đầu cuộc đua trước Ấn Độ và Indonesia

PHÁT TRIỂN KINH TẾ: TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN DẪN ĐẦU CUỘC ĐUA TRƯỚC ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA

Hubert Testard

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trao lại chức chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali, ngày 16/11/2022. (Nguồn: CNN)

Năm 2022 là một thời điểm bản lề đối với Châu Á đang phát triển. Cuộc đua dẫn đầu của người Trung Quốc đã đến hồi kết và động thái trong khu vực đang thay đổi. Đây là điều nổi bật khi so sánh Trung Quốc với hai nền kinh tế chính đang phát triển khác của lục địa châu Á: Ấn Độ và Indonesia. Một so sánh dựa vào chín nhân tố then chốt về phân tích kinh tế và nhân khẩu học.

Hãy bắt đầu với hai ảnh chụp nhanh. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào năm 2022, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chiếm ít hơn 23% một chút GDP thế giới, tính theo đồng US$ hiện hành. Cũng các nước này chiếm 39% dân số thế giới. So với năm 1980, bức tranh đã khác về cơ bản: tỷ trọng GDP của ba nước nói trên chỉ ở mức 5,2% GDP thế giới. Ngược lại, tỷ trọng dân số của ba nước nói trên đã chiếm tới 41% dân số thế giới vào thời điểm đó.

Về mặt GDP, rõ ràng chính Trung Quốc là nước đã đạt được hầu hết các tiến bộ trong hơn 42 năm. Tỷ trọng tương đối của Trung Quốc trong bộ ba nước châu Á đạt 51% vào năm 1980. Khi đó, tỷ trọng này tương đương với tỷ trọng của Ấn Độ cộng với Indonesia. Đến năm 2022, tỷ trọng tương đối của Trung Quốc đã tăng lên 79%, trong khi tỷ trọng dân số của bộ ba nước này đã bắt đầu giảm, từ 54% xuống 45%. Giờ đây, hãy chuyển từ ảnh chụp nhanh đến phần phân tích, với chín nhân tố so sánh then chốt.

TĂNG TRƯỞNG: HỒI KẾT CỦA NGOẠI LỆ TRUNG QUỐC

Kể từ đầu thế kỷ này, động thái tương ứng của ba nước về tăng trưởng GDP đã trải qua những thay đổi quan trọng đáng kể. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống một nấc thang đầu tiên kể từ năm 2011, khi bắt đầu giảm dưới mốc 10% hàng năm, để đạt một tốc độ tăng trưởng 6% vào năm 2019, thời kỳ mà Tập Cận Bình đã mô tả là “điều bình thường mới”. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, tốc độ tăng trưởng chậm trong lãnh vực đầu tư sản xuất và xuất khẩu không còn cho phép Trung Quốc duy trì những thành tựu ngoại lệ của “ba thập kỷ vinh quang” trước đây.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu đựng cú sốc đại dịch, một cách rất tốt, trong năm 2020 và 2021, trước khi vấp ngã vào năm 2022 với tác động tai hại của chính sách “không Covid” được duy trì bất chấp sự đột biến của virus. Người ta ghi nhận một sự phục hồi tăng trưởng, vào đầu năm 2023, sau khi nới lỏng chính sách chăm sóc y tế cứng nhắc vô lý này vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng Trung Quốc sẽ không trở lại mức tăng trưởng của những năm 2015-2019. Đối với các chuyên gia của IMF và Ngân hàng Thế giới, GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống một nấc thang thứ hai, với một tiềm năng tăng trưởng hàng năm từ 4 đến 5% trong thập kỷ hiện tại. Gánh nặng nhân khẩu học, tốc độ đô thị hóa chậm lại, chính sách ưu tiên dành cho các doanh nghiệp quốc doanh, cuộc chiến công nghệ với Hoa Kỳ, đều là những thách thức sẽ làm chậm quá trình bắt kịp của Trung Quốc, ngay cả khi mức giàu có trên đầu người dân của đất nước vẫn còn xa với mức trung bình của OECD [Organisation for Economic Co-operation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế].

Một cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi giữa các nhà kinh tế học về khả năng Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngân hàng Goldman Sachs vừa lùi lại ngày Trung Quốc leo lên vị trí số một này đến năm 2035 (mười năm trước, họ đã tính Trung Quốc sẽ vượt mặt Hoa Kỳ vào năm 2025) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) thậm chí còn đưa ra một nhận định còn bi quan hơn. Theo JCER, nền kinh tế Trung Quốc rốt cuộc sẽ không vượt qua nền kinh tế Mỹ, bởi tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ diễn ra rất chậm trong khoảng 10 năm tới (xoay quanh mức 1%/năm) dưới tác động của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà nước này đang trải qua.

Ấn Độ đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng mạnh với tỷ trọng GDP xoay quanh mức 8%/năm trong thập niên đầu của thế kỷ này, trước khi hứng chịu một cú sốc khá dữ dội trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Tỷ trọng GDP 8%/năm là mức mà các nhà kinh tế của OECD và Ngân hàng Thế giới cân nhắc như là mức mà đất nước của Narendra Modi có thể đạt được ở mức phát triển vào thời điểm khi đó. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã kém ổn định hơn và khiêm tốn hơn cho đến năm 2019, với tốc độ tăng trưởng trung bình không vượt quá 6,5%, đặc biệt do tỷ trọng đầu tư cho sản xuất tăng trưởng ít hơn. Ấn Độ đã phải hứng chịu cú sốc đại dịch rất nặng với mức suy thoái -6,6%, vào năm 2020. Năm 2022, nước này đang trong quá trình lấy lại tiềm năng tăng trưởng, bất chấp cú sốc thứ hai do chiến tranh ở Ukraine gây ra. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ có thể tiếp tục ở mức trước đó (6,5%), hoặc thậm chí ở tốc độ cao hơn, nếu chính phủ thành công trong việc huy động được sự đầu tư cho sản xuất nhiều hơn.

Về phần Indonesia, họ đã có mức tăng trưởng GDP ổn định rất đáng kể, ở mức từ 5 đến 5,5% trong 15 năm qua. Sau cú sốc đại dịch, giống như Ấn Độ, họ đang bước vào quá trình tìm lại tốc độ tăng trưởng trước đó. Một tốc độ mà các nhà kinh tế quốc tế và chính phủ Ấn Độ đều coi là chưa đủ. Nếu Indonesia có thể đẩy nhanh các chương trình về xây dựng cơ sở hạ tầng và hội nhập nhiều hơn vào các chuỗi cung cứng giá trị toàn cầu, thì mức tăng trưởng khoảng 7% được coi là mức khả dĩ đạt được.

Nói chung, Trung Quốc không còn dẫn đầu cuộc đua. Trong số ba nước khổng lồ của châu Á đang phát triển, từ nay Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng quan trọng nhất trước Indonesia, với điều kiện là hai nước này có thể tránh được những cám dỗ của chủ nghĩa dân tộc và nguy cơ chia rẽ nội bộ.

HIỆU ỨNG GIÀU CÓ: GIỚI TRUNG LƯU ĐANG TĂNG DẦN Ở BA NƯỚC

Để đánh giá khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân của ba Nhà nước, bảng xếp hạng thế giới trước tiên giữ lại tiêu chí sức mua quốc tế của cư dân, được đo bằng đồng US$ hiện hành. Về tiêu chí này, từ nay, Trung Quốc là nước được xếp hạng ở vị trí rất gần với nhóm các nước có thu nhập cao, với GDP danh nghĩa bình quân đầu người là 12.556 US$ vào năm 2021, ngưỡng của Ngân hàng Thế giới (về thu nhập bình quân đầu người, tức là một tiêu chí hơi khác một chút) là 12.695 US$ vào cùng thời điểm. Indonesia là nước đứng ở vị trí vừa đủ ngưỡng của nhóm các nước có “thu nhập trung bình cao” với GDP bình quân đầu người là 4.292 US$ vào năm 2021, và Ấn Độ nằm trong nhóm các nước có “thu nhập trung bình thấp”, với GDP bình quân đầu người là 2.227 US$, tương đương với một phần sáu GDP bình quân đầu người của Trung Quốc. Những khoảng cách đáng kể này giải thích lý do vì sao dòng khách du lịch quốc tế hoặc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài về cơ bản thuộc về Trung Quốc (không bao gồm hiệu ứng Covid-19).

Nhưng bức tranh sẽ thay đổi nếu lập luận theo sức mua tương đương (PPP – Purchasing Power Parity), có tính đến giá cả nội địa, thì sức mua ở Ấn Độ hoặc Indonesia thấp hơn rất nhiều so với PPP ở Trung Quốc.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

GDP trên đầu người tính theo PPP của Trung Quốc chỉ qua mặt Indonesia vào năm 2009, và khoảng cách biệt với Ấn Độ, vào năm 2021, không còn là một phần sáu mà là đã giảm xuống dưới mức một phần ba. Do đó, giới trung lưu đang trở nên đông đảo hơn ở ba nước, một nhân tố phát triển then chốt, bởi vì nó thúc đẩy sự đa dạng hóa các các ngành dịch vụ, cũng như sự tiến bộ trong lãnh vực giáo dục và an sinh xã hội. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu PEW đã phân tích sự phân bổ dân số của các nước châu Á theo các nhóm thu nhập theo PPP và theo US$ trên đầu người.

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu PEW

Giới trung lưu có mức “thu nhập thấp” (tức là thu nhập ngày từ 2 đến 10 US$) chiếm tỷ lệ rất cao ở Ấn Độ và ở Indonesia. Tỷ lệ giới trung lưu có mức “thu nhập trung bình” (từ 10 đến 50 US$/ngày) chiếm hơn một nửa dân số Trung Quốc một chút và chiếm gần 17% dân số Indonesia, trong khi tỷ lệ này vẫn còn thấp ở Ấn Độ. Con đường dẫn đến sự giàu có cá nhân vẫn còn dài đối với người Ấn Độ và người Indonesia, nhưng nền tảng đầu tiên của giới trung lưu đang phát triển, góp phần đa dạng hóa hai nền kinh tế này và thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

ĐÔ THỊ HÓA: TÍNH NĂNG ĐỘNG KHÔNG CÒN THUỘC VỀ TRUNG QUỐC

Trung Quốc đã có một tốc độ đô thị hóa rất cao trong bốn mươi năm qua, đây là một thành tố quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2021, dân số đô thị Trung Quốc chiếm 63% tổng dân số, so với 57% của Indonesia và 35% của Ấn Độ. Nhưng động thái này đang thay đổi. Từ nay, tốc độ tăng trưởng dân số đô thị của Trung Quốc đang chậm lại, so với hai nước khổng lồ châu Á kia.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc ước tính mức tăng trưởng dân số đô thị ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 1% mỗi năm từ nay đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị ở Indonesia cũng sẽ chậm lại, nhưng tốc độ tăng trưởng dân số đô thị ở Ấn Độ vẫn có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ. Cuộc khủng hoảng nhà đất hiện nay ở Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy nhanh các xu hướng tăng trưởng kinh tế trước đây, và động cơ đô thị hóa sẽ chỉ hỗ trợ một chút cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

NHÂN KHẨU HỌC: SỰ KHỞI ĐẦU CỦA NGOẠI LỆ TRUNG QUỐC

Quá trình chuyển đổi nhân khẩu học – tức là thời điểm mà tốc độ tăng trưởng dân số của một nước chậm lại – đang diễn ra trên toàn bộ lục địa Châu Á. Nhưng sự chuyển đổi này sẽ không diễn ra với cùng tốc độ hoặc cùng mức độ ở nhiều nước khác nhau. Trung Quốc là một ngoại lệ về tốc độ chuyển đổi, theo đó đường cong nhân khẩu học sẽ bị đảo ngược, trong khi Ấn Độ và Indonesia lại có một động năng tăng trưởng nhân khẩu học, đang chậm lại dần, để đạt được một mức ổn định dân số khả dĩ trong nhiều thập kỷ. Vì thế, “nhân tố lao động”, theo cách nói của các nhà kinh tế học, sẽ tiếp tục mở rộng về mặt định lượng ở Ấn Độ và Indonesia, trong khi sẽ thu hẹp lại, điều đang diễn ra, ở Trung Quốc.

Trong số các chỉ báo thay đổi này, có tỷ trọng sinh sản (số trẻ con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ), quy mô của dân số trong độ tuổi lao động (những người trong độ tuổi 15-64, theo thống kê của Liên Hợp Quốc) và tỷ lệ người trên 65 tuổi.

Nguồn: Triển vọng nhân khẩu học thế giới. Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc đã bắt đầu từ mức cao nhất vào năm 1950, với tỷ trọng sinh sản vượt trội là 6,1 trẻ con trên một phụ nữ. Sau đó, tỷ trọng này đã trải qua ba lần tụt giảm: lần tụt giảm quan trọng nhất diễn ra dưới kỷ nguyên của Mao, với tỷ trọng sinh sản giảm xuống còn 2,5 vào năm 1980, tiếp theo là lần tụt giảm thứ hai với chính sách một con, vốn làm giảm tỷ trọng sinh sản xuống còn 1,8 vào năm 1990, và lần tụt giảm thứ ba, vào năm 2021, khiến tỷ trọng sinh sản giảm xuống còn 1,2, thấp hơn cả Nhật Bản (1,36).

Tỷ trọng sinh sản của phụ nữ ở Ấn Độ và Indonesia đã giảm dần và ở mức đều đặn hơn. Ngày nay, tỷ trọng này vẫn cao hơn một chút so với tỷ trọng sinh sản dân số mà các nhà nhân khẩu học đã đặt ra là 2,1.

Hậu quả lâu dài của những thay đổi này là gì? Theo lô-gic kinh tế của “nhân tố lao động”, cần phải xem xét tương đương với dân số trong độ tuổi lao động trong những thập kỷ tới.

Nguồn: Triển vọng nhân khẩu học thế giới. Liên Hiệp Quốc.

Dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc cao hơn gấp rưỡi so với ở Ấn Độ vào năm 1990. Dân số lao động này sẽ giảm gần một phần tư từ năm 2020 đến năm 2050, để chỉ tương đương với hai phần ba dân số trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ vào thời điểm đó. Indonesia, giống như Ấn Độ, sẽ chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục tăng lên đến đỉnh điểm vào khoảng năm 2040-2050.

Trong số những người không có khả năng lao động, người cao tuổi sẽ là một gánh nặng rất lớn. Đặc biệt, đây là trường hợp của Trung Quốc, nơi sẽ có 400 triệu người cao tuổi vào năm 2050 (so với gần 150 triệu người dưới 15 tuổi), tương đương với 30% dân số Trung Quốc. Tỷ lệ người cao tuổi ở Ấn Độ và ở Indonesia sẽ tăng mạnh, nhưng không vượt quá 15% dân số của họ. Hậu quả từ những thay đổi nhân khẩu học này về mặt chi phí chăm sóc y tế và chính sách hưu trí là nghiêm trọng đối với Ấn Độ và Indonesia, và là rất nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ: TRUNG QUỐC VÔ ĐỐI

Sau “nhân tố lao động”, cần phải xem xét đến “nhân tố tư bản”, tức là khả năng tiết kiệm và đầu tư của một nền kinh tế. Các nước có thu nhập cao có tỷ trọng đầu tư nằm trong khoảng từ 20 đến 25% GDP (23,5% đối với Pháp vào năm 2021). Các nhà kinh tế học về phát triển cho rằng một tỷ trọng đầu tư trên GDP cao hơn mức 30% là điều cần thiết để đảm bảo khả năng bắt kịp của các nước mới nổi.

Về tiêu chí này, Trung Quốc đã và tiếp tục dẫn đầu. Tỷ trọng đầu tư của Trung Quốc đạt gần một nửa GDP vào cuối những năm 2000. Tỷ trọng này đã giảm xuống còn 43% vào năm 2021, nhưng đây vẫn là một tỷ trọng rất cao (cao hơn gấp đôi so với Hoa Kỳ). Tỷ trọng đầu tư ở Ấn Độ và Indonesia đã tăng mạnh từ năm 2000 đến năm 2012. Sau đó, tỷ trọng đầu tư này đã ổn định ở mức khoảng 30-31% ở Indonesia, trong khi tỷ trọng đầu tư ở Ấn Độ đã giảm trở lại xuống khoảng 32% sau khi đạt đỉnh điểm 38% vào năm 2012, đây là một trong những lý do giải thích cho tốc độ tăng trưởng chậm lại của Ấn Độ trong thập kỷ 2010.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Nguồn đầu tư này phần lớn được tài trợ từ tiết kiệm trong nước ở Trung Quốc, và tỷ trọng tiết kiệm của nước này luôn cao hơn tỷ trọng đầu tư, với những tỷ lệ rất lớn trong suốt thập kỷ 2000, và hiện nay ở mức độ thấp hơn (từ 1 đến 2 điểm % GDP). Đây không phải là trường hợp của Ấn Độ và Indonesia, mà về mặt cấu trúc có tỷ trọng tiết kiệm thấp hơn tỷ trọng đầu tư, điều này được biểu hiện qua mức thâm hụt thường xuyên của cán cân thanh toán quốc tế ở cả Ấn Độ lẫn Indonesia (ngoại trừ năm nay, đối với Indonesia). Mức thâm hụt này là một yếu tố cho thấy tính bấp bênh trong thời kỳ căng thẳng về dòng vốn đầu tư quốc tế, và hai nước này cần phải kích thích tiết kiệm trong nước để củng cố khả năng đầu tư của họ.

Họ cũng cần phải thu hút tiết kiệm thế giới, thông qua các khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước mình. Tin tốt cho Ấn Độ và Indonesia là họ đang đạt được mục tiêu đó theo hướng tăng dần. Đầu tư nước ngoài đã trở nên quan trọng đối với hai nước này hơn, so với Trung Quốc.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

NĂNG SUẤT: TRUNG QUỐC ĐANG YẾU

Tăng trưởng, nói theo nghĩa cổ điển, được coi là kết quả của đầu vào lao động và tư bản, cộng với năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP – Total factor Productivity), được tính bằng mức chênh lệch giữa tăng trưởng cụ thể và tăng trưởng phát sinh từ mức tăng đơn thuần đầu vào về lao động và tư bản. Năng suất TFP được cho là phản ánh sự cải thiện về chất của một nền kinh tế, năng lực sáng tạo đổi mới, sự định vị trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nhất. Đó là nguồn cảm hứng trong sự tăng trưởng kinh tế.

Năng suất TFP của Trung Quốc ở mức rất cao trong “ba mươi năm vinh quang” của đất nước, khoảng 3 đến 3,5 điểm % GDP, cộng với tỷ trọng đầu tư ngoại lệ và sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động, để đạt được mức tăng trưởng 10% trong giai đoạn đó. Năng suất TFP đó đã giảm khá mạnh 0,7 điểm % từ năm 2010 đến năm 2019, trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ và gánh nặng của ngành xây dựng đã khiến năng suất tổng thể giảm.

Ấn Độ đã có thể duy trì một năng suất TFP cao hơn đáng kể so với Trung Quốc và thậm chí cao hơn mức trung bình của các nước mới nổi trong thập kỷ 2010-2019, với mức trung bình hàng năm là 2,2 điểm %, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Đại dịch đã làm xáo trộn hoàn toàn chỉ báo này (với mức giảm 2,9 điểm % GDP vào năm 2020, và với một mức gần như đình trệ vào năm 2021) nhưng xu hướng của năm 2022 là phù hợp với xu hướng của thập kỷ trước.

Indonesia thì ở vị trí trung bình, với năng suất TFP chiếm trung bình 1 điểm % GDP trong thập kỷ qua, tức là vào khoảng 20% mức tăng trưởng kinh tế của đất nước này.

CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO: ẤN ĐỘ VẪN CHẬM BƯỚC

Ngay từ năm 2010, Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ, để trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới. Nhưng vị trí hàng đầu này của ngành công nghiệp Trung Quốc đã suy yếu trong thập kỷ qua, và khoảng cách với mức trung bình của các nước mới nổi đã bị thu hẹp. Ngược lại, Ấn Độ vẫn là nền kinh tế sản xuất công nghiệp rất nhỏ, bất chấp tham vọng “sản xuất tại Ấn Độ” của Narendra Modi, còn Indonesia thì vẫn ở vị trí trung bình.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

ĐỔI MỚI: KHOẢNG CÁCH ĐANG TĂNG VỚI LỢI THẾ CHO TRUNG QUỐC

Sáng tạo đổi mới là lĩnh vực mà Trung Quốc không ngừng tăng trưởng. Hai nước lớn châu Á kia sẽ phải thực sự cần có một cú hích trong lĩnh vực này, để không phải rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” vào một ngày nào đó. Tiêu chí đầu tiên về sáng tạo đổi mới liên quan đến tỷ lệ các nguồn lực dành cho nghiên cứu và phát triển.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi nỗ lực nghiên cứu và phát triển trong bảy mươi năm qua, với một tốc độ tăng trưởng ổn định, vốn không bị đặt lại vấn đề trong thời kỳ chuyển tiếp từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông sang kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình, rồi đến kỷ nguyên Tập Cận Bình. Từ nay, R&D của Trung Quốc ở mức ngang với các nước thuộc OECD, thậm chí với tầm nhắm đạt được mức còn cao hơn mức của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tình hình của Ấn Độ lại hoàn toàn khác, với một nỗ lực nghiên cứu và phát triển khá quan trọng vào đầu thế kỷ này, nhưng đã bị đình trệ, thậm chí giảm sút dần từ hai mươi năm nay về mặt tỉ trọng. Tình hình của Indonesia thì đáng lo ngại. Nỗ lực nghiên cứu và phát triển của nước này là không đáng kể và chỉ giới hạn trong lĩnh vực quốc phòng cho đến năm 2015. Tình hình đã tiến bộ hơn một chút kể từ đó, nhưng vẫn còn rất thấp đối với một nước có trình độ phát triển như Indonesia, trong khi ở Đông Nam Á, những nước như Malaysia hay Thái Lan hiện dành hơn 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển.

Danh tiếng các trường đại học ở ba nước này phản ánh sự khác biệt trong nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Bảng xếp hạng năm 2022 của tạp chí Times Higher Education liệt kê 24 trường đại học Trung Quốc nằm trong top 500 thế giới, 4 trường của Ấn Độ, còn Indonesia thì không có trường nào (trường đại học Indonesia duy nhất được xếp hạng trong top 1000 trường hàng đầu thế giới là Đại học Indonesia).

Hàng năm, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố “Chỉ số Sáng tạo Đổi mới Toàn cầu”, trong đó thống kê một loạt những thành tố cấu thành năng lực sáng tạo đổi mới của một nước (các định chế, nhân lực về giáo dục và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, mức độ phức tạp của thị trường, sự sáng tạo và phổ biến tri thức, v.v.). Năm 2022, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ mười một trong bảng xếp hạng này (đứng ngay trên Pháp), Ấn Độ ở vị trí thứ bốn mươi, và Indonesia ở vị trí thứ bảy mươi lăm, đứng sau nhiều nước láng giềng thuộc khối Asean (như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines).

Bất luận tiêu chí phân tích được sử dụng là gì, những khác biệt giữa ba nước là rất rõ rệt với lợi thế thuộc về Trung Quốc, nước duy nhất ngày nay có khả năng phát triển một “nền kinh tế tri thức” thực sự.

MỞ CỬA QUỐC TẾ: TRUNG QUỐC TRỞ LẠI HÀNG NGŨ CŨ

Trung Quốc được biết đến là công xưởng của thế giới và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thế mà, tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ một thập kỷ qua, trong khi Ấn Độ và Indonesia đang duy trì được tỷ trọng xuất khẩu hoặc tăng dần. Đến mức tỷ trọng xuất khẩu của hai nước này ngày nay ngày càng quan trọng đã tăng nhiều hơn.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Chiến lược “lưu thông kép” được Tập Cận Bình chủ trương ở Trung Quốc đã ưu tiên cho sự phát triển thị trường trong nước, để hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, trong khi các nhà đầu tư phương Tây đang bắt đầu đa dạng hóa các cơ sở sản xuất ở châu Á gây bất lợi cho Trung Quốc. Vì thế, các xu hướng hiện tại có khả năng được xác thực trong trung hạn. Trung Quốc không còn là ngoại lệ khi nói đến xuất khẩu, và ngọn cờ đầu ở châu Á đang bị Việt Nam lấy lại một cách mạnh mẽ, nước có tỷ trọng xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP vào năm 2021.

Chín chỉ số nói trên còn lâu mới làm cạn kiệt lĩnh vực so sánh giữa ba nước khổng lồ của một châu Á đang phát triển – cần phải xem xét đến các nhân tố của nền kinh tế kỹ thuật số, nhưng chưa có chỉ báo tổng hợp nào cho phép ghi nhận điều đó. Tuy nhiên, các chỉ báo này là đủ để dựng lên một bức tranh nhiều sắc thái về những điểm mạnh và điểm yếu tương ứng. Trung Quốc vẫn là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm về sức mạnh công nghiệp, năng lực sáng tạo đổi mới và tiết kiệm, nhưng họ sẽ phải trả giá bằng một sự suy giảm nhanh về nhân khẩu học và một quá trình đô thị hóa đã trở nên ì ạch. Sự mở cửa quốc tế và năng suất của Trung Quốc đang suy yếu, tiến gần đến thời điểm không còn đảm bảo việc đuổi kịp về kinh tế. Hai nước khổng lồ châu Á kia, từ nay, đang có nhiều triển vọng hứa hẹn hơn, với điều kiện là sự phát triển kinh tế của họ phải trở nên bền vững hơn về mặt xã hội cũng như về mặt môi trường.

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm cho các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Ông đang giảng dạy từ tám năm nay tại Trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông là tác giả cuốn sách có tựa là “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, được Éditions de l’Aube xuất bản vào tháng 3 năm 2021, và ông đã viết bài cho số báo tháng 12 năm 2022 của tạp chí tam cá nguyệt “Revue économique et financière”, chuyên về các hậu quả kinh tế và tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Développement: la Chine ne fait plus la course en tête face à l’Inde et l’Indonésie, Asialyst, ngày 23/12/2022.

Print Friendly and PDF