Phía VN "chưa được tiếp xúc lãnh sự với Đoàn Thị Hương"

Ông Joseph Đoàn

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Ông Joseph Đoàn cho rằng Đoàn Thị Hương có thể là em gái của ông

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phía Malaysia chưa cho tiếp xúc lãnh sự với Đoàn Thị Hương, người bị nghi liên quan vụ sát hại Kim Jong-nam.

Tin mới nhất cho hay "ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc Malaysia bắt giữ một nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan".

Website Chính phủ Việt Nam dẫn lời đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói do phía Malaysia "cho biết do đây là vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ" nên "quá trình xác minh chưa có tiến triển".

Trước đó một người đàn ông ở Nam Định nói với hãng Reuters rằng ông tin em gái mình là nghi phạm Đoàn Thị Hương.

Người đàn ông họ Đoàn và có tên thánh là Joseph (Giuse) khẳng định rằng em mình tên Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại tỉnh Nam Định.

Những chi tiết này khớp với thông tin do cảnh sát Malaysia công bố.

"Chúng tôi nghe tin này trên Internet và xem hình ảnh nghi phạm thì thấy có vẻ như em gái tôi. Tôi không thể chắc 100% vì lâu rồi anh em không gặp nhau," ông nói.

Hình của cảnh sát Malaysia công bố ghi rõ số hộ chiếu C1031046 của nghi phạm và ngày đến từ Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình của cảnh sát Malaysia công bố ghi rõ số hộ chiếu C1031046 của nghi phạm và ngày đến từ Hà Nội

Người nông dân này cho biết em gái mình dường như là người phụ nữ mặc áo thun ghi chữ 'LOL' trong ảnh chụp lại từ camera an ninh của sân bay.

Ông cho biết "chính quyền Việt Nam đã liên lạc và trợ giúp", theo Reuters.

Ông cho biết em mình đi khỏi nhà năm 18 tuổi và thỉnh thoảng mới về và không cho ai biết khi nào sẽ về lại.

"Mỗi lần em gái về, tôi chỉ biết khuyên nó học hành và làm việc chăm chỉ," ông nói.

Hình của cảnh sát Malaysia công bố ghi rõ số hộ chiếu Việt Nam số C1031046 của nghi phạm 'Doan Thi Huong', ngày quá cảnh từ Hà Nội 04/02/2017 và ngày dự kiến rời Malaysia 23/02 để về Hà Nội.

Tất cả các báo nước ngoài hiện vẫn ghi họ tên người này theo dạng không dấu, Doan Thi Huong.

Trong khi đó báo Thanh Niên đưa tin cho hay theo hồ sơ tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nam Định, có một người là Đoàn Thị Hương có trùng một số thông tin, đặc biệt là trùng ngày sinh 31.5.1988, đã làm hộ chiếu phổ thông tại phòng này vào ngày 21.10.2015.

Báo VnExpress trong khi đó mô tả bố của Đoàn Thị Hương "đã được nhà chức trách mời cung cấp thông tin".

Người thương binh hạng 2/4 được dẫn lời nói con gái ông, Đoàn Thị Hương là út, sống khép kín, ít chia sẻ với người thân và "thoát ly" gia đình từ khi về Hà Nội học trung cấp dược và 2-3 tháng về thăm nhà một lần.

Bố của Đoàn Thị Hương cũng được dẫn lời nói suốt 10 năm qua mặc dù gia đình gặng hỏi nhưng Hương "lảng tránh, không trả lời địa chỉ tạm trú cũng như nơi làm việc."

Trong khi đó, Phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla đã lên tiếng bảo vệ nghi phạm Siti Aishah là công dân Indonesia.

Một số công dân Bắc Triều Tiên đã bị Malaysia ra lệnh truy nã

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Một số công dân Bắc Triều Tiên đã bị Malaysia ra lệnh truy nã: Hong Song Hac, 34 tuổi và Ri Ji Hyon, 33 tuổi

'Chưa có bằng chứng'

Trong một diễn biến khác, Malaysia triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang liên quan đến vụ sát hại Kim Jong-nam.

Phái viên Bình Nhưỡng tại Malaysia bị triệu tập vì phát ngôn trước đó của ông này.

Nam Hàn đưa ra cáo buộc chính quyền Bắc Hàn đứng sau cái chết của ông Kim Jong-nam, người bị sát hại khi đang đứng đợi ở sân bay Kuala Lumpur của Malaysia.

Phía Nam Hàn tin rằng Bắc Hàn có dính dáng đến vụ sát hại ông Kim Jong-nam.

"Chúng tôi tin là giới cầm quyền Bắc Hàn đứng sau vụ sát hại này, vì có đến năm nghi phạm là người Bắc Hàn," phát ngôn nhân của Bộ Thống nhất hai miền của Nam Hàn cho hay.

Mặc dù lời đồn cho rằng Bắc Hàn đứng sau vụ sát hại, hiện vẫn chưa có bằng chứng.

Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về vụ việc cho đến thời điểm này.

Những nghi phạm này được cho là đã rời khỏi Malaysia vào thứ Hai tuần trước, ngày 13/02, cũng là ngày người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur.

Kim Jong-nam

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Ông Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra thông cáo nào về cái chết của người anh cùng cha khác mẹ

Cảnh sát Malaysia cho biết đang tìm kiếm thêm bốn nghi phạm người Bắc Hàn, có liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong-nam.

Hiện tại, nhà chức trách đang tạm giữ bốn nghi phạm khác.

Cảnh sát tin rằng ông Kim đã bị phun thuốc độc vào mặt trong khi đang đứng đợi lên chuyến bay đi Macau.

Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Noor Rashid Ismail đã ra thông cáo về việc nhận diện những nghi phạm Bắc Hàn tại cuộc họp báo vào Chủ nhật 19/02.

Bốn nghi phạm được nhận diện là Ri Ji Hyon, 33 tuổi; Hong Song Hac, 34 tuổi; O Jong Gil, 55 tuổi và Ri Jae Nam, 57 tuổi. Những nghi phạm được cho là đến Malaysia vào những ngày khác nhau từ hai tuần trước.

"Bốn nghi phạm này mang theo hộ chiếu thông thường, chứ không phải hộ chiếu ngoại giao," ông nói.

"Tôi sẽ không tiết lộ hiện nay những nghi phạm này đang ở đâu." ông Noor Rashid nói thêm, và xác nhận cảnh sát Malaysia đang phối hợp với tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol).

Bốn nghi phạm đã bị bắt giữ gồm có một phụ nữ người Indonesia, một người đàn ông Malaysia, một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam và một người Bắc Hàn.

Kim Jong-nam
Chụp lại hình ảnh, Nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah

Người phụ nữ Indonesia, có tên gọi là Siti Aisyah, khai nhận với với cảnh sát Malaysia rằng mình được trả tiền để tham gia một trò đùa.

Ông Kim được cho là đã bị tấn công khi đang chờ tại sảnh khởi hành của sân bay vào hôm thứ Hai 13/02 bởi hai người phụ nữ, sử dụng một loại hóa chất nào đó.

Hình ảnh chụp lại từ camera an ninh khá mờ, cho thấy một phụ nữ mặc chiếc áo thun có in chữ 'LOL' khá lớn ở phía trước.

Kim Jong-nam được cho là bị gia đình xa lánh, sau khi quyền lãnh đạo Bắc Hàn được trao lại cho người em cùng cha khác mẹ.

Ông hầu như sống ở nước ngoài , tại các nước như Macau, Trung Quốc và Singapore.

Trong quá khứ, ông Kim Jong-nam từng có những phát biểu chỉ trích chế độ cha truyền con nối ở Bắc Hàn và một quyển sách phát hành năm 2012 trích dẫn lời ông Kim cho rằng em trai mình không đủ phẩm chất của một người lãnh đạo.

Tuy nhiên, ông Kim cũng nói mình không muốn trở thành lãnh đạo của Bắc Hàn.