Hai năm chìm trong COVID-19, giáo dục phổ thông tư thục tơi tả

Phụ huynh giàu cũng phải khóc vì học phí

09/06/2021 - 06:54

PNO - Trong hai năm “hung thần” COVID-19 càn quét mọi ngóc ngách kinh tế - đời sống thì ngành giáo dục cũng ngấm đòn sau mỗi đợt đóng cửa trường, học sinh dừng đến lớp. Nếu như ở trường công, việc phải lo chỉ là làm sao duy trì chất lượng giáo dục bằng hình thức lên lớp gián tiếp thì trường tư gần như tơi tả. Phụ huynh trường tư cũng vậy, cho con đi học, đâu ngờ sẽ có lúc nảy sinh tình huống tranh chấp học phí, mâu thuẫn với nhà trường…

Sau hai năm đánh vật với dịch COVID-19, kinh tế nhiều gia đình đã “thấm đòn” khiến câu chuyện học phí của con em trở thành bài toán khó giải cho phụ huynh, nhất là học sinh - sinh viên ở những ngôi trường tư thục có học phí khá cao.

Chuyển trường, vay tiền… đóng học phí

Chị N.T.T.H., phụ huynh Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), bộc bạch: “Vợ chồng tôi kinh doanh nhà hàng ở Q.1, TP.HCM, khách hàng chính là du khách. Hai năm nay, hầu như không có du khách vào Việt Nam do dịch, nhà hàng cũng nhiều lần đóng cửa để phòng dịch nên rất khó khăn. Hiện, chúng tôi chỉ còn giữ lại một quán để cầm cự. Tiền học của hai đứa con ngấp nghé 1 tỷ đồng/năm sẽ khó cầm cự nếu tình hình này tiếp diễn”. Chị dự định duy trì cho cậu con lớn học lớp 11 theo Cambridge quốc tế toàn phần lên lớp 12, nhưng vào đại học thì cần tính toán lại. Còn con gái nhỏ hơn vừa hết lớp Bốn thì sẽ chuyển về trường công hoặc trường tư thục chất lượng cao…

Một sinh viên Trường đại học RMIT Việt Nam bộc bạch trên trang Confessions của trường rằng: “Dịch làm nhà mình rơi vào cảnh nợ nần. Ba mẹ không còn khả năng chi trả học phí nữa, mà mình còn bốn học kỳ mới xong. Mình đang stress quá, không biết phải làm sao... Mình muốn vay một khoản tiền để cố gắng học nốt, tốt nghiệp sớm rồi đi làm sẽ trả lại”. Dưới bài viết này, nhiều sinh viên khác thừa nhận mình cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.

Phụ huynh phản đối học phí tại Trường dân lập Quốc tế Việt Úc
Phụ huynh phản đối học phí tại Trường dân lập Quốc tế Việt Úc đợt dịch bùng phát năm 2020

Là một trong những trường quốc tế được mệnh danh dành cho con nhà giàu, nhưng sau hai năm vật lộn cùng dịch bệnh thì nhiều sinh viên cũng “khóc” vì học phí. Thông tin từ nhà trường cho thấy, có khoảng 2% sinh viên của trường đang gặp khó khăn về tài chính. Các bạn thường xin gia hạn thời gian đóng học phí hoặc khó hơn là phải xin bảo lưu kết quả học tập. 

Khi nhận được thông báo chi tiết học phí và chi phí sinh hoạt của con tại Trường Quốc tế Á Châu cho năm học tới, nhiều phụ huynh bất ngờ với mức phí mới. Chị V.T.N. có ba con (lớp Hai, lớp Năm và lớp Bảy) học tại cơ sở TP.Thủ Đức, cho biết, năm học 2020-2021, mỗi tháng, chị đóng 53 triệu đồng học phí, tiền ăn uống, xe đưa đón cho cả ba đứa con. Nhưng năm tới, con số này sẽ hơn 60 triệu đồng/tháng. Tính riêng học phí, số tiền chị phải đóng cho bé lớp Hai và lớp Năm tăng 15%, bé lớp Bảy tăng 14%, so với chính mức học phí của các khối lớp này ở năm trước.

Theo chị N, từ năm ngoái đến nay, tình hình dịch bệnh khiến nhiều gia đình mất thu nhập, lao đao, sẽ càng khó khăn hơn nếu trường tăng học phí. 

Đôi bên cùng khó

Thu học phí mùa dịch thế nào cho hợp lý là câu chuyện tranh chấp không hồi kết giữa nhà trường và phụ huynh khi dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay. Đây là tình huống bất ngờ ngoài mong đợi mà cơn đại dịch mang đến khiến cả nhà trường lẫn phụ huynh đều bối rối khi ứng xử với câu chuyện tiền nong. Theo các nhà giáo dục, sở dĩ trường dân lập, trường quốc tế bị phụ huynh phản ứng dữ dội trong mùa dịch là vì học phí ở loại hình giáo dục này cao. Giữa mùa dịch, mỗi khoản chi chênh lệch dù nhỏ đều trở thành vấn đề lớn nên phụ huynh không thể xí xóa như với mức học phí trường công. 

Bước sang “năm COVID-19 thứ hai”, đã có hành lang pháp lý để bảo vệ người học và không gây thiệt hại cho người dạy, đó là hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Thế nhưng, thực tế, để có một lời giải đúng bản chất làm thỏa mãn cả hai phía gần như là không thể. Khúc mắc tính học phí theo nguyên tắc nào vẫn tồn tại.

Một nhà đầu tư trường THPT tư thục ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho hay: “Sau ba đợt dịch, tôi phải bán một căn nhà và miếng đất được gần 20 tỷ đồng để bù lỗ và duy trì hoạt động nhà trường, trả lương cho giáo viên, nhân viên. Nhưng tôi may mắn còn có cái để bán. Tôi biết hiện nay có vài chủ trường đã nhờ người quen đánh tiếng muốn chuyển nhượng trường lại sau hai năm dịch không thể cầm cự tiếp. Nhưng muốn “rút chân” cũng không dễ vì nhà đầu tư đều đã thấy tình thế khó khăn, mua về chỉ rước thêm lỗ”.  

Theo văn bản hướng dẫn về việc thu các khoản thu trong thời gian học sinh ngừng đến trường do ảnh hưởng từ COVID-19, lưu ý về thời gian thu học phí và các khoản thu khác phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung quy định kế hoạch thời gian năm học. Trong thời gian học sinh ngừng đến trường, nếu các trường không triển khai học trực tuyến thì không thu học phí, chỉ thu học phí khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù. Các khoản thu thỏa thuận và thu - chi hộ phải thu theo thời gian thực học và chi phí thực tế phát sinh. 

Hiểu theo hướng dẫn của sở, các trường được quyền thu 100% học phí khi có tổ chức dạy bù hoặc dạy online. Và khi các trường thông báo thu học phí theo cách này, dĩ nhiên nhiều phụ huynh cho rằng việc thu đủ học phí là chưa hợp lý vì chất lượng dạy online không thể bằng dạy trực tiếp. Rõ ràng, trong trường hợp này, phụ huynh nói cũng không sai nên mâu thuẫn cứ kéo dài.

Mệt mỏi khi phải theo đuổi vụ kiện tranh chấp học phí với trường cũ của con, chị L.A. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Cuối tháng 5/2021, Tòa án nhân dân Q.10, TP.HCM đã hòa giải lần một cho tôi và phía VAS trong vụ kiện học phí dạy trực tuyến năm 2020. Trong buổi làm việc, tôi đã bỏ bớt yêu cầu, chỉ yêu cầu VAS tính học phí học trực tuyến 30% trên tổng số tiền hơn 8 triệu đồng mà trường đưa ra. Bởi, con mới học lớp Một và ở nhà không có người hỗ trợ học online nên đã báo với học vụ nhà trường ngay từ đầu là không tham gia học trực tuyến. Tôi đồng ý trả 30% vì muốn hỗ trợ nhà trường. Thế nhưng, đại diện VAS không đồng ý, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên hòa giải bất thành”.

Sau đó, chị tiếp tục bổ sung vào đơn kiện các nội dung: yêu cầu trường hoàn trả 5 triệu đồng phí nhập học, bồi thường 100 triệu đồng tổn thất vì trường đã tự ý cho con chị thôi học mà không có lý do. Đến giờ, dù đã chuyển trường được một năm nhưng con chị vẫn chưa quen vì nhớ bạn, nhớ cô… 

Liên quan vụ việc khoảng 60 phụ huynh kiện VAS, Tòa án nhân dân Q.10 đã có quyết định tách vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ của 60 phụ huynh thành 60 vụ kiện khác nhau. Đến nay, còn gần 20 phụ huynh tiếp tục theo vụ kiện này. 

Không chỉ phụ huynh gặp khó, trong đại dịch, các nhà đầu tư giáo dục cũng “bầm dập”, nhất là các trường có yếu tố nước ngoài.

“Chúng tôi thu học phí bằng tiền Việt nhưng trả lương cho giáo viên nước ngoài, phí nhượng quyền chương trình, giáo trình (nếu có) bằng ngoại tệ. Trong thời điểm Chính phủ đóng cửa các chuyến bay từ các nước có dịch đến Việt Nam là thời điểm khó khăn nhất để duy trì giảng dạy vì thiếu giáo viên. Có đơn vị phải thuê máy bay, xin chỉ tiêu nhập cảnh, cung cấp kinh phí để giáo viên tiêm vắc-xin trước khi sang… để có đủ giáo viên nước ngoài. Hiện tại, các trường vẫn thiếu giáo viên nước ngoài và trải thảm, “giành” người của nhau”, một chủ đầu tư hệ thống giáo dục quốc tế cho biết. 

Giữa đại dịch, không ai có thể thoát khỏi bị ảnh hưởng, phụ huynh gặp khó khăn để duy trì kế hoạch học tập cho con, nhà đầu tư càng khốn đốn khi phải chịu trách nhiệm với hàng ngàn người học và số lượng lớn người lao động. Đứng trước khó khăn, thay vì đẩy mâu thuẫn lên cao, nhà trường và phụ huynh nên chọn cách thông cảm, hỗ trợ, bởi cả hai có chung mục tiêu là sự phát triển của những đứa trẻ.

Tiến sĩ Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Hà, chia sẻ: “Dù là mùa dịch hay nghỉ hè thì các khoản chi vẫn không thay đổi vì: Thứ nhất, trường học thuê nhiều cơ sở vật chất dài hạn, giá thuê cứ thế đều đặn tăng, có nơi mức tăng đến 10% mỗi năm. Học sinh không đến trường thì nhà trường vẫn phải trả tiền thuê. Thứ hai, giáo viên, nhân viên đều có hợp đồng lao động nên dù học sinh không đến trường thì vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm. Đây là hai khoản lớn nhất để duy trì nhà trường. Trường tôi chi gần 2,5 tỷ đồng cho hai khoản này mỗi tháng. Mùa dịch, có một đơn vị giảm 25% tiền thuê cơ sở nhưng cũng không giúp giảm lỗ bao nhiêu, bởi chúng tôi chỉ thu học phí dạy online khối trung học bằng 70% học phí bình thường.

Khi dạy online, trường trừ phí quản lý cho phụ huynh. Trong khi đó, giáo viên chủ nhiệm, tổ chuyên môn, ban giám hiệu vẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý như tổ chức lớp bình thường…”.

Gia Tuệ
(còn tiếp) 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI