Đọc sách

Qua bạn bè để thấy chính mình

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:40 - Chia sẻ
Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) là một trong những nhà văn thành công nhất của văn chương Việt Nam đương đại. Sau khoảng ba chục năm ngừng viết, năm 2000 ông trở lại với tiểu thuyết dày dặn và hay nhất của mình là Hồ Quý Ly. Hội Nhà văn Hà Nội của chúng tôi khi ấy, mặc dù có không ít lực cản, đã kịp thời ghi nhận bằng cách trao giải thưởng văn chương cho tiểu thuyết này. Được khích lệ, ông viết hai tiểu thuyết nữa, mỗi cuốn đều xấp xỉ 1.000 trang và cũng được người đọc đánh giá cao: Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa.

Dịp tưởng niệm 100 ngày mất của Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ Nữ vừa cho ra mắt tập hồi ký Tiếng người trong văn. Anh kể chuyện đời văn của mình, bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết năm mười sáu tuổi “ngây ngô và đáng yêu”, được đồng cảm của ông anh họ. Ông anh họ có cuộc đời khá lận đận và cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh cũng vậy. Sách của anh thường có số phận không bằng phẳng. Anh trân trọng kể về nhà văn Tô Hoài là đàn anh, người thầy, đồng thời là ân nhân, từng cứu cho Nguyễn Xuân Khánh khỏi sa vào vòng kiện tụng pháp lý khi xuất bản tiểu thuyết Miền hoang tưởng (xuất bản năm 1990, đến năm 2015 tái bản với cái tên ban đầu: Hoang tưởng trắng).

Tôi nhớ thập kỷ 1990, bạn bè tấm tắc truyền nhau tập bản thảo tiểu thuyết không xuất bản của anh Khánh có cái tên rất gợi Trư cuồng (chứng cuồng nuôi lợn). Thời bao cấp, ở khối phố Thanh Nhàn của anh 100% hộ gia đình nuôi lợn vì thiếu thực phẩm và quá nghèo. Anh nhìn thấy trong thực tế đó những vấn đề triết luận về đời sống nhân loại. Bản thảo có một số phận thật lận đận. Khi tình hình căng thẳng, anh Khánh đem bản thảo nhờ một người bạn giữ hộ, sợ để trong nhà sẽ bị mất. Người bạn này lại nhờ một người khác giữ. Những người bạn ấy của anh Khánh đều long đong. Mấy năm sau, bắt đầu đổi mới, họ tìm đến nhà người bạn xin lại thì người bạn ấy vừa mất vì ung thư. Tưởng rằng thế là mất tập bản thảo duy nhất, nhưng câu chuyện kỳ lạ chưa hết, cuối cùng bản thảo quý giá vẫn trở về tay chủ, rồi ba mươi năm sau mới được xuất bản với cái tên Chuyện ngõ nghèo (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn 2016, tái bản 2021).

Tập hồi ký Tiếng người trong văn kể nhiều về những người bạn tài hoa của anh Khánh. Nguyễn Dậu có tài bịa (hư cấu) nhưng trong đời nhiều khi nhầm lẫn thật và bịa nên cũng gây phiền và mệt cho người xung quanh. Lê Bầu xuất thân từ tầng lớp lao động dưới đáy, nhưng giỏi tiếng Tàu, dịch rất nhiều sách của Trung Quốc (trong đó có Thị trấn Phù Dung, Hoài niệm sói, Tể tướng Lưu Gù). Bùi Ngọc Tấn chất phác và dí dỏm. Nguyên Bình có khuynh hướng thần bí. Đoàn Lê tài hoa và truân chuyên, vừa làm điện ảnh vừa vẽ và viết văn. Dương Tường ham chơi nhưng cũng ham viết, có thể đàn đúm bạn bè suốt ngày nhưng ngồi viết suốt đêm, dịch hơn sáu mươi cuốn sách đồ sộ như Cuốn theo chiều gió, Con đường xứ Flandres, Alexis Zorba con người hoan lạc, Cái trống thiếc. Châu Diên tinh tường và luôn hài hước - anh Khánh kể khi anh bạn Phạm Toàn (nhà giáo dục) lấy bút danh Châu Diên, mới nghe tưởng là viên ngọc quý gì đó, hóa ra biến âm từ tiếng phổ thông Trung Quốc là Tru Yên (Trừu Yên), tức là khói thuốc lá.

Với thần tượng thơ Trần Dần, anh Khánh cũng có nhiều kỷ niệm. Rất thú vị là chuyện thời thiếu thốn, người ta nuôi lợn nuôi gà thì Trần Dần nuôi ong. Tự đóng lấy hai thùng ong đặt trong căn phòng hai chục mét vuông. Giở hết cả sách hướng dẫn nuôi ong Đông Tây ra xem, chăm chút cho ong lắm. Nhưng bốn tháng sau, anh Khánh đi công tác về thì thấy Trần Dần dẹp hết ong đi rồi. Ông kể có lần ngồi quán nước gần nhà máy rượu, được người ta kể tỉ mỉ chuyện ong nuôi ở thành phố toàn bay vào nhà máy rượu, hút xỉ đường xỉ mật no nê. Rồi Trần Dần kết luận: “Mình tưởng nuôi ong, hóa ra lại nuôi một lũ kẻ cắp có cánh. Mình ngu thật. Hà Nội làm gì có lắm vườn hoa để ta nuôi ong. Hóa ra mình bị lừa” (trang 122).

Viết hồi ký, giọng của Nguyễn Xuân Khánh vẫn điềm đạm, hàm chứa sức nặng tri thức như tiểu thuyết của anh, qua bạn bè để nhìn thấy chính mình. Và tất nhiên vẫn tài hoa và tạo dựng không khí rất gợi. Xin để người đọc tự thưởng thức, chỉ dẫn ra một chi tiết này: Đêm 26.12.1972 máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên thì tối hôm sau Nguyễn Xuân Khánh cùng bạn bè đến nhà Dương Tường. Họ thi nhau gọi bạn mở cửa. “Chúng tôi chờ đợi cái đầu bù xù của Tường lộ ra. Nhưng không phải! Đó là một con mèo mướp. Nó kêu meo meo, rồi từ đó nhảy xuống mái bếp. Meo meo meo. Không phải một mà là ba con. Chúng từ mái bếp nhảy xuống đất quẩn quanh chân chúng tôi. Chúng kêu ồn ĩ. Hóa ra là một lũ mèo hoang đói khát. Chúng nghe tiếng người, chạy đến xin ăn. Tiếng van xin của chúng gọi tất cả lũ mèo đói khát của ngõ phố tập trung lại. Chúng chạy đi chạy lại, đuôi cong lên. Đủ cả mèo tam thể, nhị thể, mèo trắng, mèo đen, mèo mướp. Hơn một chục con làm rộn ràng cái sân bé tí xíu” (trang 142).

Chỉ một chi tiết, đủ gây ám ảnh về cái không khí phố phường Hà Nội hoang vắng và bơ vơ sau trận hủy diệt thời chiến tranh.

--------------

* Tiếng người trong văn, hồi ký của Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ nữ Việt Nam 2021.

Hồ Anh Thái