Quốc tế lên án vụ Đồng Tâm, gây sức ép lên EU trước đối thoại nhân quyền VN

Một số bạn trẻ ở Đài Loan phản đối vụ đàn áp ở Đồng Tâm tháng 1/2020

Nguồn hình ảnh, OTHER

Chụp lại hình ảnh,

Một số bạn trẻ ở Đài Loan phản đối vụ đàn áp ở Đồng Tâm tháng 1/2020

Các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi EU yêu cầu chính phủ VN chấm dứt đàn áp xã hội dân sự trước đối thoại dự kiến diễn ra giữa EU và VN ngày 19/2.

Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cùng tổ chức thành viên là Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) khẳng định trong thông cáo phát đi hôm 17/2 rằng EU cần tận dụng cơ hội cuộc thảo luận nhân quyền với chính phủ Việt Nam để yêu cầu chấm dứt đàn áp xã hội dân sự, trả tự do ngay lập tức những người bất đồng chính kiến hiện đang bị giam cầm.

Lên án vụ Đồng Tâm

Lưu lại audio,

Đồng Tâm: 'Đại diện sứ quán Mỹ đã trao đồi gì với tôi?'

Đề cập đến sự kiện Đồng Tâm, thông cáo của FIDH viết:

"Nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được thực hiện trong bối cảnh tranh chấp đất đai." Và rằng "chính quyền Việt Nam đã liên tục áp dụng cách tiếp cận độc ác và bạo lực để giải quyết các tranh chấp này", với "ví dụ mới nhất của xu hướng này là sự cố Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ít nhất một thường dân vào tháng trước."

Trong một diễn biến liên quan, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong thông cáo phát đi hôm 18/2, cũng thúc giục EU kêu gọi chính phủ Việt Nam "khởi động một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về vụ đụng độ Đông Tâm ngày 9/1 và buộc những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm".

HRW đề nghị EU kêu gọi chính phủ Việt Nam "cho phép các nhà báo, nhà ngoại giao, cán bộ Liên Hiệp Quốc và các nhà quan sát được tiếp cận Đồng Tâm mà không bị cản trở, để đánh giá những gì đã xảy ra và theo dõi cuộc điều tra của chính phủ."

Trước đó nữa, ngày 14/2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong email trả lời BBC News Tiếng Việt, cho biết:

"Chúng tôi theo dõi sát sao tất cả các diễn biến của sự việc này và hiện đang thu thập thông tin từ nhiều nguồn để hiểu rõ hơn về các biến cố ở Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về tổn thất sinh mạng ở cả hai phía trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên tìm cách giải quyết tranh chấp một cách cởi mở, ôn hòa và minh bạch."

Chụp lại video,

Bốn người trong gia đình ông Kình hiện 'vẫn chưa có tin tức gì', bà Dư Thị Thành nói

'Sáu lĩnh vực VN vi phạm nhân quyền'

Về mặt tổng quan, FIDH nêu ra các quan ngại chính về nhân quyền ở Việt Nam trong sáu lĩnh vực, gồm: Leo thang đàn áp người bất đồng chính kiến; các luật về "an ninh quốc gia" mang tính đàn áp; quyền cho người lao động; tranh chấp đất đai; điều kiện vô nhân tính trong nhà tù và chết trong tù, án tử hình.

Kể từ cuộc đối thoại năm ngoái tổ chức vào ngày 4/3, chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp, quấy rối, tấn công và giam giữ những người bảo vệ nhân quyền, những người bảo vệ quyền lao động, những người bảo vệ đất đai và môi trường, các blogger, nhà báo, nhà phê bình chính phủ và những người theo tôn giáo, thông cáo viết.

Và nêu rõ: Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm ba phụ nữ) và kết án 42 người (bao gồm năm phụ nữ) với án tù lên tới 12 năm.

Chính phủ Việt Nam giải thích các cuộc đáp áp này là do những người liên quan đã vi phạm Bộ Luật hình sự 2015 vốn hình sự hóa các hoạt động bị coi là "đe dọa an ninh quốc gia". Các điều khoản mơ hồ này, sáu trong số đó kèm theo mức án cao nhất là tử hình - không phân biệt giữa các tội phạm bạo lực và các tội do thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa.

Tù nhân chính trị cần được trả tự do 'lập tức'

Bất đồng chính kiến

Nguồn hình ảnh, AFP

Mặc dù tham gia Công ước chống tra tấn và Các Hình phạt hay Đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp khác, Việt Nam đã thất bại trong cải thiện các điều kiện giam giữ. Các báo cáo về tra tấn, ngược đãi và tử vong trong đồn cảnh sát vẫn tiếp tục ghi nhận các vụ việc này năm 2019. Một số tù nhân đã chết năm ngoái là kết quả của các điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí có thể họ đã bị tra tấn hoặc ngược đãi, thông cáo của FIDH nhận định.

Vẫn theo FIDH, Việt Nam cũng tiếp tục áp dụng án tử hình đối với một loạt các tội không đáp ứng các tiêu chí về "tội ác nghiêm trọng nhất", trong khi thống kê về án tử hình tiếp tục được xếp vào dạng bí mật nhà nước.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) liệt kê trong thông cáo tên những nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam giữ trái phép như kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (bị tuyên 6 năm tù), thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh (11 năm tù), nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (hiện chưa được xét xử)...

HRW chỉ đích danh một số trường hợp mà EU cần kêu gọi chính phủ Việt Nam "trả tự do ngay lập tức", bao gồm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồ Đức Hòa, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức... Ba người nêu tên sau hiện đang có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, HRW nhấn mạnh.

HRW cũng thúc giục EU buộc Việt Nam phải thừa nhận công đoàn độc lập và đảm bảo rằng họ hoạt động mà không bị chính phủ can thiệp. Ngoài ra, EU cần hối thúc VN đảm bảo rằng các nhà hoạt động xã hội dân sự và học giả độc lập có thể là một phần của Nhóm tư vấn trong nước (DAGs) được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU thừa nhận, đồng thời đảm bảo rằng họ có thể thực hiện vai trò của mình một cách tự do và không sợ bị bắt giữ hoặc đe dọa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì?

Chụp lại video,

Bà Lê Thị Thu Hằng

Ngày 14/3/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản hồi lại báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao của Hoa Kỳ ra một ngày trước đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói:

"Tuy đã ghi nhận những thành tựu về bảo vệ quyền con người của Việt Nam, báo cáo này vẫn còn một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra tại Việt Nam.

"Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm thực thi trên thực tế."

Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn gọi Việt Nam là "nhà nước độc đoán", và rằng bầu cử quốc hội gần nhất năm 2016 "không tự do, chẳng công bằng, mặc dù có cạnh tranh hạn chế từ các ứng viên do Đảng Cộng sản duyệt".