Có một cô đào hát đang sở hữu một quyển lưu bút có thể xem là "độc nhất vô nhị".

Bởi quyển vở bạc màu thời gian đó lưu giữ rất nhiều hình ảnh, bút tích của các tài danh cải lương như Thanh Nga, Minh Vương, Mỹ Châu, Điền Thanh, Mộng Tuyền, Bích Sơn, Hùng Minh...

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 1.

Xuân Lan và Minh Vương

Trong vở cải lương kinh điển Bên cầu dệt lụa, khán giả yêu mến nàng Quỳnh Nga của cố nghệ sĩ Thanh Nga bao nhiêu thì có lẽ sẽ... ghét nàng công chúa Bích Vân kiêu kỳ bấy nhiêu.

"Nàng công chúa" đó chính là nghệ sĩ Xuân Lan. Thế nhưng ngoài đời Xuân Lan thuở trẻ là cô nàng dễ thương, lãng mạn, ưa viết lách nên rất được anh chị em nghệ sĩ yêu mến. Và bà Xuân Lan cũng chính là chủ nhân quyển lưu bút có một không hai nói trên.

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 2.
Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Xuân Lan vai Bích Vân công chúa trong vở cải lương kinh điển Bên cầu dệt lụa - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Xuân Lan là bạn đồng môn với NSND Minh Vương.

Cùng ở quận 8 (TP.HCM), lại cùng có giọng ca hay nên cả Minh Vương và Xuân Lan đều được thầy Bảy Trạch thương và dạy ca miễn phí.

Sau này cả hai đều tạo được ấn tượng khi tham gia cuộc thi ca cổ mà năm đó Minh Vương đã đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ (năm ông 14, 15 tuổi).

Nhà nghèo nên từ cuộc thi này Xuân Lan được để ý và nhanh chóng được ký hợp đồng, theo đoàn hát Kiên Giang để có tiền lo cho gia đình.

Khoảng 13 tuổi Xuân Lan đã một mình đi hát mà không có người thân bên cạnh.

Sau đó bà đi đoàn Sóng Hề Sa. Lớn lớn chút bà hát cho đoàn Quốc Hương - Kim Chưởng, từ đào nhì dần bước lên đào chánh. Sau đó bà về hát cho đoàn Việt Nam - Minh Vương (do vợ chồng nghệ sĩ Minh Vương làm bầu), thế nhiều vai chánh của nghệ sĩ Thanh Nga. Sau 1975, bà đi cùng đoàn của nghệ sĩ Phương Bình.

Khoảng năm 1976 bà về hát cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và được khán giả chú ý với nhiều vai diễn như Lê Chân, Thánh Thiên, Trưng Nhị (vở Tiếng trống Mê Linh), Hiệu úy Kỳ Hoa (Thái hậu Dương Vân Nga), Công chúa Bích Vân (Bên cầu dệt lụa)...

Trong cuộc đời đi hát, Xuân Lan đã từng nếm trải cảnh ăn chợ ngủ đình, rày đây mai đó. Nhiều lần tá túc nhà khán giả khi đi hát ở tỉnh xa. Những lần đó, khi rời đi luôn tạo cho bà cảm giác nao nao. Một lần được bạn tặng quyển vở, vậy là bà nảy ra ý định làm một quyển lưu bút.

Và người mở đầu trang viết lại chính là một khán giả ở tỉnh mà bà ở nhờ khi đi hát. Vị khán giả đó cũng là người trang trí quyển lưu bút cho Xuân Lan. Ngày khởi đầu quyển lưu bút đặc biệt là vào năm 1974, khi Xuân Lan 24 tuổi.

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 4.

Đọc những dòng chữ ngày ấy mới thấy "công phu" của nghệ sĩ Xuân Lan để có quyển lưu bút giá trị hôm nay một phần là nhờ sự... nhõng nhẽo và kỳ nèo.

Chính NSƯT Hùng Minh, kép độc nổi tiếng, đã "tố" bà trong lưu bút rằng: "Anh biết viết gì cho em đây, ở vào lứa tuổi của anh mà bảo viết nhật ký hay lưu bút là cả một vấn đề rất khổ sở cô bé có biết không? Thế mà cô cứ nhõng nhẽo kỳ nèo cho bằng được".

Đọc những dòng ông anh lớn "tố" cô em nhỏ sao mà dễ thương, đáng yêu đến thế. Và có lẽ cô em ấy cũng đủ sự chân thành, tình cảm nên quyển lưu bút đã kịp lưu lại những hình ảnh, những cảm xúc thanh xuân của rất nhiều tài danh cải lương.

Nghệ sĩ Thanh Nga viết nhẹ nhàng: "Chị gởi Xuân Lan chút kỷ niệm để giữ mãi mối cảm tình êm đẹp khi chúng ta cùng sống chung trong đoàn Việt Nam".

Minh Vương tặng bức ảnh "soái ca" đẹp nổi tiếng trên mạng hiện nay và ghi cho người bạn: "Đoàn hát chúng ta đã được khán giả bốn phương tán thưởng nhiệt liệt, nhiều kỷ niệm nhớ mãi trên sân khấu Việt Nam chúng ta không quên".

Và từng trang lưu bút mở ra là từng nét chữ, hình ảnh xưa hết sức giá trị của rất nhiều nghệ sĩ. Đó là Bích Sơn, Mộng Tuyền, Điền Thanh, Phương Bình, Đức Lợi, Chí Hiếu, Kim Phương...

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 5.

Trong quyển lưu bút ấy, không chỉ nhẹ nhàng là những lời chúc thân thương. Mà có không ít những giãi bày, tâm sự, quan điểm về nghề hát, về cuộc đời.

Nghệ sĩ Mỹ Châu và Xuân Lan cùng tuổi, nên bà đã chia sẻ với người bạn cùng "kiếp con tằm": "Hằng đêm chúng mình cùng diễn chung trên sân khấu. Chúng ta từng đóng kịch và đã đóng kịch quá nhiều phải không Lan? Chúng ta không bao giờ quên những câu chuyện giá trị mà mình và Lan đã tâm sự với nhau.

Mình không mong gì hơn là khi Lan nghĩ đến mình khi mình nhớ về Lan phải thật, rất thật. Và đừng bao giờ chúng ta đóng kịch với nhau khi trở về với thực tại. Có như thế thì tình thân của chúng ta cho nhau mới bền vững, phải không Lan?".

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 6.

Nghệ sĩ Xuân Lan vai Hiệu úy Kỳ Hoa trong vở Thái hậu Dương Vân Nga - Ảnh: NVCC

Đó là những dòng của nghệ sĩ kỳ cựu Bích Sơn nhắn nhủ em gái Xuân Lan về vinh nhục của nghề hát, về sự đố kỵ, ghen ghét. Từ kinh nghiệm của người đi trước, bà muốn chia sẻ cho Xuân Lan để có thể vững vàng vượt qua.

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 7.

Là tâm sự của nghệ sĩ Thanh Nguyệt: "Biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao cuộc đổi thay. Và ta là những người buồn nhiều Lan nhỉ?

Nỗi buồn đó chỉ có chúng ta hiểu nhau thôi. Mà buồn làm gì hả Lan, khi chúng ta là nghệ sĩ. Tủi nhục nhiều, còn danh vọng là phù du...

Hành trang của chúng ta là những nỗi buồn dài thênh thang. Chỉ mong Lan có nhiều nghị lực sau những khi vấp ngã và đừng thèm buồn những khi gặp chuyện đáng buồn...".

Không chỉ "nhõng nhẽo" với các anh chị nghệ sĩ, quyển lưu bút của Xuân Lan còn gây ấn tượng khi bà có thể "ép" được soạn giả - nhà thơ Kiên Giang viết lưu bút cho bà.

Mở đầu bài lưu bút ông đã viết: "Chú đã ngừng viết lưu bút có lẽ từ lúc cháu chưa ra đời. Trang lưu bút sau cùng trong đời học sinh chú viết tại một trường ở Cần Thơ trước khi trở về quê để bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp".

Khởi đầu như thế nhưng soạn giả Kiên Giang là người viết dài nhất trong quyển lưu bút, đến những 5, 6 trang!

Ông nhấn mạnh những người viết trong lưu bút đa số đồng trang lứa và là nghệ sĩ biểu diễn với Xuân Lan. Còn ông là người duy nhất, chênh lệch tuổi và không làm công việc trình diễn. Và những trang viết của ông không chỉ là những lời nhẹ nhàng, thân thương bình thường của người chú gửi cô cháu gái.

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 8.

Quyển lưu bút đã ngừng trang cuối vào năm 1990. Nghệ sĩ Xuân Lan cũng rời nghiệp diễn khoảng năm 1995. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng bà luôn nâng niu quyển lưu bút như báu vật.

Bà đọc tới nỗi thuộc từng lời từng chữ trong quyển vở kỷ niệm. Quyển lưu bút chỉ được cập nhật khi nghệ sĩ nào từng lưu những dòng chữ thân thương trong đó qua đời.

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 9.

Hình ảnh Lê Vũ Cầu tặng Xuân Lan trong lưu bút, ông từng theo một số đoàn cải lương với vài vai nho nhỏ trước khi là ngôi sao kịch nói

Những lần cập nhật đó đều khiến bà đau đớn và cảm thấy mất mát. Dù đã thuộc làu nhưng bà vẫn thường xuyên đọc lại, nhìn ngắm lại. Những khoảnh khắc dội lên trong bà ký ức tươi đẹp.

Những âm thanh trong trẻo, những nụ cười, câu chuyện, ánh đèn sân khấu lung linh của một thời thanh xuân. Lạc trong những dòng chữ khiến bà có lúc nghe như đâu đó tiếng kêu vui vẻ của "Hoàng tử sân khấu" Minh Phụng: "Cô em gái hậu phương ơi".

Và ký ức lại trôi về thời gian đầu sau 1975 bà về đoàn tỉnh hát cùng Minh Phụng, Minh Sang, Đức Minh, Ngọc Bích...

Quyển lưu bút của một cô đào hát - Ảnh 10.

Bà là cô em gái nhỏ tối hát ban ngày đi chợ nấu cơm giùm cho Minh Phụng vì lúc đó ông đang ăn chay. Là người chị lớn Thanh Nga, một ngôi sao của làng cải lương nhưng hiền lành, thân thiện.

Bà nhớ ngày đầu tiên gặp gỡ Thanh Nga là khi cố nghệ sĩ khi đó hát cho đoàn Việt Nam của nghệ sĩ Minh Vương ở miền Trung, vì bận việc về Sài Gòn nên Xuân Lan được gọi thế vai.

Một cô đào chưa tên tuổi mà gặp Thanh Nga ắt phải e dè. Bà hồi hộp đến bên Thanh Nga và nói: "Dạ lần đầu em hát chung nhờ chị giúp đỡ". Thanh Nga quay sang cười hiền và nói: "Không sao đâu em".

Họ chỉ gặp nhau ngắn ngủi, chừng vài tiếng vì sau đêm hát đó Thanh Nga đã rời đoàn nhưng nụ cười, lời nói gần gũi đó là ký ức không thể quên trong lòng cô đào trẻ.

Những kỷ niệm đẹp về Thanh Nga vẫn còn nối dài. Trong một lần đi hát chung, đoàn bị ném lựu đạn cay, ai cũng chạy tứ tán.

Riêng Thanh Nga lúc đó đã quay lại kêu chồng ẵm giùm chú nhạc công bị khuyết tật nên không chạy được. Sau này về hát Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Xuân Lan ngày càng ngưỡng mộ và học hỏi nhiều ở người chị lối diễn xuất đằm thắm, tinh tế.

"Chị Nga thường xuyên pha hộp phấn tặng anh em trong đoàn. Chị hay để ý muốn mọi người ra sân khấu đều phải chỉn chu, đẹp như nhau chứ không chỉ riêng mình chị nổi bật.

Ở trong đoàn chị hay hỏi thăm, hỏi mấy đứa nhỏ coi hát được không, có vấn đề gì không. Ngay cả người soát vé, chị cũng quan tâm coi nhà người ta còn đủ gạo để ăn không", Xuân Lan xúc động kể về người nghệ sĩ mà bà kính trọng.

Chính vì yêu thương như vậy nên ngày nghệ sĩ Thanh Nga và chồng đột ngột qua đời, bà đã khóc mấy ngày không nguôi.

Xuân Lan tâm sự đời đi hát có nhiều thăng trầm, có những góc khuất cay đắng nhưng với bà được gặp những nghệ sĩ vừa giỏi nghề, vừa có cái tâm thiện lành như nghệ sĩ Thanh Nga là may mắn lớn.

Nó giúp những cô đào trẻ thời ấy cảm thấy không bị lạc lõng, được yêu thương, có thêm động lực để tiếp nối con đường nghệ thuật mà mình đam mê.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

LINH ĐOAN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0