16.5.21

Sách: “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]” của tác giả Hubert Testard, hay tiến trình tăng tốc sự mất cân bằng với châu Á

SÁCH: “PANDÉMIE, LE BASCULEMENT DU MONDE [ĐẠI DỊCH, SỰ CHUYỂN HƯỚNG CỦA THẾ GIỚI]” CỦA TÁC GIẢ HUBERT TESTARD, HAY TIẾN TRÌNH TĂNG TỐC SỰ MẤT CÂN BẰNG VỚI CHÂU Á

Joris Zylberman

Một năm trước, ngày 8 tháng 4 năm 2020, chuyến tàu lửa đầu tiên rời Vũ Hán vào ngày gỡ bỏ phong tỏa. (Nguồn: DW)

Thế giới sau khi tiêm chủng sẽ quay trở lại thời kỳ trước đại dịch? Không hẳn thế, nếu chấp nhận sự chứng minh được lập luận một cách chặt chẽ của tác giả Hubert Testard trong cuốn Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới], nhà xuất bản Editions de l'Aube, ngày 18 tháng 3 vừa qua. Cuộc khủng hoảng y tế đã gây ra hàng loạt cú sốc ở nhiều cấp độ, kỹ thuật số, thương mại, tài chính, xã hội hoặc khí hậu. Chúng ta sẽ phải sống chung với điều đó trong ít nhất một thập kỷ. Các xu hướng tồn tại trước đó đang tăng tốc, nhưng không chỉ có thế. Toàn cầu hóa đang trong quá trình chuyển đổi. Sự đảo lộn của thế giới khiến cho toàn cầu hóa nghiêng về phía châu Á nhiều hơn, nơi công tác phòng chống đại dịch hiệu quả hơn. Nhưng chúng ta đang nói đến vùng nào của châu Á? Đó chính là vấn đề, trong số nhiều vấn đề khác, làm nên sắc thái của cuốn sách. Cuốn sách, một cách thực dụng, kêu gọi không nên rơi vào cuộc đối đầu có hệ thống giữa phương Tây và Trung Quốc. Vì lợi ích của khí hậu và sự đoàn kết thế giới về vấn đề y tế. Cuộc phỏng vấn.

CUỘC PHỎNG VẤN

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính cho ASEAN, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Từ 4 năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp Đại học Ena và Sciences Po.

Cựu cố vấn tài chính ở Đông Á, Hubert Testard là giảng viên ở Học viện chính trị [Sciences Po]. (Nguồn: DR)

Định nghĩa như thế nào “sự chuyển hướng” do đại dịch gây ra này, đặc biệt ở Châu Á?

Hubert Testard: Đây là một tập hợp những cú sốc có quy mô lớn, mà các hiệu ứng tích lũy của chúng dẫn đến sự chuyển hướng sang một hình thái toàn cầu hóa mới. Trước hết, đó là một cú sốc bất đối xứng trong giao dịch thương mại thế giới, gây thiệt hại đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vốn trước đây là phần hoạt động năng động nhất trong giao dịch thương mại. Thế nhưng, chúng đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với những hiệu ứng dài hạn trong một số lĩnh vực, như ngành du lịch, tấn công Thái Lan và các đảo Thái Bình Dương ở châu Á một cách nghiệt ngã, hoặc dịch vụ chuyển kiều hối của người lao động nhập cư, đang đè nặng lên các nước như Philippines hoặc Nepal. Rồi chúng ta còn thấy sự chuyển hướng từ thế giới thực sang thế giới kỹ thuật số, liên quan đến nhiều lĩnh vực: ví dụ, thương mại điện tử hoặc làm việc trực tuyến từ xa, vốn trước đây là tương đối thứ yếu, thì nay trở thành quan trọng hơn. Sự chuyển hướng này đặc biệt thấy rõ ở châu Á, nay là khu vực hàng đầu trên thế giới về số lượng ứng dụng kỹ thuật số ngày càng tăng.

Ông cũng nói đến sự chuyển hướng liên quan đến tính cấp bách của vấn đề khí hậu...

Thật vậy, đại dịch cũng minh họa cú sốc về khí hậu. Do cuộc khủng hoảng Covid-19 là bệnh zoonose [bệnh truyền nhiễm lây truyền tự nhiên từ động vật sang người, BBT]. Với biến đổi khí hậu, dạng lây nhiễm này đang nhân bội lên: lượng mưa gia tăng và nạn phá rừng đã làm cho động vật hoang dã tiếp cận gần với con người hơn và làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Cảm giác cấp bách đang tăng lên. Nhưng nếu không có người châu Á thì sẽ không thể làm gì được về khí hậu, bởi vì họ tượng trưng cho hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Họ đang bị đe dọa rất nhiều bởi lũ lụt, hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt như ở Ấn Độ. Đồng thời, nếu châu Á có hành động cụ thể, thì điều đó sẽ mang ý nghĩa quyết định trong việc giúp chúng ta thoát khỏi thế bế tắc về khí hậu.

Khía cạnh tài chính của sự chuyển hướng này cũng rất quan trọng, với phương châm “Bằng mọi giá” ở Châu Âu và Hoa Kỳ… Thế còn Châu Á thì sao?

Cú sốc tài chính được thể hiện bằng biện pháp táo bạo vay nợ của các nước phương Tây, với quy mô chưa từng có. Chúng ta không biết điều này sẽ dẫn đến đâu, nhưng sẽ rất khó để thoát ra khỏi vòng xoáy nợ nần này. Thế nhưng, Trung Quốc đã quyết định không thực hiện chính sách nới lỏng định lượng [chính sách tiền tệ theo đó ngân hàng trung ương mua lại một lượng lớn nợ công hoặc các tài sản tài chính khác để bơm tiền vào nền kinh tế, giảm lãi suất và kích thích tăng trưởng, BBT]. Vì vậy, ta có đến hai cách tiếp cận về chính sách tiền tệ: cách thứ nhất là dựa trên nợ và tạo sinh tiền tệ, cách thứ hai là dựa trên các công cụ cổ điển hơn. Đây là một hình thái đứt gãy giữa các phương thức cung cấp tài chính, mà từ nay sẽ chia tách phương Tây với một phần châu Á. Chúng ta không biết cuộc đối đầu giữa các cách tiếp cận này sẽ mang lại kết quả gì trong 5 đến 10 năm nữa. Hơn nữa, Trung Quốc đang khởi động, một cách rất tích cực, việc phát triển một loại tiền kỹ thuật số, mà một trong các mục tiêu là không sử dụng đồng US$ trong các giao dịch quốc tế.

Xin quay lại vấn đề cụ thể hơn về sự mất cân bằng giữa châu Á và phần còn lại của thế giới mà sự chuyển hướng phát sinh từ đại dịch sẽ làm tăng tốc, như ông đã viết. Đó là những gì?

Yếu tố thứ nhất là điều hiển nhiên: sự ứng phó nhanh với đại dịch. Chúng ta có một nhóm các nước Đông Á với nhiều phương pháp [ứng phó đại dịch] khác nhau, tất nhiên, một bên là Trung Quốc rất chuyên quyền và một bên là Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Nhưng tất cả các nước đó đều biết cách ứng phó rất nhanh. Con số tử vong trên đầu người ở các nước đó thấp hơn từ một trăm đến hai trăm lần so với ở phương Tây. Các nước đó đã biết thể hiện sự nhanh nhạy đáng kể khi đối mặt với một sự kiện chưa từng có. Họ, chắc chắn, đã có kinh nghiệm trước đây từ Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và các dạng đại dịch khác. Tuy nhiên, phản ứng của họ cực kỳ nhanh. Ngay từ ngày 31 tháng 12 năm 2019, Đài Loan đã cảnh báo WHO về một trường hợp lây nhiễm đáng lo ngại đang diễn ra ở Vũ Hán, và ngay từ ngày 2 tháng 1, họ đã thiết lập một cơ chế kiểm soát các máy bay đến từ Trung Quốc. Trong khi chúng ta, ở Pháp và châu Âu, chúng ta không hiểu điều gì đang chờ chúng ta cho đến tận cuối tháng 2 năm 2020.

Yếu tố thứ hai là sự thiếu vắng các biện pháp nửa vời. Các nước nói trên đã hành động một cách rất kiên quyết, không có các cuộc tranh luận nội bộ lớn, không giống như ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Điều đó không có nghĩa là người châu Á là những người dễ bảo. Nhưng đó là những nước có nền văn hóa dựa trên giá trị của sự cấp bách và cộng đồng mạnh hơn ở Châu Âu. Nhật Bản là một trường hợp ngoại lệ, vì đã không thực hiện những biện pháp [ứng phó đại dịch] tương tự như các nước khác, vì về mặt pháp lý chính quyền trung ương không thể áp đặt việc phong tỏa – mà đó là quyết định của các chính quyền địa phương. Nhưng Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa dựa trên giá trị của sự giãn cách và thực tiễn ứng phó đại dịch rất mạnh, với thói quen bảo vệ bản thân và người xung quanh.

Yếu tố thứ ba là sự nhanh nhạy trong ứng dụng kỹ thuật số. Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đã triển khai rất nhanh các ứng dụng kỹ thuật số để đối phó với tình hình. Trong ba tuần, một tháng, tất cả các loại ứng dụng đã hội t lại với nhau và giúp người dân biết được nguy cơ lây nhiễm hoặc các ổ lây nhiễm nằm ở đâu để tránh. Tương tự, các xét nghiệm đã được xác lập và nhanh chóng sẵn có cho công chúng. Phản ứng thông qua ứng dụng công nghệ được tiến hành nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều ở Đông Á so với phương Tây. Khi đại dịch nhanh chóng được kiềm chế, thì hậu quả kinh tế thiệt hại ít hơn và công cuộc phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn. Chúng ta đã thấy xu hướng tăng trưởng ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, vào cuối năm 2020, một xu hướng không thấy ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Tất nhiên ngày nay, phần còn lại của thế giới, và đặc biệt là Hoa Kỳ, cũng đang bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Nhưng châu Á đang đi trước một bước, trong đó có sự bùng nổ kỹ thuật số. Họ đã thử nghiệm, trên quy mô lớn, rất nhiều giải pháp – thương mại điện tử, giáo dục từ xa hoặc chăm sóc y tế từ xa – và sẽ tiếp tục đà phát triển này. Việc có ở lại cuộc đua hay không là tùy thuộc vào chúng ta.

Trong số những cú sốc khác của đại dịch, ông nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội, đặc biệt là sự quay trở lại tình trạng nghèo đói cùng cực của người tị nạn và lao động nhập cư ở các nước Nam Á… Hoàn cảnh của họ ra sao?

Theo Ngân hàng Thế giới, 4/5 người châu Á nghèo mới đều ở Nam Á. Khi triển khai các biện pháp phong tỏa, đặc biệt ở Ấn Độ, chính phủ đã ra quyết định một cách độc đoán và không thông báo trước. Vì thế đã gây ra một sự hỗn loạn chung. Những người lao động phi chính thức sống trong các khu ổ chuột ở các thành phố lớn của Ấn Độ và có nguyên quán từ nông thôn, phải tìm đường về làng của họ và bị lây nhiễm lẫn nhau. Điều cần biết là ở Ấn Độ, hơn 70% việc làm đều là phi chính thức. Một sớm một chiều, những người lao động đó bị mất việc và nguồn lực, và sống phụ thuộc vào hàng viện trợ lương thực. Sau khi gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, một số người đã tìm lại được việc làm, nhưng Ấn Độ đã mất một năm nguồn cung việc làm cho 12 triệu thanh niên, vốn tham gia thị trường lao động mỗi năm. Nạn nghèo đói đã tăng vọt, với mức thu nhập trung bình từ lao động bị mất lên đến 17% vào năm 2020, theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Để chống lại tác động xã hội của coronavirus và tạo lập, như ông đã khuyến nghị, một “khế ước xã hội mới”, ý tưởng về một thu nhập phổ quát đang quay trở lại một cách mạnh mẽ. Liệu các nước Châu Á có nghĩ đến điều đó hay không?

Chúng ta nói nhiều đến “thu nhập cơ bản (basic income), một khái niệm gần với khái niệm thu nhập phổ quát (universal income), nhưng chỉ giới hạn cho các nhóm dân cư nghèo nhất. Ngân hàng Thế giới đã thúc đẩy các chương trình chuyển nhượng tài chính có điều kiện trong mười năm qua, ví dụ như ở Philippines, nơi có 25 triệu người được hưởng lợi từ các chương trình này. Đây là khoản trợ cấp với hai điều kiện: con cái phải đi học và gia đình phải đi khám y tế một lần trong năm. Các chương trình này cũng đã được phát triển rộng rãi ở Indonesia. Vì vậy, chúng ta không cách xa lắm với khái niệm thu nhập cơ bản. Một số quan chức Liên hợp quốc cho rằng cần phải tiến xa hơn nữa và triển khai khái niệm thu nhập cơ bản không có điều kiện cho các hộ gia đình nghèo.

Sri Mulyani Indrawati (1962-)

Narendra Modi (1950-)

Ở Ấn Độ, ngay từ năm 2010, bang Madhya Pradesh đã thử nghiệm chính sách thu nhập cơ bản cho nông dân. Vào năm 2016, Bộ Tài chính Ấn Độ đã công bố một báo cáo chi tiết, phân tích các mức chi phí và tác động của một chính sách như thế trên toàn quốc, nhưng [Thủ tướng] Narendra Modi đã không triển khai dự án này. Ở Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, cựu Bộ trưởng Tài chính và sau này là Thống đốc Ngân hàng Trung ương, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thu nhập cơ bản khi nhấn mạnh đến những rủi ro khi phổ cập hóa các công nghệ mới. Trong thời gian bùng phát đại dịch, nhiều quốc gia châu Á, như Ấn Độ và Campuchia, đã chi những khoản tiền tạm thời trực tiếp cho người nghèo của nước họ. Các cuộc tranh luận về khái niệm thu nhập cơ bản vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á khác.

Trung Quốc đã thành công trong việc phục hồi nền kinh tế của họ một cách nhanh chóng sau khi gỡ bỏ phong tỏa vào mùa xuân năm 2020. Nhưng đánh giá sự phục hồi này như thế nào?

Sự phục hồi kinh tế này là có thật và, nghiêm túc mà nói, không thể nghi ngờ điều đó. Ví dụ, các dữ liệu về ngoại thương của Trung Quốc đã được các nước thứ ba xác minh. Điều này cũng đúng đối với giá năng lượng và nguyên liệu thô, mà việc tăng giá đó gắn với sự tăng cầu của Trung Quốc, vào mùa thu năm 2020. Những nghi ngờ về số liệu cũng liên quan đến quy mô của đại dịch ở Trung Quốc. Các con số đó đã được chứng thực ngay từ đầu, nhưng chúng ta đều biết chúng thấp hơn rất nhiều ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nhưng sau đó, chúng đã trở nên đáng tin hơn. Một ví dụ: các công ty dược phẩm Trung Quốc đã phải thực hiện các cuộc xét nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ở nước ngoài, vì ở Trung Quốc không có đủ số người nhiễm bệnh để thực hiện việc đó.

Giải thích chiến lược tăng trưởng mới của Trung Quốc như thế nào? Có vẻ như chính phủ Trung Quốc không còn đặt ra những mục tiêu cụ thể hàng năm...

Lần đầu tiên đã không có những mục tiêu cho năm 2020. Với năm 2021, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra là ít nhất 6% tại phiên họp của quốc hội vào mùa xuân. Chính phủ Trung Quốc tin rằng cần phải đặt ra một mục tiêu định lượng, nhưng ở mức thận trọng, bởi tất cả các định chế quốc tế (IMF, OECD hoặc Ngân hàng Thế giới) đã đưa ra mức tăng trưởng của Trung Quốc là 8% vào năm 2021. Nhưng mục tiêu tăng trưởng này không còn là yếu tố trung tâm để huy động toàn bộ các lực trong nước, đặc biệt là các lực của Đảng Cộng sản. Từ giờ, trọng tâm theo hướng định tính nhiều hơn là định lượng. Trong dự báo của chính phủ cho năm 2035, mức tăng trưởng trung bình ​​của kinh tế Trung Quốc được dự kiến là 4,7% mỗi năm, phản ánh khá rõ mức giảm dần tốc độ tăng trưởng được chính quyền Trung Quốc dự kiến. Khi Trung Quốc muốn chống lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bằng cách đầu tư một cách cuồng nhiệt, họ đã thu được những kết quả khả quan về tăng trưởng, nhưng đã phải trả một cái giá rất đắt về môi trường và nợ của đất nước. Do đó, lần này chính phủ đã thay đổi theo hướng tăng trưởng vừa phải hơn, với mong muốn sẽ mang tính bền vững hơn và tạo ra nợ ít hơn.

Trong số các chiến lược của Trung Quốc để thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế và vươn lên mạnh mẽ hơn về mặt kinh tế, Tập Cận Bình đang thúc đẩy lý thuyết “tuần hoàn kép tập trung mạnh vào thị trường nội địa. Liệu chiến lược này có nguy cơ đưa Trung Quốc tự giam mình trên con đường huyễn hoặc tự cung tự cấp, một kiểu chủ nghĩa phiêu lưu tách rời các thực tế của giao dịch thương mại quốc tế?

Chúng ta có thể tự đặt ra câu hỏi đó, vì nguy cơ chệch đường sẽ xảy ra nếu lý thuyết này được áp dụng theo đúng nghĩa. Nhưng lý thuyết này dựa trên một thực tế: kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 36% GDP vào năm 2006, và chỉ còn chiếm 18% vào năm 2019, giảm đi một nửa. Cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đã làm tăng thêm rủi ro cho triển vọng xuất khẩu của nước này. Ngoài ra, cầu trong nước đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy mười năm: ngày nay đó là động cơ chính của nền kinh tế Trung Quốc. Khi xem xét mối quan hệ với phần còn lại của thế giới, hiện tại, không có bất kỳ chỉ báo nào cho thấy có một sự chệch hướng sang con đường tự cung tự cấp. Năm 2020, Trung Quốc là nước đứng đầu trong việc tiếp nhận nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài với mức kỷ lục là 163 tỷ US$, bỏ xa Hoa Kỳ. Họ đang theo đuổi chính sách tự do hóa các nguồn đầu tư, và vào cuối năm 2020, đã chấp nhận ký kết một thỏa thuận quan trọng với Liên minh châu Âu trong lĩnh vực này. Các nguồn đầu tư tài chính của Mỹ vào Trung Quốc chưa bao giờ nhiều như lúc này. Người Trung Quốc không hề đóng cửa thị trường của họ. Chiến lược của họ phản ánh sự cần thiết dựa vào vectơ chính là cầu trong nước. Nhưng ở giai đoạn này, vấn đề không phải là đóng cửa đất nước để áp dụng chính sách tự cung tự cấp, như Triều Tiên đang làm.

Mặc dù vậy, sức tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc vẫn còn rất xa mới đáp ứng các mục tiêu định hướng lại nền kinh tế của Trung Quốc. Tại sao người Trung Quốc chưa tiêu dùng giống như người Mỹ?

Đây là điểm yếu của giới lãnh đạo Trung Quốc, những người nói nhiều về việc tái tập trung vào thị trường nội địa và tiêu dùng, nhưng không có biện pháp mạnh để làm cho quá trình chuyển đổi này thành công. Họ vẫn ưu tiên cho đầu tư, điều này dễ dàn xếp hơn bằng cách dựa vào các doanh nghiệp nhà nước. Trái với Hoa Kỳ, vốn tập trung vào hai kế hoạch phục hồi kinh tế hàng đầu dựa vào tiêu dùng, Trung Quốc tiến hành việc phục hồi kinh tế thông qua cung, trợ cấp cho các doanh nghiệp, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng tương lai như trí tuệ nhân tạo, các trung tâm kỹ thuật số, 5G hoặc các sản phẩm bán dẫn. Kết quả: tiền vào túi người Trung Quốc ít hơn, khiến sức tiêu dùng bị chậm lại. Do chế độ bảo hiểm xã hội ở mức tương đối hạn chế, nên tỷ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc là 35%, so với 15% ở Pháp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Đó gần như là tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Các quy định hiện hành cũng góp phần gây bất lợi cho các hộ gia đình. Ví dụ, các quy định của Trung Quốc về lãi suất cho vay và đi vay có lợi cho các ngân hàng nhưng lại bất lợi cho người tiết kiệm. Người nông dân Trung Quốc thu được rất ít từ đất đai của họ trong các vụ chính quyền địa phương trưng dụng đất đai rồi đem bán lại với giá rất cao cho các nhà phát triển bất động sản. Có rất nhiều thực tiễn làm chậm đà tăng trưởng thu nhập và tiêu dùng.

Cuộc chiến thương mại và công nghệ Trung-Mỹ đã leo thang song songhoặc vì lý dokhủng hoảng y tế. Đối mặt với sự tách biệt công nghệ do chính phủ Mỹ dưới thời Donald Trump khởi xướng, đặc biệt xung quanh lệnh cấm Huawei liên quan đến mạng 5G, Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này như thế nào, vốn phụ thuộc nhiều vào các chip điện tử được sản xuất ở nước ngoài?

Về các sản phẩm bán dẫn, điều này sẽ rất khó vì Trung Quốc chỉ sản xuất 16% các sản phẩm mà họ tiêu thụ và phụ thuộc 84% vào phần còn lại của thế giới. SMIC, công ty dẫn đầu về chip điện tử của Trung Quốc, tụt hậu về công nghệ từ 4 đến 5 năm so với công ty TSMC của Đài Loan. Sự tụt hậu này sẽ không thể được khắc phục trong một sớm một chiều. Trung Quốc không sản xuất các thiết bị then chốt để chế tạo các sản phẩm bán dẫn. Đặc biệt là thiết bị ghi khắc có độ chính xác rất cao để chế tạo những chip điện tử hiệu quả nhất, đều được công ty ASML của Hà Lan sản xuất. Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều, họ tuyển các kỹ sư từ Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước khác, nhưng họ sẽ vẫn trải qua nhiều năm tháng khó khăn. Cuộc chiến công nghệ này sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt.

Mặt khác, liệu việc Hoa Kỳ muốn tách khỏi Trung Quốc có thực tế hay không?

Đó cũng là một cái giá rất đắt đối với người Mỹ. Một báo cáo gần đây của AmCham, Phòng Thương mại của Mỹ ở Trung Quốc, đã phân tích cái giá phải trả của việc tách khỏi Trung Quốc: hàng trăm tỷ US$ thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ về giao dịch thương mại, trao đổi nhân lực và các nguồn đầu tư. Ví dụ, hãy nhớ rằng Hoa Kỳ đang có 370.000 sinh viên Trung Quốc trên đất nước họ, điều này mang lại 14 tỷ US$ cho các trường đại học Mỹ. Theo AmCham, khoản thu nhập này có thể bị giảm một nửa. Ngoài ra, các khoản tiền bản quyền liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đến từ Trung Quốc cũng rất đáng kể. Đây không phải là một trò chơi mà Hoa Kỳ tất yếu sẽ thắng. Trong mọi trường hợp, điều đó sẽ gây tốn kém cho cả hai nước và cho cả các nước khác: những rào cản mà Hoa Kỳ đã triển khai trong việc tái xuất các linh kiện của Mỹ sang Trung Quốc đang ảnh hưởng đặc biệt đến Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Do các chi phí tiềm ẩn tăng cao đó, nên sẽ phải tính đến việc lựa chọn có chọn lọc [những sản phẩm bị cấm]. Ví dụ, trong lĩnh vực hàng không, Mỹ chiếm 45% thị phần ở Trung Quốc: việc ngừng xuất khẩu sang nước này sẽ là một cái giá cực kỳ rất đắt đối với ngành hàng không của Mỹ. Đó không phải là một lựa chọn được xem xét.

Trong thế giới đang chuyển hướng vì đại dịch này, vị thế của Châu Âu ở đâu giữa Washington và Bắc Kinh?

Tự thân châu Âu cũng đã có những thất vọng riêng của họ với Trung Quốc. Đặc biệt, việc ngành công nghiệp nặng Trung Quốc bán phá giá trên thị trường châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành luyện thép và sản xuất hóa chất của chúng ta. Một số thương vụ người Trung Quốc mua lại các công ty châu Âu trong các lĩnh vực chiến lược đã bị chất vấn. Trung Quốc là đối thủ chiến lược của châu Âu, nhưng chúng ta đối đầu trực diện ít hơn trong lĩnh vực công nghệ cao. Vả lại, Châu Âu thành công nhiều hơn ở Trung Quốc so với Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của châu Âu cao gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang thị trường Trung Quốc. Và các sản phẩm xuất khẩu cũng đa dạng hơn: khi người Mỹ tập trung vào ngành công nghệ cao và hàng không, thì người châu Âu cũng bán các máy công cụ, ô tô, hóa chất, hàng tiêu dùng. Châu Âu thậm chí còn xuất khẩu sản phẩm trong lĩnh vực y tế: trái với ý kiến của nhiều người, lượng dược phẩm của chúng ta xuất sang Trung Quốc lớn gấp 20 lần lượng dược phẩm của Trung Quốc xuất sang châu Âu.

Người châu Âu cần phát triển các nguồn đầu tư vào Trung Quốc, vốn phải hứng chịu nhiều rào cản, điều này biện minh cho thỏa thuận được ký kết vào cuối năm 2020. Để phát triển trên thị trường Trung Quốc, thì phải có mặt ở đó. Việc đàm phán thỏa thuận này đã tốn nhiều công sức và kéo dài trong bảy năm. Việc chờ đợi người Mỹ, như Biden mong muốn, sẽ đồng nghĩa với việc hoãn lại các cuộc đàm phán một lần nữa trong một thời gian không xác định, trong khi trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu, các lợi ích của châu Âu không trùng lặp với các lợi ích của Hoa Kỳ. Dự thảo thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc này hoàn toàn phù hợp với logic “tự chủ chiến lược” mà Liên minh châu Âu đang tìm kiếm.

Tuy nhiên, hiện tại phải chăng có vấn đề thời gian biểu để Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định này, trong khi các quan hệ đối kháng giữa phương Tây và Trung Quốc đang gia tăng?

Raphaël Glucksmann (1979-)

Thật vậy, mối quan hệ với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất, xuất hiện cùng với các lệnh trừng phạt lẫn nhau vừa được thực hiện liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, các lệnh trừng phạt liên quan đến một số nghị sĩ châu Âu, chẳng hạn như Raphaël Glucksmann. Dự kiến ​​sẽ có các cuộc tranh luận về nội dung của thỏa thuận. Các điều khoản liên quan đến quyền con người – ví dụ như lao động cưỡng bức và việc phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – còn yếu. Một phần các cam kết của Trung Quốc về việc từ bỏ việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức và về tính minh bạch của việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng cần phải được xác minh theo thời gian. Việc của Nghị viện châu Âu phải phê chuẩn [thỏa thuận] vào đầu năm 2022, khi Pháp nắm ghế chủ tịch Nghị viện, một vài tháng hoặc một vài tuần trước các cuộc bầu cử ở Pháp. Điều đó đủ để nói rằng mọi thứ sẽ mang tính chính trị rất cao, với một kết quả mang tính bất định rất cao, nếu từ giờ đến đó Trung Quốc không cho thấy bất kỳ thiện chí nào.

Qua thách thức này, câu hỏi cơ bản được đặt ra là liệu chúng ta có khả năng phân biệt các mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc hay không, giữa các lĩnh vực đối đầu – nhân quyền và bất đồng địa chính trị – nơi chúng ta nhích gần với người Mỹ, các lĩnh vực cạnh tranh, nơi lợi ích của chúng ta khác với lợi ích của Mỹ, và các lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc như y tế và khí hậu nói riêng. Về vấn đề [biến đổi] khí hậu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu của Trung Quốc chiếm một phần ba. Chúng ta phải làm việc với Trung Quốc. Ngay cả người Mỹ cũng nghĩ về điều đó: Joe Biden muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, mà Tập Cận Bình có thể tham gia. Trong lĩnh vực y tế, chúng ta cần người Trung Quốc để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 và tiêm ngừa vắc-xin cho toàn thế giới. Trung Quốc cũng đang tham gia sáng kiến ​​COVAX của WHO ủng hộ các nước đang phát triển đồng thời theo đuổi chính sách ngoại giao vắc xin song phương của họ.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, vị thế của các nước trong khu vực đang ở thế kẹt với “cuộc chiến tranh lạnh mới” Trung-Mỹ. Ông viết rằng họ không muốn chọn đứng hẳn về một bên. Ai hưởng lợi từ cuộc đối đầu này trong khu vực? Liệu Trung Quốc có khả năng để áp đặt nhiều hơn các tham vọng của họ lên các nước châu Á?

Tình hình chưa thể giải quyết dứt điểm. Không có khối châu Á nào đứng sau Trung Quốc. Lấy ví dụ về Huawei: gã khổng lồ Trung Quốc từng bị loại khỏi thị trường của Mỹ và châu Âu, nhưng điều đó cũng không đạt được sự nhất trí ở châu Á. Cả Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Indonesia đều chưa chọn Huawei để triển khai mạng 5G vào thời điểm này. Người châu Á không hình thành một khối duy nhất để theo Trung Quốc và chọn nước đi rất thận trọng. Họ có cùng logic về quyền tự chủ chiến lược như châu Âu và họ tạo dựng các liên minh trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, theo thứ tự các ưu tiên của họ. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn ở thế đơn độc, ngay cả khi họ kiểm soát một số nước chư hầu như Lào hay Campuchia – cũng có thể là Miến Điện – hiện đang trong tình thế lệ thuộc mạnh. Bắc Kinh cũng có một vài đồng minh truyền thống như Pakistan. Nhưng người Trung Quốc chủ yếu vẫn tuân theo một logic đơn độc về quyền bá chủ, thừa hưởng từ Đế chế Trung Hoa.

Một tham vọng khổng lồ khác của Trung Quốc của Tập Cận Bình, dự án “Con đường tơ lụa mới dường như đã lãnh đủ cú sốc đại dịch. Hiện giờ dự án đó ra sao? Tương lai của nó như thế nào?

Đã có một số dấu hiệu mệt mỏi của sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” trước khi bùng phát virus corona, ngay từ năm 2019. Người Trung Quốc đã triển khai rất nhiều dự án và bắt đầu khoanh vùng những rủi ro nợ quá mức đối với các nước có liên quan, cũng như những khó khăn trong việc thực hiện một số dự án. Đã có một cuộc tranh luận nội bộ ở Trung Quốc về chủ đề này. Đại dịch đã góp phần tăng thêm một lớp dày bất ổn khác. Đã có rất nhiều dự án bị tạm hoãn hoặc bị hủy bỏ. Một số quốc gia như Pakistan, vốn có vấn đề nợ nghiêm trọng, thì nay càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng. Khả năng họ theo đuổi các dự án lớn do Trung Quốc khởi xướng là rất hạn chế. Trung Quốc cũng đang đối mặt với yêu cầu giãn nợ của một số nước châu Phi. Họ sẽ thực hiện một cuộc đánh giá tổng thể các dự án của họ và tập trung lại theo thứ tự các ưu tiên của họ. Vẫn còn hai lĩnh vực mà Trung Quốc luôn ở thế tấn công: vắc xin và hệ thống chăm sóc y tế, cũng như các “con đường tơ lụa kỹ thuật số”, những lãnh vực mà Trung Quốc đang cố áp đặt dần các chuẩn mực của riêng họ. Ngược lại, Trung Quốc đang ở thế thủ liên quan đến khía cạnh năng lượng của các “con đường tơ lụa”, lãnh vực mà 90% các nguồn đầu tư của Trung Quốc liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Nhìn chung, sáng kiến Con đường tơ lụa mới đã hứng chịu một cú sốc, nhưng vẫn là một trong những trục mạnh trong chiến lược quốc tế hóa của Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn do Joris Zylberman thực hiện

ĐỌC THÊM

Hubert Testard, Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới], NXB Éditions de l'Aube, 2021.

Bìa cuốn sách, “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, của tcgia Hubert Testard, NXB Éditions de l'Aube, 2021. (Nguồn: Éditions de l'Aube)

Giới thiệu tác giả

Joris Zylberman

Joris Zylberman

Joris Zylberman là Giám đốc xuất bản và Tổng biên tập của Asialyst. Là cựu phóng viên ở Bắc Kinh và Thượng Hải cho các đài RFI và France 24, đồng sáng lập công ty sản xuất phim Actuasia, ông đã viết, chỉ đạo và sản xuất các bài phóng sự về Trung Quốc trong 9 năm. Ông là đồng tác giả cuốn Nouveaux Communistes chinois [Những người Cộng sản Trung Quốc mới] (Armand Colin, 2012) và là nhà đồng đạo diễn bộ phim tài liệu “La Chine et nous: 50 ans de passion [Trung Quốc và chúng ta: 50 năm đam mê]” (France 3, 2013).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Livre: “Pandémie, le basculement du monde” d'Hubert Testard ou l'accélération des déséquilibres avec l'Asie, Asialyst, ngày 10/04/2021.

Print Friendly and PDF