Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Sang trang quan hệ với châu Phi: Thách thức nan giải với Pháp

Hạn hán trầm trọng tại Pháp, nước Pháp đón tiếp lâu dài hơn 100 nghìn người tị nạn Ukraina, Paris khởi động cuộc đua xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới là các chủ đề thời sự trong nước nổi bật của các báo Pháp số ra đầu tháng 3/2023. Về thời sự châu Âu, Liên Âu và Anh Quốc sưởi ấm lại quan hệ sau giai đoạn ly dị Brexit là chủ đề hàng đầu.

Ảnh minh họa : Thượng đỉnh châu Phi - Pháp năm 2017 tại Bamako, Mali.
Ảnh minh họa : Thượng đỉnh châu Phi - Pháp năm 2017 tại Bamako, Mali. © REUTERS/Luc Gnago
Quảng cáo

Paris muốn sang trang quan hệ với châu Phi, Pháp đồng chủ trì thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về bảo vệ rừng nhiệt đới tại Gabon, là chủ đề chính của nhiều báo. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tít trang nhất ‘‘Macron muốn dàn hòa nước Pháp với châu Phi’’.Tổng thống Emmanuel Macron có chuyến công du 4 ngày tại 4 quốc gia Trung Phi, bao gồm Gabon, Angola, Cộng Hòa Congo và Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Le Figaro cho biết ngay trên trang nhất : ‘‘hình ảnh và và ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi không ngừng suy yếu. Vị thế truyền thống của Pháp bị đẩy lùi do sức mạnh gia tăng của Trung Quốc và Nga, cũng như cạnh tranh của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ’’. Tại châu Phi, ‘‘tâm lý chống Pháp gia tăng’’ do các đối thủ cạnh tranh, và đặc biệt là Nga.

Theo Le Figaro, chuyến đi của tổng thống Pháp có mục tiêu ‘‘xác định lại khuôn khổ cho quan hệ’’ giữa hai bên, với kỳ vọng để nước Pháp tiếp tục là một ‘‘đối tác hàng đầu’’ của châu Phi. Tuy nhiên, việc xác lập được một ‘‘khuôn khổ’’ mới là điều rất nan giải.

Những điều khó nói trong quan hệ Pháp – châu Phi

Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý vạch ra những điều ít được nói ra trong quan hệ Pháp – châu Phi. Bài ‘‘Ưu tiên không được nói ra của điện Elysée : chống lại tâm lý bài Pháp và sức mạnh gia tăng của công ty Nga Wagner’’ nhấn mạnh trước hết đến phát biểu của tổng thống Pháp tại Paris trước vòng công du châu Phi. Phát biểu cho thấy ông Macron thừa nhận là tiến trình cải thiện quan hệ đã ‘‘không được như mong muốn’’, sau tuyên bố đầu tiên của ông hướng đến sang trang quan hệ Pháp – châu Phi, đã sáu năm về trước. 

Theo Le Figaro, những đề xuất của tổng thống Macron trong việc ‘‘tổ chức lại’’ các căn cứ quân sự Pháp tại châu Phi, biến thành học viện hay các căn cứ đồng quản lý với quân đội của quốc gia sở tại, không có gì thật là mới mẻ, và có nguy cơ được nhìn nhận như một ‘‘biện pháp nửa vời’’. Tương tự như cuộc cải cách đồng franc châu Phi (Franc CFA), được tuyên bố rầm rộ vào năm 2018, cũng đang gây thất vọng.

Đối với nhật báo thiên hữu, việc tổng thống Macron chọn khởi đầu chuyến công du, với hai quốc gia Gabon và Cộng Hòa Congo khó có thể cho thấy ‘‘một chính sách mới’’ từ Paris. Gabon và CH Congo là nơi giới lãnh đạo hiện được bầu lên qua các cuộc bỏ phiếu ‘‘với rất nhiều bất thường’’, và được coi là những người tiếp tục đường lối lệ thuộc vào nước Pháp (‘‘Francafrique’’) (theo điều tra năm 2021 của Economist Intelligence Unit, thuộc tập đoàn truyền thông The Economist, Gabon thuộc nhóm nước độc tài, xếp hạng thứ 28 ở châu Phi về ''chỉ số dân chủ'' (Democracy Index), tuy nhiên riêng trong khu vực tiểu vùng Trung Phi, Gabon lại đứng hàng đầu về "chỉ số dân chủ"). 

Trước hết để ngăn ảnh hưởng Nga

Mục tiêu trước hết của tổng thống Pháp trong chuyến đi này là ‘‘ngăn chặn’’ ảnh hưởng của Nga, theo nhận định của nhà nghiên cứu Roland Marchal, Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Chuyên gia về châu Phi, ông Thierry Vircoulon, Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế IFRI, ghi nhận tổng thống Macron đã trở lại với chính sách truyền thống, sau khi đã từng hứa thiết lập một chính sách mới.

Le Monde cũng cùng ghi nhận về các thách thức với tổng thống Pháp trong lần công du châu Phi thứ 18 của ông. Cũng như Le Figaro, Le Monde nhấn mạnh đến tính chất độc tài của hai chính quyền Gabon và Cộng Hòa Congo, hai điểm đến đầu tiên của tổng thống Pháp.  Kết thúc bài viết về hồ sơ này, Le Monde dẫn lại phát biểu của chính tổng thống Pháp, thừa nhận nỗ lực sang trang quan hệ với châu Phi chỉ mới được ‘‘nửa đường’’ và ‘‘những đường nét của tương lai chung (Pháp – châu Phi) vẫn còn chưa thuyết phục’’.

‘‘Lá phổi rừng Congo’’, phao cứu nạn của thế giới

Tuy nhiên, chuyến công du của tổng thống Macron không chỉ có mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, và xây dựng lại hình ảnh nước Pháp. Khí hậu, môi trường là hồ sơ cấp bách hàng đầu khác. Ngày mai, 02/03, tại Gabon, ông Macron sẽ đồng chủ trì thượng đỉnh One Forest Summit (diễn ra trong hai ngày), có mục tiêu bảo vệ vùng đại ngàn Congo.

Rừng Congo được coi là một trong ba lá phổi của hành tinh, cùng với rừng Amazon (Nam Mỹ) và rừng châu Á (chủ yếu tại Indonesia). Rừng Congo có diện tích gần 3 triệu km², trải rộng trên lãnh thổ của 6 quốc gia châu Phi. Gọi là ba lá phổi của hành tinh, nhưng thực ra mỗi lá phổi hoạt động một cách khác nhau.

Theo tổ chức tư vấn Mỹ WRI, ‘‘lá phổi rừng Congo’’ hoạt động tốt nhất, hấp thu được tổng cộng 610 triệu tấn CO2 toàn cầu hàng năm, nhiều hơn rừng Amazon (110 triệu tấn). Trong khi đó rừng châu Á thay vì hấp thu khí thải, lại phát thải đến hàng trăm triệu tấn CO2. Rừng Congo châu Phi giờ đang trở thành phao cứu nạn của thế giới (nhìn chung, rừng đóng góp tới 20% cho việc chống biến đổi khí hậu).

Hội nghị về rừng ở Gabon: Pháp thúc đẩy cơ chế đầu tư cho rừng đổi quyền phát thải

Nhân dịp này, Le Figaro có bài phỏng vấn bộ trưởng Môi Trường Gabon Lee White, với tựa đề ‘‘Chống nạn phá rừng là phương cách ít tốn kém nhất để chống lại biến đổi khí hậu’’. Bộ trưởng Môi Trường Gabon ca ngợi vai trò đặc biệt của Gabon, đất nước với khoảng 88% diện tích là rừng. Bộ trưởng Môi Trường Gabon nói rõ là chỉ riêng rừng ở Gabon hấp thu được lượng khí thải ‘‘tương đương một phần ba tổng lượng khí thải của nước Pháp’’.

Trong một bài viết khác, Le Figaro cũng nhấn mạnh là, cho đến nay, Gabon đòi hỏi việc bồi hoàn công bằng về đóng góp của rừng cho khí hậu, và bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng chưa thành công. Trước thềm thượng đỉnh, chính quyền Pháp đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư lớn mua tín chỉ phát thải của nhà nước Gabon, với giá 30 đôla/ tấn CO2 theo cơ chế đánh đổi lượng khí phát thải với đầu tư tài chính cho rừng.

Cần đầu tư mạnh trực tiếp cho rừng thay vì cơ chế ‘‘đánh đổi quyền phát thải’’

Ngược hẳn lại với quan điểm của chính quyền Gabon và chính quyền Pháp, Le Figaro nêu bật thái độ bất bình cao độ của giới bảo vệ môi trường, khi dẫn lời ông Klervi Le Guenic, tổ chức phi chính phủ Canopée, khẳng định không nên chờ đợi gì ở Thượng đỉnh này, và cơ chế đền bù khí thải là một giải pháp sai lầm.

Bởi thay vì nỗ lực đầu tư khẩn cấp ngăn chặn nạn phá rừng, người ta đã để kéo dài lê thê việc thiết lập cơ chế đền bù như trên. Chuyên gia Sébastien Treyer (Viện Iddri Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế) không đề cao cơ chế đầu tư cho rừng đổi quyền phát thải, mà nhấn mạnh đến mệnh lệnh đầu tư mạnh hơn gấp bội trực tiếp cho rừng, để cứu vãn tương lai nhân loại. Chuyên gia Sébastien Treyer cũng đề cao việc gắn liền việc liên kết giữa tài trợ bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ rừng để hấp thu khí thải, mới xuất hiện trong những tháng gần đây, kể từ hội nghị về đa dạng sinh học COP15 tại Montreal, với thỏa thuận lịch sử, bảo vệ 30% diện tích trên đất liền và đại dương toàn cầu, để bảo vệ đa dạng sinh học.

Nạn dò rỉ dầu khí: Gabon không hề là mẫu mực về môi trường

 Về chủ đề thượng đỉnh bảo vệ rừng nhiệt đới tổ chức tại Gabon, nhật báo Libération có bài nêu bật quan điểm của các nhà hoạt động địa phương. Trái ngược với tuyên bố đầy lạc quan của tổng thống Gabon, về triển vọng rừng Gabon trở thành một ‘‘mô hình phát triển sinh thái mới’’, nhiều nhà hoạt động môi trường tố cáo Gabon cũng là quốc gia phát thải lớn. Lãnh đạo đất nước Gabon là gia tộc Bongo, cầm quyền liên tục từ năm 1967, làm giàu nhờ dầu khí. 80% thu nhập của Gabon là từ dầu khí, chiếm 45% GDP. Nạn dò rỉ các đường ống dầu khí và đặc biệt là việc đốt khí trong quá trình khai thác. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2021, Gabon đã đốt cháy gần 1,4 tỷ mét khối khí đốt. Hơn 17 triệu hecta rừng Gabon đã bị khai thác quá mức.

Tóm lại, theo Libération, Gabon không hề là một quốc gia mẫu mực trong lĩnh vực môi trường, như việc lãnh đạo nước này thường được nhiệt liệt ca ngợi như người hùng tại các hội nghị khí hậu quốc tế. Nhật báo thiên tả cũng tỏ ra hoài nghi về việc các chỉ trích, phê phán bởi giới chuyên gia quốc tế, các nhà hoạt động sẽ được đề cập trong hai ngày hội nghị về rừng nhiệt đới ở Gabon.

Hạn hán Pháp: Các địa phương cần ‘‘không run tay’’ khi siết sử dụng nước

Khí thải tiếp tục gia tăng khiến nhiệt độ Trái đất tiếp tục gia tăng, tình trạng hạn hán ở nhiều nơi trở thành phổ biến và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Chủ đề của Libération hôm nay là hạn hán, hạn hán ngay trong mùa đông. ‘‘Siết chặt việc sử dụng nước : Mùa đông nước cạn’’ là tít lớn trang nhất của Libération. Tình hình hiện tại buộc chính phủ Pháp phải ‘‘chuẩn bị công luận làm quen với việc giảm mạnh dùng nước, để giảm bớt mức độ thiếu nước trong mùa hè sắp tới’’.

Xã luận Libération với tựa đề ‘‘Nguồn lực’’ nhấn mạnh đến tình hình chưa từng có, với dự báo là mùa hè 2023 này sẽ có đáng sợ hơn nhiều so với mùa hè năm ngoái, đã phá kỷ lục về hạn hán, cùng với các đợt nóng liên tục, và các trận cháy rừng lớn. Tình hình không hể khả quan, bởi, trong 6 tháng vừa qua, lượng nước mưa sụt giảm 15% so với thường lệ.

Hạn hán: Cần chủ động thay đổi lối sống, lối tiêu thụ, cách sản xuất

Libération chú ý đến phát biểu của bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái, khi yêu cầu lãnh đạo các địa phương ‘‘đừng run tay’’ khi đưa ra các quyết định siết chặt về nước. Nhật báo thiên tả bình luận, chỉ thị ‘‘đừng run tay’’ nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Thách thức lớn với các lãnh đạo địa phương là phải có được các quyết định ‘‘công bằng’’ giữa các bên, giữa người dân với các ngành công nghiệp, và đặc biệt là ngành nông nghiệp. Libération chỉ thẳng thách thức với nhiều lãnh đạo địa phương, sẽ ‘‘khó mà không run tay’’ khi đối diện với áp lực của các nhóm lobby của liên đoàn nông nghiệp hùng mạnh FNSEA.

Libération cũng nêu bật một thách thức lớn liên quan, đó là thay vì bị động chờ đối phó trong tình trạng khẩn cấp với hạn hán, cháy rừng, buộc phải đưa ra các quyết định ngày càng khó khăn hơn trong việc siết chặt dùng nước, cần phải thích nghi lối sống, lối tiêu thụ, sản xuất  công nghiệp và nông nghiệp với ‘‘cuộc chiến về nước’’, giờ không còn là một viễn cảnh xa xôi, mà là thực tế nhãn tiền.

Pháp cần nỗ lực đón tiếp dân tị nạn Ukraina lâu dài

Thách thức đáp ứng được sứ mạng bảo đảm tiếp đón hơn trăm nghìn người tị nạn Ukraina là chủ đề xã luận La Croix. Bài ‘‘Cần một nỗ lực kéo dài’’ cho biết nước Pháp hiện đón hơn 115 nghìn người, đa số là trẻ em và phụ nữ. Pháp đã chi hơn 600 triệu euro trong năm ngoái cho người tị nạn. La Croix cảnh báo Pháp cần gia tăng chuẩn bị để hỗ trợ thêm nhiều vợ con binh sĩ Ukraina, đang chiến đấu chống xâm lược Nga.

Chính phủ Anh muốn vượt qua ‘‘giai đoạn Brexit chua cay’’

Anh Quốc và Liên Âu siết lại quan hệ sau giai đoạn Brexit căng thẳng là chủ đề chính trang nhất Le Monde. Le Monde đăng hình ảnh thủ tướng Anh Rishi Sunak và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen siết tay nhau tại lâu đài Windsor, Anh Quốc, hôm 27/02. Cuộc hội kiến diễn ra với việc Liên Âu và Anh Quốc đạt thỏa thuận về vùng Bắc Ireland, thuộc Anh, chủ đề đầu độc quan hệ song phương từ ba năm nay, sau cuộc ly dị khó khăn giữa Luân Đôn và Bruxelles.

Xã luận Le Monde với tựa đề ‘‘Thoát ra khỏi cảm giác chua cay Brexit’’, cho biết thủ tướng Anh Sunak đã có một nỗ lực khác thường khi thoát ra khỏi các hành xử lâu nay của đa số các thủ tướng Anh, khi thường nhấn mạnh nhiều đến thái độ nghi ngại với Liên Âu để làm vừa lòng cử tri. Việc thủ tướng Sunak tổ chức long trọng việc ký kết thỏa thuận về vùng Bắc Ireland cho thấy chính phủ Anh quyết định sang trang với giai đoạn Brexit đầy cay đắng.

Trên thực tế, chính phủ Anh cũng khó làm khác bởi giờ đây gió đang xoay chiều, dân Anh giờ đây đa số đã nuối tiếc về quyết định rời khỏi Liên Âu. Tuy nhiên, theo Le Monde, thách thức với thủ tướng Sunak lại chính là các đối thủ trong nội bộ. Cụ thể là khi đoạt tuyệt với giáo điều chống phương Tây của đảng bảo thủ cầm quyền, đã làm suy yếu nước Anh, đương kim thủ tướng sẽ còn phải ''thuyết phục được'' phe cực đoan Bắc Ireland, và các phần tử cứng rắn trong đảng, và nhất là cựu thủ tướng Boris Johnson, hiện đang ''phục kích chờ thời''.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.