Sau 40 năm, những đúc kết xương máu vẫn còn nóng hổi

13/07/2020 - 07:46

PNO - Hơn 40 năm sau những đúc kết xương máu ấy, vẫn còn đấy những trả giá cho sai lầm, khinh suất. Mọi bài học đều cần cho một cuộc thức tỉnh, để vùng đất này, thành phố này tiếp tục sứ mệnh của mình.

Đợt nắng nóng, hạn hán như muốn thiêu đốt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tôi ghé thăm nhà người thân ở quận 9, ngày lẫn đêm, karaoke sướt mướt, gào thét; mấy dãy nhà trọ giá rẻ nhanh chóng mọc lên, đón làn sóng đói kém do thất nghiệp từ đồng bằng đổ về. Ai thuê gì làm nấy, cũng kiếm được bữa cơm, dư chút đỉnh còn… nhậu, rảnh ra là ca hát vang trời. 

Đợt COVID-19 càn quét, ngay con hẻm nhà tôi, lớp trả phòng về quê trốn dịch, lớp ở lại thì tìm cách ghép phòng ở chung, giảm tối đa chi phí tiền thuê nhà, có mặt tức thời trong đội xe ship hàng thời giãn cách xã hội. Trái với khuôn mặt phố quận 1 vốn sầm uất nay im lìm đóng cửa, ở con hẻm của quận vùng ven này (quận Gò Vấp), hàng quán mọc lên tới tấp. Xe cộ lấn chiếm. Độ an toàn, yên ắng của con hẻm biến mất. Hàng xóm nhìn nhau ái ngại nhưng không nỡ trách, thì cũng đành mưu sinh cả...

Ở một lát cắt rất mỏng ấy, ở một góc nhìn rất hẹp ấy, mảnh đất Sài Gòn này, cái thành phố “ngã ba đường” này tự thân nó đã sinh ra và nuôi dưỡng một sức sống mãi lực. Con người thành phố, bất kể từ đâu đến nhưng một khi đã đến và lưu trú, rồi thường trú ở đây, họ đều sống dễ (với tha nhân) và dễ sống (với chính mình).

Họ, chứ không phải bất cứ điều gì xa vời, lớn lao hơn chính là tài nguyên của vùng đất mở này, là nguồn lực mạnh mẽ, bền bỉ khai phóng, phát triển và ổn định sức sống của thành phố.

Sáu tháng chìm trong đại dịch COVID-19, TPHCM vẫn thu ngân sách đạt 40% dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 43% kế hoạch năm, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái...
Mảnh đất Sài Gòn này, cái thành phố “ngã ba đường” này tự thân nó đã sinh ra và nuôi dưỡng một sức sống mãi lực...

Bộ máy nhà nước với chức năng quản lý, điều hành, kiểm soát theo quy định, thể chế, pháp luật nếu không khơi dậy, thúc đẩy và phát triển cái vỉa ngầm khổng lồ ấy thì cố gắng giữ lấy sự ổn định tự thân đã là thành công và gặt lấy hiệu quả. 

Và rõ ràng, đặt trong bức tranh tổng thể của 45 năm qua, cho đến giai đoạn 2017-2020, khi tỷ lệ ngân sách được giữ lại chỉ còn 18% thì thành phố này vẫn duy trì, thậm chí còn vượt cả chỉ tiêu được giao. Trong nguồn lực để làm nên 82% đóng góp vào ngân sách quốc gia ấy, chính là sức lao động không ngưng nghỉ, không mệt mỏi, không đầu hàng (mọi nghịch cảnh) của người dân thành phố, trong đó có lãnh đạo và bộ máy chính quyền thành phố. 

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây gần 40 năm, vào ngày 8/11/1983, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ III, Tổng bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Do vị trí và đặc điểm của thành phố, mỗi thành công, thắng lợi ở đây đem lại ảnh hưởng tốt cho cả nước; ngược lại, mỗi sai lầm, hư hỏng ở đây cũng tác động tiêu cực đến cả nước. Phải có quan điểm toàn cục để xác định trách nhiệm rõ ràng khi thực hiện phân công, phân cấp, hợp tác, hợp đồng giữa các ngành trung ương với thành phố và giữa thành phố với các tỉnh khác”. 

Mệnh lệnh từ trái tim TPHCM “vì cả nước, cùng cả nước” cũng ra đời từ đại hội này. 

Ngày 11/7, tôi dõi theo phiên chất vấn, bế mạc kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố. Sáu tháng chìm trong đại dịch, thành phố vẫn thu ngân sách đạt 40% dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 43% kế hoạch năm, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái... Những chất vấn, thảo luận để đi đến giải pháp đồng bộ trong việc khôi phục, kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tốt nhất, an toàn nhất. 

Trưa 11/7, “bên lề” của phiên họp này, lệnh khởi tố một phó chủ tịch UBND thành phố và 4 cán bộ đương nhiệm được ban ra. 

Hẳn nhiên, không lạ khi đó là diễn biến mới nhất trong một vụ án đã được khởi tố, những “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đã được cơ quan điều tra xác định. Nhưng, nói như người đứng đầu Đảng bộ thành phố, vẫn không tránh khỏi nỗi “đau xót” của một sự trả giá cho những sai lầm từ tham mưu, đề xuất đến phê duyệt. 

Khi nhìn lại việc quản lý thành phố giai đoạn 1976-1979, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TPHCM giai đoạn ấy đã trực diện đi vào “cái vi phạm đầu tiên của chúng ta là đã không đủ bình tĩnh để nhìn thành phố một khi được giải phóng hiển nhiên trở thành tài sản của chính chế độ ta”... “Cái vi phạm thứ hai là chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế - xã hội của thành phố, qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định”. 

Một khi đã là “tài sản của chính chế độ ta”, với một sức sống mãi lực tự thân như đã nói thì liệu, trong năng lực và trách nhiệm điều hành, quản lý, kiểm soát nói chung, với nguồn đất đai vốn sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện quản lý nói riêng, cụ thể là dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, những người có trách nhiệm đã “biết giữ gìn, chăm sóc như giữ gìn, chăm sóc máu thịt của mình” hay chưa, hoặc “đưa lối quản lý hành chính thay cho quản lý kinh tế” (Nguyễn Văn Linh), dẫn tới những lãng phí, thất thoát, sai phạm. 

Hơn 40 năm sau những đúc kết xương máu ấy, vẫn còn đấy những trả giá cho sai lầm, khinh suất. Nhưng mọi bài học đều cần cho một cuộc thức tỉnh, để vùng đất này, thành phố này vốn khởi đầu là một trạm thu thuế được vua Chey Chettha II cho phép người Việt thiết lập, nay tiếp tục “sứ mệnh” của mình, ít nhất là với con số 82%... 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI